TCCS - Những năm gần đây, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Hải Dương tích cực, chủ động đưa ra giải pháp, tham mưu, phối hợp với các cấp, các ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng cường phát triển và giới thiệu cho Đảng những đoàn viên ưu tú ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trong tỉnh.

Đòi hỏi bức xúc từ thực tiễn…

Hải Dương nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, có vị trí địa lý và nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, nhất là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có trên 57 vạn thanh niên trong độ tuổi (15 - 35), chiếm 32% số dân và trên 55% lực lượng lao động xã hội. Nhìn chung, tình hình thanh niên ổn định, đại đa số đoàn viên thanh niên tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo, phấn khởi trước những thành tựu của sự nghiệp đổi mới.

Hải Dương có 10 khu, 33 cụm công nghiệp. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế dẫn tới sự chuyển dịch cơ cấu lao động, số lượng công nhân lao động, đặc biệt là lao động thanh niên ngày càng tăng. Dự báo trong những năm tới, tình hình thanh niên Hải Dương tiếp tục có nhiều biến đổi sâu sắc, thanh niên tiếp tục chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu lao động xã hội, cơ cấu thanh niên trong các khu vực ngành nghề, có sự biến đổi theo hướng tăng nhanh ở các ngành công nghiệp, chế xuất, xây dựng và dịch vụ, giảm nhanh ở các ngành nông nghiệp. Ngày càng có nhiều thanh niên nông thôn đến làm việc ở các khu công nghiệp và các doanh nghiệp, tạo nên một đội ngũ thanh niên công nhân đông đảo. Cơ cấu dân số là thanh niên ở đô thị và các khu dân cư tập trung vì thế cũng tăng nhanh. Những thay đổi về cơ cấu lao động, kinh tế trên đã tập trung được lực lượng đoàn viên, thanh niên hùng hậu. Trong số đó, phần lớn các đoàn viên, thanh niên có phẩm chất chính trị tốt, tư cách đạo đức trong sáng và có nhu cầu được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Số lượng đoàn viên, thanh niên đang lao động tập trung trong các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Hải Dương là 64.467 người, chiếm 11,31% số đoàn viên, thanh niên trong toàn tỉnh. Nhưng trên thực tế, trong 2 năm qua chỉ có 200 đoàn viên, thanh niên đang lao động trong khu vực này được giới thiệu cho các tổ chức đảng xem xét, kết nạp (đạt 0,31%). Con số này quá khiêm tốn so với yêu cầu của thực tế. Đó cũng là sự trăn trở của bản thân thanh niên, khi họ có nguyện vọng gia nhập Đảng.

Thực tế đó đặt ra trước Đảng bộ tỉnh là, với một nguồn phát triển đảng dồi dào, phong phú như thế nhưng các cấp, các ngành và tổ chức Đoàn Thanh niên cần làm gì và làm như thế nào để đáp lại nhu cầu phát triển chính trị, trực tiếp là tha thiết được Đảng kết nạp: không những góp phần xây dựng Đảng vững mạnh, mà còn đáp ứng nhu cầu chính đáng của đông đảo đoàn viên, thanh niên và người lao động.

… Và những nỗ lực hành động của Tỉnh Đoàn

Với trách nhiệm là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo chiến lược phát triển thanh niên tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã bám sát vào các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của Trung ương Đoàn, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên tỉnh Hải Dương đến năm 2010, với 5 chương trình hành động cùng 3 đề án và 2 dự án, trong đó có Đề án Đoàn kết tập hợp thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, Đề án Xây dựng tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vững mạnh.

Với phương châm, nơi nào có đông thanh niên nơi đó có tổ chức của Đoàn - Hội, từ năm 2003, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn quan tâm, đầu tư cho công tác tập hợp thanh niên lao động tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh: thực hiện các chuyên đề về công tác tập hợp thanh niên lao động tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh; thành lập tổ công tác ngoài quốc doanh và phân công Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách; có kế hoạch và văn bản hướng dẫn cơ sở về công tác tập hợp thanh niên lao động tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Các cấp bộ đoàn thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho thanh niên về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giáo dục về vai trò, nhiệm vụ của thanh niên trong giai đoạn hiện nay, thông qua các phong trào hành động cách mạng, qua đó bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp, góp phần bổ sung lực lượng trẻ, có chất lượng cho Đảng. Các phong trào lớn do Đoàn phát động như: “Thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “5 xung kích phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc - 4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” với những nội dung phù hợp với nhu cầu, lợi ích của thanh niên trở thành phong trào lớn của tuổi trẻ cả nước, là môi trường cho đoàn viên thanh niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Qua đó, lựa chọn, bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng. Hầu hết, thanh niên có lý tưởng, động cơ phấn đấu vào Đảng đúng đắn, tích cực thực hiện các phong trào hành động của Đoàn.

Nhưng vẫn còn nhiều hạn chế và những nguyên nhân cơ bản

Tuy nhiên, kết quả vẫn còn hạn chế, thể hiện qua số lượng chi đoàn, chi hội ngoài quốc doanh chưa nhiều, số lượng đoàn viên, hội viên còn ít so với tổng số thanh niên lao động ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, tổ chức Đoàn - Hội chưa trở thành một tổ chức không thể thiếu trong những doanh nghiệp có đông thanh niên.

Công tác phát triển đảng trong thanh niên tại các khu công nghiệp, khu chế xuất diễn ra chưa đều, chưa thường xuyên. Ở nhiều nơi, nhiều năm liền không có đoàn viên ưu tú được Đảng kết nạp. Trong đoàn viên, thanh niên vẫn còn một bộ phận thờ ơ với các hoạt động chính trị, không có nguyện vọng, mong muốn phấn đấu trở thành đảng viên, nhiều doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, đoàn thể.

Mặt khác, do đặc thù công việc, một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến công tác đoàn nói chung và công tác bồi dưỡng, kết nạp người vào đảng nói riêng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã có tổ chức đảng nhưng vẫn còn lúng túng về phương thức hoạt động, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu chưa cao, sinh hoạt chi bộ, chi đoàn không đều, nội dung chậm đổi mới, phân công công tác và quản lý đoàn viên thiếu chặt chẽ, bất cập; công tác giáo dục, bồi dưỡng đoàn viên ưu tú ít được quan tâm, vai trò lãnh đạo công tác cán bộ và thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh chưa thể hiện rõ, công tác phát triển đảng viên gặp nhiều khó khăn.

Số lượng tổ chức đoàn trong các doanh nghiệp còn ít và phát triển chậm so với sự tăng lên nhanh chóng của các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều tổ chức đoàn chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm đối với đoàn viên, thanh niên, chưa tạo sân chơi thu hút đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia. Nội dung và phương thức hoạt động chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên... Số lượng đoàn viên, thanh niên được tập hợp vào tổ chức chỉ chiếm khoảng 15% tổng số thanh niên tại các khu, cụm công nghiệp. Tổ chức cơ sở của Đoàn chủ yếu mới thành lập được trong các doanh nghiệp nhà nước, nhưng hoạt động của một số bộ phận lại yếu kém, chưa xây dựng được những mô hình thiết thực để đoàn kết, tập hợp thanh niên. Hiện nay, khó khăn nhất là không có thời gian, địa điểm, kinh phí và cơ sở vật chất để hoạt động thu hút đoàn viên, thanh niên, tạo nguồn bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng.

Những hạn chế, yếu kém trên là do một số cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ về sự cần thiết xây dựng tổ chức đảng, Công đoàn và Đoàn Thanh niên; nhiều chủ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn e ngại, chưa tạo điều kiện cho tổ chức đoàn hoạt động trong doanh nghiệp của mình; Bản thân Đoàn Thanh niên chưa tích cực, chủ động, đeo bám, chưa đầu tư đúng mức đến công tác phát triển đoàn viên, còn nhiều lúng túng trong tổ chức hoạt động và thành lập tổ chức đoàn trong các doanh nghiệp.

Một số kinh nghiệm, giải pháp bước đầu

Để đẩy mạnh công tác phát triển đảng trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, đồng thời củng cố tổ chức đoàn, Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Hải Dương xin trao đổi một số giải pháp, kinh nghiệm bước đầu:

Một là, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy trong các doanh nghiệp, đơn vị, công tác phát triển đảng trong thanh niên phải đặt trong tổng thể công tác xây dựng Đảng. Bởi, phát triển đảng viên trẻ chính là tăng thêm sinh lực cho Đảng, trẻ hóa đội ngũ, bảo đảm tính kế thừa và phát triển của Đảng. Đồng thời, thông qua việc tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động và hoạt động thực tiễn để phát hiện, lựa chọn và bồi dưỡng, tạo nguồn cho đoàn viên ưu tú có chất lượng tốt cho Đảng xem xét, kết nạp. Trong quy hoạch, mỗi khu công nghiệp, khu chế xuất cần phải có tổ chức của Đoàn, và các đoàn thể nhằm tăng cường các nguồn lực chăm lo cho thanh niên, công nhân.

Hai là, biện pháp đào tạo, bồi dưỡng phải thiết thực, hiệu quả không chỉ nâng cao trình độ, năng lực cán bộ chuyên trách công tác đoàn thể trong các doanh nghiệp để đội ngũ này tuyên truyền, thuyết phục giới chủ doanh nghiệp hợp tác thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên mà còn cùng các đoàn thể khác giáo dục đoàn viên, hội viên. Mặt khác, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn phù hợp với điều kiện, thời gian làm việc của đoàn viên, thanh niên gắn liền với chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khẳng định vai trò, tác dụng của Đoàn Thanh niên trong doanh nghiệp.

Ba là, giáo dục nhận thức về Đảng cho đoàn viên, thanh niên nói chung đặc biệt là thanh niên tại các khu, cụm công nghiệp nói riêng. Hằng năm, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng; thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, sinh hoạt chuyên đề “Đoàn viên phấn đấu trở thành đảng viên”, diễn đàn “Đảng với thanh niên - Thanh niên với Đảng”. Tổ chức đoàn viên, thanh niên tìm hiểu, học tập, nắm vững tiêu chuẩn đoàn viên ưu tú đủ điều kiện giới thiệu cho Đảng, hướng dẫn đoàn viên đăng ký phấn đấu trở thành đảng viên, vận động quần chúng ưu tú tự nguyện xin vào Đảng.

Mặt khác, cần quan tâm nâng cao chất lượng tổ chức để Đoàn thực sự là chỗ dựa, là niềm tin, là môi trường thuận lợi để đoàn viên, thanh niên phấn đấu trưởng thành. Muốn thế, tổ chức Đoàn phải thường xuyên đổi mới nội dung hoạt động với các hình thức phong phú, đa dạng vừa là cơ hội để đoàn viên thanh niên rèn luyện phấn đấu, vừa bảo đảm các quyền lợi và lợi ích thiết thực cho thanh niên. Tiếp tục thực hiện tốt phong trào “5 xung kích - 4 đồng hành”, qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất để thanh niên phấn đấu vào hàng ngũ của Đảng từ chính những phong trào hoạt động thực tiễn.

Bốn là, gắn công tác phát triển đảng với yêu cầu xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương; trong đó, các cấp ủy đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo. Cần coi trọng việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung và biện pháp phối hợp thực hiện công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức Đảng, Đoàn Thanh niên. Đối với những doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng, có ít đảng viên, cấp ủy cấp trên cần phân công ủy viên và chỉ đạo các ban, ngành liên quan trực tiếp phụ trách công tác phát triển đảng, thành lập tổ chức đảng ở các doanh nghiệp này; tập trung chỉ đạo xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể, nhất là tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Công đoàn để tạo nguồn kết nạp người vào Đảng tại chỗ.

Năm là, các cấp ủy vận động, thuyết phục để chủ doanh nghiệp hiểu rằng, việc thành lập tổ chức của Đảng, của Đoàn là nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên trong đó có chủ doanh nghiệp./.