Giải pháp xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh

NGUYỄN CAO SIÊNG
Tạp chí Cộng sản
19:43, ngày 09-12-2022

TCCS - Ngày 9-12-2022, Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Sài Gòn tổ chức Hội thảo khoa học: “Giải pháp xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh”.

Dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; PGS, TS. Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn; TS. Phùng Ngọc Bảo, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực tại miền Nam của Tạp chí Cộng sản.

Đoàn chủ trì hội thảo_Ảnh: Cao Siêng

Tham dự hội thảo còn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thành ủy, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thành phố của Thành phố Hồ Chí Minh và hơn 100 đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tham dự.  

Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp về ý chí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập, tự chủ, lòng yêu nước, thương dân tha thiết. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta; là mực thước để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, noi theo. Để tiếp tục đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác đi vào chiều sâu, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, gắn với phát huy đặc trưng, văn hóa, tính cách của con người Thành phố luôn năng động, sáng tạo, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình.

Thay mặt Ban tổ chức Hội thảo, PGS, TS. Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn cho rằng đây là dịp để: (i) Khẳng định những luận cứ khoa học và thực tiễn, góp phần làm sâu sắc thêm tính cấp thiết phải xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. (ii) Nhận diện những thành tựu, hạn chế trong bước đầu triển khai thực hiện xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố thời gian qua, từ đó, đề xuất các giải pháp sát hợp, mang tính chiến lược góp phần xây dựng thành công không gian văn hóa Hồ Chí Minh. (iii) Tạo diễn đàn khoa học để các nhà lãnh đạo, quản lý; các chuyên gia, nhà nghiên cứu; các cơ quan, đơn vị có liên quan; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chia sẻ, trao đổi, thảo luận, đóng góp trí tuệ vào quá trình xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, hướng đến khai thác tối đa tiềm năng, phát huy thế mạnh đặc trưng của Thành phố.

PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu đề dẫn hội thảo_Ảnh: Cao Siêng

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng không chỉ là việc quy hoạch phát triển các công trình văn hóa, các thiết chế văn hóa mà còn bảo đảm hài hòa sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tất cả người dân đang sinh sống, làm việc, học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh là chủ thể xây dựng, sáng tạo và thụ hưởng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên thành phố mang tên Bác. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Ban Tổ chức đề nghị hội thảo tập trung thảo luận xoay quanh các vấn đề:

Thứ nhất, làm rõ hơn một số quan điểm, nhận thức về không gian văn hóa, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh và mục tiêu xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-6-2016, về đẩy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Thứ hai, đưa ra định hướng, giải pháp xây dựng và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng văn hóa, con người Thành phố và hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh; hình thành các chuẩn mực văn hóa, con người Thành phố Hồ Chí Minh có những phẩm chất cơ bản, tiêu biểu cho con người mới xã hội chủ nghĩa: “Năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình”; nâng cao niềm tự hào, trách nhiệm của mỗi người dân Thành phố vinh dự được mang tên Bác.

Thứ ba, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng; phát huy vai trò truyền thông trong xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng Thành phố “Văn minh, hiện đại, nghĩa tình”; đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân Thành phố;…

Thứ tư, tăng cường sử dụng, quảng bá các tác phẩm sáng tác mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự phát triển của Thành phố; xây dựng không gian văn hóa công cộng, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa; hình thành không gian văn hóa nghệ thuật; xây dựng không gian văn hóa du lịch, thương mại, phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm, vui chơi, giải trí...

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu kết luận Hội thảo_Ảnh: Cao Siêng

Hội thảo khoa học “Giải pháp xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh” đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý với gần 100 tham luận, trong đó Ban Tổ chức đã chắt lọc 82 tham luận để biên tập đăng vào kỷ yếu. Tại hội thảo đã được 11 đại biểu trình bày tham luận và phát biểu thảo luận, nội dung tập trung bàn thảo các vấn đề chính:

Một là, đánh giá cao và khẳng định tính tất yếu của việc Đảng bộ Thành phố đề ra chủ trương xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Bác. Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh góp phần lan tỏa giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân Thành phố.

Hai là, phân tích vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong việc phát triển văn hóa nói riêng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nói chung. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xem là động lực phát triển của thành phố mang tên Bác; góp phần xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, trong đó có việc thực hiện tốt văn hóa chính trị “nói đi đôi với làm”.

Ba là, đánh giá thực trạng xây dựng đời sống văn hóa nói chung và việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh hiện nay trên địa bàn Thành phố. Việc xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn Thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực; việc học tập và làm theo Bác ngày càng thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân và trong cán bộ, đảng viên.

Bốn là, đề xuất các giải pháp về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, hội thảo đã đưa ra, luận bàn một số nhóm giải pháp chủ yếu: Tiếp tục tập trung tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về mục đích, yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh; phát huy vai trò của các lực lượng của Thành phố trong xây dựng, phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh; phát huy các thiết chế, mô hình về văn hóa - lịch sử trên địa bàn Thành phố để vừa xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; gắn việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh với việc xây dựng con người mới ở Thành phố. Phát huy ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông xã hội, các tiến bộ khoa học… trong xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh…

Kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu đánh giá cao sự cần thiết xây dựng không gian văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh; đây là công trình lớn để vinh danh, học tập Bác, cần làm sao cho thực chất, đi vào tính tự nguyện, để người dân dễ nhận thức và dễ tổ chức thực hiện, từ đó, xây dựng cuộc sống tốt hơn, văn minh, nghĩa tình, ấm no, hạnh phúc hơn. Về định hướng xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, trong quá trình triển khai, xây dựng Thành phố cần chú trọng đồng bộ cả không gian văn hóa vật thể và không gian văn hóa phi vật thể, tránh đơn giản hóa việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh; phải quy hoạch các thiết chế văn hóa về không gian văn hóa Hồ Chí Minh, đưa vào trong kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển của Thành phố; quan tâm tính bền vững, lâu dài của các hoạt động, các công trình, tránh tư duy nhiệm kỳ; không ngừng nâng cao trách nhiệm của các địa phương, cơ quan, đơn vị khi xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, có sự phối hợp chặt chẽ, nhằm vừa bảo đảm tính đồng bộ, liên thông, kết nối, vừa thể hiện được phong phú, bản sắc riêng; xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải gắn liền với nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về tư tưởng Hồ Chí Minh; thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để phát huy những cách làm hay, lan tỏa những mô hình tích cực, khắc phục các biểu hiện chưa hiệu quả./.