TCCS - Trong thời gian gần đây, tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ có chiều hướng gia tăng hiện đang là vấn đề đáng báo động đối với những người làm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại tỉnh Tiền Giang.

Học sinh leo qua dải phân cách quốc lộ 1 ở khu vực cầu An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang_Ảnh: Trường Giang

Tình trạng tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ xảy ra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thời gian gần đây khá cao. Đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra mà nguyên nhân phần lớn là do người đi bộ không tuân thủ luật giao thông đường bộ, qua đường không đúng nơi quy định làm người điều khiển phương tiện khác không xử lý kịp, dẫn đến va chạm trực tiếp với người đi bộ hoặc do tránh người đi bộ mà gây ra va chạm hoặc tai nạn giao thông với các phương tiện khác.

Bên cạnh đó, cũng xảy ra một số trường hợp người đi bộ chấp hành đúng luật giao thông đường bộ, nhưng người điều khiển phương tiện khi đi trên đường không chú ý quan sát hoặc không nhường đường cho người đi bộ nên đã xảy ra tai nạn giao thông.

Theo quy định, từ ngày 1-1-2018, người đi bộ nếu vi phạm quy định về an toàn giao thông thì bị xử lý nghiêm như người điều khiển phương tiện. Theo đó, Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 không còn bó hẹp trong phạm vi người điều khiển phương tiện, mà đã mở rộng ra cả người tham gia giao thông, tức là kể cả người đi bộ. Nếu gây nên hậu quả nghiêm trọng, như làm chết người và thiệt hại về tài sản trên 1 tỷ đồng thì bị phạt tù từ 7 đến 15 năm. Có thể nói, việc tăng chế tài xử phạt đối với người đi bộ vi phạm luật giao thông, đặc biệt là hành vi băng qua đường một cách tùy tiện là điều rất cần thiết và kịp thời để ngăn chặn vi phạm.

Đáng tiếc nhất đó là những tai nạn giao thông do chính những người đi bộ gây ra. Mặc dù Nhà nước đã quan tâm xây dựng nhiều công trình cho người đi bộ sang đường như cầu vượt, hầm đường bộ… nhưng nhiều người vẫn không đi đúng phần đường của mình. Đối với những vụ tai nạn giao thông có liên quan đến người đi bộ, sau khi cơ quan điều tra có kết luận nguyên nhân gây ra tai nạn thuộc về lỗi của người đi bộ thì sẽ khởi tố để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để răn đe, đồng thời tuyên truyền, giáo dục chung.

Để hạn chế các nguyên nhân gây mất trật tự an toàn giao thông và giảm tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ, các cơ quan chức năng cần tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ trên các phương tiện truyền thông, tại các trường học, cơ quan, xí nghiệp, cộng đồng dân cư để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành luật giao thông, kỹ năng tham gia giao thông để bảo vệ mình nhằm ngăn chặn tình trạng người đi bộ vi phạm, giảm thiểu được các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc do đối tượng này gây ra hay đối tượng này là nạn nhân.

Cần tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề; tổ chức các cuộc triển lãm ở các nơi công cộng về những hình ảnh tai nạn giao thông do người đi bộ và xe thô sơ gây ra. Đặc biệt là lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông cần kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm vỉa hè, hành lang an toàn giao thông đường bộ làm người đi bộ phải đi xuống lòng đường - một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến tai nạn giao thông.

Trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông cần tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng khác tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông trọng điểm thường xảy ra tai nạn, xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông đối với người đi bộ, như người đi bộ đi dưới lòng đường, đi bên trái đường, băng đường nhưng không đi trên vạch sơn dành cho người đi bộ, trèo qua dải phân cách...

Đồng thời, ban an toàn giao thông các xã, phường, thị trấn cần tăng cường tuyên truyền về việc người tham gia giao thông cần nghiêm túc chấp hành các quy định về an toàn giao thông, trong đó chú trọng đến đối tượng là người đi bộ. Nếu làm được thường xuyên, người dân nói chung khi tham gia giao thông sẽ có ý thức tuân thủ pháp luật về trật tự an toàn giao thông, từ đó mới giúp hạn chế được tai nạn giao thông xảy ra đối với người đi bộ và một số đối tượng tham gia giao thông khác.

An toàn giao thông là hạnh phúc của mỗi người mỗi gia đình và toàn xã hội. Để giảm thiểu tai nạn giao thông, thì việc nắm rõ luật giao thông và tuân thủ luật là điều cần thiết. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cần có tinh thần tự giác chấp hành đồng thời tuyên truyền, tham gia các hoạt động phổ biến luật giao thông tới những người xung quanh./.