TCCS - Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là địa bàn quan trọng về nhiều mặt; đặc biệt, đây là nơi có tiềm năng, lợi thế trong phát triển các ngành kinh tế biển. Trên cơ sở Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022, của Bộ Chính trị, về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, để xây dựng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ ngày càng phát triển bền vững, các địa phương trong vùng cần thực hiện các giải pháp nhằm tăng tốc phát triển hơn nữa trên cơ sở huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên công nhân thi công hầm Tuy An thuộc Dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong đoạn qua tỉnh Phú Yên_Ảnh: TTXVN

Tình hình phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ(1)

Về quy mô và tăng trưởng kinh tế

Quy mô nền kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ không ngừng tăng lên theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng tăng từ 345.548 tỷ đồng (năm 2010), lên 677.135 tỷ đồng (năm 2020) và đạt 826.684 tỷ đồng (năm 2023), gấp 2,39 lần so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2021 - 2023 đạt 6,6%/năm (cao hơn mức 6,3% của Việt Nam). Trong đó, giai đoạn 2021 - 2023, tốc độ tăng trưởng trung bình của tiểu vùng Bắc Trung Bộ(2) là 6,8%; tiểu vùng duyên hải Trung Bộ(3) là 5,1%. Dựa vào số liệu GRDP của toàn vùng trong những năm qua cho thấy, quy mô kinh tế của vùng còn tương đối nhỏ, chiếm tỷ trọng khá thấp trong cơ cấu thành phần nền kinh tế Việt Nam(4). Do điều kiện tự nhiên của từng địa phương, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ được chia thành hai vùng: vùng Tây và vùng Đông (ven biển), nên kinh tế biển (bao gồm du lịch, dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển khác…) của các địa phương trong vùng có vai trò ngày càng quan trọng. Năm 2010, kinh tế biển chiếm khoảng 53% GRDP vùng; năm 2023 đạt gần 65,4% GRDP, trong đó các khu kinh tế ven biển đóng góp rất lớn.

Về cơ cấu kinh tế

Cơ cấu GRDP theo ngành kinh tế chuyển dần từ lượng sang chất, dựa trên thay đổi cấu trúc nội ngành, với những ngành có tốc độ tăng năng suất cao. Tỷ trọng GRDP của ngành nông - lâm - thủy sản (không tính thuế trừ sản phẩm) từ 24,4% năm 2010, giảm xuống 17,7% năm 2023 (giảm 6,7% trong 13 năm). Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng trong GRDP tăng từ 30,5% năm 2010, lên 34,9% năm 2023 (trung bình tăng 4,4%). Tỷ trọng của ngành dịch vụ tăng từ 45,1% năm 2010, lên 47,4% năm 2023 (tức tăng 2,3%).

Những năm gần đây, cơ cấu GRDP của vùng có nhiều thay đổi nên đã tạo ra sự cân bằng hơn giữa hai tiểu vùng (Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ), nhưng vẫn còn khác biệt khá rõ giữa từng địa phương. Do tốc độ tăng trưởng khác nhau giữa hai tiểu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nên quy mô GRDP của từng tiểu vùng trong quy mô chung có sự thay đổi đáng kể trong thời gian qua. Trong đó, tỷ trọng nền kinh tế của tiểu vùng Bắc Trung Bộ tăng từ hơn 44% năm 2010, lên 48,8% năm 2023 (tăng khoảng 4,8%), trong khi tỷ trọng của tiểu vùng duyên hải Trung Bộ giảm từ gần 56% xuống còn 52,2% (giai đoạn 2010 - 2023).

Về kết cấu hạ tầng

Kết cấu hạ tầng của các địa phương trong vùng đã có sự phát triển, như giao thông, năng lượng, thông tin và truyền thông… Nhiều công trình quan trọng được đầu tư đưa vào khai thác, như đường Hồ Chí Minh; mở rộng toàn tuyến quốc lộ 1; hai dự án thuộc tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn La Sơn - Hòa Liên; đoạn thành phố Đà Nẵng đến tỉnh Quảng Ngãi dài 193km; một số tuyến đường ngang trọng yếu thuộc tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận được nâng cấp. Tuy nhiên, hiện nay, kết cấu hạ tầng của vùng vẫn trong tình trạng lạc hậu, thiếu đồng bộ và chất lượng thấp. Đây là điểm nghẽn khiến sự dịch chuyển nguồn lực cho sự phát triển của vùng bị hạn chế, khó khăn. Chất lượng kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu của người dân từ năm 2011 đến năm 2023 được nâng cao, biểu hiện cụ thể ở sự cải thiện của Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), tuy vậy vẫn ở mức thấp hơn so với các vùng khác, đặc biệt là với các địa phương phía Bắc(5).

Về phát triển xã hội

Năm 2023, dân số của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là khoảng 20,807 triệu người (chiếm 20,5% dân số cả nước); mật độ dân số là 212 người/km2. Tính đến năm 2023, lực lượng lao động của vùng chiếm gần 56,2% dân số; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của vùng là 23,2%, thấp hơn mức bình quân của cả nước là 26,5%. Tỷ lệ đô thị hóa của vùng có xu hướng tăng, nhưng còn chậm, từ 27,5% năm 2015, lên 32,8% năm 2023, thấp hơn mức trung bình cả nước (tương ứng là 33,5% năm 2015 và 38,1% năm 2023).

Tăng trưởng về kinh tế đã tạo đà cho thu nhập bình quân đầu người của vùng tăng lên. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của vùng đạt 70,16 triệu đồng/người, tăng 20 triệu đồng so với năm 2017, tuy nhiên chỉ bằng 75% so với thu nhập bình quân của cả nước (khoảng cách này đã giảm so với mức hơn 63% năm 2010). Tuổi thọ trung bình của người dân trong vùng tăng từ 72,4 tuổi năm 2010, lên 73,2 tuổi năm 2020 (của Việt Nam là 73,7 tuổi) và thấp hơn so với vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long(6).

Về vốn đầu tư 

Tỷ lệ vốn đầu tư của từng địa phương trong vùng có sự khác biệt khá lớn theo quy mô và trình độ phát triển nền kinh tế. Năm 2023, tổng vốn đầu tư của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đạt 670,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5 lần so với năm 2010 (là 148,8 nghìn tỷ đồng). Trong các nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn nhà nước giảm đáng kể, chiếm từ 26 - 40% tùy từng địa phương; nguồn vốn tư nhân đã tăng lên, đạt 60 - 74%. Năm 2023, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào vùng duyên hải miền Trung còn rất thấp, chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố, như Đà Nẵng 20 - 22%, Ninh Thuận 8%, Phú Yên 4%. Tỷ lệ vốn đầu tư cho lĩnh vực nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng nhỏ (dưới 10% năm 2021, tăng 3% so với năm 2015), lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm gần 46,7 %, năm 2023, trong khi đó ngành dịch vụ có xu hướng tăng trở lại từ năm 2016 và đạt gần 43,8% vào năm 2023. Tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư giữa các tiểu vùng không có sự khác biệt và thay đổi nhiều(7)...

Dây chuyền lắp ráp ô tô du lịch tại nhà máy của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải trong Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam_Ảnh: TTXVN

Nhận diện rào cản trong huy động, phân bổ nguồn lực cho phát triển

Thứ nhất, xung đột trong lựa chọn phương thức huy động và phân bổ nguồn lực cho phát triển.

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nằm ở giữa đất nước, là vùng kinh tế dài nhất, với hơn 1.716km đường bộ và gần 2.000km đường bờ biển, nhưng bề ngang rất hẹp, trung bình chỉ khoảng 40 - 50km. Để phát triển, vùng cần có hệ thống hạ tầng giao thông chạy dọc làm cơ sở kết nối ngang, tạo cơ sở liên kết phát triển. So với các địa phương phía Bắc và vùng Đông Nam Bộ, hạ tầng giao thông của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ kém hơn rất nhiều.

Do điều kiện tự nhiên nên các địa phương trong vùng nằm ven biển có lợi thế giống nhau trong phát triển các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành kinh tế gắn với biển. Bên cạnh đó, do địa hình phía Tây của vùng thường là đồi núi, phía Đông là đồng bằng ven biển nên rất thuận lợi cho phát triển kinh tế; nguồn tài nguyên khá đồng nhất, bao gồm tài nguyên du lịch, tài nguyên gắn với biển. Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng đều chịu tác động bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng. Hiện nay, nếu so sánh về sự phát triển dựa trên lợi thế từng địa phương về nguồn tài nguyên, nguồn lực đầu tư, kết cấu hạ tầng thì khu vực phía Đông phát triển hơn phía Tây; phát triển dựa vào du lịch biển, đảo và khai thác cảng biển. Hiện nay, vùng có 11 khu kinh tế ven biển, trong đó có 4/8 khu kinh tế trọng điểm. Các đô thị và trung tâm kinh tế của vùng đều nằm ở phía Đông.

Thứ hai, tư duy và mô hình phát triển chưa có sự khác biệt, liên kết còn lỏng lẻo.

Tư duy phát triển của các địa phương trong vùng thường gắn liền với không gian hành chính của mình, thiếu tính tổng thể. Sự phát triển dựa trên các ngành, lĩnh vực có lợi thế giống nhau gắn với lợi thế biển, như du lịch biển, dịch vụ cảng biển, năng lượng tái tạo và đô thị ven biển,… dẫn tới sự cạnh tranh lẫn nhau. Hiện nay, chỉ có thành phố Đà Nẵng có cách lựa chọn các ngành dịch vụ khác biệt, như dịch vụ du lịch chất lượng cao, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục,… nhằm phát huy lợi thế và tạo ra sự khác biệt của sản phẩm cung cấp cho thị trường.

Thời gian qua, sự liên kết phát triển đã được thực hiện, nổi bật là tại vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, nhưng cũng chỉ ở một số lĩnh vực và còn nhiều vướng mắc, hạn chế. Ở các tiểu vùng khác, dù đã có nhiều hội thảo, hội nghị về liên kết vùng trong một số lĩnh vực, nhưng vẫn chưa thực chất và hiệu quả. 

Thứ ba, khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển khá lớn.

Hiện nay, quy mô kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ chênh lệch khá lớn(8). Thu nhập và phúc lợi xã hội các địa phương trong vùng có khoảng cách không hề nhỏ. Thu nhập bình quân của vùng năm 2023 đạt hơn 80,12 triệu đồng/người, tăng 3,4 lần so với năm 2010. Chỉ tiêu này của tiểu vùng Bắc Trung Bộ là 72,05 triệu đồng và duyên hải Trung Bộ là 90 triệu đồng/người, tăng 3,5 - 4,5 lần so với năm 2010(9). Mức tiến bộ của cấu trúc kinh tế của các địa phương trong vùng có sự khác biệt rõ ràng(10). Cùng với đó, trình độ công nghiệp hóa và đô thị hóa cũng khác biệt khá lớn dù quá trình này diễn ra khá nhanh. Năm 2023, tỷ lệ dân số đô thị của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là 33,8 (tăng 8,8% so với năm 2010) và thấp hơn mức 42% của Việt Nam(11).

Thứ tư, khác biệt khá lớn về tiềm năng, nguồn lực phát triển.

Hiện nay, các địa phương trong vùng có sự khác biệt khá lớn về quy mô nguồn lực con người(12). Bên cạnh đó, mức độ hấp dẫn và khả năng thu hút đầu tư cũng có sự khác biệt khá lớn giữa các địa phương trong vùng. Năm 2023, tổng vốn đầu tư phát triển của các địa phương trong vùng đạt 670,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 20% của cả nước). Trong đó, các địa phương có vốn đầu tư phát triển cao nhất vùng là tỉnh Thanh Hóa (chiếm 23,4% toàn vùng), tỉnh Nghệ An (chiếm 14,2%), tỉnh Khánh Hòa (chiếm 9%), thành phố Đà Nẵng (chiếm 6,5%), tỉnh Quảng Trị là địa phương có tổng vốn đầu tư phát triển thấp nhất trong vùng (chiếm 3,2% toàn vùng).

Năng lực chuyển đổi số của một số địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ khá thấp (thường xếp hạng từ 40 - 63). Trong khi đó, hai địa phương luôn xếp thứ hạng cao là thành phố Đà Nẵng (luôn đứng đầu cả nước trong nhiều năm liền), tỉnh Thừa Thiên Huế (trong nhóm 5). Bên cạnh đó, tình trạng liên kết thiếu hiệu quả, manh mún về hành chính và kinh tế đã gây ảnh hưởng xấu đến thu hút và sử dụng nguồn lực. Mức độ phát triển kết cấu hạ tầng ở từng địa phương còn hạn chế và chênh lệch nhiều…

Cảng xuất dầu Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Giải pháp đột phá trong huy động, phân bổ nguồn lực cho phát triển  

Thứ nhất, chính quyền các địa phương trong vùng cần đổi mới tư duy phát triển bảo đảm sự thống nhất và khách quan của thị trường.

Cần tách biệt không gian hành chính từng địa phương và không gian kinh tế vùng trong hoạch định chính sách phát triển của mỗi địa phương và toàn vùng. Việc lựa chọn phương án phát triển và không gian phát triển phải đặt trong mối quan hệ tổng thể cung - cầu của thị trường vùng và gắn với tình hình, xu thế, bối cảnh thay đổi của thị trường vùng, đất nước và thế giới; khai thác tốt nhất thị trường để tận dụng tính kinh tế của quy mô và thu hút đầu tư; tuân thủ tính chất khách quan của thị trường để không áp đặt quyết định chủ quan dẫn tới chia cắt thị trường. Bởi, sẽ không địa phương nào có thể thành công trong dài hạn nếu tách mình ra khỏi thị trường và đóng khung trong không gian hành chính của mình.

Thứ hai, tiếp cận mô hình phát triển vùng trong hoạch định phát triển.

Cách thức phát triển của mỗi địa phương phải trong tổng thể phát triển cả vùng; xem xét, đánh giá lợi thế, bất lợi thế theo các mức khác nhau của từng địa phương. Điều này cho phép khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, năng lực cạnh tranh yếu của từng địa phương. Từng bước hình thành cơ chế tạo ra năng lực sản xuất ngày càng mở rộng, có chiều sâu, hình thành các cụm ngành gắn với lợi thế của cả vùng, như du lịch, logistics, năng lượng tái tạo, công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, cơ khí ô tô…; tham gia từng bước vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng giữ được tính tự chủ đa dạng và linh hoạt.

Không ngừng cải cách cơ chế, chính sách hoàn thiện và tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn để thu hút nguồn lực bên ngoài, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển so với cả nước và các tỉnh, thành phố trong khu vực; đồng thời, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của vùng, tiểu vùng và từng địa phương. Giải quyết kịp thời khó khăn về kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực cho phát triển trên góc độ vùng; ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả vùng dựa trên yếu tố phát huy vai trò của các thành phố và đô thị chính trong vùng. Tập trung giải quyết tình trạng di dân đi khỏi vùng và thu hút lao động chất lượng cao từ vùng khác.

Thứ ba, lựa chọn cách thức thực hiện liên kết vùng hiệu quả và phù hợp.

Thực hiện liên kết giữa các tiểu vùng trong vùng cũng như các địa phương trong vùng một cách tự nguyện, nhằm tạo ra không gian kinh tế để huy động và khai thác nguồn lực. Trong liên kết phát triển cần lựa chọn mô hình liên kết phù hợp cho từng tiểu vùng và toàn vùng. Chỉ nên lựa chọn một số lĩnh vực cần thiết, phù hợp với nhu cầu của thị trường, như thu hút và phân bổ đầu tư, hạ tầng, du lịch, cảng biển và logistics, bảo vệ môi trường… Chú trọng việc liên kết vùng trong giải quyết chênh lệch về trình độ phát triển; khác biệt về tiềm năng, nguồn lực phát triển giữa các địa phương trong vùng; sự lạc hậu của kết cấu hạ tầng và thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Từng bước triển khai và phát huy vai trò của Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ theo Quyết định số 824/QĐ-TTg, ngày 11-7-2023, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ”.

Thứ tư, thực hiện tốt và triển khai hiệu quả công tác quy hoạch.

Quá trình xây dựng quy hoạch cần tuân thủ Luật Quy hoạch năm 2017, nhất là nguyên tắc tích hợp. Các quy hoạch ngành, vùng và địa phương phải thực sự trở thành công cụ cho phát triển vùng trong tổng thể chung. Trong đó, công tác quy hoạch cần: 1- Tạo ra một không gian kinh tế thống nhất giữa các tiểu vùng và toàn vùng cho phát triển, tạo điều kiện cho huy động và khai thác nguồn lực phát triển; 2- Bảo đảm đủ nguồn lực để thực hiện quy hoạch; 3- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp với tầm nhìn dài hạn để huy động, khai thác nguồn lực hiệu quả; 4- Công tác quy hoạch là cơ sở để người dân và doanh nghiệp yên tâm làm ăn và đầu tư phát triển sản xuất.

Phát triển vùng duyên hải miền Trung phải phù hợp với các chiến lược phát triển quốc gia, như Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, bảo đảm phát triển các ngành kinh tế biển trở thành vùng mạnh về biển, giàu từ biển. Đồng thời, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nâng cao trình độ và thu nhập của người dân trong vùng là nhiệm vụ quan trọng của các địa phương trong vùng và cả nước./.

----------------------------

(1) Bao gồm 14 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Các số liệu về kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ được tổng hợp từ Niên giám thống kê các tỉnh, thành phố trong vùng
(2) Bao gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế
(3) Bao gồm 8 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận
(4) Quy mô GRDP của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ so với cả nước chiếm 15,82% năm 2010; năm 2015 tăng lên 17,65%; năm 2020 đạt 17,6% và giảm nhẹ còn 16,2 năm 2023
(5) Giai đoạn 2011 - 2020, theo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), toàn vùng chỉ có 2 địa phương trong nhóm 5; 1 địa phương trong nhóm 20; 3 địa phương trong nhóm 30; các địa phương còn lại trong nhóm từ 33 đến 63
(6) Báo cáo Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, Tổng cục Thống kê, 2021
(7) Tỷ lệ vốn đầu tư cho tiểu vùng Bắc Trung Bộ tuy có giảm, nhưng vẫn chiếm gần 51,2%, tiểu vùng duyên hải Trung Bộ khoảng 48,8%...
(8) Năm 2023, tỷ lệ GRDP từng địa phương so với GDP của Việt Nam là: tỉnh Thanh Hóa (2,84%), tỉnh Nghệ An (2,0%), thành phố Đà Nẵng (1,5%), tỉnh Quảng Nam (1,2%), tức chỉ khoảng từ 5 - 11 tỷ USD mỗi địa phương. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Định và Bình Thuận có tỷ lệ khoảng 1,1 - 1,3%; các tỉnh còn lại chỉ đạt dưới 0,6%
(9) Năm 2023, GRDP bình quân đầu người của các địa phương dẫn đầu trong vùng là thành phố Đà Nẵng (hơn 89,8 triệu đồng), tỉnh Khánh Hòa và Quảng Ngãi (97 triệu đồng), tỉnh Bình Thuận (87 triệu đồng), tỉnh Hà Tĩnh (85 triệu đồng). Các địa phương còn lại có GRDP bình quân đầu người so với thành phố Đà Nẵng chỉ đạt khoảng 40 - 62%. Trong đó, GRDP bình quân đầu người của tỉnh Nghệ An chỉ bằng 51% của thành phố Đà Nẵng
(10) Năm 2023, tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản trong GRDP cao nhất là tỉnh Ninh Thuận (hơn 28,4%), tỉnh Bình Định (27,4%), tỉnh Phú Yên (25,6%), tỉnh Khánh Hòa (11,5%), tỉnh Thừa Thiên Huế (11,75%), tỉnh Quảng Nam (12,4%); các tỉnh còn lại chỉ tiêu này từ 15 - 20%. Tỷ lệ ngành nông - lâm - thủy sản của thành phố Đà Nẵng đạt thấp nhất (2,19%)
(11) Tỷ lệ này của vùng Bắc Trung Bộ là 29% và của vùng duyên hải Trung Bộ là gần 35%...
(12) Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, dân số của tỉnh Thanh Hóa là 3,75 triệu người, tỉnh Nghệ An là 3,43 triệu người, trong khi đó tỉnh Ninh Thuận là 876 nghìn người, tỉnh Quảng Trị là hơn 651 nghìn người (bằng khoảng gần 1/6 của tỉnh Thanh Hóa), tỉnh Quảng Bình là 914 nghìn người. Các tỉnh còn lại chỉ có quy mô 1,1 - 1,5 triệu người. Tình trạng di cư ra ngoài các địa phương trong vùng khá trầm trọng (hiện nay chỉ có thành phố Đà Nẵng thu hút người nhập cư)