Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị và các quy định nêu gương đối với cán bộ, đảng viên; kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và ngày mất của Người (2-9-1969 - 2-9-2019), ngày 22-8-2019, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản đồng tổ chức Hội thảo: “Noi gương chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự hội thảo.

Các đồng chí Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương; PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phạm Tấn Công, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đình Quyết
Toàn cảnh hội thảo_ Ảnh: Đình Quyết

Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 300 đại biểu, nhận được 60 tham luận của các nhà khoa học, quản lý, có 11 ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo. Các đại biểu tập trung thảo luận 4 nội dung chính: Những vấn đề lý luận và thực tiễn nói chung, những nguyên tắc, phương pháp nói riêng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu gương và làm gương; thực trạng noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên, người lao động tại các cơ quan Trung ương và các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng Trung ương; những tấm gương người tốt, việc tốt, những cách làm mới, mô hình hay trong thực hiện noi gương Bác, trong đó có việc đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, động viên cán bộ, đảng viên, người lao động tích cực học tập, làm theo tấm gương Hồ Chí Minh; đề xuất những bài học kinh nghiệm, những giải pháp, kiến nghị để tiếp tục thực hiện tốt Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là phong cách nêu gương của Người.

Đồng chí Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương phát biểu đề dẫn. Ảnh: Đình Quyết
Đồng chí Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương phát biểu đề dẫn_Ảnh: Đình Quyết

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Sơn Minh Thắng khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về nêu gương. Không chỉ đưa ra những tư tưởng, quan điểm đúng đắn về nêu gương, mà chính Người là hiện thân cao đẹp nhất về trách nhiệm nêu gương trước Đảng, trước nhân dân. Phong cách nêu gương trong tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện xuyên suốt trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng, phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong tư tưởng của Người, nêu gương không chỉ quan trọng đối với việc xây dựng nhân cách con người, xây dựng cuộc sống mới, mà còn là một phương cách hữu hiệu để xây dựng Đảng. Người nhấn mạnh: “Lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng…”. Lời căn dặn ấy có ý nghĩa thời đại sâu sắc, nhất là với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, trong bối cảnh một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ở các cấp thiếu tu dưỡng, rèn luyện, dẫn tới suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực diễn ra phức tạp trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có những đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở các cấp, làm suy giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương là nơi sinh hoạt của hơn 150 nghìn đảng viên, trong đó nhiều đồng chí là cán bộ cấp cao, ở các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, Nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn là những trụ cột của nền kinh tế đất nước, nên việc noi gương Bác để giữ gìn tư cách, đạo đức, lối sống, sự liêm khiết và đi đầu trong công vụ… càng có ý nghĩa quan trọng. Hội thảo được tổ chức vừa thể hiện lòng kính yêu vô hạn của cán bộ, đảng viên, người lao động ở các cơ quan Trung ương, các doanh nghiệp Trung ương luôn hướng về Bác, nguyện học tập, làm theo và noi gương Bác; vừa là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động tại hai đảng ủy khối tự nhìn lại mình, tự răn mình để noi gương Bác và nêu gương mình trước đồng chí, trước nhân dân. Qua hội thảo, những việc làm tốt của các tập thể, cá nhân người lao động xuất sắc của hai đảng ủy khối cũng được tôn vinh và lan tỏa.

GS, TS. Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, cho rằng, phong cách Hồ Chí Minh là sự kết tinh cả tư tưởng, đạo đức của Người, mà thực chất là một giá trị văn hóa. Mọi hình thái của phong cách đều quy tụ vào phong cách ứng xử, trước hết thể hiện ở sự chân thành, tấm lòng thành thực, sự khiêm nhường, vị tha - nhân ái và khoan dung của Người trong đối xử với con người. Phong cách Hồ Chí Minh cũng là điển hình cho một phong cách chính trị ở tầm văn hóa chính trị. Giản dị - Lão thực - Hiền minh - đó là sự diễn tả đầy đủ nhất mà cũng sâu sắc nhất về phong cách Hồ Chí Minh…

Học theo phong cách của Người, phải sáng tạo, nhất là phải thấy Người giản dị chứ không giản đơn, suốt đời chống chủ nghĩa cá nhân nhưng không bao giờ xem nhẹ, phủ nhận cá nhân. Hơn nữa, không chỉ nỗ lực nhận thức, đó là điều kiện cần, phải ra sức thực hành, đó là điều kiện đủ. Không gì thiết thực và có ý nghĩa hơn vào lúc này là trau dồi văn hóa ứng xử, thực hành văn hóa ứng xử, nhất là ứng xử với nhân dân theo tấm gương sáng Hồ Chí Minh. Thấm nhuần phương châm ứng xử của Người, phương châm sống và hành động của Người: Lời nói đi đôi với việc làm, nói ít làm nhiều, làm điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân, không làm điều gì trái ý dân, kính trọng, lễ phép với dân, học dân, hỏi dân, hiểu dân, tin dân, thương dân để vì dân.

TS. Nguyễn Xuân Sang, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, thực hiện lời căn dặn của Bác: “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm”, những chiến sĩ cứu nạn hàng hải can trường, dũng cảm, không quản nguy nan vượt bão to, sóng cả, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cứu người gặp nạn trên biển, mà ngư dân và những người đi biển thường yêu mến đặt biệt danh họ là “sói biển”. Lực lượng cứu nạn hàng hải luôn xác định kế thừa truyền thống hơn 70 năm đi trước mở đường của ngành giao thông vận tải: cứu người bị nạn bằng cả trái tim, coi người bị nạn như người thân ruột thịt trong gia đình, sẵn sàng hy sinh vì nhân dân và đã ra đi là phải hoàn thành nhiệm vụ. Trong các năm 2017, 2018, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đã điều động tàu đi tìm kiếm cứu nạn 193 lần, cứu được gần 2.000 người gặp nạn trên biển, trong đó có 34 vụ tìm kiếm cứu nạn tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, kiên quyết đấu tranh, đẩy lùi sự ngăn cản của các tàu, thuyền nước ngoài trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

TS. Nguyễn Văn Quảng, Phó Viện trưởng, Bí thư Đảng ủy Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, hơn nửa thế kỷ phấn đấu và trưởng thành, ngành kiểm sát thấm nhuần lời dạy của Bác, cán bộ kiểm sát phải rèn luyện phấn đấu thực hiện năm đức tính: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Đơn cử về sự chính trực trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng hiện nay, người cán bộ kiểm sát phải có “dũng khí”, phải có “gan” mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, vượt qua những cám dỗ về vật chất khi xử lý các vụ việc tham nhũng, kể cả sự đe dọa đối với tính mạng của bản thân và gia đình. Noi gương Bác, toàn ngành kiểm sát đang nỗ lực xây dựng đội ngũ cán bộ vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm, kỷ cương và trách nhiệm, khắc phục những hạn chế, yếu kém để xây dựng ngành vững mạnh…

PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu kết luận_Ảnh: Đình Quyết
PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu kết luận_Ảnh: Đình Quyết

Phát biểu kết luận, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn đánh giá, hội thảo thiết thực thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, thực hiện Di chúc của Bác, đồng thời góp phần bổ sung, phát triển các quan niệm, cách thức về phương pháp xây dựng Đảng về đạo đức được Đại hội XII của Đảng nêu ra, đang được ngày càng hoàn thiện về quan niệm, cấu trúc, chức năng, nội dung... bảo đảm thực hiện có nền nếp trong toàn Đảng và đồng bộ với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, với tư cách là một bộ phận cấu thành của công tác xây dựng Đảng hoàn chỉnh.

Việc noi gương không chỉ bằng diễn ngôn mà quan trọng phải bằng hành động thực hành đạo đức. Những mô hình, kinh nghiệm học và noi gương Bác của các tập thể, cá nhân thuộc hai đảng bộ khối, bằng những việc làm cụ thể, minh chứng qua những dữ liệu sống động, cùng nội dung học tập phong phú, bao quát trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề, phù hợp trong bối cảnh mới… là nguồn động lực tinh thần to lớn tiếp tục động viên, khích lệ việc học và noi gương bác hiệu quả hơn thời gian tới.

Chắt lọc các kết quả đạt được, Ban Tổ chức hội thảo sẽ xuất bản bộ tài liệu có giá trị phục vụ việc học và noi gương Bác; Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cụ thể hóa thành các kế hoạch, chương trình hành động noi gương Bác cụ thể, thiết thực hơn; Tạp chí Cộng sản với tư cách là cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương sẽ khái quát, tổng kết một số dạng mô hình, như mô hình nhân cách, dạng thức nêu gương…, góp phần xây dựng báo cáo kiến nghị gửi Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xung quanh những vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức.