Tăng cường tuyên truyền bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình là nội dung chính của cuộc Hội thảo do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc tổ chức với đại diện của 50 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương diễn ra sáng 30-6-2008 tại Hải Phòng.
 
Tại hội thảo, các vị đại biểu đã nêu lên thực trạng bất bình đẳng giới và nạn bạo hành gia đình đang diễn ra ở các tỉnh, thành hiện nay, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn, thuận lợi trong công tác tuyên truyền bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình.

Thực tế cho thấy, nguyên nhân trực tiếp gây bạo lực gia đình là do rượu và mượn rượu chiếm 60%; cờ bạc: 25%; ngoại tình, ghen tuông: 16%; thiếu hiểu biết pháp luật 5%; ma túy chiếm 10%; các nguyên nhân khác: 17%.

Những bất cập, khó khăn lớn trong phòng chống bạo lực gia đình hiện nay ở nước ta là còn khá phổ biến tư tưởng “Quyền đương nhiên” và “chuyện nội bộ gia đình”. Ngoài ra, còn thiếu các quy định đặc thù liên quan đến phòng ngừa, phòng chống bạo lực gia đình; bảo vệ hỗ trợ nạn nhân; xử lý người vi phạm theo hướng thay đổi hành vi. Mặt khác, hiện nay chúng ta cũng chưa có chương trình hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình; hiệu quả thực thi pháp luật hiện hành còn hạn chế.

Về vai trò của truyền thông trọng tạo lập bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, ý kiến phát biểu tại Hội thảo cho rằng, chức năng truyền thông về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình là hoạt động tuyên truyền phổ biến, giải thích tư tưởng, quan điểm đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng nam nữ và phòng chống bạo lực gia đình cho quần chúng nhân dân nhằm xác định và tạo lập thế giới quan, nhân sinh quan, một lý tưởng, một lối sống đúng đắn về địa vị pháp lý và tính bình đẳng về cơ hội, về tiếng nói của nam và nữ trong sự phát triển xã hội, ảnh hưởng tích cực tới nhận thức và thái độ của mọi người về vị trí, vai trò, quyền lợi của nam và nữ.

Qua thảo luận, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp nhằm tuyên truyền có hiệu quả về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực ở Việt Nam hiện nay như thường xuyên tập huấn các kỹ năng truyền thông cho phóng viên, nâng cao kiến thức về pháp luật cho các nhà báo, đặc biệt quan tâm đến đối tượng truyền thông là giới trẻ v.v./.
 
Điều 3 của Luật Phòng chống bạo lực gia đình quy định các hành vi bạo lực gia đình:

Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình, bao gồm các hành vi sau đây:

1. Đánh đập, hành hạ, cưỡng ép lao động quá sức hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;

2. Chửi mắng, lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín;

3. Cô lập, xua đuổi, quấy rối hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

4. Ngăn cản việc thực hiện quyền hợp pháp giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh chị em với nhau;

5. Cưỡng ép quan hệ tình dục hoặc có hành vi khác xâm phạm đến đời sống tình dục;

6. Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

7. Chiếm đoạt, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

8. Cản trở trái phép thành viên gia đình lao động, kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

9. Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.