Bắt đầu từ ngày 1-7-2008 đến ngày 31-7-2008, Việt Nam chính thức đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đây là chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an. Trước đó, trong 6 tháng đầu năm nay, chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an được các nước Li-bi, Pa-na-ma, Nga, Nam Phi, Anh và Hoa Kỳ lần lượt đảm nhận.

Đây là một sự kiện đối ngoại quan trọng cho thấy vai trò, vị thế ngày càng được nâng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời là cơ hội để khảng định sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong việc xử lý các vấn đề hoà bình và an ninh quốc tế.

Trên cương vị Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009 bắt đầu từ ngày 1-1-2008, trong 6 tháng qua, Việt Nam đã chủ động tham gia và tham gia có hiệu quả vào các hoạt động của Hội đồng Bảo an, đóng góp tích cực vào tất cả các văn kiện của Hội đồng Bảo an nhằm bảo vệ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các dân tộc. Việt Nam đã tham gia tích cực và đầy đủ trong chương trình nghị sự làm việc 6 tháng đầu năm của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với hơn 150 cuộc họp cấp Đại sứ và nhiều cuộc họp cấp chuyên viên, thảo luận gần 30 vấn đề liên quan đến khu vực và các vấn đề chung; thông qua trên 20 nghị quyết, 20 Tuyên bố chung của Chủ tịch và trên 20 Tuyên bố báo chí.

Trên cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong vòng một tháng kể từ hôm nay, Việt Nam sẽ chủ động xây dựng chương trình làm việc tháng 7 và chương trình nghị sự các cuộc họp của Hội đồng Bảo an; chủ trì và điều hành các cuộc họp kín hoặc công khai của Hội đồng Bảo an (trung bình khoảng 40 cuộc họp/ 1tháng). Để chuẩn bị cho các cuộc họp này, Việt Nam sẽ tiến hành các cuộc tham khảo không chính thức với các nước thành viên Hội đồng Bảo an khác, các nước, các tổ chức, cá nhân liên quan để thương lượng dự thảo các tài liệu như các tuyên bố, nghị quyết của Hội đồng Bảo an; Việt Nam sẽ thay mặt cho Hội đồng Bảo an phát biểu, trả lời báo chí, thông báo cho các nước thành viên Liên hợp quốc trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an về kết quả các cuộc họp của Hội đồng Bảo an.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn đại diện cho Hội đồng Bảo an trong quan hệ với các nước, các tổ chức trong và ngoài Liên hợp quốc, trong đó thường xuyên điều hành các cuộc gặp với Tổng Thư ký và các lãnh đạo cấp cao khác của Ban Thư ký Liên hợp quốc, với Chủ tịch Đại hội đồng, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ESCOSOC), và với các nước có yêu cầu.

Đặc biệt, do đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 7, nên Việt Nam cũng sẽ chuẩn bị Báo cáo hàng năm của Hội đồng Bảo an (giai đoạn từ 31-3-2007 - 31-3-2008) gửi Đại hội đồng Liên hợp quốc, kiểm điểm hoạt động của Hội đồng Bảo an trên tất cả 60 đề mục trong chương trình nghị sự hiện nay.

“Việt Nam, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 7, sẽ là gương mặt chung của Hội đồng Bảo an trước người dân toàn thế giới. Đó là sự đóng góp quan trọng vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc tạo ra một thế giới công bằng, an toàn và thịnh vượng” - Đại sứ Anh tại Việt Nam Mark Kent đã phát biểu như vậy.

Để thể hiện sự quan tâm ở cấp cao và cam kết đóng góp cho các công việc của Hội đồng Bảo an, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự một số hoạt động quan trọng của Hội đồng Bảo an và chủ toạ một cuộc thảo luận mở cấp cao theo chương trình nghị sự trong tháng của Hội đồng Bảo an./.