Cơ hội thống nhất cho quốc đảo Síp

Tuấn Anh
16:29, ngày 06-03-2008

Nhà lãnh đạo Đảng AKEL cánh tả (cộng sản) Đ. Cri-xtô-phi-át (Dimitris Christofias) đã đắc cử tổng thống Cộng hòa Síp sau cuộc bầu cử tổng thống vòng hai diễn ra hôm 24-2-2008. Thắng lợi của Đ. Cri-xtô-phi-át là điều hiếm có trong lịch sử của Liên minh châu Âu (EU), đồng thời mở ra cơ hội thống nhất cho quốc đảo này - một cơ hội phản ánh nguyện vọng của người dân được sống trong hòa bình ổn định trước xu hướng ly khai đáng lo ngại trên thế giới hiện nay.

Vài nét về quốc đảo Síp

Cộng hòa Síp là một quốc đảo nằm ở phía đông Địa Trung Hải với dân số 788,457 nghìn người (2007). Síp là đảo lớn thứ ba và là một trong những điểm đến được ưa chuộng nhất trong vùng Địa Trung Hải, thu hút hơn 2,4 triệu khách du lịch mỗi năm. Nguyên là thuộc địa của Anh, Síp giành được độc lập ngày 16-8-1960 và trở thành một nước cộng hòa năm 1961. Síp là một nước phát triển, GDP là 22,119 tỉ USD, bình quân đầu người là 28,209 nghìn USD (2008) đứng thứ 28 thế giới. Tính theo sức mua tương đương, GDP là 24,497 tỉ USD, bình quân đầu người là 31,522 nghìn USD (2007) đứng thứ 26 thế giới. Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2007 là 0,903 đứng thứ 28 thế giới. Síp là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1-5-2004(1)

Năm 1974, sau một thời kỳ bạo lực giữa người Síp gốc Hy Lạp và người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ và sau cuộc đảo chính của một nhóm sĩ quan người Síp gốc Hy Lạp có ý định sáp nhập Síp vào Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa quân can thiệp và chiếm 1/3 đảo, dẫn đến việc thành lập một thực thể chính trị của người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc đảo Síp. Ngoài ra, Vương quốc Anh vẫn quản lý 3% diện tích đảo. Hiện nay trên thực tế, Síp bao gồm 4 phần: Cộng hòa Síp nằm ở phía nam đảo (được quốc tế công nhận); Cộng hòa Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ (chỉ được Thổ Nhĩ Kỳ công nhận); Khu vực xanh ở giữa hai miền do Liên hợp quốc quản lý; và hai khu vực thuộc quyền quản lý của Anh.

Ai sẽ là người được lựa chọn?

Có 9 ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Síp năm 2008, trong đó nổi lên 3 ứng cử viên chính là đương kim Tổng thống T. Pa-pa-đô-pu-lốt (Tassos Papadopoulos), Chủ tịch hạ viện đồng thời là Tổng thư ký Đảng AKEL cánh tả (cộng sản) Đ. Cri-xtô-phi-át và cựu Bộ trưởng Ngoại giao I.Ka-xu-li-đét (Ioannis Kasoulides).

1. T.Pa-pa-đô-pu-lốt là một luật sư chuyên nghiệp, sinh ở Ni-cô-xi-a năm 1934, học luật tại Luân Đôn, đã từng giữ chức Bộ trưởng lao động đầu những năm 60 (thế kỷ XX) và trở thành nghị sĩ từ năm 1970, T. Pa-pa-đô-pu-lốt trở thành nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ trung hữu tháng 10-2000 và trở thành Tổng thống năm 2003 với sự ủng hộ của Đảng AKEL. Mặc dù đã đưa Síp trở thành một nước thành viên EU năm 2004 nhưng T. Pa-pa-đô-pu-lốt vẫn bị cho là có quan điểm cứng rắn trong các cuộc đàm phán thống nhất với người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

2. I.Ka-xu-li-đét sinh năm 1948 ở Ni-cô-xi-a, vốn là một bác sĩ, đã từng tu nghiệp ở Anh và Pháp, đảm nhận nhiều chức vụ trong Đảng Cánh hữu Democratic Rally, trở thành Bộ trưởng Ngoại giao năm 2003 và trở thành nghị sĩ Nghị viện châu Âu năm 2004. Trong quá trình vận động tranh cử, I. Ka-xu-li-đét đổ lỗi cho T.Pa-pa-đô-pu-lốt làm cho Síp bị cô lập ở phương Tây do đã phản đối một giải pháp thống nhất của cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc C. A-nan (tháng 4-2004). I. Ka-xu-li-đét cam kết hành động tích cực dựa trên những mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với các nhà lãnh đạo châu Âu để giành được sự ủng hộ cho việc tái thống nhất Síp.

3. Đ.Cri-xtô-phi-át Tổng thư ký Đảng AKEL cánh tả (cộng sản) sinh năm 1946, là giáo sư sử học được đào tạo ở Liên Xô trước đây, nói thông thạo tiếng Nga và đã từng đảm nhiệm công tác thanh niên của Đảng này. Năm 1988, Đ.Cri-xtô-phi-át được bầu làm Tổng thư ký Đảng AKEL và liên tục giữ chức vụ đó cho đến nay. Đ.Cri-xtô-phi-át được bầu làm Chủ tịch hạ viện từ năm 2001. Trong quá trình vận động tranh cử, Đ.Cri-xtô-phi-át cam kết rằng nếu trở thành tổng thống ông sẽ ưu tiên đến vấn đề phúc lợi của người dân trong khi tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường. Đ. Cri-xtô-phi-át cũng cam kết sẽ có một phương pháp tiếp cận linh hoạt hơn đối với các cuộc đàm phán với người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến dịch vận động tranh cử của Đ.Cri-xtô-phi-át tập trung vào việc giới thiệu ông như một người xã hội chủ nghĩa tiến bộ và chính sách của ông là chính sách theo hướng thị trường tự do.

Bầu cho nguyện vọng thống nhất đất nước

Cuộc bầu cử tổng thống vòng một đã được tổ chức vào ngày 17-2-2008 Khoảng 90% số cử tri đã đi bầu cử. Ngoại trừ người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở lãnh thổ ly khai phía bắc, có gần 516.000 người, bao gồm cả 390 người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Nam, đủ tư cách bầu cử (Fox news.com, 24-2-2008). Trái ngược với dự đoán ban đầu, I.Ka-xu-li-đét đã về đầu với 33,51% số phiếu, trong khi Đ.Cri-xtô-phi-át giành được 33,29% còn T.Pa-pa-đô-pu-lốt chỉ giành được 31,79% số phiếu ủng hộ. Thất bại của T. Pa-pa-đô-pu-lốt là một tín hiệu cho thấy người dân Síp, đặc biệt là thanh niên, muốn khép lại quá khứ để tạo ra một hình ảnh nước Síp mới, thống nhất, hướng tới tương lai. Người Síp gốc Hy Lạp và nhiều người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng nhau diễu hành trên các đường phố vì sự thống nhất đất nước. Tuy nhiên, vì không có ứng cử viên nào giành được số phiếu quá bán nên hai ứng cử viên chiến thắng ở vòng một là I.Ka-xu-li-đét và Đ.Cri-xtô-phi-át sẽ tranh cử ở vòng hai.

Tại cuộc tranh cử vòng hai diễn ra vào ngày 24-2-2008, Đ.Cri-xtô-phi-át đã giành thắng lợi với 53,37% số phiếu ủng hộ. Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, những người ủng hộ Đ. Cri-xtô-phi-át đã tràn ngập các đường phố thủ đô Ni-cô-xi-a mừng chiến thắng. Báo chí phương Tây bình luận, thắng lợi của Đ.Cri-xtô-phi-át là “hiếm có” trong lịch sử EU.

Trong diễn văn mừng chiến thắng, Đ.Cri-xtô-phi-át nói: “Chúng ta có một tầm nhìn chung... để thống nhất nhân dân chúng ta, người Síp gốc Hy Lạp và người Síp gốc Thổ Nhỹ Kỳ”. Và: “Ngày mai, một ngày mới bắt đầu, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn ở phía trước. Nhưng chúng ta sẽ cùng chung sức để tái thống nhất đất nước chúng ta” (AP.com, 24-2-2008). USA Today (26-2-2008) cho hay, sau khi có thông báo Đ.Cri-xtô-phi-át đắc cử tổng thống, thủ lĩnh người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ M. A.Ta-lát (Mehmet Ali Talat) đã gọi điện thoại chúc mừng và cả hai thống nhất sẽ có cuộc gặp gỡ vào “thời gian sớm nhất”.

Về phía Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà phân tích chính trị bình luận, tái thống nhất quốc đảo Síp sẽ gạt bỏ những trở ngại trong việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU và cũng sẽ làm giảm sự lo lắng của người Síp gốc Hy Lạp sau tuyên bố độc lập của Cô-xô-vô. G. Xi-ti-li-đét (John Sitilides), Chủ tịch Dự án Nam Âu thuộc Trung tâm Woodrow Wilson có trụ sở ở Oa-sinh-tơn nói: “Một giải pháp thống nhất cũng sẽ cải thiện viễn cảnh cho các sáng kiến ngoại giao giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, làm thuận lợi hơn quá trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời giúp ổn định khu vực đông Địa Trung Hải” (Fox news.com, 24-2-2008).

Như vậy, trong khi dư luận đang lo ngại về hiệu ứng đô-mi-nô đòi ly khai sau tuyên bố độc lập của Cô-xô-vô, thì khả năng nước Síp tái thống nhất sau khi nhà lãnh đạo Đảng AKEL cánh tả (cộng sản) Đ.Cri-xtô-phi-át đắc cử tổng thống đã cho thấy, sống trong hòa bình, ổn định, thống nhất và thịnh vượng vẫn là mong muốn của nhân loại và là xu thế không thể đảo ngược.

(1) Cyprus Wikipedia (tiếng Anh)