Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng trong tình hình mới
TCCS - Thời gian qua, Học viện Kỹ thuật quân sự không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 26-1-2022, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo” (Nghị quyết số 08-NQ/TW) và đạt được những kết quả nổi bật. Để tiếp tục phát huy thành tựu đã có, Học viện cần tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp toàn diện, đột phá hơn nữa, từ đó góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển mạnh mẽ ngành khoa học kỹ thuật quân sự Việt Nam trong bối cảnh mới.
Nhiệm vụ, sứ mệnh trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng
Nghị quyết số 08-NQ/TW thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với quá trình phát triển của nền công nghiệp quốc phòng (CNQP). Trong sự phát triển của nền công nghiệp quốc gia nói chung và CNQP nói riêng, yếu tố nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực khoa học - công nghệ (KHCN) luôn được coi là yếu tố quan trọng nhất. Đây vừa là nội dung, vừa là giải pháp, có ý nghĩa quyết định trong nghiên cứu, chế tạo ra sản phẩm vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội gắn với củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Chính vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật luôn được Đảng, Nhà nước và Quân đội chú trọng, là giải pháp cơ bản, then chốt, quyết định sự phát triển của ngành CNQP.
Với truyền thống 57 năm xây dựng và phát triển, Học viện Kỹ thuật quân sự (Học viện) luôn tự hào là trường đại học kỹ thuật đầu tiên của Quân đội, trung tâm đào tạo cán bộ kỹ thuật quân sự hàng đầu của Quân đội và đất nước. Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC), nghiên cứu phát triển, sản xuất chế thử, chuyển giao công nghệ tiên tiến và hội nhập quốc tế, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển ngành khoa học kỹ thuật quân sự Việt Nam, Học viện không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp NNLCLC cho Quân đội và đất nước với hàng vạn kỹ sư quân sự, hơn 8.000 thạc sĩ và hơn 500 tiến sĩ. Mục tiêu Học viện hướng đến là “đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, chỉ huy quản lý kỹ thuật chất lượng cao có trình độ đại học, sau đại học cho Quân đội và đất nước; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, với Tổ quốc, với nhân dân; có trình độ kiến thức nền vững chắc, kiến thức chuyên ngành chuyên sâu; có tác phong chính quy và có năng lực toàn diện trong chỉ huy, quản lý, tổ chức, điều hành và huấn luyện bộ đội; có năng lực ngoại ngữ, công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hoạt động chuyên môn và hội nhập quốc tế; có sức khỏe tốt; có khả năng tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ và thích nghi với mọi hoàn cảnh; có khả năng phát triển thành chuyên gia đầu ngành hoặc đảm nhiệm được các chức vụ cao hơn, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Với sứ mệnh, mục tiêu cao cả và kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Học viện được Bộ Quốc phòng xác định là một trong những cơ sở nòng cốt cung cấp NNLCLC thực hiện nhiệm vụ CNQP.
Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng trong tình hình mới
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị trọng tâm và hiện thực hóa mục tiêu mà Nghị quyết số 08-NQ/TW đã đề ra, như xây dựng nền công nghiệp quốc phòng tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại... trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; làm chủ được thiết kế, công nghệ nền, công nghệ lõi; đủ năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật có tính năng chiến thuật - kỹ thuật cao theo yêu cầu trang bị cho lực lượng vũ trang, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng Quân đội hiện đại, Học viện đã và đang triển khai đồng bộ nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp trên các mặt công tác nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu cung cấp NNLCLC, phục vụ phát triển CNQP, cụ thể:
Một là, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cho cán bộ, giảng viên về yêu cầu ngày càng cao đối với chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng.
Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đặc biệt chú trọng công tác nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong thực hiện tất cả các nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong việc nâng cao nhận thức về yêu cầu ngày càng cao đối với chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu đào tạo. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, giảng viên, làm cơ sở nền tảng, định hướng cho nhận thức và hành động, bảo đảm đội ngũ luôn luôn giữ vững và phát huy tinh thần trách nhiệm, ra sức phấn đấu, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, góp phần cung cấp cho quân đội NNLCLC có khả năng làm chủ CNQP.
Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác xây dựng đội ngũ trí thức nói chung và đội ngũ cán bộ kỹ thuật nói riêng, trong đó tập trung phổ biến, quán triệt: Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng số 02/2008/PL-UBTVQH12, ngày 26-1-2008, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6-8-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị định số 46/2009/NĐ-CP, ngày 13-5-2009, của Chính phủ, về “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng” cho các đối tượng liên quan để thống nhất nhận thức và tổ chức thực hiện.
Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ chuyên môn cao, năng lực công tác tốt, bảo đảm về số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực làm chủ công nghiệp quốc phòng.
Trước những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, Học viện đã xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm về phẩm chất chính trị, đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, có năng lực chuyên môn, nghề nghiệp vững vàng, đáp ứng yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học(1). Việc xây dựng đội ngũ được chủ động ngay từ công tác tạo nguồn giảng viên, thực hiện nghiêm quy trình bồi dưỡng giảng viên trẻ, kết hợp đào tạo với bồi dưỡng và đào tạo lại. Học viện cũng đã đặt ra tiêu chuẩn cụ thể đối với từng giảng viên về chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin; ưu tiên cử cán bộ, giảng viên đi thực tế, tham quan tìm hiểu vũ khí, trang bị được biên chế tại các đơn vị, đặc biệt là vũ khí, trang bị mới, hiện đại. Cán bộ, giảng viên được tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động nghiên cứu khoa học, vì vậy ngày càng nhiều cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu phát huy tốt được năng lực trong nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tham gia ngày càng nhiều vào các chương trình, nhiệm vụ, dự án, đề tài các cấp.
Học viện có chính sách ưu tiên đối với đội ngũ tinh hoa, các chuyên gia đầu ngành về KHCN, trang bị kỹ thuật, tạo cơ chế thuận lợi để các nhà khoa học vừa tham gia giảng dạy, vừa tham gia nghiên cứu khoa học, phát huy được năng lực, tạo ra sản phẩm KHCN chất lượng cao và cập nhật được kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn vào quá trình giảng dạy.
Ba là, bám sát thực tiễn, nhu cầu của công nghiệp quốc phòng, thường xuyên cập nhật, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp tổ chức, quản lý đào tạo và giảng dạy; xây dựng mới một số ngành đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng.
Sự phát triển của KHCN và trang bị kỹ thuật đòi hỏi nội dung, chương trình luôn phải được cập nhật, bổ sung, đổi mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, Học viện luôn chú trọng cập nhật nội dung, chương trình đào tạo bằng nhiều hình thức khác nhau, như cập nhật nội dung mới trong môn học, bổ sung môn học mới, đề xuất các hướng đào tạo chuyên sâu trong chương trình đào tạo hiện có, xây dựng mới các chương trình đào tạo cả ngắn hạn và dài hạn nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong tình hình mới của Quân đội và của nền CNQP. Quy trình xây dựng chương trình đào tạo được thực hiện một cách hiệu quả theo từng bước cụ thể, bài bản từ các bước xác định mục tiêu, yêu cầu đào tạo đến xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra của các môn học trong chương trình đào tạo. Nội dung giảng dạy được xây dựng trên cơ sở kết quả khảo sát từ các đơn vị liên quan đến lĩnh vực CNQP, nhất là các đơn vị thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, đặc biệt chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng nâng cao khả năng sáng tạo, năng lực thực hành, thực tế cho học viên, bám sát sự phát triển của KHCN, sự phát triển của trang bị kỹ thuật.
Hiện nay, Học viện đang triển khai đào tạo 50 chuyên ngành kỹ sư quân sự thuộc 15 mã ngành đào tạo. Bên cạnh các chuyên ngành truyền thống liên quan trực tiếp đến việc đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ sở CNQP(2), Học viện đang nghiên cứu, xây dựng các chương trình đào tạo mới trên cơ sở nguồn lực và thế mạnh(3); trong đó có các chương trình đào tạo về bán dẫn và thiết kế vi mạch. Đồng thời, sẵn sàng triển khai đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực bán dẫn, góp phần xây dựng, phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn theo tinh thần Nghị quyết số 124/NQ-CP, ngày 7-8-2023, của Chính phủ, “Về xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn đến năm 2030”.
Để nâng cao chương trình đào tạo, bảo đảm học viên tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Học viện đã xây dựng và áp dụng 5 chuẩn đầu ra đối với học viên đào tạo kỹ sư quân sự dài hạn, bao gồm chuẩn đầu ra về kiến thức và kỹ năng chuyên môn, chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, chuẩn đầu ra về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, chuẩn đầu ra về thể lực và chuẩn đầu ra về tác phong chỉ huy. Đồng thời, Học viện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng số lượng, nâng cao chất lượng viết, bảo vệ đồ án bằng ngoại ngữ; khuyến khích học viên tham gia thi đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, kết quả số lượng đồ án và tỷ lệ học viên tốt nghiệp có chứng chỉ tiếng Anh B1 quốc tế tăng theo từng năm học.
Cùng với việc xây dựng, cập nhật chương trình đào tạo, phương pháp dạy và học cũng được triển khai thực hiện theo hướng sư phạm thông minh, sử dụng công nghệ mô phỏng, phần mềm, tài liệu điện tử, kết hợp giảng dạy trên lớp, giảng dạy trực tuyến và xây dựng kho bài giảng E-learning đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo, xây dựng cho học viên không chỉ kiến thức, mà còn khả năng “học tập suốt đời”, khả năng thích nghi với sự thay đổi liên tục của nghiên cứu khoa học, đáp ứng mục tiêu cung cấp NNLCLC, làm chủ CNQP.
Bốn là, chú trọng “gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học”, tạo ra sản phẩm khoa học - công nghệ ứng dụng trong công nghiệp quốc phòng
Xác định đào tạo và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ chính trị trọng tâm, bổ trợ lẫn nhau, có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo cán bộ kỹ thuật, chủ trương “gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học” được quán triệt thực hiện hiệu quả, đối tượng học viên, nghiên cứu sinh được khuyến khích tham gia nghiên cứu khoa học; gắn học viên, nghiên cứu sinh với các nhóm nghiên cứu mạnh; tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học cho học viên, như Hội nghị tuổi trẻ sáng tạo cho học viên đại học, Hội nghị các nhà nghiên cứu trẻ cho học viên cao học và nghiên cứu sinh; khuyến khích giảng viên tham gia chủ trì đề tài, dự án thuộc các chương trình lớn của Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng góp phần phát triển nhóm nghiên cứu mạnh, các chuyên gia đầu ngành.
Học viện thường xuyên triển khai, tổ chức cho học viên tham gia nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng học tập và hướng đến hoạt động tự học, tự khám phá thông qua việc tổ chức các nhóm chuyên môn bao gồm cả thầy và trò cùng nghiên cứu, trao đổi kiến thức, khám phá khoa học. Trong những năm gần đây, nhiều công trình khoa học tiêu biểu của học viên Học viện đã đạt giải cao trong phong trào tuổi trẻ sáng tạo khoa học do Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Nhiều học viên được rèn giũa và thực sự trưởng thành thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, là đồng tác giả của các bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín, hội thảo trong nước và quốc tế.
Hoạt động KHCN luôn được chú trọng và tuân theo nguyên tắc “gắn nghiên cứu khoa học với sản phẩm”, ưu tiên sản phẩm có khả năng tích hợp cao, bám sát các hướng hiện đại hóa Quân đội, dự án, chương trình lớn của Quân đội và Nhà nước. Cán bộ, giảng viên Học viện đã chủ trì và tham gia thực hiện nhiều đề tài, nhiệm vụ KHCN quan trọng cấp quốc gia, cấp Bộ Quốc phòng, các ngành trong và ngoài Quân đội. Số lượng đề tài, bài báo khoa học trong nước và quốc tế trong những năm qua đều tăng; đã nghiên cứu và đưa vào sản xuất các sản phẩm nghiên cứu khoa học có hàm lượng trí tuệ cao, mang thương hiệu Học viện(4).
Hoạt động KHCN của Học viện đã tập trung đột phá vào các lĩnh vực quan trọng (Vô tuyến điện tử, tên lửa và kỹ thuật điều khiển, vũ khí - đạn, kỹ thuật xây dựng các công trình đặc biệt, công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng, công nghệ cơ khí, công nghệ vật liệu...), chú trọng nghiên cứu làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi và gắn nghiên cứu khoa học với sản phẩm. Đối với ngành bán dẫn, đã chế tạo thử nghiệm thành công các chủng loại vi mạch: Vi mạch mã hóa/giải mã mã mật AES công suất thấp, bộ thu phát vô tuyến công suất thấp, vi mạch khuếch đại tạp thấp băng tần X, vi mạch khuếch đại công suất hiệu suất cao, vi mạch nguồn LDO, vi mạch xử lý tốc độ cao trong thông tin quang, vi mạch chuyên biệt cho hệ thống điều khiển đặc biệt, bộ nhớ tiên tiến, bộ vi xử lý chuyên dụng, đầu tự dẫn tên lửa, thiết bị camera ảnh nhiệt, cảm biến phát hiện khí độc, cảm biến hồng ngoại cho tên lửa, cảm biến từ trường, hệ thống quang điện tử ngụy trang, nghi trang, chế thử thành công một số vật liệu, linh kiện trong trang bị kỹ thuật công nghệ ,...
Các kết quả nghiên cứu khoa học thường xuyên được cập nhật vào nội dung giảng dạy, giúp cho học viên được cập nhật kiến thức mới về KHCN bằng thực tế hoạt động nghiên cứu khoa học và sản phẩm KHCN. Trong những năm gần đây, Học viện đã đầu tư, xây dựng và phát triển 18 nhóm nghiên cứu mạnh, đa số nhóm có hướng nghiên cứu gắn với các lĩnh vực công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong 5 năm gần đây, Học viện có trên 5.000 công bố khoa học được đăng tải trên các tạp chí uy tín và kỷ yếu Hội thảo trong nước và quốc tế, trong đó có trên 1.000 công bố trên tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus. Nhiệm vụ KHCN được tăng lên; vị trí, vai trò của Học viện được ghi nhận và đánh giá cao. Học viện được Bộ Quốc phòng lựa chọn là một trong 5 đơn vị triển khai thí điểm việc nghiên cứu, sản xuất vật tư kỹ thuật bảo đảm cho trang bị kỹ thuật toàn quân. Năm 2023, Học viện được giao nghiên cứu, sản xuất 138 sản phẩm.
Trong thời gian tới, Học viện tiếp tục chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN, tích cực, chủ động tham gia hiệu quả vào các chương trình, đề án KHCN của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, nhất là các hướng hiện đại hóa Quân đội, các hướng ưu tiên phát triển của Nhà nước gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh hoạt động KHCN định hướng sản phẩm gắn với đơn vị, phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và ứng dụng trong CNQP.
Năm là, đẩy mạnh hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học với các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo uy tín trong nước và trên thế giới.
Hoạt động hợp tác trong nghiên cứu khoa học được duy trì tốt với nhiều đối tác trong và ngoài Quân đội. Học viện duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu của các đối tác truyền thống và thiết lập mối quan hệ hợp tác với một số đối tác mới, mở rộng địa bàn hợp tác với các nước nói tiếng Anh và có nền khoa học phát triển; ưu tiên các đối tác có thể mạnh về công nghệ nền, công nghệ lõi, các lĩnh vực có tính ứng dụng có thể ứng dụng trong phát triển CNQP. Đến nay, Học viện đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 180 đối tác, hơn 30 quốc gia; duy trì mạng lưới hơn 200 chuyên gia khoa học uy tín là người nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ KHCN và đào tạo sau đại học.
Trong thời gian qua, với các đối tác quốc tế, hằng năm các nhóm nghiên cứu của Học viện chủ trì 2 - 3 nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ gắn với hợp tác quốc tế, khai thác các quỹ, chương trình nghiên cứu trong và ngoài nước. Với một số đối tác uy tín, sau khi được Bộ Quốc phòng cho phép ký kết các chương trình hợp tác, Học viện đã chủ động phối hợp tuyển chọn và cử học viên đi thực tập ngắn hạn tại các phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu tại các trường đại học uy tín. Đội ngũ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên cũng được tạo điều kiện tham dự các khóa thực tập sinh trên cơ sở triển khai nhiệm vụ KHCN với đối tác. Trên cơ sở các nội dung hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu, thời gian gần đây, các hoạt động hợp tác đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh, học viên cao học giữa cán bộ, giảng viên của Học viện với các giáo sư nước ngoài cũng được hình thành; học viên có thành tích học tập tốt sau đó còn được phía đối tác công nhận cấp bằng quốc tế, như phối hợp đào tạo thạc sỹ với Viện Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JAIST), Đại học Dublin, Ai-len; đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh với Đại học Công nghệ Xít-nây, Ô-xtrây-li-a. Đây là minh chứng rõ nét cho việc khẳng định chất lượng đào tạo và nghiên cứu của Học viện đã từng bước tiệm cận trình độ quốc tế và cũng là động lực khích lệ các hoạt động hợp tác trong thời gian tới. Học viện luôn chủ động đẩy mạnh hợp tác giữa các nhóm nghiên cứu mạnh của Học viện với các nhóm nghiên cứu và chuyên gia quốc tế; tích cực khai thác hiệu quả các nguồn kinh phí, học bổng, các đề án để đưa cán bộ, giảng viên, học viên đi đào tạo, thực tập ở nước ngoài. Tổ chức các đoàn cán bộ, giảng viên đi, công tác, học tập, trao đổi kiến thức khoa học, tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế cũng như đón tiếp nhiều lượt các nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài đến trao đổi học thuật, giảng dạy chuyên đề tại Học viện.
Sáu là, từng bước xây dựng Học viện theo mô hình nhà trường số với hệ sinh thái đào tạo thông minh
Trong những năm qua, Học viện đã được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư xây dựng nhiều cơ sở vật chất hiện đại phục vụ đào tạo, NCKH và chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo. Học viện đã và đang triển khai các giải pháp để xây dựng hạ tầng số đồng bộ, hiện đại. Hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin được trang bị đồng bộ cho cán bộ, giảng viên, học viên, giảng đường, phòng học chuyên dùng, phòng học đa năng với mục tiêu xây dựng Học viện theo mô hình giáo dục số nhằm tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, điều hành, đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.
Chú trọng triển khai xây dựng, phát triển dữ liệu số, trước hết là chuẩn hóa quy trình số, dữ liệu số (cơ sở dữ liệu về cán bộ, giảng viên, chuyên gia, học viên, giáo trình, tài liệu, cơ sở vật chất, thủ tục hành chính) phục vụ cho chỉ huy, điều hành và quản lý đào tạo. Số hóa tài liệu, phát triển nguồn học liệu số nội sinh và ngoại sinh theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ công tác đào tạo theo hướng chuyển đổi số, từng bước xây dựng hệ sinh thái đào tạo thông minh, đáp ứng yêu cầu đào tạo NNLCLC phục vụ phát triển CNQP./.
-----------------------------
(1) Giảng viên có trình độ sau đại học đạt hơn 90%, trong đó tỷ lệ GS, PGS, TS, TSKH đạt hơn 50%
(2) Gồm: Vũ khí, đạn, thuốc phóng thuốc nổ, khí tài quang - quang điện tử, công nghệ vật liệu, chế tạo máy, gia công áp lực, cơ điện tử và các chuyên ngành thiết kế chế tạo
(3) Học viện đã và đang được Bộ Quốc phòng đầu tư một số Phòng thí nghiệm (PTN) có thể hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học về ngành bán dẫn và thiết kế vi mạch: PTN Thiết kế vi mạch chuyên dụng, PTN Mô-đun điện tử tiêu chuẩn, PTN Các hệ thống điều khiển, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nano trong quốc phòng. Đội ngũ chuyên gia về ngành bán dẫn và thiết kế vi mạch tại Học viện bao gồm 184 giảng viên, nghiên cứu viên (trong đó, có 1 GS, 16 PGS, 168 TS) được đào tạo tại các nước tiên tiến, có chuyên môn tốt, đã tham gia các dự án thiết kế vi mạch ở trong và ngoài nước. Đã có nhiều công trình nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm thành công các chủng loại vi mạch
(4) Như: Trường bắn ảo, Sonar thủy âm, hệ thống dẫn đường quán tính, súng bắn 2 môi trường, hệ thống huấn luyện nhảy dù, hệ thống điều khiển hỏa lực
Tỉnh Quảng Bình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển trong bối cảnh hội nhập quốc tế  (18/04/2024)
Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại  (08/04/2024)
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của châu Á  (31/03/2024)
Phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới  (09/03/2024)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay