Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 thành công tốt đẹp
TCCS - Sau ba ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương trong không khí dân chủ, đoàn kết, chiều 13-10-2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Theo đúng chương trình làm việc, phát huy tinh thần đổi mới, trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân Thủ đô.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 71 đồng chí; bầu Đoàn đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội dự Đại hội lần thứ XIII của Đảng gồm 63 đại biểu chính thức (trong đó có 3 đại biểu đương nhiên) và 5 đại biểu dự khuyết, đại diện cho hơn 45 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội cũng đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 trên cơ sở thực hiện tư tưởng chỉ đạo và cũng là định hướng phát triển của Đại hội XVII: “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.
Phát biểu bế mạc Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển” và tiếp thu ý kiến chỉ đạo quý báu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tại Đại hội lần này các đại biểu đã tập trung thảo luận sôi nổi, trách nhiệm, bổ sung, hoàn thiện và nhất trí cao thông qua các văn kiện, Nghị quyết của Đại hội với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, đề ra 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho giai đoạn 2020 - 2025, hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, các văn kiện được Đại hội lần thứ XVII thông qua là kết tinh trí tuệ, thể hiện ý chí, niềm tin, sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, nhân dân Hà Nội đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước trong thời kỳ mới. Đại hội cũng tập trung thảo luận đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thể hiện niềm tin tưởng sâu sắc Đại hội XIII sẽ thành công tốt đẹp; công cuộc đổi mới đất nước sẽ tiếp tục được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ với những thành tự to lớn hơn. Toàn Đảng, toàn dân nhất định sẽ thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu, phương hướng phát triển Thủ đô trong nhiệm kỳ mới, ngay sau Đại hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XVII và từng đồng chí đại biểu, đại diện cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, cơ quan, đơn vị phải bắt tay ngay vào việc cụ thể hóa và chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ, kịp thời và có hiệu quả Nghị quyết Đại hội.
Ngoài ra, các cấp, các ngành, các đoàn thể trong thành phố cần có kế hoạch quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân Thủ đô về Nghị quyết XVII của Đảng bộ thành phố, gắn với triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sớm xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII; đồng thời xây dựng kế hoạch, đề án để cụ thể hóa, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Mỗi cán bộ, đảng viên, các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu các cấp phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao, có tầm nhìn và tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp phát triển của Thủ đô và cả nước.
* Ngay sau khi bế mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã tổ chức buổi họp báo nhằm công bố thông tin, kết quả Đại hội. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XVII Vương Đình Huệ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh dự và chủ trì buổi họp báo.
Sau khi lắng nghe đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội thông tin về kết quả của Đại hội, nhiều câu hỏi được các cơ quan báo chí đặt ra liên quan đến việc đưa nghị quyết vào cuộc sống, thu nhập bình quân đầu người chưa cao, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông… trên địa bàn được giải quyết thế nào đối với nhiệm kỳ tới.
Thay mặt lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các cơ quan báo chí cả nước đã quan tâm, thông tin, tuyên truyền sinh động các sự kiện quan trọng của thành phố, đặc biệt là Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Trả lời trực tiếp từng vấn đề, câu hỏi, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, trong các văn kiện, nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ (2020 - 2025) đã đưa ra nhiều giải pháp để nhằm tạo chuyển biến căn bản đối với các vấn đề dân sinh bức xúc, trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc cải thiện chất lượng không khí, quản lý trật tự xây dựng, an toàn giao thông, y tế, chăm, sóc sức khỏe, an sinh cho người dân…
Trả lời câu hỏi về cơ cấu cán bộ trong Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, trong Ban Chấp hành, tỷ lệ cơ cấu nữ được tăng hơn so với nhiệm kỳ trước. Ở nhiệm kỳ XVI, tỷ lệ cán bộ nữ là 12%, còn nhiệm kỳ này là 21%. Trong Ban Thường vụ, tỷ lệ cán bộ nữ là 25%, với 4 đồng chí. Đây là bước tiến của Đảng bộ thành phố. Riêng tỷ lệ cán bộ trẻ, trong số trúng cử, số đại biểu có năm sinh 1979 là nhiều và có 3 cán bộ sinh năm từ 1980 đến 1984.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc làm cụ thể của Thành phố để đưa nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, đây là việc làm quan trọng nhất sau Đại hội. Đối với việc này, Thành ủy đã có quá trình chuẩn bị công phu cho các văn kiện Đại hội. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, thành phố đã có kế hoạch xây dựng 10 chương trình hành động, công tác lớn trong nhiệm kỳ tới. Trong đó, quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe, an sinh, phúc lợi cho người dân. Có thể kể đến như: vấn đề trợ cấp cho người già trên 80 tuổi, miễn phí xe bus cho người trên 60 tuổi, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hỗ trợ tiền xét nghiệm sàng lọc ung thư cho người trên 60 tuổi ... Trong đợt dịch COVID-19, ngoài gói hỗ trợ trị giá 62 nghìn tỷ của Chính phủ, thành phố cũng cam kết hỗ trợ tiền lương cho những doanh nghiệp mất khả năng chi trả. Đặc biệt, trong việc sắp xếp lại các thôn, tổ dân phố, Thành ủy đã hỗ trợ một phần kinh phí cho các cán bộ không tham gia công tác sau sắp xếp nhằm tri ân những đóng góp của cán bộ cơ sở cho sự phát triển chung của Thủ đô. Những việc làm này cho thấy, chương trình về an sinh xã hội đóng vai trò rất quan trọng trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trả lời câu hỏi về vấn đề nước sạch, giải quyết ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông của thành phố trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Thủ đô đặc biệt coi trọng việc xử lý rác thải. Thành phố ưu tiên đầu tư công nghệ cao để đốt rác phát điện. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nhất trí với đề xuất của Hà Nội về phát triển nhà máy đốt rác tạo ra điện và sẽ ưu tiên phê duyệt quy hoạch cho Hà Nội cho năm nay. Vấn đề nước sạch cũng được thành phố rất coi trọng. Hiện nay 100% người dân đô thị và 78% người dân nông thôn đã sử dụng nước sạch. Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đặt mục tiêu 100% người dân được cung cấp nước sạch. Đây là vấn đề lớn về an sinh xã hội mà thành phố Hà Nội đang tập trung nguồn lực để giải quyết.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về lý do vì sao Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt bình quân GRDP/người là từ 8.300-8.500 USD, thấp hơn mục tiêu của một số tỉnh, thành phố khác, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, chỉ tiêu này được xác định căn cứ trên thực tế tại Hà Nội, tính bình quân cho cả thành phố, bao gồm cả khu vực nông thôn của thành phố với số xã nhiều nhất cả nước. Sở dĩ thu nhập đầu người Hà Nội còn thấp vì nông nghiệp chỉ chiếm 2,06% trong cơ cấu kinh tế, nhưng lao động nông nghiệp còn trên 14%... Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, bình quân GRDP/người chỉ là một trong những chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng. Nếu một địa phương có đại dự án, với dân số ít thì mức GRDP/người có thể rất cao. Đối với Hà Nội, mặc dù GDRP/người hiện nay mới đạt 55 triệu đồng/năm, nhưng là thu nhập thực, thu nhập dòng của người dân. Cùng với những nội dung trên, Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập người dân; trong đó tập trung tái cơ cấu nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, đẩy mạnh tái cơ cấu lao động nông thôn, phát triển kinh tế làng nghề, phát triển các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Đối với đô thị, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020 - 2025.
Trả lời câu hỏi về công tác quản lý, đánh giá cán bộ, đồng chí Vương Đình Huệ nêu rõ, thời gian qua, có những việc chúng ta không mong muốn đã xảy ra. Do đó, cần tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng, của ủy ban kiểm tra các cấp theo hướng tăng cường về chuyên môn, bộ máy, con người, đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ về kinh phí; tăng cường vai trò phản biện, giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU và Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy sẽ làm mạnh hơn về giám sát cán bộ, đảng viên. Báo chí cũng là kênh quan trọng góp phần giám sát. Thành ủy đã yêu cầu Ban Tuyên giáo Thành ủy điểm tin tất cả cơ quan báo chí trung ương và Hà Nội về những vấn đề tích cực, nêu gương người tốt - việc tốt, đơn vị tốt và cũng chú trọng nội dung liên quan đến từng vấn đề cụ thể. Trực tiếp đồng chí Bí thư Thành ủy sẽ yêu cầu địa phương giải quyết. Chính nhờ cơ chế như vậy nên các vấn đề dân sinh bức xúc, khiếu nại, tố cáo giảm hẳn. Nhiều đồng chí tham gia nhiều kỳ đại hội nói chưa bao giờ có kỳ đại hội nào bình yên như Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Các đơn, thư khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là về cán bộ hầu như rất ít, chủ yếu là giải quyết khiếu nại liên quan đến vi phạm trật tự đô thị, đất đai. Nội dung này thành phố đã đặt trách nhiệm và thời hạn giải quyết cho đồng chí bí thư và chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã.
Về điểm mới về nguồn nhân lực và đào tạo cán bộ trẻ, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, thành phố xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Thủ đô” để kết nối toàn bộ tri thức trên kho tàng tri thức ở địa bàn Hà Nội. Hà Nội có kho tàng, nguồn “tài nguyên chất xám rất lớn” và nguồn lực trí thức rất lớn. Trong mạng lưới đó sẽ xuất hiện tài năng, nhân tố trẻ để bồi dưỡng, đào tạo qua thực tiễn.
Trao đổi về vấn đề phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, Đại hội XVII Đảng bộ thành phố đã đưa nội dung này vào văn kiện Đại hội. Mặc dù có nhiều lợi thế về việc phát triển khoa học - công nghệ, nhưng như văn kiện Đại hội đã chỉ ra, khoa học - công nghệ vẫn chưa là động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Do vậy, trong 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII cũng có chương trình về “Đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025”. Thành phố phấn đấu quý I-2021 sẽ cụ thể hóa các vấn đề này thành chương trình, để triển khai thực hiện phát triển khoa học, công nghệ./.
Tây Ninh: Tiếp tục bứt phá phát triển, vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước  (13/10/2020)
Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội: Tạo chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ, phát triển Hà Nội nhanh và bền vững hơn  (12/10/2020)
Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Phải giữ vững và mài sắc hơn “Thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Tổ quốc, Nhà nước và nhân dân  (12/10/2020)
Vai trò của văn hóa trong Chiến lược phát triển của Thủ đô Hà Nội  (12/10/2020)
Lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2020)  (11/10/2020)
- Hệ thống chính trị cơ sở với việc bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội
- Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu: Thành công và hạn chế
- Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có “tâm, tầm, trí” - yếu tố then chốt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
- Tỉnh Bình Định tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Kết quả, thành tựu thực hiện công bằng về lĩnh vực xã hội trong gần 40 năm đổi mới đất nước và nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Văn hóa - Xã hội
Một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và nâng tầm văn hóa Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Căng thẳng Nga - Ukraine: Bản chất, nguyên nhân và triển vọng