Biến đổi khí hậu có thể trở thành vấn đề “nóng” trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020
Vấn đề biến đổi khí hậu trong đời sống chính trị nước Mỹ
Trong nhiều năm, biến đổi khí hậu không phải là một trong những vấn đề của chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, kể cả khi mối đe dọa từ sự biến đổi khí hậu trở nên nghiêm trọng hơn. Cựu Phó Tổng thống Al Gore, người trong suốt một thập niên kêu gọi hành động về vấn đề biến đổi khí hậu, đã không đưa vấn đề này thành trọng tâm trong cuộc tranh cử tổng thống vào năm 2000. Năm 2008, các ứng cử viên Barack Obama và John McCain đều nói về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhưng sự ấm lên của toàn cầu đã bị nhạt mờ trước vấn đề I-rắc và kinh tế. Năm 2016, các ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump cũng không nhận được một câu hỏi riêng nào về vấn đề này trong ba cuộc tranh luận. Thậm chí không một nhà báo nào nêu bất cứ câu hỏi gây tranh luận về vấn đề này đối với các ứng cử viên này. Cao điểm của vấn đề biến đổi khí hậu trong chiến dịch chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ là năm 1988, khi ứng cử viên George H.W. Bush tuyên bố có kế hoạch ứng phó với hậu quả của “hiệu ứng nhà kính”, tuy nhiên kế hoạch này đã không được thực hiện. Trong những năm tiếp theo, các ứng cử viên thường lảng tránh vấn đề này. Ông Barack Obama hiếm khi đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu trong cuộc đua vào ghế tổng thống năm 2008, ngoài cam kết rằng dưới sự điều hành của ông, “sự dâng cao của mực nước biển” sẽ bắt đầu chậm lại. Thêm vào đó, các kế hoạch năng lượng để thực hiện giảm phát thải khí gây “hiệu ứng nhà kính” từ các nhà máy và tạo ra 5 triệu việc làm xanh trong một diễn văn tranh cử cũng không được thực hiện. Năm 2012, vào những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử, nước Mỹ đã phải hứng chịu siêu bão Sandy nhưng cả hai ứng cử viên B. Obama và Mitt Romney cũng chỉ có một vài lời mang tính hình thức về vấn đề này.
Chống biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu đòi hỏi các quốc gia phải cùng phối hợp giải quyết. Với vai trò siêu cường thế giới, Mỹ không thể không tham gia giải quyết vấn đề này. Khi ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cựu Tổng thống B. Obama đưa ra một kế hoạch táo bạo là sẽ cắt giảm 32% lượng khí thải CO2 cho đến năm 2030, thay vì con số 26%-28% mà nước Mỹ đã cam kết trước đó. Tổng thống B. Obama đã giới thiệu chương trình "cap and trade" (mua bán hạn ngạch ô nhiễm) tạo ra một mức trần đối với lượng khí thải CO2 mỗi năm của các doanh nghiệp. Điều này khiến các doanh nghiệp phải giảm lượng khí thải, hoặc đóng một khoản thuế đánh vào lượng khí thải vượt mức trần của họ, dẫn đến các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, sa thải công nhân, làm gia tăng số người thất nghiệp và giá cả tăng vọt(3)…
Vì thế, trong chiến dịch vận động bầu cử tháng 12-2015, ông D. Trump cam kết Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Sau khi thắng cử và nhậm chức vào ngày 20-1-2017, Tổng thống D. Trump đã thực hiện lời hứa trong cam kết tranh cử của mình. Ngày 1-6-2017, ông D. Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu để bảo vệ nước Mỹ và người dân Mỹ, song sẽ bắt đầu đàm phán lại nhằm mang đến một thỏa thuận công bằng hơn cho nước Mỹ, doanh nghiệp, người lao động và người dân Mỹ. Theo ông D. Trump, Hiệp định này sẽ khiến nước Mỹ thiệt hại hàng nghìn tỷ USD, người lao động mất việc làm và gây cản trở các ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ, khí đốt, than đá và cả lĩnh vực sản xuất cơ khí.
Theo các nhà phân tích, quyết định của ông D. Trump mang đậm tính chính trị, do khi còn là ứng cử viên tổng thống, ông D. Trump từng được ngành công nghiệp than đá của Mỹ hậu thuẫn, quyên góp tiền giúp ông trong thời gian vận động tranh cử. Họ tin chắc ông D. Trump sẽ là người vực dậy ngành công nghiệp than cho nước Mỹ và với họ, giải pháp duy nhất là phải đưa nước Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Đương nhiên, trong quyết định của Tổng thống D. Trump có những tính toán về lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, ông lại dành ưu tiên cho nguồn năng lượng đã thuộc về quá khứ là than đá, thay vì hướng tới những nguồn năng lượng tương lai. Các nhà phân tích cũng lưu ý là thành phần cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ ông D.Trump trong cuộc bầu cử tổng thống sống dựa vào công nghiệp than đá, chủ yếu là tại các bang Kentucky, Tây Virginia… Tại một số địa phương, tỷ lệ cử tri bỏ phiếu cho ông D. Trump lên tới hơn 80%. Đây là những bang có đa số người Mỹ da trắng mà hoạt động kinh tế lớn nhất của họ liên quan đến ngành khai thác quặng mỏ. Quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là sự “đền bù” của Tổng thống D. Trump cho những người đã ủng hộ ông, cho ngành công nghiệp than đá đã hậu thuẫn ông trong vận động tranh cử.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với nước Mỹ
Một báo cáo của Chính phủ Mỹ mới đây đã đưa ra cảnh báo nguy cấp về tình trạng biến đổi khí hậu và hậu quả khôn lường của nó đối với kinh tế Mỹ với thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ USD, thậm chí lên tới hơn 10% GDP của Mỹ tính tới cuối thế kỷ XXI.
Theo báo cáo, riêng vùng Đông Nam nước Mỹ, tới năm 2100, người dân có thể sẽ mất nhiều giờ lao động vì thời tiết quá nóng. Nông dân sẽ phải đương đầu với thời kỳ khắc nghiệt hơn. Chất lượng và sản lượng vụ mùa sẽ giảm trên khắp cả nước vì nhiệt độ cao, hạn hán và lũ lụt. Tại vùng Trung Tây Mỹ, các khu nông nghiệp sẽ sản xuất ít hơn 75% sản lượng ngô hiện tại, và vùng phía Nam nước Mỹ sẽ thu hoạch ít hơn 25% sản lượng đậu nành. Nhiệt độ tăng cao sẽ làm giảm sản lượng sữa từ 0,6% tới 1,35% trong 12 năm tới. Năm 2010, nhiệt độ tăng cao đã khiến nền công nghiệp sữa của Mỹ thiệt hại 1,2 tỷ USD. Tới cuối thế kỷ XXI, ngành đánh bắt thủy hải sản sẽ bị thiệt hại 230 triệu USD do hiện tượng biển axit hóa đầu độc và hủy diệt sinh vật có vỏ và san hô... Theo các chuyên gia, nhiệt độ cao cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người. Chỉ riêng vùng Trung Tây nước Mỹ - nơi được dự báo sẽ có mức nhiệt độ tăng cao nhất - sẽ có khoảng 2.000 trường hợp tử vong sớm mỗi năm. Mùa cháy rừng - hiện đã kéo dài và nguy hiểm hơn bao giờ hết - sẽ thiêu rụi 6 lần diện tích rừng mỗi năm tính tới năm 2050 ở một số vùng của nước Mỹ. Diện tích khu vực rừng bị thiêu cháy tại Tây Nam California có thể sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050.
Nguồn nước an toàn và có thể sử dụng tại Hawaii, biển Caribbean và những vùng khác đều bị đe dọa bởi nhiệt độ tăng cao. Các vùng dọc bờ biển của Mỹ cũng đang đứng trước mối đe dọa bởi tình trạng nước biển dâng cao, lũ lụt hoành hành. Hệ thống điện lưới cũng không tránh khỏi thảm họa, gây tổn thất cho một số ngành và lĩnh vực với thiệt hại ước tính lên tới hàng trăm tỷ USD mỗi năm.
Biến đổi khí hậu sẽ làm gián đoạn nhiều lĩnh vực của cuộc sống, làm “tổn thương” nền kinh tế Mỹ, ảnh hưởng đến thương mại và làm trầm trọng thêm những khó khăn về kinh tế - xã hội, trong đó cộng đồng dân có thu nhập thấp sẽ là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất (4).
Biến đổi khí hậu có thể là nhân tố chính trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020
Trước hậu quả của biến đổi khí hậu, như cháy rừng tàn phá California, mưa lớn gây lụt trên khắp nước Mỹ và hạn hán tàn phá toàn bộ mùa màng ở vùng trung tâm nước Mỹ khiến cho vấn đề biến đổi khí hậu có thể là nhân tố chính trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Một cuộc thăm dò cử tri của Đảng Dân chủ ở tiểu bang Iowa do Đại học Monmouth tiến hành vào tháng 4-2019 cho thấy, vấn đề biến đổi khí hậu có tầm quan trọng thứ hai sau vấn đề chăm sóc sức khỏe. Cuộc thăm dò quốc gia của hãng tin CNN cho biết, có 82% số người thuộc Đảng Dân chủ nói rằng vấn đề biến đổi khi hậu rất quan trọng và ứng cử viên của đảng họ phải ủng hộ việc thực hiện hành động tích cực để giảm các hậu quả từ biến đổi khí hậu. Đây là tỷ lệ ủng hộ cao nhất trong số những vấn đề được mong muốn cải thiện. Hiện tại, 4 ứng viên của Đảng Dân chủ chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 đã đưa ra các kế hoạch chính sách chi tiết về cách thức giải quyết vấn đề hàng đầu trong Đảng Dân chủ là tình trạng trái đất nóng lên. Ví dụ, Thống đốc Washington Jay Inslee và cựu Hạ nghị sĩ Dân chủ Beto O'Rourke (bang Texas) đã đưa ra các đề xuất nhằm hạn chế lượng khí thải gây “hiệu ứng nhà kính”. Vào tháng 4-2019, hai thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Elizabeth Warren (bang Massachusetts) và Cory Booker (bang New Jersey) đã đề xuất ý tưởng về đất đai và môi trường, hướng tới việc giải quyết vấn đề hạn chế khí thải. Các đề xuất xoay quanh việc cho phép các ứng viên trực tiếp phản đối chính quyền của Tổng thống Mỹ D. Trump - người đã quyết định việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và khôi phục một số quy định về môi trường gây ảnh hưởng đến vấn đề ô nhiễm không khí. Những đề xuất trên có thể giúp một số ứng cử viên có được lợi thế cạnh tranh trong kỳ bầu cử sơ bộ sắp tới của Đảng Dân chủ.
Cả 4 ứng cử viên đều cho biết họ ủng hộ khái niệm về “Thỏa thuận xanh mới” (Green New Deal), một kế hoạch năng lượng đầy tham vọng do Hạ nghị sĩ của Đảng Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez (New York) đưa ra tại Hạ viện Mỹ vào tháng 2-2019. Kế hoạch sẽ góp phần chuyển đổi lưới điện của Mỹ sang 100% năng lượng tái tạo vào năm 2030. Tất cả ứng cử viên chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 của Đảng Dân chủ tại Thượng viện, bao gồm cả các Thượng nghị sĩ độc lập Bernie Sanders (bang Vermont) và Kamala Harris (California), đã ủng hộ kế hoạch trên với tư cách là các nhà đồng tài trợ. “Thỏa thuận xanh mới” kêu gọi Mỹ loại bỏ các-bon vào năm 2030, một mục tiêu tham vọng có thể cần hàng nghìn tỷ USD đầu tư. Những người ủng hộ cho rằng, nếu không thực hiện mục tiêu này, cái giá phải trả còn cao hơn rất nhiều.
Cho đến nay, chỉ có các kế hoạch về khí hậu của O’Rourke và Inslee giải quyết câu hỏi chung về cách ngăn chặn khí thải các-bon của Mỹ. Mỗi đề xuất đều nhằm đưa nước Mỹ thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và đầu tư vào các “công việc xanh” để phát triển kinh tế. Kế hoạch của ứng cử viên Inslee cũng tương tự như “Thỏa thuận xanh mới” ở chỗ nhằm đưa nước Mỹ chuyển hoàn toàn sang sử dụng năng lượng sạch vào năm 2030. Nhưng ông Inslee cũng để ngỏ khả năng sử dụng năng lượng hạt nhân, một ngành năng lượng mà một số nhóm hoạt động môi trường phản đối quyết liệt.
Khi công bố kế hoạch tranh cử của mình, ông O’Rourke cho biết, mối đe dọa lớn nhất mà nước Mỹ phải đối mặt là vấn đề biến đổi khí hậu. Trong khi đó, ứng cử viên Booker cho rằng chính quyền của Tổng thống D. Trump đã “rút ruột” cơ quan bảo vệ môi trường, đẩy lùi các biện pháp bảo vệ không khí sạch và nước sạch, đồng thời không kiểm soát những người gây ô nhiễm môi trường, đem lại tác hại “to lớn và đau khổ cho các cộng đồng dễ bị tổn thương”.
Theo các nhóm hoạt động môi trường, việc triển khai một số đề xuất khác nhau về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu cho thấy các ứng cử viên của Đảng Dân chủ đang thực hiện một cách nghiêm túc các giải pháp ngăn ngừa sự nóng lên của trái đất. Charlie Jiang, một thành viên của nhóm “Greenpeace”, cho rằng hành động bảo vệ khí hậu trái đất là vấn đề quan tâm hàng đầu của người Mỹ trong năm 2020. Trong khi đó, May Boeve, Giám đốc Điều hành của tổ chức vận động vì môi trường “350 Action”, cho biết sự gia tăng hỗ trợ đối với các hành động bảo vệ khí hậu trái đất cho thấy các ứng cử viên quyết tâm xây dựng và thực thi các chính sách để khắc phục vấn đề này. Theo ông May Boeve, các cử tri coi việc ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong cuộc bầu cử tổng thống và cho biết sẽ ủng hộ tầm nhìn táo bạo nhất để ngăn chặn các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch phá hủy khí hậu. Boeve cũng mong muốn giúp các ứng cử viên xây dựng một tầm nhìn bền vững về môi trường cho tương lai (5).
Trong bối cảnh đó, ngày 2-5-2019, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật nhằm ngăn chặn Tổng thống D. Trump theo đuổi kế hoạch rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Dự luật do Hạ viện thông qua mang tên “Đạo luật hành động ngay vì khí hậu”, cấm sử dụng các quỹ liên bang vào kế hoạch rút khỏi Hiệp định trên và buộc Tổng thống phải phát triển một kế hoạch nhằm thực hiện các nghĩa vụ của Mỹ theo Hiệp định Paris, trong đó có việc đến năm 2025 phải cắt giảm 26%-28% lượng khí thải gây “hiệu ứng nhà kính” so với mức năm 2005. Văn kiện này đã nhận được sự ủng hộ của 231 nghị sĩ, trong khi 190 nghị sĩ phản đối. Trong số này, có 3 nghị sĩ Đảng Cộng hòa đứng về phía Đảng Dân chủ bỏ phiếu thuận.
Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi mô tả dự luật trên mang tính “khẩn cấp” về đạo đức, kinh tế và an ninh quốc gia, đồng thời nhấn mạnh việc thông qua dự luật là “bước đi đúng hướng”(6). Tuy nhiên, Thượng viện - hiện do phe Cộng hòa kiểm soát - ít khả năng có biện pháp tương tự. Mặc dù vậy, hành động trên cho thấy biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề "nóng" trong chính trường Mỹ.
Một vài nhóm hoạt động vì môi trường cũng có kiến nghị riêng và cho rằng bất kỳ ai được đề cử thay thế ông D. Trump vào năm 2020 cũng cần phải chống lại ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và tìm kiếm các giải pháp khắc phục khủng hoảng khí hậu. Trong một thông cáo chung, các nhóm hoạt động vì môi trường cho rằng, đó là lý do cần một cuộc thảo luận đầy đủ tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu để có thể buộc các ứng cử viên đưa ra các kế hoạch chi tiết cụ thể, đáng tin cậy và mang tính khoa học.
Như vậy có thể thấy, trong nhiều năm qua, mặc dù không được xem là vấn đề quan trọng trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, nhưng vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay trở thành một vấn đề “nóng” trong đời sống chính trị Mỹ và có khả năng đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Tuy nhiên, những nhà chính trị đang tiên phong trong chống biến đổi khí hậu cho rằng, chưa đủ thời gian để biến đổi khí hậu trở thành một trong những vấn đề quan trọng nhất. Theo họ, với quỹ thời gian đang cạn dần cho việc cắt giảm khí gây “hiệu ứng nhà kính” nhằm loại trừ những kịch bản tồi tệ nhất, những đối thủ trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ cần cam kết đưa vấn đề biến đổi khí hậu thành vấn đề quan tâm hàng đầu của họ khi thắng cử.
--------------------------------------------
(1), (7) What role will climate change play in 2020? (National News | US. https://www.usnews.com/news/national-news/articles/2019-04-17/what-role-will-climate-change-play-in-2020 Apr 17, 2019)
(2) Wildfires, flooding and droughts could make climate change an issue in 2020. Some are pushing for it to be the top one (https://time.com/5543102/2020-election-climate-change/ Mar 5, 2019)
(3) Lê Quang Mạnh - Nguyễn Đức Mạnh: “Bản chất chính trị trong quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của Tổng thống Donald Trump”, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 1 (250), 2019
(4) Xem: Climate change will shrink US economy and kill thousands (CNN.com-https://www.cnn.com/2018/11/23/health/climate-change-report-bn/index.html)
(5) Xem: Climate change emerges as leading issue for 2020 dems (https://thehill.com/policy/energy-environment/442077-climate-change-emerge-as-leading-issue-for 2020-dems/May 5, 2019)
(6) Hạ viện ngăn ông Trump rút khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu(https://www.thiennhien.net/2019/05/04/ha-vien-ngan-ong-trump-rut-khoi-hiep-dinh-paris-ve-bien-doi-khi-hau/)
Tấm lòng tri ân của Đảng, Nhà nước và nhân dân gửi tới các anh hùng, liệt sĩ, thương, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công với cách mạng  (27/07/2019)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì phiên họp về chống tham nhũng  (26/07/2019)
Thường trực Chính phủ họp về phát triển vùng kinh tế trọng điểm  (26/07/2019)
Nhiều hoạt động tri ân các Anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7  (26/07/2019)
Cần làm tốt công tác nắm, dự báo tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ trong phòng chống tội phạm  (26/07/2019)
Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019  (26/07/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển