NATO liệu có vượt qua thách thức?
Cán cân sức mạnh toàn cầu đang thay đổi, cuộc chiến chống khủng bố, mối đe dọa trong không gian mạng, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn tạo ra nhiều thay đổi căn bản. Trong khi cần sự đoàn kết nhất thì cũng là lúc nhiều rạn nứt bộc lộ ra từ trong nội bộ liên minh.
Từ sự rạn nứt nội khối…
Theo giới quan sát, nguyên nhân hàng đầu gây ra sự rạn nứt trong nội bộ NATO đó là việc nhiều nước không thể tuân thủ quy định đóng góp cho ngân sách 2% GDP. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng, không một liên minh nào có thể tồn tại mà không có sự đầu tư thích đáng từ tất cả thành viên. Theo ông Mike Pompeo, các nước đồng minh cần thiết phải có sự chia sẻ gánh nặng tài chính lớn hơn nữa từ mỗi thành viên. “Là một liên minh quân sự, các sỹ quan NATO nên là lực lượng số một. Các lực lượng lục quân, hải quân và không quân phải được huấn luyện, trang bị đầy đủ và sẵn sàng tham gia giải quyết xung đột hoặc xử lý khủng hoảng khi được yêu cầu”. Vì thế, theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, gánh nặng tài chính không thể dựa quá nhiều vào Mỹ.
Sự thiếu thống nhất trong hiện đại hóa trang bị kỹ thuật quân sự, do Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, khiến quan hệ đồng minh Washington - Ankara trở nên căng thẳng hơn. Phát biểu với báo giới bên lề hội nghị, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Mevlut Cavusoglu khẳng định việc Ankara mua các hệ thống tên lửa S-400 của Nga là không thể thay đổi. Cùng với việc ngỏ ý bán hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và máy bay chiến đấu thế hệ 5 (F-35) cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (hôm 03-4) cũng không quên cảnh báo nước này rằng họ sẽ phải “trả giá đắt nếu đơn phương hành động trong khu vực”.
Dòng chảy phương Bắc 2, cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự rạn nứt trong các thành viên NATO. Đây là dự án liên doanh giữa tập đoàn Gazprom với 5 công ty của châu Âu. Khi hoàn thành hệ thống đường ống 1.225 km này sẽ vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt từ Nga tới EU thông qua biển Baltic và đến Đức (không đi qua Ukraine). Bốn nước (Đức, Thụy Điển, Áo, Pháp) đã chấp nhận dự án, nhưng 5 nước (Ukraine, Latvia, Litva, Ba Lan và Mỹ) đã phản đối dự án này.
Việc thành lập quân đội châu Âu, cũng góp phần gia tăng sự rạn nứt của NATO. Ngày 13-11-2017 tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Ngoại giao 23 thành nước viên EU đã ký một hiệp định quân sự, đánh dấu kỷ nguyên mới của hội nhập quân sự châu Âu, củng cố sự thống nhất sau khi Anh quyết định rời khỏi EU.
Đây là nỗ lực nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào Mỹ và giúp EU có vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế. Đây còn được coi là chiến thắng của EU sau hàng thập kỷ chờ đợi, nhưng cũng là dấu hiệu các thành viên NATO ở châu Âu không còn tin tưởng tuyệt đối vào người đồng minh lớn ở bên kia Đại Tây Dương.
Theo giới phân tích, có những chuyển động lệch pha giữa các đồng minh hai bên bờ Đại Tây Dương sau khi “quân đội EU” ra đời và một kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ - EU bắt đầu. Trước đây NATO tuy cùng xây dựng nên cấu trúc an ninh chung, nhưng trên thực tế châu Âu gần như lệ thuộc hoàn toàn vào Mỹ, bởi Mỹ cung cấp tới 70% trong ngân sách NATO gần 1.000 tỷ USD.
Đến những yêu cầu mới của Mỹ…
Yêu cầu đầu tiên của Mỹ đối với các thành viên còn lại là chia sẻ gánh nặng một cách công bằng, cụ thể là việc gia tăng chi tiêu cho quốc phòng của các nước thành viên NATO. Tổng thư ký NATO đang kỳ vọng vào việc tăng chi phí, ít nhất 2% GDP của mỗi nước, đến cuối năm 2020 đạt mức 100 tỷ USD.
Đối với CHLB Đức - quốc gia đứng đầu khu vực EU, đã bị Mỹ dẫn ra làm ví dụ để chỉ trích, mặc dù Berlin đang đóng góp tới 14% cho ngân sách NATO, nhưng vẫn là con số nhỏ so với Mỹ, bởi vẫn chỉ chiếm hơn 1% GDP của Đức. Đồng thời, Washington cũng không hài lòng với việc Beclin theo đuổi dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” với Nga - điều mà Washington lo ngại một số thành viên NATO phụ thuộc vào Nga trong vấn đề năng lượng.
Ngay từ khi tranh cử cũng như hiện nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn kiên định yêu cầu đồng minh phải trả tiền cho sự bảo vệ của quân đội Mỹ, ông D. Trump đã đưa ra chủ trương yêu cầu các đồng minh phải tự bảo vệ mình. Mỹ sẵn sàng bán vũ khí cho các nước để họ bảo vệ nền độc lập và các đồng minh cũng sẽ phải trả tiền nếu họ thuê quân đội Mỹ bảo vệ.
Theo giới quan sát, Mỹ đương nhiên phải là nhà cung cấp duy nhất vũ khí trang bị cho NATO, điều đó được thể hiện ở cách mà Washington phản đối Ankara mua S-400 của Nga. Điều quan trọng hơn là, kể từ khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Mỹ luôn tìm cách gắn liền lợi ích thương mại với quân sự, cũng như muốn thay đổi điều khoản 5 của Hiệp ước liên minh, liên quan tới nghĩa vụ hành động tập thể của các quốc gia thành viên.
Theo tờ New York Times (14-01), ông Donald Trump thậm chí đã bàn bạc về chuyện rút Washington ra khỏi NATO, bởi nhiều thành viên đã không thực hiện cam kết chi phí quốc phòng 2% GDP, ngay cả Đức cũng mới chi hơn 1% GDP. Tuy nhiên, các cựu quan chức Mỹ (James Mattis và John Bolton…) đã thuyết phục ông D. Trump rằng, nếu Mỹ rút khỏi NATO chỉ có lợi cho Nga.
Theo giới chức Mỹ, ngay cả việc đề xuất ý tưởng cũng được coi là “món quà thế kỷ” đối với Tổng thống Nga V. Putin. Và lần đầu tiên trong lịch sử NATO, tại một Hội nghị thượng đỉnh năm 2018, Tổng thống Mỹ đã không đưa ra cam kết bảo vệ đồng minh NATO.
Và xác định mục tiêu chiến lược…
Theo giới nghiên cứu, ngay sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO không còn đối thủ, bởi khối Warsaw và Liên bang Xô viết sụp đổ, thì châu Âu lại bị cuốn vào vòng xoáy mở rộng không gian của NATO và chiến lược “Đông tiến” do Mỹ chủ biên, khiến EU phải vật lộn với những nhiệm vụ quân sự và nhân đạo trong các cuộc chiến ở Nam Tư, Iraq, Afghanistan, Libya, Syria…
Lạm dụng “Trách nhiệm bảo vệ” của Liên hợp quốc, Mỹ đã tạo ra tiền lệ từ Kosovo đến cuộc chiến lật đổ các chính thể được gọi là “độc tài”, gieo mầm “dân chủ” ở Trung Đông - Bắc Phi… và đã để lại hậu quả nặng nề cho EU với cuộc khủng hoảng di cư kéo dài chưa có hồi kết.
Trong khi châu Âu gánh hậu quả từ các cuộc ném bom của NATO thì Mỹ lại như người đứng ngoài cuộc. Thậm chí, Washington còn “té nước theo mưa” khi Tổng thống Donald Trump cho rằng, nếu EU không giải quyết tốt hậu quả “lời nguyền Gaddafi” thì có thể bị tan rã.
Giờ đây, hình ảnh một NATO “suy yếu” đang gây ra sự chia rẽ giữa các nước thành viên, đặc biệt khi nhiều nước tỏ ra không hài lòng với cách NATO thể hiện tại một số cuộc xung đột, đặc biệt là trong cuộc chiến “dai dẳng hơn 17 năm” tại Afghanistan. Vì thế, lời kêu gọi đoàn kết của người đứng đầu NATO là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc NATO tập trung vào Nga trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn dễ hiểu khi tình đoàn kết của khối này đang bị thử thách hơn lúc nào hết, với những bất đồng ngày càng tăng giữa Mỹ và nhiều nước đồng minh khác.
Cũng theo giới phân tích, việc NATO nhấn mạnh đối tượng tác chiến là lực lượng cực đoan và IS là quá gượng ép, vì giờ đây IS đã bị tấn công đến tận sào huyệt cuối cùng, buộc chúng phải hoạt động phân tán. Vì thế, việc coi IS là một trong những đối thủ chính của NATO thì chẳng khác nào dùng “búa máy đóng đinh”.
Vì thế, khi phát biểu trước Quốc hội Mỹ hôm 03-4-2019, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg đã cố nhấn mạnh: Chúng ta (tức NATO) đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, những thách thức mà không một quốc gia nào có thể một mình đối mặt,… trong đó có “một nước Nga quyết đoán hơn”.
Phản ứng về tuyên bố trên của NATO, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, đã đến lúc ngừng thổi phồng “mối đe dọa từ phía Đông”, đồng thời cáo buộc NATO tiếp tục gia tăng đối đầu quân sự và chính trị với Liên bang Nga.
Người đứng đầu NATO đã nhắc lại cam kết của các nhà sáng lập Liên minh: “Một vì tất cả, tất cả vì một” - một nguyên tắc đã khắc sâu trong Hiệp ước thành lập NATO, song lại đang đứng trước nhiều thách thức, bao gồm cả chính sách “nước Mỹ là trên hết” của Tổng thống Donald Trump.
Như vậy, sau 70 tồn tại, NATO được coi là liên minh mạnh mẽ và thành công nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện liên minh này đang vấp phải những thách thức không nhỏ đến ngay từ sự chia rẽ trong nội khối, nhất là với chính sách của Tổng thống Mỹ D. Trump và đặc biệt là sự “lúng túng” trong việc xác định mục tiêu chiến lược. Vì thế, câu trả lời Liệu NATO có vượt qua thách thức vẫn còn đang ở phía trước./.
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2019  (11/06/2019)
Quốc hội thông qua 02 nghị quyết và thảo luận về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Thư viện  (11/06/2019)
Tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống hai nước Việt Nam - Séc  (11/06/2019)
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện quyền và trách nhiệm của mình theo quy định của Hiến pháp năm 2013  (11/06/2019)
Khai trương Hệ thống thông tin điện tử tuyên giáo  (11/06/2019)
Cơ cấu lại doanh nghiệp lâm nghiệp ở Tây Nguyên - Vấn đề và giải pháp  (11/06/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam