Theo công bố của Tổ chức Minh bạch quốc tế năm 2005, tình trạng tham nhũng là khá phổ biến tại nhiều nước ở châu á. Cũng chính vì thế mà cuộc chiến chống tham nhũng luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia Đông và Đông - Nam á, đặc biệt là ở các nền kinh tế chuyển đổi.

Chiến lược chống tham nhũng cần những điều kiện gì ?

Chính phủ các quốc gia Đông và Đông - Nam Á khẳng định: để ngăn chặn tham nhũng, tham ô và lạm dụng công quyền nhằm trục lợi cá nhân, điều quan trọng đầu tiên phải thực thi việc quản lý theo hướng minh bạch và đề cao trách nhiệm chính trị trước quốc gia, theo đó cần có những điều kiện sau:

Thứ nhất, đề cao bản lĩnh và trách nhiệm chính trị của công chức nhà nước thông qua 3 trọng tâm: tôn vinh đạo đức công việc; khuyến khích tinh thần dám nghĩ dám làm; tăng cường ràng buộc giữa trách nhiệm và quyền lợi của công chức nhà nước. Bản lĩnh chính trị được cụ thể hóa vào việc xây dựng chính phủ mạnh với “3T” đặc trưng cơ bản là tâm sáng, tầm nhìn rộng và tư duy chiến lược trong hoạch định chính sách.

Thứ hai, dân chủ hóa chính trị và mở rộng vai trò của xã hội dân sự, như bảo đảm quyền công dân tham gia đóng góp ý kiến trong xây dựng các đạo luật, chính sách kinh tế chính trị liên quan; công khai và minh bạch tài sản của công chức; bảo đảm quyền tự do báo chí...

Thứ ba, tự do hóa kinh tế, xây dựng và thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Thứ tư, xây dựng thể chế hành pháp chặt chẽ; tăng cường tính nghiêm minh của luật pháp và thể chế, nâng cao khả năng phát hiện và xử phạt nghiêm túc các trường hợp vi phạm.

Thứ năm, giảm bất bình đẳng trong thu nhập, cải thiện tiền lương của công chức nhà nước. Cải cách bộ máy hành chính nhà nước theo hướng hiệu quả, gọn nhẹ và chi phí thấp sẽ là cơ hội cải thiện mức lương thỏa đáng cho đội ngũ công chức trong bộ máy nhà nước.

Thứ sáu, coi trọng và nâng cao trình độ dân trí như là nền tảng cho dân chủ hóa xã hội không ngừng.

Chương trình hành động chống tham nhũng

Để chống tham nhũng có hiệu quả, các quốc gia Đông và Đông - Nam Á đã xây dựng các chương trình hành động chống tham nhũng tùy thuộc vào đặc điểm và điều kiện cụ thể của mình. Nhưng, tựu trung các chương trình đều tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, thành lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng độc lập với chính phủ; ban hành luật chống tham nhũng và thực thi quyền hành pháp không khoan nhượng với mọi hành vi tham nhũng.

Không một quốc gia nào trong khu vực không có cơ quan chuyên trách độc lập chống tham nhũng. Cơ quan này bảo đảm cho cuộc chiến chống tham nhũng không chịu bất kỳ sức ép quyền lực nào và người đứng đầu cơ quan này thường là người đứng đầu chính phủ. Việc thành lập cơ quan chuyên trách khẳng định trách nhiệm chính trị của lãnh đạo quốc gia trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Tại Phi-líp-pin, Hiến pháp, luật pháp và các cơ quan công vụ chuyên trách dưới luật bao quát mọi hành vi chống tham nhũng. "Đạo luật chống tham ô và tham nhũng" được thông qua từ năm 1960 với quy định nghiêm trị hành vi tham nhũng, mức độ xử phạt tù giam có thể từ 1 tháng đến 15 năm; hằng năm, các quan chức chính phủ đều phải kê khai và cập nhật thông tin về tài sản; những người nhận và đưa hối lộ đều bị xử phạt nghiêm minh.

Năm 2002, Ủy ban Độc lập chống tham nhũng của Hàn Quốc được thành lập dưới khung khổ của Đạo luật Chống tham nhũng và được coi là cơ quan ngang bộ. Bộ phận ra quyết định cao nhất trong ủy ban gồm 9 thành viên do quốc hội, tổng thống và chánh án tòa án tối cao chỉ định. Bộ phận này có quyền hoàn toàn độc lập trong điều tra, thẩm định các trường hợp nghi vấn. Thư ký của Ủy ban điều hành 160 nhân viên làm việc nghiêm túc, công bằng và khách quan.

Năm 1997, Ủy ban quốc gia Chống tham nhũng của Thái Lan (NCCC) đã thay thế Ủy ban Chống tham nhũng được thành lập từ năm 1976 với nhiều quyền hạn và trách nhiệm lớn hơn. Được sự chỉ định của Thượng viện, Ủy ban này có nhiệm vụ điều tra không hạn chế tất cả các trường hợp nghi vấn tham nhũng kể cả của Thủ tướng, nghị sĩ Quốc hội, thành viên nội các, quan chức chính phủ, tòa án, cảnh sát và các cơ quan hành pháp khác. NCCC có toàn quyền lựa chọn nhân viên, có ngân sách hoạt động riêng, và hoạt động theo quy định của luật pháp. Các hoạt động của NCCC đều được bàn luận kỹ lưỡng trong nhiều tiểu ban Quốc hội. Ủy ban này có thẩm quyền sa thải các quan chức phạm tội, đồng thời thành viên của Ủy ban cũng phải công khai tài sản, kê các khoản nợ của bản thân, của vợ hoặc chồng, con trong vòng 30 ngày trước khi nhận nhiệm vụ và 30 ngày sau khi thôi nhiệm vụ.

Hai là, tôn trọng triệt để quyền được thông tin của công dân và quyền tự do báo chí. Đề cao vai trò của công dân trong việc tham gia quá trình hoạch định chính sách, cải thiện không khí hoạt động chính trị đất nước. Dựa trên điều kiện dân chủ hóa xã hội, giải pháp này khẳng định vai trò quan trọng của xã hội dân sự trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Hiến pháp Thái Lan khẳng định quyền của mọi tầng lớp nhân dân được tiếp cận thông tin về các hoạt động chính phủ trừ những thông tin thuộc về an ninh quốc gia, hoặc những lợi ích được luật pháp bảo vệ. Riêng tòa án Thái Lan được phép cấm các hình thức in ấn, xuất bản báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình khi đất nước bị ban bố ở vào tình trạng khẩn cấp hoặc xảy ra xung đột vũ trang, nhưng nghiêm cấm Chính phủ lạm dụng quy định này để ngăn cản quyền tự do ngôn luận của công chúng.

Ba là, cải cách thể chế với động thái quan trọng là phân quyền trong quản lý hành chính cũng như phân cấp quản lý tài chính. Trách nhiệm chính trị quan trọng là tập trung vào công cuộc cải cách thể chế nhằm hạn chế những hành vi lạm dụng quyền lực nhà nước của các quan chức cũng như nhân viên khi thực thi công vụ. Đối với người dân Thái Lan, việc phân cấp quản lý tài chính đã được thực hiện thông qua phi tập trung hóa tài chính, nới lỏng quy định chi tiêu cho địa phương thay vì trung ương quyết định, người dân địa phương có quyền giám sát ngân sách của địa phương họ và việc chi tiêu ngân sách địa phương phải coi như kênh quan trọng góp phần giảm nghèo; ngoài ra Chính phủ Thái Lan còn quy định từ năm 2006 địa phương tham gia đóng góp ít nhất 35% ngân sách của họ cho ngân sách trung ương thay vì chỉ có 20% như quy định năm 2001.

Sau khi chính phủ Su-ha-tô sụp đổ, In-đô-nê-xi-a đã khẩn trương cải cách thể chế chính trị và cơ cấu kinh tế theo hướng tăng cường sự minh bạch, công khai, gọn nhẹ và chặt chẽ. Số lượng các tổ chức giám sát tăng lên rất nhanh, nhiều cơ quan trọng yếu đã được thành lập như cơ quan Kiểm toán tài chính, cơ quan Kiểm toán tài chính và Phát triển, ủy ban Điều tra tài sản của các quan chức nhà nước, Ủy ban Thanh tra quốc gia, Đội Điều tra tiêu diệt nạn tham nhũng, ủy ban Giám sát cạnh tranh kinh doanh... Bộ máy ngành tư pháp, dân sự, đoàn thể và cơ quan quản lý cũng được cải tổ lại. Hiện nay, In-đô-nê-xi-a tăng cường hình thành các liên minh chống tham nhũng với sự cộng tác của các tổ chức xã hội trong và ngoài nước, họ được phép công khai chỉ trích Chính phủ chậm trễ trong giải quyết các nghi vấn cũng như bằng chứng tham nhũng, điều mà trong quá khứ, bị phản ứng dữ dội từ phía các cơ quan nhà nước, thậm chí có thể bị tống giam nếu vấn đề gây ra sự ồn ào trên công luận. Từ năm 2001, In-đô-nê-xi-a tăng cường đối thoại về cải cách bộ máy công quyền, quản lý nhà nước, cải cách các dịch vụ xã hội, cải cách bầu cử, đổi mới quản lý doanh nghiệp, cải tổ luật pháp và quy trình xét xử, bộ máy cảnh sát, đồng thời đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về đấu tranh chống tham nhũng. Theo một công trình xuất bản gần đây của Ngân hàng thế giới, những đánh giá tích cực về quyết tâm chống tham nhũng được dành cho một số quốc gia tiêu biểu như In-đô-nê-xi-a, Việt Nam và Trung Quốc.

Một vài kết luận

Chống tham nhũng không bao giờ mang lại kết quả, nếu các biện pháp tiến hành thiếu đồng bộ. Điều cốt lõi là quyết tâm phải bắt đầu từ các cấp lãnh đạo cao nhất. Bài học kinh nghiệm của các nước trong khu vực đã chứng tỏ điều đó. Quá trình cải cách, điều chỉnh cơ cấu kinh tế từ sau khủng hoảng tài chính 1997 - 1998 diễn ra ở nhiều nước Đông và Đông - Nam Á đã góp phần quan trọng đẩy lùi tham nhũng ở nhiều nước.

Phát hiện khác biệt về mức độ tham nhũng ở nhiều nước Đông và Đông - Nam Á gợi ý về trách nhiệm chính trị của chính quyền dù ở cấp nào. Trong thực thi công quyền, cần tạo lập cơ chế, quy định thật rõ ràng và minh bạch, tôn trọng quyền tự do hành động của mọi chủ thể (cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức), trong đó, quyền tự do báo chí có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Phát hiện sự tụt hạng về “độ sạch” tham nhũng ở các nước trong khu vực cũng gợi ý rằng, chống tham nhũng phải là công việc cần quan tâm thường xuyên, đưa ra những giải pháp chống tham nhũng hữu hiệu, trước tiên và quan trọng nhất là cải cách thể chế. Những năm gần đây, các nước trong khu vực đương đầu với tham nhũng một cách khá chủ động, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của cuộc sống. Nhiều thế lực chính trị ở một số nước ở Đông và Đông - Nam Á... vẫn còn ngăn cản hoặc công khai hoặc ngấm ngầm đối với cuộc chiến chống tham nhũng. Mặt khác, một số biện pháp quản lý mà các quốc gia đưa ra và thực hiện vẫn còn tạo ra những kẽ hở khiến cho tham nhũng vẫn còn cơ hội để tồn tại.

Việc giáo dục thường xuyên nhận thức của toàn xã hội về nạn tham nhũng cũng là điểm cần lưu ý đối với mọi thế hệ lãnh đạo; hơn tất cả mọi cơ quan giám sát, những phát hiện của người dân luôn luôn đúng và kịp thời nhất.

* PGS, TS, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới