M'đrắc là huyện thuần nông của tỉnh Đắc Lắc, với 60.000 dân, gồm 17 dân tộc cùng sinh sống trên sườn đông Trường Sơn. Nơi đây địa hình, thời tiết rất phức tạp, đời sống đồng bào gặp nhiều khó khăn, hằng năm, tỉnh phải thường xuyên trợ cấp, cứu đói, nhất là vào thời kỳ giáp hạt. Hiện nay, với sự phấn đấu không ngừng của Đảng bộ và nhân dân trong việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, đời sống nhân dân huyện M'đrắc đang từng bước được cải thiện và nâng cao.

Từ những điều kiện đặc thù của mình, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII giai đoạn 2001-2005 xác định thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy và chính quyền từ huyện đến cơ sở. Các đồng chí thường vụ được phân công lãnh đạo và chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong quá trình triển khai thực hiện, tùy theo tình hình cụ thể của từng xã, thôn, buôn, tất cả các chương trình công tác của đảng viên đều được đưa vào các nội dung cụ thể. Trong kế hoạch hành động, hầu hết các cấp ủy đều gắn công tác xây dựng Đảng ở cơ sở với các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Huyện coi hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng và các đoàn thể quần chúng là điều kiện tiên quyết để thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như chương trình xóa đói, giảm nghèo ở địa bàn dân cư. Qua phân tích đánh giá tình hình thực tế, huyện cử hàng trăm lượt cán bộ về các thôn, buôn để tìm hiểu giúp dân xây dựng, triển khai thực hiện các dự án xóa đói, giảm nghèo. Việc xây dựng dự án không những được tiến hành ở quy mô cấp xã, thôn, buôn mà còn đến tận cả gia đình. Ngoài việc giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức cơ sở đảng, cho từng đảng viên, huyện tạo mọi điều kiện để đảng viên và cán bộ luôn đi đầu trong việc thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo. Phần lớn các thôn, buôn ở 11 xã và thị trấn đều có đảng viên và tổ chức cơ sở đảng giúp cho việc học tập, triển khai các nghị quyết và các chương trình hành động, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện luôn được nhanh chóng và hiệu quả.

Năm 2001, năm đầu tiên thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo một cách đồng bộ trên địa bàn huyện, có 1.059 gia đình trong diện đói nghèo chiếm tỷ lệ 9,8 % so với tổng số hộ gia đình. Những hộ nghèo một phần do thiếu đất sản xuất nhưng phần lớn là do duy trì các tập quán canh tác lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào lao động chân tay và các yếu tố của tự nhiên. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân di cư tự do tương đối lớn với tâm lý không ổn định nên không an tâm sản xuất. Để giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả, được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện chủ trương thực hiện đồng bộ các chương trình điện, đường, trường, trạm, bảo đảm cho dân vừa có nơi ở ổn định, vừa có đất sản xuất, nhanh chóng ổn định cuộc sống, đồng thời hưởng thụ tốt các điều kiện sinh hoạt của nếp sống văn hóa mới. Qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo của huyện, đã có hàng trăm gia đình nghèo được vay vốn phát triển kinh tế hộ. Đến nay, đồng hành với chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, huyện đã triển khai được 28 dự án với tổng số tiền là 2.090 triệu đồng, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động cũng như xóa đói, giảm nghèo cho trên 4.000 hộ gia đình.

Kết quả lớn nhất của huyện là hiện tại trên địa bàn không có gia đình người dân tộc nào thiếu đất sản xuất, thiếu nhà ở, thiếu các điều kiện sinh hoạt văn hóa, chăm sóc sức khỏe tối thiểu. Huyện có 116 thôn, 39 buôn thì tất cả các thôn, buôn đều có điện phục vụ cho thắp sáng sinh hoạt và phục vụ sản xuất. Thực hiện Quyết định 132, 134 của Chính phủ, huyện đã cấp đất ở, đất sản xuất cho 393 gia đình thiếu đất sản xuất, làm nhà cho 449 gia đình với tổng giá trị là 3.500 triệu đồng. Ngoài ra, tại các xã khó khăn thuộc vùng III, huyện còn đầu tư 14 tỉ đồng để xây dựng 52 công trình phục vụ dân sinh, đồng thời hỗ trợ thường xuyên cho 1.228 hộ đồng bào thiểu số tại chỗ và 798 gia đình đồng bào thiểu số mới di cư để giúp họ thoát nghèo. Năm 2006, kinh tế của huyện tăng trưởng 17,6%, (tăng hơn 2,04% so với năm 2005 và hơn 4,6% so với kế hoạch). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch một cách phù hợp, tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể, tỷ trọng các ngành nông, lâm nghiệp giảm xuống còn 57,17%, công nghiệp - xây dựng tăng từ 18% lên 22,35%, trong đó đáng chú ý là thương mại - dịch vụ tăng gần 2% so với trước. Có thể nói, đây là một thành tựu trong công tác xóa đói, giảm nghèo của huyện, là tiền đề để huyện thực hiện tốt hơn công tác xóa đói, giảm nghèo trong thời gian tới.

Thành quả xóa đói, giảm nghèo của huyện đạt được là do nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là do cấp ủy và chính quyền địa phương đã chỉ đạo sâu sát, thực hiện đồng bộ các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện, gắn mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo với công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng ở cơ sở cũng như hoạt động của các đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội. Sử dụng tốt sức mạnh tổng hợp của các đoàn thể quần chúng, lấy đoàn thể quần chúng làm hạt nhân cho việc điều tra, phân loại và thực hiện xóa đói giảm nghèo cho từng đối tượng cụ thể đã làm dấy lên phong trào tương trợ giúp đỡ nhau để cùng thoát nghèo trong toàn huyện. Hầu hết những vấn đề bức xúc của người dân từ cơ sở luôn được chính người dân cùng nhau bàn bạc giải quyết kịp thời, tránh được tình trạng so bì vẫn thường xảy ra giữa các gia đình, giữa các thôn, buôn, làm cho luận điệu phản tuyên truyền của kẻ xấu không có cơ hội bén rễ, tinh thần đoàn kết trong nhân dân ngày càng được củng cố, tạo ra sự thống nhất cao trong hành động.

Những kết quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo của huyện M'ĐRắc chỉ mới là bước đầu. Theo kết quả điều tra hộ nghèo theo chuẩn mới, hiện nay, huyện vẫn còn đến 4.281 hộ nghèo, chiếm 35,06% so với tổng số hộ trong toàn huyện. Số hộ nghèo trong huyện chủ yếu tập trung vào những vùng sâu. Trong các xã này có xã tỉ lệ hộ nghèo còn cao tới 45% như các xã Cư Mờ Ta, Cư Kờ Róa, xã Krông Á, xã Ea Trang. Để có thể duy trì và tiếp tục làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, tiến tới xóa nghèo, tạo điều kiện cho người dân phát triển làm giàu một cách chính đáng, bảo đảm cho một xã hội phát triển bền vững, Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của huyện năm 2007 và những năm tiếp theo xác định tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phát triển kinh tế, văn hóa nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân về mọi mặt, cụ thể là phấn đấu đạt thu nhập bình quân đầu người từ 6,5 triệu đến 7 triệu đồng/năm, giảm số hộ nghèo trên địa bàn huyện 10%/năm.

Trong thời gian tới, huyện phấn đấu làm tốt những vấn đề sau:

Một là, tiếp tục duy trì tốt việc thực hiện đồng bộ các chương trình mục tiêu kinh tế xã hội của huyện và coi đây là chìa khóa của sự phát triển. Để làm tốt việc này, trên cơ sở hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng, huyện tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân, để từ đó làm cho người dân cũng như cán bộ, đảng viên quán triệt tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII và các nghị quyết, chỉ thị khác của Đảng về công tác xóa đói, giảm nghèo.

Để thực hiện tốt mục tiêu của chương trình quốc gia xóa đói, giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010, huyện chủ trương xây dựng mô hình xóa đói, giảm nghèo một cách cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh để khai thác tốt nhất tiềm năng đất đai, rừng và các nguồn lực khác tại chỗ. Theo chủ trương này, nguồn lực con người được huyện đặt lên hàng đầu, trong đó trước hết chú ý đến việc thường xuyên nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ. Chỉ có cán bộ tốt thì phong trào mới tốt, việc tổ chức thực hiện các chương trình, dự án của huyện mới có hiệu quả. Rút kinh nghiệm từ thực tiễn những năm qua, từ nhân tố cán bộ, huyện tiếp tục thực hiện công tác định canh, định cư đưa tất cả các hộ dân vào các khu dân cư đã quy hoạch ưu tiên giải quyết đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho các hộ nghèo là người dân tộc thiểu số. Trên cơ sở người dân đã có chỗ ở, chỗ sản xuất và các điều kiện sinh hoạt thiết yếu tương đối ổn định, huyện chỉ đạo các ngành, các cấp trong huyện đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm phát triển các ngành nghề một cách thích hợp.

Hai là, xem việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của huyện giai đoạn 2006-2010. Trong giai đoạn này, ngoài việc thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội như đã có, huyện ra nghị quyết chuyên đề thực hiện đồng bộ 3 chương trình, đó là Chương trình phát triển văn hóa - xã hội, Chương trình thủy lợi và Chương trình giảm nghèo. Đây là ba chương trình nhằm phát triển sản xuất nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân một cách toàn diện. Theo đó, huyện đầu tư củng cố 42 công trình thủy lợi trên địa bàn để đến năm 2010 có thể chủ động về nước tưới cho khoảng 1.800 ha lúa nước, 1.500 ha cà-phê và hàng trăm héc-ta cây củ quả, rau các loại (chiếm khoảng 60% diện tích cây trồng). Huyện tập trung vào việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng giáo dục ở vùng sâu, đồng thời đẩy mạnh công tác chống tái mù chữ cho người đồng bào dân tộc, phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục phổ thông cơ sở. Để làm tốt việc này huyện thường xuyên thực hiện kiên cố hóa trường học phấn đấu đến năm 2010 không còn phòng học tạm. Huyện tập trung hỗ trợ để người dân phát triển kinh tế và tiếp cận tốt đối với các dịch vụ xã hội, bảo đảm cho lao động của các hộ nghèo đều có công ăn việc làm, đều được chăm sóc sức khỏe và được hưởng lợi từ các hoạt động văn hóa.

Ba là, phát huy sức mạnh của các đoàn thể quần chúng, xem các đoàn thể quần chúng là nhân tố chính để thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo ở các thôn, buôn. Ngoài các phong trào nông dân sản xuất giỏi, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm, ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, để thiết thực phục vụ cho người nghèo, huyện có chính sách cung cấp tín dụng ưu đãi, áp dụng linh hoạt các phương thức cho vay vốn phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh, các trường hợp cần thiết không những chỉ cung cấp vốn bằng tiền mà bằng cả hiện vật. Hằng năm các đoàn thể quần chúng ở đây đều có những phong trào hoạt động thiết thực. Chẳng hạn phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế đã có kế hoạch giúp cho hơn 1.000 hộ chị em nghèo vượt qua được những khó khăn thử thách của gia đình, phong trào tiết kiệm vì phụ nữ nghèo đã giúp cho 144 chị em vay vốn để thoát nghèo. Những tổ, nhóm phụ nữ giúp nhau làm kinh tế xóa đói, giảm nghèo toàn huyện có tới 4.570 thành viên. Từ cơ sở hoạt động tích cực của các đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội trong Mặt trận Tổ quốc, huyện huy động cao nhất sức người, sức của thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội giúp dân không những có thể thoát nghèo mà còn có thể làm giàu.