Giám sát để khẳng định mình và phát triển

Lê Huy Hoàng
10:17, ngày 27-03-2007

Đứng chân bên dòng sông Mã hùng vĩ, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa có nhiều tiềm năng và thế mạnh. Tuy nhiên, đời sống của người dân nơi đây vẫn còn nghèo. Để tự khẳng định mình và phát triển, Bá Thước đang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, đem lại hiệu quả to lớn và hữu ích, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Bá Thước là một huyện miền núi nằm ở phía tây của tỉnh Thanh Hóa (cách thành phố Thanh Hóa 110 km), đời sống của người dân nhìn chung vẫn còn nghèo, chưa có điều kiện để phát huy tiềm năng thế mạnh của mình, người dân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp và lâm nghiệp. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về các chính sách trợ giúp đồng bào nông thôn phát triển kinh tế, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền cơ sở trong việc tổ chức thực hiện các chương trình hoạt động, các dự án xây dựng phát triển kinh tế, đời sống của người dân dần dần được cải thiện. Một trong những kinh nghiệm nổi bật làm nên thành tựu ấy là, Bá Thước không ngừng coi trọng và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Trước đây, nói đến Bá Thước người ta nghĩ ngay đến một huyện miền núi heo hút, trắc trở, đời sống của đồng bào nơi đây còn lạc hậu, bởi huyện có 22 xã và 1 thị trấn mà có tới 11 xã nằm trong Chương trình 135 của Chính phủ. Diện tích đất tự nhiên của huyện là 77.723 ha, trong đó có 8.008 ha là đất nông nghiệp, 48.459 ha là đất lâm nghiệp, 940 ha là đất ở, 1.174 ha đất chuyên dùng; số dân 103.000 người, gồm ba dân tộc: Mường, Thái và Kinh chung sống dọc theo hai bên bờ sông Mã và rải rác ở các thung lũng, khe suối. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Hội đồng nhân dân huyện đã quán triệt chức năng và vai trò trong tổ chức triển khai nghị quyết của Chính phủ về xóa đói, giảm nghèo nên đến nay số xã trong diện 135 đã giảm xuống còn 9 xã. Đó là kết quả ban đầu thể hiện hiệu quả của nguồn vốn được đầu tư và hiệu quả của chức năng tổ chức giám sát của Hội đồng nhân dân huyện và các cấp.

Với điều kiện địa bàn rộng, đường giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí hạn chế nên việc triển khai thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ ở các địa phương gặp không ít trở ngại. Trăn trở của lãnh đạo huyện và các cấp là làm sao cho các công trình được đầu tư xây dựng thực sự có ý nghĩa thiết thực đối với nhân dân và tránh được những tiêu cực có thể xảy ra. Để làm được điều đó đòi hỏi lãnh đạo các cấp phải đề ra những biện pháp nhằm giám sát việc thi công công trình xây dựng trên các địa phương làm sao thật tối ưu. Chức năng to lớn ấy trước hết thuộc về Hội đồng nhân dân huyện. Muốn giám sát được chặt chẽ, kịp thời, có hiệu quả việc tổ chức thực hiện nghị quyết, Thường trực Hội đồng nhân dân huyện đã xác định rõ: giám sát là một trong những chức năng cơ bản, quan trọng của Hội đồng nhân dân. Đây là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh trên địa bàn. Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2003 và Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp năm 2005 đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực và các ban trong Hội đồng nhân dân trong hoạt động giám sát. Giám sát, kiểm tra có một vai trò to lớn vì nó góp phần bổ sung, hoàn chỉnh việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và nghị quyết của cấp mình đề ra, bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân. Đồng thời qua giám sát, khảo sát phát hiện các vấn đề để đưa ra tập thể Hội đồng bàn bạc và ra quyết nghị một cách kịp thời, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Xác định rõ vai trò và chức năng của mình, công tác kiểm tra, giám sát của Thường trực và các ban Hội đồng nhân dân huyện Bá Thước đã góp phần quan trọng vào việc phát huy các thế mạnh của địa phương, thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Ngay từ những tháng đầu năm, Thường trực Hội đồng nhân dân huyện đã chủ động xây dựng chương trình hoạt động giám sát cụ thể cho từng tháng, từng quý, được đại biểu thảo luận và biểu quyết thông qua. Điều đó không chỉ thể hiện sự dân chủ, khoa học và công khai trong hoạt động mà còn thể hiện trách nhiệm của người lãnh đạo.

Trước hết, giám sát thông qua việc xem xét các báo cáo trực tiếp hoặc các văn bản về tình hình thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Hình thức giám sát này được thể hiện qua tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng tháng, quý, năm do Ủy ban nhân dân huyện, xã và các ban, ngành trong huyện đệ trình. Đồng thời trực tiếp tham dự các cuộc họp để nghe các ban, ngành báo cáo về tình hình thực hiện nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên cơ sở tổng hợp những nội dung kiến nghị và báo cáo của các ban, ngành hữu quan để chuẩn bị các báo cáo thuyết trình về kế hoạch, nhiệm vụ, các chỉ tiêu chủ yếu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách, dự toán và phân bổ dự toán ngân sách địa phương để trình Hội đồng nhân dân huyện xem xét, quyết định.

Hai là, Thường trực Hội đồng nhân dân và các ban trực tiếp tổ chức đoàn giám sát. Nghị quyết Hội đồng nhân dân là sự thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong toàn huyện. Việc ban hành nghị quyết là rất quan trọng, song việc giám sát thực hiện nghị quyết còn quan trọng hơn bởi nó góp phần đưa nghị quyết vào cuộc sống. Sau khi quyết định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm, Thường trực và các ban Hội đồng nhân dân huyện căn cứ vào kế hoạch hoạt động giám sát hằng tháng, hằng quý, triển khai giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các văn bản của nhà nước cấp trên. Đối với hình thức giám sát theo chuyên đề, thì lựa chọn một số chuyên đề có nội dung liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nghị quyết để Thường trực và các ban tổ chức thành các đoàn giám sát thực tế theo nội dung chuyên đề.

Trong năm 2006, Thường trực Hội đồng nhân dân đã điều hòa, phối hợp với các ban tổ chức được 21 đợt kiểm tra, giám sát; trong đó, có 6 đợt kiểm tra, giám sát theo các chuyên đề như: hoạt động tài chính thương mại, giáo dục, y tế, chất lượng thanh quyết toán các công trình... Qua các đợt giám sát, Thường trực và các ban Hội đồng nhân dân tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả và qua đó phát hiện kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện để có những kiến nghị và đề xuất giải pháp sát thực. Đồng thời có kiến nghị những vấn đề cần nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi về mặt chính sách, cơ chế. Thường trực và các ban Hội đồng nhân dân luôn theo dõi quá trình giải quyết những kiến nghị. Qua hoạt động giám sát, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan quan tâm giải quyết những kiến nghị, những vấn đề bức xúc đặt ra. Thực tế việc tiếp thu, giải quyết kiến nghị đã được các ban, ngành, đoàn thể xã hội liên quan kịp thời chỉ đạo, uốn nắn, phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bước đầu đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với chính quyền ở cơ sở.

Ba là, giám sát được thể hiện dựa trên cơ sở ý kiến chất vấn của đại biểu tại kỳ họp Hội đồng nhân dân. Đây là hình thức giám sát được Thường trực và các ban Hội đồng nhân dân huyện quan tâm vì nó phản ánh trực tiếp trong quá trình điều hành, tổ chức thực hiện những cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước và nghị quyết Hội đồng nhân dân về kinh tế - xã hội mà đại biểu và cử tri còn băn khoăn, được lãnh đạo các cấp, các ngành có liên quan trả lời trực tiếp. Nội dung các chất vấn và trả lời chất vấn tập trung nhiều vào các vấn đề nhạy cảm như: việc lấn chiếm đất đai, tiến độ thi công, thanh quyết toán công trình xây dựng chậm, chất lượng công trình kém, chất lượng lúa giống, thực hiện các chế độ chính sách đối với người được nghỉ chế độ bảo hiểm chậm, giải quyết việc làm cho người lao động, các tệ nạn xã hội, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị của cử tri, thi hành án một số vụ kéo dài... Vì chất vấn là một kênh thông tin sôi nổi được nhiều người quan tâm nên cũng từ chất vấn các ngành, các đơn vị nâng cao trách nhiệm trước dân.

Bốn là, trên cơ sở thống nhất giữa cấp trên và cấp dưới, Thường trực Hội đồng nhân dân huyện luôn quan tâm đúng mức đến việc giám sát, hoạt động của Hội đồng nhân dân xã, thị trấn. Hằng quý, tổ chức họp, thảo luận để nắm tình hình hoạt động của các địa phương. Thông qua đây, khẳng định các kinh nghiệm và thống nhất các nội dung, các nhiệm vụ mà Hội đồng nhân dân các cấp cần thực hiện. Duy trì chế độ báo cáo tình hình của Thường trực Hội đồng nhân dân xã, thị trấn với Thường trực Hội đồng nhân dân huyện, tổ chức thường xuyên các cuộc kiểm tra, giám sát hoạt động để kịp thời có văn bản hướng dẫn cụ thể cho xã, thị trấn, bảo đảm tính thống nhất trong hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp từ huyện đến xã.

Hội đồng nhân dân thường xuyên quan tâm và bảo đảm tốt mối quan hệ chặt chẽ với cấp ủy, Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc huyện. Nội dung kiểm tra, giám sát của Thường trực và các ban Hội đồng nhân dân đặt trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết của đảng bộ huyện để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Với tinh thần đoàn kết vì công việc chung, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã thảo luận, thống nhất xác định các biện pháp giải quyết phù hợp. Do vậy, việc kiểm tra, giám sát không bị cản trở, giúp cho các cấp, các ngành làm tốt hơn nữa chức năng của mình theo luật định. Các nghị quyết của Hội đồng nhân dân đề ra đã từng bước đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu lực trong công tác hoạt động kiểm tra, giám sát, Quốc hội sớm nghiên cứu, ban hành văn bản pháp luật quy định rõ hình thức, phương pháp, thẩm quyền về hoạt động kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quá trình tổ chức thực hiện.

Qua hoạt động trong thời gian dài, về phần mình, Hội đồng nhân dân huyện càng ý thức rõ, muốn hoạt động có hiệu quả, phải bố trí cán bộ thực sự có năng lực, nhiệt tình, tận tâm với công việc. Nhân dân nhìn vào đại biểu để có thể đánh giá Hội đồng nhân dân, do vậy phải đặt tiêu chuẩn chất lượng lên hàng đầu và thường xuyên quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ của đại biểu. Mặt khác, cần cung cấp đầy đủ thông tin cho đại biểu và các ban Hội đồng nhân dân để thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Đây là yếu tố hết sức cần thiết. Có đủ thông tin thì chất lượng ý kiến tham gia tại kỳ họp và chất lượng giám sát của Hội đồng nhân dân mới đạt hiệu quả cao.

* Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa