Sự kiện gây ấn tượng tích cực và lạc quan

Tuần cuối cùng của tháng 6-2008, CHDCND Triều Tiên có hai hành động được nhiều bên mong đợi, đó là, công khai phần lớn chương trình hạt nhân bí mật của họ trong một bản báo cáo gửi Trung Quốc - nước chủ trì Cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên (sau đây gọi tắt là "Cuộc đàm phán sáu bên") và phá dỡ cột tháp làm lạnh để chứng tỏ trên thực tế cam kết dừng hoạt động của lò phản ứng hạt nhân ở Dong Piên (Yongbyon). Đáp lại ngay lập tức hành động của CHDCND Triều Tiên, cũng trong ngày 26-6-2008, Tổng thống Mỹ G. Bu-sơ tuyên bố, hành động trên của CHDCND Triều Tiên là "bước đi tiến gần tới chiều hướng đúng đắn", Mỹ sẽ bãi bỏ các biện pháp trừng phạt thương mại chủ chốt đối với CHDCND Triều Tiên và đưa nước này ra khỏi danh sách "các quốc gia bảo trợ khủng bố" trong vòng 45 ngày sau khi có kết quả thẩm định tính xác thực của những thông tin trong bản báo cáo của CHDCND Triều Tiên(1). Đây là bước tiến lớn trong chính sách của Mỹ đối với một quốc gia từng bị chính quyền của Tổng thống G. Bu-sơ liệt vào "trục ma quỷ".

Sau sự kiện gây ấn tượng tích cực và lạc quan này, Cuộc đàm phán sáu bên từng bị gián đoạn nhiều tháng nay sẽ được nối lại vào ngày mai, 10-7-2008. Như vậy, có thể thấy, vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã vượt qua được giai đoạn công khai hoá các hoạt động hạt nhân của Bình Nhưỡng và tiến đến giai đoạn tiếp theo, nhằm từng bước từ bỏ chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi này.

Vừa nhân nhượng, vừa thận trọng

Có thể nói, tới lúc này, phía Mỹ đã có những bước đi vừa nhân nhượng, vừa thận trọng đối với CHDCND Triều Tiên. Trước hết, Oa-sinh-tơn từ chỗ một mực khước từ đề nghị của Bình Nhưỡng đàm phán song phương với Mỹ đã tiến tới chấp nhận tiến hành nhiều cuộc đàm phán riêng rẽ với CHDCND Triều Tiên trong khuôn khổ Cuộc đàm phán sáu bên. Tiếp đến, Mỹ đã tiến từ chỗ yêu cầu CHDCND Triều Tiên phải dỡ bỏ chương trình hạt nhân trước, sau đó mới được nhận viện trợ kinh tế và được dỡ bỏ cấm vận, tới chỗ chấp nhận đồng thời thực hiện cả hai biện pháp này. Ngày 1-7-2008, chưa chờ kết quả thẩm định báo cáo của CHDCND Triều Tiên, Tổng thống G.Bu-sơ đã ký Dự luật hỗ trợ tài chính cho các hoạt động giải trừ hạt nhân của Triều Tiên và tạm thời bãi bỏ các biện pháp trừng phạt với CHDCND Triều Tiên trong 5 năm. Đồng thời, Tổng thống G.Bu-sơ còn tuyên bố Mỹ sẽ đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia thù địch và sẽ viện trợ kinh tế cho CHDCND Triều Tiên. Có thể nói, thông qua sự nhân nhượng này, hai bên bước đầu tạo dựng được lòng tin về một vấn đề vô cùng phức tạp và gây nhiều tranh cãi là chương trình phát triển công nghệ hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Tuy nhiên, dù đã có sự thay đổi mang tính đột phá trong cách ứng xử với CHDCND Triều Tiên, phía Mỹ vẫn tỏ ra thận trọng. Tổng thống G.Bu-sơ nói: "Động thái của Mỹ gần như chưa thể làm thay đổi tình trạng CHDCND Triều Tiên bị cô lập về tài chính và ngoại giao, và, Mỹ sẽ theo dõi sát sao hành động của Bình Nhưỡng. Nếu CHDCND Triều Tiên không thực hiện những gì đã cam kết, họ sẽ còn tiếp tục bị hạn chế hơn nữa". Còn Ngoại trưởng Mỹ Côn-đô-li-da Rai-xơ (Condoleezza Rice) thì nhận xét: "Việc CHDCND Triều Tiên trao bản báo cáo hạt nhân vẫn chưa đủ để Mỹ bắt đầu bình thường hóa quan hệ với quốc gia này. Mỹ chưa thể xóa bỏ hoàn toàn những nghi ngờ về việc liệu cuộc thương lượng giữa họ với CHDCND Triều Tiên có đạt được mục tiêu buộc Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng vũ khí hạt nhân hay không"(1). Sự thận trọng và nhân nhượng cũng thể hiện cả trong cách ứng xử của CHDCND Triều Tiên. Họ không thể ngay một lúc từ bỏ chương trình hạt nhân một khi chưa nhận được sự đảm bảo về một nền hoà bình và an ninh bền vững sau gần 60 năm đối đầu với Mỹ trong một cuộc "chiến tranh lạnh" với tình trạng chỉ mới ký kết được với Mỹ Hiệp định đình chiến mà chưa ký được Hiệp ước hoà bình.

Trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, có một nguyên tắc bất thành văn nhưng là bất di bất dịch trong thái độ đối thoại của CHDCND Triều Tiên là: cam kết đổi lấy cam kết, hành động đổi lấy hành động. Năm 2007, CHDCND Triều Tiên đã ký một cam kết có tính bước ngoặt với các nước liên quan trong Cuộc đàm phán sáu bên, theo đó, Triều Tiên từ bỏ tất cả chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ năng lượng và kinh tế, Mỹ sẽ phải xúc tiến tiến trình loại Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước mà họ cho là tài trợ cho khủng bố. Nhưng khi thời hạn cuối cùng là ngày 31-12-2007 qua đi, CHDCND Triều Tiên vẫn không thực hiện các cam kết của mình với lý do chưa nhận đầy đủ các khoản viện trợ như các bên đã hứa hẹn. Điều này chứng tỏ, việc đạt được một kết quả cụ thể trong tiến trình phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên là một quá trình mặc cả xen lẫn nhân nhượng đầy khó khăn, và chỉ thành công khi có sự nhân nhượng từ cả hai đối tác chủ yếu là CHDCND Triều Tiên và Mỹ.

Thời gian gần đây, cùng với những chuyến ngoại giao con thoi của trợ lý ngoại trưởng Mỹ Crit-xtôp-phơ Hin (Christopher Hill) tới châu Á, các cuộc đối thoại song phương giữa CHDCND Triều Tiên với Mỹ đã được tiến hành thường xuyên hơn. Tháng 1-2007, cuộc gặp song phương giữa Thứ trưởng Ngoại giao CHDCND Triều Tiên Kim Ki-oan (Kim Kye-gwan) với Ngoại trưởng Mỹ Crit-xtôp-phơ Hin tại Béc-linh đã giải quyết được những bất đồng tài chính nổi cộm từng cản trở các cuộc đàm phán hạt nhân. Nhiều cuộc tiếp xúc song phương Mỹ - CHDCND Triều Tiên được thực hiện kín trong suốt những tháng đầu năm 2008 tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ) và Xinh-ga-po. Ngoại trưởng Mỹ Crit-xtôp-phơ Hin còn có chuyến thăm Bình Nhưỡng để khai thông bế tắc và được ủy quyền tự đưa ra giải pháp trước các diễn biến bất ngờ mới. Đây là một sự thay đổi lớn trong cách ứng xử của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên.

Quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên thêm một lần nữa chứng tỏ rằng, trong khi giải quyết các vấn đề quan hệ quốc tế của thế giới đương đại, cần thực hiện một nguyên tắc rất cơ bản là: các bên cần nhân nhượng và tôn trọng lợi ích của nhau; an ninh của toàn thế giới cũng là an ninh của từng quốc gia và an ninh của một quốc gia cũng là an ninh của thế giới.

Đánh giá của dư luận quốc tế

Thứ nhất, việc CHDCND Triều Tiên công khai chương trình hạt nhân của họ vào một thời điểm rất đáng quan tâm. Vừa qua, liên tiếp diễn ra các sự kiện chứng tỏ tình hình chính trị - an ninh ở Đông Bắc Á có những chuyển biến tích cực. Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản từng bước chuyển từ thời kỳ “băng giá” sang “tan băng” và hiện nay đang ở thời kỳ “mùa xuân ấm áp” được đánh dấu bằng chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào và hai nước ký kết thoả thuận có tính lịch sử là cùng nhau khai thác tài nguyên ở vùng lãnh hải đang tranh chấp trên biển Hoa Đông. Quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan được cải thiện mang tính đột phá qua chuyến thăm Trung Quốc của ông Ngô Bá Hùng - người đứng đầu Quốc dân Đảng đang cầm quyền ở Đài Loan. Tiếp đến, Trung Quốc và Đài Loan chính thức mở chuyến bay thường xuyên giữa hai bên. Quan hệ Mỹ - Trung được cải thiện một bước đáng kể thông qua cuộc “Đối thoại chiến lược về kinh tế” diễn ra vào cuối tháng 6-2007. Còn Nhật Bản tuyên bố sẽ nối lại các cuộc đàm phám song phương với CHDCND Triều Tiên vào ngày 7-8-2008. Đây là vòng đối thoại chính thức đầu tiên giữa hai nước kể từ tháng 9-2007 nhằm thiết lập các mối quan hệ song phương được Mỹ hậu thuẫn.

Nhận lời mời của Chính phủ Trung Quốc, Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ, Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Châng In (Kim Jong-il), Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc, Thủ tướng Nhật Bản Phư-cư-đa sẽ tới dự Đại hội Ô-lim-pích Bắc Kinh vào tháng 8-2008. Tại đây có thể sẽ diễn ra cuộc gặp cấp cao các nước Mỹ, CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, trong đó không loại trừ khả năng các bên sẽ đề cập đến chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và quan hệ Mỹ - CHDCND Triều Tiên.

Xâu chuỗi các sự kiện có thể thấy dường như tất cả các diễn biến tích cực vừa qua ở Đông Bắc Á và Đông Á diễn ra theo một kịch bản khá hoàn hảo và dư luận ghi nhận ở đây vai trò tích cực và chủ động của Trung Quốc.

Thứ hai, các bước đi từ hai phía CHDCND Triều Tiên và Mỹ là tích cực và có tính đột phá. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tuyên bố: "Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực của Mỹ và các bên liên quan đã làm trong thời gian qua để có được tiến bộ này. Trung Quốc mong muốn tiếp tục những nỗ lực về mọi mặt để vượt qua trở ngại, nhằm hoàn tất giai đoạn tiếp theo của tiến trình giải giáp hạt nhân, thúc đẩy đàm phán sáu bên đạt được những bước phát triển mới”. Ngoại trưởng Mỹ Côn-đô-li-da Rai-xơ nhận xét: “Tôi hy vọng CHDCND Triều Tiên sẽ tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết của họ và ý thức được những lo ngại của cộng đồng quốc tế. Mục đích cuối cùng là CHDCND Triều Tiên phải từ bỏ hoàn toàn tất cả các chương trình hạt nhân, từ sản xuất nguyên liệu đến chế tạo vũ khí hạt nhân”(2). Ông Kim Xúc (Kim Sook), Phái viên của Hàn Quốc về vấn đề hạt nhân tỏ ý lạc quan: "Chúng tôi hoan nghênh những tin tức tốt đẹp trong tiến trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn một việc lớn là kiểm chứng các cam kết của Bình Nhưỡng. Chúng tôi chờ đợi những tiến triển tiếp theo như khởi động Cuộc đàm phán sáu bên để đạt được mục đích cuối cùng”.

Tuyên bố và nhận xét của các chính khách có liên quan chứng tỏ, các bước đi từ hai phía CHDCND Triều Tiên và Mỹ là tích cực và có tính đột phá trong bối cảnh quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đang ở vào thời điểm nhạy cảm do chính sách cứng rắn của Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc về quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, còn Nhật Bản vẫn muốn đưa vấn đề công dân của họ bị phía CHDCND Triều Tiên bắt cóc vào nội dung các cuộc thương lượng về các khoản viện trợ cho Bình Nhưỡng.

Thứ ba, Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ, trước khi rời Nhà Trắng, mong muốn ghi dấu ấn trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Ngày 23-7-2007, ông Crit-xtôp-phơ Hin cho biết, Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2008, sẽ ký kết được Hiệp định chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên và Hiệp định hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.Do cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ tiến hành trong tháng 11-2008 nên chính quyền hiện nay ở Mỹ rất muốn giải quyết xong vấn đề hạt nhân phức tạp của Triều Tiên trước khi Tổng thống G.Bu-sơ rời Nhà Trắng(3). Ý định trên đây của chính quyền hiện nay ở Mỹ là điều dễ hiểu. Trong nhiệm kỳ sắp kết thúc, "cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố" do Tổng thống G.Bu-sơ phát động đã không đạt được kết quả như mong muốn: Mỹ đang gặp khó khăn lớn, nếu không muốn nói là đang "sa lầy" ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan; bài toán vấn đề hạt nhân của I-ran chưa có lời giải; kế hoạch triển khai một phấn lá chắn tên lửa ở Đông Âu vừa bị Tổng thống Ba Lan bác bỏ, chỉ còn vấn đề phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên là có đôi chút hy vọng. Vì thế, nếu đạt được thoả thuận như các bên trong Cuộc đàm phán sáu bên dự kiến, thì có thể cho rằng, trong tiến trình hướng tới phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ đã để lại được một dấu ấn chính trị nhất định trước khi ông rời Nhà Trắng vào cuối năm 2008.

Như vậy, phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên là xu hướng tích cực và có triển vọng, đáp ứng mong đợi của cộng đồng quốc tế vì một thế giới hoà bình, hợp tác, phát triển và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Đó cũng là xu hướng chủ đạo của thế giới đương đại. Tuy nhiên, đây là một xu hướng ẩn chứa lắm khúc quanh, có đoạn có thể dự báo trước, có pha sẽ xuất hiện bất ngờ khó lường trước được. Có vượt qua được những khúc quanh đó hay không là tuỳ thuộc vào ý chí chính trị của các bên có liên quan./.
 

Tài liệu tham khảo chính:
 
1. Thái độ của Mỹ về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Tin Thông tấn xã Việt Nam, ngày 27-6-2008.
2. Mỹ sẽ hỗ trợ tài chính cho giải trừ hạt nhân của Triều Tiên. Tin Thông tấn xã Việt Nam, ngày 2-7-2008.
3. Mỹ đặt mục tiêu giải quyết dứt điểm vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Tin Thông tấn xã Việt Nam, ngày 24-7-2007.
4. Phát biểu của V.Pu-tin tại Hội nghị Mu-ních. Báo "Nhezasimajia Gazeta", số 28-12-2007.
5. Tổng thống G.W.Bu-sơ nhân nhượng CHDCND Triều Tiên. Báo "Vơ-gli-at", ngày 4-7-2008.
6. Đàm phán sáu bên có thể được nối lại vào 10-7-2008. Tin Thông tấn xã Việt Nam, ngày 4-7-2008.
7. Tin của các hãng thông tấn các ngày 26-6 và 27-6-2008.