Tổng Bí thư Lê Duẩn - Người luôn trăn trở tìm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

TS. Lý Việt Quang Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
21:27, ngày 04-04-2017

TCCSĐT - Đặc điểm nổi bật trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng gần 60 năm của Tổng Bí thư Lê Duẩn là luôn luôn xuất phát từ tình hình thực tế để tìm ra những hướng đi, cách làm phù hợp, đưa phong trào cách mạng tiến lên, không chấp nhận, bằng lòng với những kết luận có sẵn. Một trong những minh chứng khẳng định điều này là những đóng góp của Tổng Bí thư Lê Duẩn trong những năm cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

1. Sau ngày miền Nam được giải phóng (tháng 4-1975), đất nước hoàn toàn thống nhất, cả nước tập trung thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tháng 6-1976, phát biểu tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội nước Việt Nam thống nhất, đồng chí Lê Duẩn nêu rõ: “Với thắng lợi hoàn toàn và triệt để của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trong cả nước. Đây là giai đoạn nhân dân ta bắt tay vào sự nghiệp xây dựng trên Tổ quốc Việt Nam yêu dấu một xã hội đẹp nhất trong lịch sử của dân tộc, đưa Tổ quốc ta tiến lên từng bước để cuối cùng đạt tới đỉnh cao chói lọi của nền văn minh, thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(1).

Đó là sự phát triển tất yếu của con đường cách mạng Việt Nam: độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội - con đường đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và dân tộc ta lựa chọn. Đồng thời, đó cũng là con đường phù hợp với quy luật phát triển của xã hội loài người trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn chỉ ra rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đem lại cho nhân dân lao động quyền làm chủ thật sự và đầy đủ nhất; chỉ có chủ nghĩa xã hội mới thực hiện được ước mơ lâu đời của nhân dân lao động là vĩnh viễn thoát khỏi cảnh bị áp bức bóc lột, đói rét lầm than để sống một cuộc đời no cơm ấm áo, ngày mai được bảo đảm, một cuộc đời văn minh, hạnh phúc; chỉ có chủ nghĩa xã hội mới làm cho Tổ quốc ta có kinh tế hiện đại, văn hóa và khoa học tiên tiến, quốc phòng vững mạnh, để mãi mãi độc lập và mãi mãi phồn vinh; chỉ có chủ nghĩa xã hội mới làm cho Tổ quốc ta thống nhất đầy đủ nhất: thống nhất về lãnh thổ, thống nhất về chính trị và tinh thần, thống nhất về kinh tế, văn hóa, xã hội, thống nhất về quyền lợi và nghĩa vụ, mọi người đoàn kết và thương yêu nhau một cách chân thật và thắm thiết(2).

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12-1976), đường lối, biện pháp đi lên chủ nghĩa xã hội trên toàn quốc đã được đồng chí Lê Duẩn, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình bày cụ thể trong Báo cáo chính trị. Trên cơ sở phân tích những đặc điểm của nước ta khi đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là đặc điểm: “nước ta vẫn đang ở trong quá trình từ một xã hội mà nền kinh tế còn phổ biến là sản xuất nhỏ tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”, Báo cáo chính trị nêu rõ: “điều kiện quyết định trước tiên là phải thiết lập và không ngừng tăng cường chuyên chính vô sản, thực hiện và không ngừng phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động”(3). Báo cáo chính trị cũng xác định, những đặc điểm của nước ta hiện tại quy định cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là một quá trình biến đổi cách mạng toàn diện, liên tục, vô cùng sâu sắc và triệt để. Đó là quá trình kết hợp cải tạo với xây dựng, cải tạo để xây dựng, xây dựng để cải tạo, trong cải tạo có xây dựng, trong xây dựng có cải tạo, mà xây dựng là chủ yếu. Đó là quá trình vừa xóa bỏ cái cũ, vừa xây dựng cái mới từ gốc đến ngọn. Đó cũng là quá trình thực hiện ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật và cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt(4).

Về con đường công nghiệp hóa, Báo cáo chính trị nêu rõ, điều có ý nghĩa quyết định là phải tiến hành công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa - nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nhằm tạo ra một cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp hiện đại, theo phương châm: “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ", làm cho nông nghiệp và công nghiệp kết hợp chặt chẽ với nhau thành một thể thống nhất, cùng phát triển nhịp nhàng lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, mỗi bước phát triển luôn luôn gắn bó với nhau, thúc đẩy lẫn nhau, phục vụ cho nhau”(5).

Về cơ bản, đường lối trên là sự tiếp nối đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960) đã nêu ra, đồng thời cũng là con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô và Đông Âu đã và đang thực hiện - xây dựng một nền kinh tế với thành phần là quốc doanh và tập thể, xây dựng một cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp hiện đại bằng cách thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, tập trung chủ yếu là công nghiệp nặng. Điều đáng lưu ý ở đây là, tuy Nghị quyết Đảng nêu: ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, nhưng trên thực tế, nông nghiệp - ngành kinh tế truyền thống và thu hút chủ yếu lao động của Việt Nam lại không được chú trọng đúng mức. Số liệu thống kê cho thấy, vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho công nghiệp năm 1976 chiếm tỷ lệ 31,9% thì đến năm 1980 tăng lên 40,7%; trong khi đó, vốn đầu tư xây dựng cơ bản dành cho nông nghiệp năm 1976 chỉ chiếm tỷ lệ 20% và đến năm 1980, thậm chí còn giảm đi, chỉ là 19%(6).

Trên thực tế, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội sau ngày đất nước thống nhất diễn ra đầy khó khăn, thách thức. Những hạn chế của đường lối xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội theo tư duy, mô hình cũ đã bộc lộ những hạn chế từ khi miền Bắc tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Song, hoàn cảnh chiến tranh trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ khiến những hạn chế này bị mờ lấp. Khi đất nước hòa bình, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, những hạn chế này bộc lộ ngày càng rõ hơn và phát triển trầm trọng hơn. Tình hình kinh tế - xã hội đất nước những năm 1976 - 1980 diễn biến theo chiều hướng đi xuống. Một trong những biểu hiện là chỉ số tổng sản phẩm xã hội bình quân hằng năm thời gian này chỉ tăng 1,4% và thu nhập quốc dân hằng năm chỉ tăng 0,4%, trong khi đó dân số hằng năm tăng 2,24%(7). Đời sống cán bộ, nhân dân trở nên khó khăn hơn, sản xuất lương thực không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong nước và nước ta phải nhập khẩu lương thực. Trong khi đó, tình hình căng thẳng và cuộc chiến tranh xâm lược của các thế lực chống phá cách mạng Việt Nam nổ ra ở hai đầu biên giới phía Tây Nam và phía Bắc càng làm cho tình hình đất nước thêm khó khăn.

Trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Lê Duẩn hết sức trăn trở trước tình hình này. Xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của đất nước, từ thực tiễn công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đồng chí đã cùng Trung ương Đảng, Nhà nước suy nghĩ tìm hướng đi phù hợp, điều chỉnh bước đi và cách làm mới, nhằm tháo gỡ tình hình khó khăn của đất nước. Phát biểu tại Hội nghị Bộ Chính trị tháng 5-1977 về vấn đề nông nghiệp, đồng chí nhấn mạnh: “Để thực hiện mục tiêu ăn no hơn, có cây công nghiệp nhiều hơn, xuất khẩu nhiều hơn..., thì phải tập trung toàn lực cho nông nghiệp. Các ngành tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải, công nghiệp... đều phải làm nông nghiệp, để một mình nông nghiệp thì không làm được đâu... Như vậy là chúng ta làm công nghiệp hóa từ nông nghiệp. Phải làm cho nông nghiệp có sự nhảy vọt ghê gớm”(8). Đây là tư duy hết sức mới mẻ so với mô hình công nghiệp hóa bắt đầu từ công nghiệp nặng vẫn còn đang phổ biến trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa khi đó.

Tinh thần trên tiếp tục được đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh trong bản Đề cương Kết luận Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương khóa IV (tháng 7-1977) bàn về phát triển sản xuất nông nghiệp. Với tư duy biện chứng, đồng chí xác định rõ: “Từ một nền kinh tế sản xuất nhỏ là chủ yếu, công nghiệp thấp kém, cơ sở vật chất kỹ thuật non yếu, đời sống khó khăn, trong lúc nông, lâm, ngư nghiệp là bộ phận lớn của nền kinh tế có khả năng phát triển nhanh, vì lao động và đất đai tương đối thuận lợi, thì bước đi đầu tiên hợp lý nhất là nhanh chóng tạo ra sự phát triển vượt bậc của nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp. Đó là nhiệm vụ hàng đầu của toàn bộ nền kinh tế quốc dân”(9).

Đây là sự điều chỉnh mới trong tư duy lý luận về vai trò của nông nghiệp. Cách đặt vấn đề như trên về vai trò của nông nghiệp là đúng hơn, thể hiện rõ hơn vai trò đứng đầu của ngành kinh tế này trong nền kinh tế quốc dân thời điểm đó. Con đường công nghiệp hóa do vậy cũng phải xuất phát từ nông nghiệp.

Trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước, nhiều tư duy mới, cách làm mới nảy sinh trong thực tiễn. Trong ngành nông nghiệp, hiện tượng “khoán chui” xuất hiện ở một số địa phương như Vĩnh Phúc với vai trò của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, tại Hải Phòng với vai trò của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đoàn Duy Thành. Trong lĩnh vực thương nghiệp, tiêu biểu là việc “phá rào” tổ chức thu mua và bán lẻ lúa gạo của Công ty Kinh doanh lương thực Thành phố Hồ Chí Minh do Giám đốc Nguyễn Thị Rào (Ba Thi) đứng đầu; việc thực hiện bù giá vào lương ở Long An dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Chính (Chín Cần)...

Những cách làm mới, hướng đi mới nói trên mang lại hiệu quả thực tế to lớn và được người dân hồ hởi đón nhận. Tuy nhiên, những nhân tố mới này lúc đầu không phải đã thực sự được mọi người, cả các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chấp nhận ngay, bởi lo ngại chệch hướng. Đã có những ý kiến phê phán, thậm chí khá gay gắt đối với những cách làm mới. Trong bối cảnh đó, Tổng Bí thư Lê Duẩn lại là người thể hiện thái độ tôn trọng và cởi mở đối với những nhân tố mới, trên cơ sở hiệu quả thực tế mang lại. Khi đồng chí Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị phê phán gay gắt về việc cho nông dân làm “khoán chui”, đồng chí Lê Duẩn đã về thăm Vĩnh Phúc và động viên, chia sẻ với đồng chí Kim Ngọc: “Về hoạt động kinh tế của hợp tác xã tôi có điều rất phân vân. Bởi vì, 5% ruộng đất giao cho gia đình thì người ta làm ra 45% thu nhập, còn 95% ruộng đất giao cho hợp tác xã thì chỉ làm ra khoảng 50% thu nhập, dù 50% này là lương thực rất cần cho xã hội.

Tôi phân vân đã lâu, nhưng thật sự chưa nghĩ ra được cách gì giải quyết. Nay anh đề ra “khoán hộ” thì có lẽ đó cũng là một cách. Nhưng vì quá mới, ngược với suy nghĩ và cách làm lâu nay, cho nên đa số anh em không đồng tình với anh. Anh yên tâm, một sáng kiến làm ăn mới chưa được mọi người chấp nhận ngay thì cũng là chuyện bình thường”(10).

Khi Hải Phòng thực hiện khoán ở những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, chính đồng chí Lê Duẩn đã ủng hộ cho cách làm mới này. Đồng chí Đoàn Duy Thành - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng khi đó nhớ lại: “Tôi đến nhà Tổng Bí thư Lê Duẩn và báo cáo suốt 3 giờ về thực trạng nông nghiệp, nông dân và chủ trương “khoán” của Hải Phòng. Tổng Bí thư nghe rất kỹ và đồng tình. Ông còn bảo: “Cứ về làm, tôi sẽ về xem các đồng chí làm thế nào”(11).

Quan điểm của nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng như trên thực sự là sự khích lệ, động viên đối với những nhân tố mới, cách làm mới, góp phần thúc đẩy xu hướng tiến bộ, đổi mới trong cả nước phát triển mạnh mẽ. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 khóa IV (tháng 9-1979) dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nghiêm túc đánh giá: “Việc xây dựng kế hoạch kinh tế vẫn tập trung quan liêu, thiếu căn cứ thực tế và khoa học, chưa kết hợp chặt chẽ kế hoạch hóa với sử dụng thị trường, chưa chú ý đầy đủ tăng cường và phát huy kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, và cũng chưa chú ý sử dụng đúng đắn các thành phần kinh tế cá thể và tư sản dân tộc (ở miền Nam). Chậm khắc phục tình trạng trì trệ, bảo thủ trong việc xây dựng các chính sách cụ thể về kinh tế, tài chính để khuyến khích phát triển sản xuất”(12).

Với tinh thần “nhằm mục đích có lợi nhất cho sản xuất”(13) và “mạnh dạn sửa đổi và cải tiến các chính sách hiện hành, nhất là về lưu thông, phân phối, nhằm làm cho sản xuất bung ra đúng hướng”(14), Hội nghị Trung ương 6 khóa IV đã chỉ ra hai điểm rất đáng chú ý là: Thứ nhất, về hình thức tổ chức sản xuất, không nên cố định, mà có thể thay đổi tùy theo đặc điểm ngành, nghề và trình độ phát triển của kinh tế, kỹ thuật. Đối với cá thể, kể cả sản xuất, sửa chữa và dịch vụ, xét sản phẩm nào, công việc nào cá thể hiện đang làm tốt, phục vụ tốt thì giúp đỡ cá thể tiếp tục làm; Nhà nước quản lý bằng chính sách. Một số mặt hàng hiện đang do quốc doanh phụ trách sản xuất, nhưng lúc này nếu xét thấy để cho tiểu, thủ công nghiệp và tư bản tư nhân sản xuất có điều kiện phát triển sản xuất thuận lợi hơn, thì cũng cần mạnh dạn giao lại cho tiểu, thủ công nghiệp và tư nhân làm; Thứ hai, về các cơ sở kinh doanh, sản xuất, trước mắt, tập trung sức củng cố tốt cơ sở (hợp tác xã, xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp), bảo đảm quyền chủ động sản xuất kinh doanh quyền tự chủ về tài chính của cơ sở(15).

Hội nghị Trung ương 6 khóa IV thực sự là bước đột phá đầu tiên tạo tiền đề cho sự hình thành đường lối đổi mới của Đảng ta tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986). Cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, xuất phát từ tình hình cụ thể ở nông thôn Việt Nam, nhất là kết quả ấn tượng của việc thử nghiệm hình thức khoán, ngày 13-01-1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 100-CT/TW “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp”. “Khoán 100” là bước tiến quan trọng để hình thành “Khoán 10” - Nghị quyết số 10-NQ/TW “Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp” (ngày 05-4-1988) - được xem như một cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực nông nghiệp thời đổi mới.

Trong lĩnh vực công nghiệp, tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 được cụ thể hóa với Quyết định số 25/CP, ngày 21-01-1981 của Hội đồng Chính phủ “Về một số chủ trương và biện pháp nhằm phát huy quyền chủ động sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh” và Quyết định số 26/CP cùng ngày 21-01-1981 của Hội đồng Chính phủ “Về việc mở rộng hình thức trả lương khoán, lương sản phẩm và vận dụng các hình thức tiền thưởng trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh của Nhà nước”. Đây là những quyết định giúp tháo gỡ tình trạng lãng phí năng lực sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm để cải thiện đời sống người lao động, đồng thời cung cấp thêm những mặt hàng phục vụ đời sống nhân dân, giảm bớt tình trạng khan hiếm hàng hóa tiêu dùng.

2. Tiếp tục trăn trở tìm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3-1982), đồng chí Lê Duẩn và các đại biểu tham dự Đại hội đã nêu ra hai điểm mới hết sức quan trọng. Điểm thứ nhất là xác định quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phải trải qua nhiều chặng đường, chặng đường đầu (trước mắt) bao gồm giai đoạn kéo dài từ năm 1981 đến 1985 và kéo dài đến năm 1990(16). Điểm thứ hai là nhấn mạnh vai trò quan trọng của nông nghiệp trong chặng đường đầu tiên: “cần tập trung sức phát triển mạnh nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”(17).

Từ thực tiễn kinh nghiệm giải quyết vấn đề giá cả và tiền lương ở một số địa phương, đồng chí Lê Duẩn và Bộ Chính trị đã tổ chức xây dựng Đề án giá - lương - tiền. Nội dung cơ bản của Đề án được Hội nghị Trung ương 8 khóa V (tháng 6-1985) thông qua, trở thành Nghị quyết số 25-NQ/TW về vấn đề giá - lương - tiền. Nghị quyết nhấn mạnh phải dứt khoát xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển hẳn sang cơ chế thị trường: “xóa quan liêu bao cấp trong giá và lương là yêu cầu hết sức cấp bách, là khâu đột phá có tính quyết định để chuyển hẳn nền kinh tế sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa trên cơ sở kế hoạch hóa, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong cả nước” (18). Đây thực sự là bước đột phá thứ hai trong quá trình hình thành đường lối đổi mới của Đảng ta và tiếp tục là sự ghi dấu đóng góp quan trọng của Tổng Bí thư Lê Duẩn trong tiến trình tìm tòi, xây dựng đường lối đổi mới của Đảng.

Đánh giá về những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Duẩn đối với cách mạng Việt Nam, trong Điếu văn tại Lễ truy điệu đồng chí Lê Duẩn, Đảng ta nêu rõ: “Là một người mác-xít - lê-nin-nít chân chính, đồng chí luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi, xuất phát từ tình hình thực tế, phân tích, giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đề ra. Sự sáng suốt của đồng chí thể hiện nổi bật trước những bước ngoặt của lịch sử và những tình huống phức tạp”.

Những trăn trở, tìm tòi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đồng chí đã được Đảng ta trân trọng tiếp thu và tiếp tục phát triển. Đồng chí Lê Duẩn đã để lại những dấu ấn quan trọng đối với việc hình thành đường lối đổi mới, đưa đến bước phát triển vượt bậc của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới giàu đẹp, văn minh./.

-----------------------------------------

(1) Lê Duẩn: Tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tập III, tr. 40

(2) Xem Lê Duẩn: Tuyển tập, Sđd, tập III, tr. 41-42
(3) Lê Duẩn: Tuyển tập, Sđd, tập III, tr. 263
(4) Lê Duẩn: Tuyển tập, Sđd, tập III, tr. 263
(5) Lê Duẩn: Tuyển tập, Sđd, tập III, tr. 269
(6) Tổng cục Thống kê: Việt Nam con số và sự kiện (1945-1989), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1990, tr. 163
(7) Tổng cục Thống kê: Việt Nam con số và sự kiện (1945-1989), Sđd, tr. 128
(8) Lê Duẩn: Tuyển tập, Sđd, tập III, tr. 417-418
(9) Lê Duẩn: Tuyển tập, Sđd, tập III, tr. 454
(10) Trần Hoàng Tiến: Đêm trước đổi mới và anh Ba - Lê Duẩn, anh Năm - Trường Chinh, Báo điện tử Vietnamnet, ngày 20-2-2012
(11) Trần Hoàng Tiến: Ông “Kim Ngọc” ở Hải Phòng và ngoại giao Ba Đình, Báo điện tử Vietnamnet, ngày 21-2-2012
(12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 40, tr. 358-359
(13) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t. 40, tr.390
(14) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t. 40, tr.391
(15) Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.40, tr. 390
(16) Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.43, tr. 59
(17) Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.43, tr. 71
(18) Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.46, tr. 117