TCCS - Kinh tế học xanh là khoa học kinh tế về chính thế giới hiện thực mà con người đang tồn tại. Đó là thế giới của hành vi, nhu cầu con người, tài nguyên thiên nhiên, quan trọng hơn cả, là quan hệ cân bằng và hài hòa của tất cả những nhân tố cùng tồn tại trên hành tinh Trái đất.

Đối tượng quan tâm của kinh tế học xanh không phải là giá trị trao đổi hay tiền bạc, mà là "giá trị thỏa dụng". Kinh tế học xanh tìm hiểu quá trình tái tạo không ngừng, qua các thế hệ, của cá nhân, cộng đồng và hệ sinh thái chứ không phải quá trình tích lũy tiền, vàng, đô-la, nhà đất hay bất cứ loại của cải nào. Kinh tế học xanh quan tâm trực tiếp tới đáp ứng các nhu cầu của môi trường sống và của nhân loại. Hiểu rộng hơn, đây là khoa học kinh tế về các quan hệ cân bằng và hài hòa của sinh quyển, trong đó, con người là một thành phần quan trọng.

Cố gắng khám phá và kiểm soát các quy luật về tiền tệ, lãi suất hay tác động can thiệp của nhà nước chưa đủ để tạo ra các nền kinh tế vận hành hợp lý và giàu tri thức. Những cuộc khủng hoảng nhiên liệu và năng lượng, khủng hoảng lương thực, các thảm họa môi trường... mà nhân loại từng trải qua đòi hỏi phải nghiêm khắc nhận thức rằng, xã hội con người chưa từng khi nào tổ chức một hệ thống kinh tế lãng phí tài nguyên, phân bổ nguồn lực bất hợp lý và vận hành kém hiệu quả như hiện tại. Mối lo này càng lớn hơn khi nhân loại đang tiến tới và nỗ lực đẩy nhanh quá trình xây dựng một hệ thống kinh tế toàn cầu - có tên gọi "Toàn cầu hóa".

Kinh tế học xanh không chỉ quan tâm duy nhất tới môi trường. Hiển nhiên, nhân loại phải hướng tới sự hài hòa với các hệ thống tự nhiên, các nền kinh tế cần kết hợp với quá trình sinh thái giống như “chiếc thuyền xuôi gió”. Để làm được như vậy, cần tới sức sáng tạo vĩ đại, kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại và sự tham gia chủ động của tất cả các thành viên trong xã hội loài người. Mỗi con người đang lao động và tồn tại không thể tiếp tục là một bánh răng của cỗ máy tích lũy tài sản. Con người trở thành loài ngự trị Trái Đất và sứ mạng của nhân loại là gìn giữ sự cân bằng và không ngừng làm giàu hành tinh Xanh. Song dường như con người đang làm điều ngược lại: cố gắng tích lũy thật nhiều cho mình bằng cách khai thác và thậm chí tận diệt sự tồn tại của những hệ sinh thái xung quanh.

Kinh tế học xanh nhấn mạnh việc tạo ra các hiệu ứng thay thế tích cực trong mọi lĩnh vực của đời sống và mọi khu vực kinh tế. Kinh tế học xanh không đặt ưu tiên hỗ trợ cho khu vực công hay khu vực tư nhân. Nếu có sự phân biệt nào đó thì chỉ nhằm xác định rõ ràng hơn nhiệm vụ và phương thức phối hợp giữa hai khu vực mà thôi. Thị trường là nơi các giá trị sinh thái và xã hội thể hiện. Các nhà nước tích hợp các tiến bộ trong những hệ thống nền tảng của cộng đồng. Để điều này trở thành hiện thực, quá trình kinh tế mới cần được thiết kế, các quy tắc và luật chơi mới được đưa ra nhằm tạo động lực khuyến khích các hành vi hài hòa sinh thái trong đời sống kinh tế thường nhật. Các nhà nước chuyển từ vai trò giám sát sang điều phối. Đây sẽ là một cơ chế "tự kiểm soát" hoàn toàn khác biệt với cơ chế vận động theo định hướng lợi nhuận dưới sự tác động của các lực lượng thị trường. Nền tảng của cơ chế tự kiểm soát trong nền kinh tế xanh là các cộng đồng và thiết kế thông minh bảo đảm động lực khuyến khích các hành động đúng đắn.

Chuyển đổi sang kinh tế xanh phải triệt để, nhưng cần phải là một quá trình phát triển với lợi ích tăng dần, trong đó đặc biệt chú trọng tới quan hệ liên kết và gắn bó giữa các tác nhân. Điều này sẽ diễn ra như thế nào? Đó là sự ra đời và ngày càng trở nên phổ biến của các mô hình kinh tế thành công nhờ "bắt chước" các quá trình sinh thái tuyệt diệu. Hệ thống kinh tế cần những doanh nghiệp tiên phong có đủ năng lực tồn tại và phát triển thịnh vượng mà không cần dựa trên phương thức kinh doanh cạnh tranh tàn khốc truyền thống. Đó là mô hình kinh doanh của kinh tế sáng tạo và tri thức. Xã hội cũng cần chuẩn bị nền tảng thuận lợi cho sự xuất hiện của các doanh nghiệp có cách tiếp cận sinh thái và cân bằng.