TCCSĐT - Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra một trang mới trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc đồng thời cũng để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó “kiên trì chuẩn bị chu đáo, nhạy bén nắm bắt thời cơ” được đánh giá là một trong những vấn đề cốt lõi, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa toàn dân. Gắn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đây thực sự là bài học có giá trị thực tiễn sâu sắc.

Kiên trì chuẩn bị chu đáo

Thực tế, khi đề cập đến thành công Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhiều người quá tập trung vào sức mạnh vũ bão với “thắng lợi trên toàn quốc trong gần hai tuần” mà vô tình coi nhẹ quá trình chuẩn bị lâu dài, chu đáo của Đảng và nhân dân ta.

Lịch sử là một dòng chảy không ngừng nghỉ và để thấy được tầm vóc, ý nghĩa, giá trị của một sự kiện thì cần đặt sự kiện đó trong dòng chảy liên tục của lịch sử. Điều này càng đúng khi tìm hiểu về Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Để có được thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, không thể không kể đến công tác chuẩn bị toàn diện, lâu dài, bền bỉ của Đảng và nhân dân ta qua các cao trào cách mạng.

Chuẩn bị về chủ trương, đường lối cách mạng

Công tác chuẩn bị về chủ trương, đường lối là một nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của cách mạng. Quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn nhất quán chủ trương kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tiến tới tổng khởi nghĩa toàn dân giành chính quyền.

Bước vào giai đoạn trực tiếp chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trước những biến động của tình hình trong nước và thế giới, nhất là tác động của Chiến tranh thế giới thứ hai, tại Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11-1939), Hội nghị Trung ương 7 (tháng 11-1940), Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941), Đảng ta đã nhanh chóng có chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược. Theo đó, nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu, nhấn mạnh vấn đề khởi nghĩa vũ trang, xúc tiến chuẩn bị mọi mặt để tiến tới một cuộc khởi nghĩa vũ trang; thành lập “Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương” sau là “Việt Nam độc lập đồng minh” để tập hợp lực lượng cách mạng; từng bước phát động quần chúng nổi dậy đấu tranh với các hình thức phù hợp…

Sự chuẩn bị về chủ trương, đường lối của Đảng trên cơ sở bám sát sự vận động của tình thế cách mạng là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng và nhân dân ta, góp phần trực tiếp vào thắng lợi quan trọng của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Chuẩn bị về lực lượng chính trị

Thực chất đây chính là việc giải quyết vấn đề động lực cách mạng. Vì vậy, trong quá trình chuẩn bị mọi mặt cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta đặc biệt chú trọng công tác xây dựng lực lượng chính trị quần chúng vững mạnh trên nền tảng là khối liên minh công - nông vững chắc.

Quá trình chuẩn bị lâu dài, bền bỉ, thông qua từng cao trào cách mạng cụ thể, Đảng đã tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, giai cấp tạo dựng lực lượng cách mạng, tích cực chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Đặc biệt, từ năm 1941, với việc thành lập “Việt Nam độc lập đồng minh” (sau này là Mặt trận Việt Minh) bao gồm các tổ chức quần chúng có tên chung là “Hội cứu quốc” như “Nông dân cứu quốc”, “Phụ nữ cứu quốc”, “Thanh niên cứu quốc”…, Đảng đã thực sự trở thành trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân, động viên tinh thần ái quốc của mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội, bồi dưỡng và phát huy cao độ sức mạnh to lớn của lực lượng chính trị trong chuẩn bị và thực hành tổng khởi nghĩa.

Chuẩn bị về lực lượng vũ trang và xây dựng căn cứ cách mạng

Đây là nội dung quan trọng, là vấn đề xuyên suốt trong công tác chuẩn bị của Đảng và nhân dân ta. Để giành được chính quyền cách mạng, Đảng luôn có chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ cách mạng - nhân tố vô cùng quan trọng đóng góp vào thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Từ những nhân tố vũ trang nhỏ lẻ ban đầu, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã từng bước xây dựng các đội du kích, tiền thân của lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia chiến đấu giành chính quyền trong những ngày tổng khởi nghĩa sau này. Đó là đội du kích Bắc Sơn, du kích Ba Tơ, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân… Đồng thời, Đảng cũng đã chủ động biên soạn hàng loạt tài liệu quân sự làm cơ sở hoạt động của lực lượng vũ trang như “Cách đánh du kích”, “Cách huấn luyện cán bộ quân sự”… Đến đầu năm 1945, cùng với lực lượng chính trị, Đảng và nhân dân ta đã xây dựng được một đội quân vũ trang, là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân.

Bên cạnh xây dựng lực lượng vũ trang, quá trình chuẩn bị chu đáo, toàn diện cho thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta còn luôn nhấn mạnh việc chuẩn bị căn cứ cách mạng làm chỗ dựa cho vũ trang khởi nghĩa. Xuất phát từ sự chênh lệch lực lượng giữa ta và địch, rút kinh nghiệm từ thực tiễn phong trào cách mạng, Đảng ta và trực tiếp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn… để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Nhờ đó, đến tháng 6-1945 - trước thềm Cách mạng Tháng Tám, khu giải phóng Việt Bắc đã được thành lập gồm các tỉnh: Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái. Không chỉ là hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam mới, khu giải phóng Việt Bắc còn đóng vai trò là căn cứ địa quan trọng của tổng khởi nghĩa, nơi đặt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến; vị trí đóng quân của lực lượng cách mạng; nơi cung cấp sức người, sức của cho khởi nghĩa…

Nhạy bén nắm bắt thời cơ

Bàn về thời cơ và nắm bắt thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám, đã có không ít học giả tiếp cận dưới các góc độ khác nhau. Song, dù tiếp cận từ góc độ nào cũng cần khẳng định Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là biểu hiện mẫu mực của khoa học và nghệ thuật nắm bắt, tận dụng thời cơ cách mạng.

Thời cơ là sự kết hợp giữa nhân tố khách quan và nhân tố chủ quan tạo thành những điều kiện thuận lợi nhất bảo đảm cho cách mạng nổ ra và giành được thắng lợi. Vì vậy trong đấu tranh cách mạng, việc nhận biết, nắm bắt thời cơ bao giờ cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Như đã phân tích ở trên, quá trình chuẩn bị kiên trì, chu đáo, toàn diện của Đảng và nhân dân ta cả về chủ trương, đường lối; về lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang… không chỉ thể hiện tinh thần chủ động cách mạng mà còn trực tiếp góp phần tạo nên thời cơ cách mạng cũng như thúc đẩy thời cơ cách mạng nhanh chóng chín muồi.

Sự nhạy bén nắm bắt thời cơ được thể hiện ngay khi Đảng sáng suốt đưa ra những dự báo về tình thế cách mạng và cơ hội quý báu để dân tộc Việt Nam vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Ngay khi phát xít Nhật nổ súng lật đổ thực dân Pháp ở Đông Dương (ngày 09-3-1945), với Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (ngày 12-3-1945), Hội nghị Thường vụ mở rộng do Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì đã nhận định tình hình và dự đoán hai tình huống có thể diễn ra và tạo nên một thời cơ “vàng” để nhân dân ta đứng dậy giành chính quyền: Một là, quân Đồng minh vào Đông Dương đánh Nhật; hai là, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh. Và khi khả năng thứ hai xảy ra - Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng các lực lượng Đồng minh ngày 15-8-1945, thời cơ cách mạng chín muồi thì Đảng ta đã lập tức nắm bắt thời cơ, lãnh đạo các lực lượng cách mạng quyết tâm khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị Đảng toàn quốc và Quốc dân Đại hội diễn ra sau đó đã khẳng định rất rõ điều này: “Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh! Cơ hội có một cho quân, dân Việt Nam cùng giành lấy quyền độc lập của nước nhà… Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!” (2).

Nét nổi bật của Đảng ta trong nhạy bén nắm bắt thời cơ tổng khởi nghĩa chính là việc xác định chính xác thời điểm và phạm vi tiến hành khởi nghĩa. Về thời điểm khởi nghĩa, đó là khi phát xít Nhật vừa mới đầu hàng quân Đồng minh. Thực tiễn lịch sử cho thấy, tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân không thể có thời điểm phù hợp nào khác ngoại thời điểm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã sáng suốt lựa chọn, khi mà kẻ thù trực tiếp của cách mạng Việt Nam là phát xít Nhật đã hoàn toàn mất khả năng chiến đấu, lực lượng Đồng minh chưa có điều kiện tiến vào Đông Dương… Về phạm vi khởi nghĩa, Đảng quyết định tiến hành tổng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc. Chính việc tiến hành khởi nghĩa đồng loạt ở tất cả các địa phương trong cả nước, từ miền núi đến đồng bằng, từ chiến khu tới thành thị đã tạo nên sức mạnh cách mạng vô địch đè bẹp mọi sự phản kháng của kẻ thù và bè lũ tay sai. Trong thời gian từ ngày 14 đến ngày 25-8-1945, tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng diễn ra và giành thắng lợi trên phạm vi cả nước. Cờ đỏ sao vàng tung bay ở tất cả các địa phương từ Bắc đến Nam đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Rõ ràng, công tác chuẩn bị chu đáo, toàn diện, bền bỉ và nhạy bén nắm bắt thời cơ mà thực chất là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhân tố chủ quan và điều kiện khách quan; giữa nội lực và ngoại lực; giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại… đã đóng vai trò là yếu tố nòng cốt, góp phần tạo nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Bài học kiên trì chuẩn bị chu đáo, nhạy bén nắm bắt thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với những dấu son lịch sử oanh liệt: chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 07-5-1954, thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30-4-1975 giành độc lập trọn vẹn cho đất nước, đưa dân tộc vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Phát huy thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới toàn diện sau gần 30 năm qua đã tạo ra cho đất nước ta thế và lực mới. Tuy nhiên, cùng với những thời cơ, vận hội thuận lợi, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đang đứng trước không ít nguy cơ, thách thức: “Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế… tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên… các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta…” (3). Do đó, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi chúng ta cần tích cực nghiên cứu, vận dụng tốt những bài học kinh nghiệm quý báu trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đặc biệt là vấn đề ““kiên trì chuẩn bị chu đáo, nhạy bén nắm bắt thời cơ”- vấn đề có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay, việc thường xuyên bồi dưỡng thực lực của đất nước, tích cực ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, phát huy tối đa những lợi thế so sánh gắn với tranh thủ những thời cơ, vận hội phát triển để “đi tắt đón đầu”, biết sáng tạo và tận dụng thời cơ trong phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế… là cơ sở để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao đời sống nhân dân, từng bước củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng quân sự để bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (4)./.

---------------------------------------------

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 6, tr. 160;

(2) Văn kiện Đảng, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t. 3, tr. 140;

(3), (4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr. 185 và 30.