Để Ngày Sách Việt Nam đi vào cuộc sống

Thanh Nhàn
11:11, ngày 13-08-2013
TCCSĐT - Trong khi văn hóa đọc đang đứng trước những nguy cơ bị lấn át bởi các hoạt động khác thì mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Đề án Ngày Sách Việt Nam, lấy ý kiến các bộ, ban, ngành để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Đây là một hành động thiết thực nhằm chấn hưng văn hóa đọc, một tin vui đối với cộng đồng văn hóa đọc.

Ngày Sách Việt Nam - ươm mầm văn hóa đọc


 

Say sưa đọc sách trong ngày triển lãm sách quốc tế tại việt Nam lần thứ tư

tại Hà Nội

Trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 (ban hành cùng Quyết định 581/QĐ-TTg, ngày 06-5-2009), Đảng và Nhà nước ta xác định một trong những mục tiêu, nhiệm vụ của ngành văn hóa là phải: “Xây dựng lại phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng có hiệu quả thế hệ đọc tương lai”. Đây là quan điểm có tính chỉ đạo đối với công tác phát triển văn hóa đọc hiện nay. Đất nước muốn phát triển thì phải quan tâm đến việc bồi dưỡng dân trí. Việc hình thành ý thức cộng đồng về văn hóa đọc là con đường để chúng ta từng bước hiện thực hóa chủ trương xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Như vậy, sự ra đời của Ngày Sách Việt Nam là một việc làm thiết thực, thể hiện ý thức tự giác về một xã hội học tập.

Một quốc gia mạnh trong thời đại số hóa là một quốc gia mạnh về hệ thống tri thức và mạnh về đội ngũ người làm tri thức. Thế nhưng, có một thực trạng là văn hóa nghe, văn hóa nhìn đang có xu hướng lấn át văn hóa đọc - loại hình văn hóa đã trở thành truyền thống từ khi loài người có chữ viết. Đứng trước thực trạng văn hóa đọc đang dần đánh mất vai trò của mình trong việc chuyển tải tri thức, việc chúng ta tổ chức Ngày Sách hằng năm cho các thế hệ độc giả người Việt là việc làm thiết thực và cấp bách.

PGS, TS. Trương Đăng Dung, Viện Văn học: Ngày Sách Việt Nam cần kết hợp với mục tiêu trong giáo dục đào tạo; xây dựng xã hội học tập; xây dựng con người và phát triển văn hóa; nâng cao dân trí, bồi dưỡng tâm hồn, tư tưởng, tình cảm và khiếu thẩm mỹ của con người. Tham gia những việc cụ thể hóa và thực hiện mục tiêu của Ngày Sách Việt Nam phải là cả hệ thống chính trị, trong đó các cơ quan giáo dục đào tạo, văn hóa truyền thông, các đoàn thể và tổ chức xã hội - chính trị... là hạt nhân.

Đề án Ngày Sách Việt Nam được hy vọng sẽ là động lực mạnh mẽ để chấn hưng văn hóa đọc đang bị mai một, khuyến khích toàn dân đọc sách, phát triển phong trào đọc sách, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của đọc sách đối với việc giáo dục và hình thành nhân cách con người; tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; đẩy mạnh việc sáng tác, xuất bản, in và phát hành những cuốn sách hay, có giá trị về nội dung và hình thức; tôn vinh những người tham gia quá trình xuất bản, lưu giữ và quảng bá sách đến với người đọc.

Phải là cả một cuộc cách mạng

Ngày Sách Việt Nam hy vọng sẽ là một cú hích quan trọng vì văn hóa đọc. Cần có những giải pháp, những hướng đi cụ thể, quyết liệt và thường xuyên hơn để Ngày Sách Việt Nam không chỉ đơn thuần dừng lại ở một sự kiện, một ngày trong năm. Cụ thể, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến đến toàn xã hội, mà đơn vị nhỏ nhất là mỗi người đọc. Không chỉ đơn thuần là những công văn, những pa-nô, những tờ rơi,... Làm thế nào để văn hóa đọc trở thành một ý thức thường xuyên, những tuần sách, tháng sách góp phần xây dựng một xã hội thi đua đọc sách. Thông qua các kênh truyền thông, Ngày Sách Việt Nam sẽ được phổ biến trong các trường học, các tổ chức, cá nhân và gia đình, toàn xã hội.

Ông Võ Tử Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương nay là Ban Tuyên giáo Trung ương: Ngày Sách Việt Nam phải được tổ chức sao cho trở thành một ngày hội thật sự của quần chúng đọc sách và làm theo sách chứ không phải và không giống như một buổi lễ hoặc một cuộc mít tinh của ngành xuất bản với những bài diễn văn long trọng và sự có mặt của nhiều vị khách mời mà không phải ai trong số đó cũng đều là bạn đọc sách thật sự.

Song song với công tác tuyên truyền cho hoạt động này, cần coi trọng việc xây dựng ý thức về đọc sách thường xuyên trong từng ngày, trong từng năm, ý thức đó phải được tồn tại giữa các thế hệ học sinh, sinh viên, thanh niên, và mọi người dân… tạo ra một sự say mê đọc sách của toàn xã hội. Trước sự lấn át của các phương tiện truyền thông khác, vai trò của những bậc làm cha làm mẹ là rất quan trọng trong việc định hướng con cái nhằm khuyến khích, nuôi dưỡng và rèn luyện niềm say mê đọc sách ở trẻ ngay từ khi còn nhỏ.

Điều đó có nghĩa là Ngày Sách Việt Nam không chỉ nên dừng lại ở những hoạt động, những sự kiện, mà cần được thực hiện trong mỗi gia đình. Ban tổ chức còn cần phải chú trọng tới việc tôn vinh, truyền bá văn hóa đọc hơn là cơ hội nhằm quảng bá thị trường sách, thông qua các hoạt động thiết thực như giới thiệu các tác phẩm lớn của nhân loại, đặc biệt là các tác phẩm văn học kinh điển.

Bên cạnh đó, còn cần quan tâm đến các hoạt động văn hóa bổ trợ cho Ngày Sách Việt Nam như Lễ hội sách trên đường phố, giảm giá sách, tặng sách cho những khu dân cư nghèo, mang sách đến đọc ở các khu người già, người khiếm thị… hay tổ chức các hội chợ sách, các cuộc giao lưu về sách; giải thưởng về sách; duy trì các hình thức động viên, khen thưởng trong việc thực hiện Ngày Sách Việt Nam và văn hóa đọc để Ngày Sách không bị lấn át trước những hoạt động khác.

 

Các bạn trẻ mang thông điệp trong ngày hội đọc sách tại Văn Miếu

Thông qua Ngày Sách, các cơ quan truyền thông và các nhà tổ chức cần phải có chiến lược cụ thể để nắm bắt, lĩnh hội thị hiếu của bạn đọc, nhằm định hướng hoạt động in ấn, phát hành sách để ngày hội đọc sách thực sự thu hút người tham dự.

Hy vọng Ngày Sách Việt Nam có được chỗ đứng trong lòng công chúng như một sự kiện được mong đợi và trở thành một tiêu điểm trong các chuỗi sự kiện được tổ chức hằng năm./.