TCCS - Từ sau bầu cử Nghị viện trước thời hạn (tháng 9-2005), Liên minh Cơ đốc giáo (CDU-CSU) hiện cùng với Đảng Dân chủ xã hội (SPD) tạo thành “đại liên minh” cầm quyền ở Đức. Đây là lần thứ hai trong lịch sử nước này, hai chính đảng được coi là “kỳ phùng địch thủ” buộc phải liên kết với nhau để cầm quyền (lần liên kết thứ nhất kéo dài từ năm 1966 đến 1969). Liên minh Cơ đốc giáo là kết quả của sự liên kết giữa hai đảng trung hữu có bề dày lịch sử trên chính trường nước Đức. Đó là Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU).

Hai thành viên của Liên minh CDU-CSU

Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo mà tiền thân là Đảng Trung ương thời kỳ nước Cộng hòa Vây-ma (1919 - 1933), chính thức được thành lập vào tháng 12-1945. Từ sau khi tiến hành đại hội, thông qua Cương lĩnh chính trị và Điều lệ đầu tiên của mình (tháng 10-1950), CDU trở thành chính đảng hoạt động và có hệ thống tổ chức cơ sở đảng trên toàn quốc, với 530.755 đảng viên (tính đến tháng 7-2008), trong số đó, tỷ lệ đảng viên là nữ chiếm 25,4%, Tỷ lệ đảng viên nữ ở các bang thuộc CHDC Đức trước đây cao hơn tỷ lệ đảng viên nữ ở các bang thuộc CHLB Đức (29,2% so với 24,8%). Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên cũng như các văn kiện sau này, CDU luôn tuyên bố là “Đảng Nhân dân” với tư tưởng chỉ đạo cơ bản là "liên kết các tín đồ Cơ đốc và tín đồ Thiên chúa giáo", phản đối mọi hình thức bạo lực và chuyên chính, củng cố và phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa, tăng cường thể chế nhà nước liên bang ở Đức.

Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo được thành lập ngày 13-10-1945, có tiền thân là Đảng Nhân dân Bay-en thời kỳ nước Cộng hòa Vây-ma và cũng tự xưng là "Đảng Nhân dân". Do chỉ phát triển đảng viên ở bang Bay-en, nên trong suốt thời gian dài CSU luôn đóng vai trò một lực lượng chính trị quan trọng với tư cách là đảng cầm quyền ở bang Bay-en. CSU không công bố chính thức số lượng đảng viên của mình.

Năm 1947, CDU và CSU liên kết thành Liên minh CDU-CSU. Từ đó đến nay, trong các cuộc bầu cử Nghị viện liên bang, hai đảng cùng đề cử một ứng cử viên chung cho chức thủ tướng, phối hợp đưa ra cương lĩnh tranh cử chung, nhưng vẫn độc lập về tổ chức, không tiến hành tranh cử và xây dựng tổ chức tại các khu vực bầu cử của nhau. Từ năm 1949, Liên minh CDU-CSU lập ra đảng đoàn chung trong Nghị viện liên bang. Trong suốt giai đoạn từ năm 1949 đến năm 1966, có lúc Liên minh CDU-CSU một mình cầm quyền, có lúc liên kết với Đảng Dân chủ tự do (FDP) thành lập chính phủ liên hiệp. Giai đoạn 1966 - 1969, CDU-CSU liên kết với SPD cùng cầm quyền. Từ tháng 10-1982 đến tháng 10-1998, CDU-CSU lại liên kết với FDP và lập được một chính phủ liên hợp có thể nói là ổn định nhất ở Đức thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Năm 1989, Chính phủ của Thủ tướng H. Côn (Helmut Kohl) đã thực hiện bước đi quyết định tiến tới thống nhất nước Đức. Sự kiện này giúp cho uy tín của Liên minh CDU-CSU tăng lên rất cao. Điều đó được thể hiện ở kết quả cuộc bầu cử Nghị viện liên bang (tháng 12-1990) đầu tiên sau khi nước Đức thống nhất, CDU-CSU giành được 48,18% tổng số phiếu bầu (chiếm 319/662 ghế), trở thành đảng lớn nhất tại Nghị viện liên bang. Sau khi nước Đức thống nhất, Chính phủ của Thủ tướng H. Côn đã chi rất nhiều tiền của cho các chương trình cải cách đầy tham vọng ở CHDC Đức cũ.
 
Chính sách đó dẫn đến hệ quả là, chính phủ lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính, thất nghiệp gia tăng, lạm phát và nợ của chính phủ trở nên đặc biệt trầm trọng, buộc chính phủ phải tăng thuế... Những hệ quả này làm cho cử tri truyền thống của CDU-CSU bất mãn. Hậu quả là, trong cuộc bầu cử nghị viện liên bang năm 1998, Liên minh CDU-CSU chỉ giành được 36,62% tổng số phiếu bầu với 245/669 ghế, đứng sau SPD (giành 44,54% tổng số phiếu bầu với 298/669 ghế) và buộc phải trao quyền điều hành chính phủ cho SPD của Thủ tướng G. Sru-ê-đơ (Gerhard Schrôder). Như vậy, tính đến năm 1998, CDU-CSU đã cầm quyền tổng số 35 năm, trở thành một trong hai chính đảng lớn (bên cạnh SPD), có ảnh hưởng chi phối trên chính trường nước Đức.

Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của Thủ tướng Đức A. Mec-ken đã giành được một chiến thắng mang tính quyết định trong cuộc bầu cử bang He-se ngày 18-1-2009. Theo các kết quả được công bố trên truyền hình, CDU đã giành được khoảng 37% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử ở bang He-se, nơi có thành phố Phran-phuốc được mệnh danh là thủ phủ tài chính của Đức. Trong cuộc bầu cử vào tháng 9 tới, cả CDU-CSU và SPD đều hy vọng giành đủ số phiếu ủng hộ để có thể từ bỏ "đại liên minh" hiện nay và thành lập chính phủ liên hiệp quốc gia với một đảng khác.

Trong cuộc bầu cử nghị viện trước thời hạn (tháng 9-2005), SPD giành được 34,2% số phiếu (222 ghế), còn Liên minh CDU-CSU giành được 35,2% số phiếu (223 ghế), do vậy dù có liên minh với một đảng thứ ba, cả hai đảng đều không có đủ số ghế cần thiết trong Nghị viện để đứng ra thành lập chính phủ. Vì vậy, lần thứ hai trong lịch sử nước Đức, hai đối thủ buộc phải liên kết với nhau thành “đại liên minh” cùng cầm quyền từ đó đến nay trong Chính phủ do thủ lĩnh của CDU-CSU là Thủ tướng A. Méc-ken (Angela Merkel) lãnh đạo.

Một số nét chủ yếu trong chính sách của Liên minh CDU-CSU

Tuy Liên minh CDU-CSU là một chính đảng lớn, nhưng những khó khăn mà nó phải đối mặt cũng không ít, bởi uy tín của CDU-CSU không còn như trước, tỷ lệ ủng hộ của cử tri truyền thống giảm. Trong 16 bang của Đức, sự tham chính hay nắm quyền của CDU-CSU ít hơn so với SPD và CDU-CSU hiện thiếu những chính trị gia tài năng, có uy tín lớn trong xã hội Đức, như U. Bran (Willy Brandt), H. Côn... Do vậy, nhằm duy trì được vai trò, vị thế, ảnh hưởng trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước, giành đa số phiếu trong bầu cử, nắm quyền kiểm soát chính quyền nhà nước, từ đó thực hiện mục tiêu cương lĩnh của đảng, Liên minh CDU-CSU đã và đang phải thay đổi rất nhiều các quan niệm truyền thống để thích ứng với tình hình kinh tế, chính trị, cơ cấu xã hội ở nước Đức hiện nay.

Về chính trị: CDU-CSU thực hiện chế độ liên bang và chế độ dân chủ nghị viện, đề cao tinh thần Cơ đốc giáo, tinh thần dân chủ và ý thức tự do của người Đức, yêu cầu thực hiện "phục hưng tinh thần và đạo đức" của xã hội Đức. CDU-CSU ủng hộ và triệt để thực hiện Luật Tị nạn nhằm giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn dòng người tị nạn vào nước Đức, nhưng phản đối hành động của thế lực cực hữu, kiên quyết chống lại hành động bạo lực bài ngoại của các phần tử quốc xã mới. CDU-CSU ủng hộ, khuyến khích phụ nữ làm việc và tham gia các hoạt động xã hội, thực hiện bình đẳng nam nữ.

Về kinh tế: CDU-CSU cổ xúy và kêu gọi thực hiện "kinh tế thị trường xã hội". Từ năm 1994, nhằm thu hút sự ủng hộ, phiếu bầu của cử tri đại biểu cho phong trào bảo vệ môi trường, CDU-CSU quyết định thay khẩu hiệu “kinh tế thị trường xã hội” bằng khẩu hiệu "kinh tế thị trường sinh thái và xã hội", gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; đề cao cạnh tranh thị trường, đồng thời thừa nhận sự can dự và vai trò điều tiết vĩ mô của nhà nước; thực hiện tư hữu hóa, nhưng vẫn giữ tỷ trọng nhất định của kinh tế nhà nước; điều chỉnh chính sách thuế, giảm gánh nặng thuế đối với tầng lớp trung lưu và gia đình đông con; tạo việc làm mới, giảm thiểu thất nghiệp; thực hiện chính sách thu gọn, tinh giản cơ cấu, đơn giản hóa chế độ điều lệ, giảm bớt tình trạng quan liêu; cải thiện môi trường đầu tư, phát triển sản phẩm công nghệ mới, tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế Đức.
 
CDU-CSU chủ trương cải thiện quan hệ giữa lao động và tư bản, bảo đảm an ninh và ổn định xã hội. Trong nỗ lực khắc phục khủng hoảng kinh tế hiện nay, Chính phủ của Thủ tướng A. Mec-ken áp dụng những biện pháp nhằm tăng cường vai trò của nhà nước trong quản lý, điều hành kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cam kết xây dựng “nhà nước phúc lợi kiểu mới”.
 
Về đối ngoại: CDU-CSU mưu cầu vị thế nước lớn của Đức trong nền chính trị thế giới, ủng hộ cải tổ mạnh mẽ các thiết chế chính trị, tài chính, thương mại quốc tế. Chính phủ của Thủ tướng A. Mec-ken kêu gọi cải tổ Liên hợp quốc với mục tiêu giành cho Đức chiếc ghế ủy viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu hiện nay, Đức ủng hộ quan điểm của châu Âu về sự cần thiết phải cải tổ các thiết chế tài chính, thương mại toàn cầu (WB, IMF, WTO) và chủ trương Đức sẽ đảm nhận trách nhiệm nhiều hơn, phát huy vai trò lớn hơn trên trường quốc tế nhằm nâng cao “thể diện” của mình tại châu Âu và trên thế giới.
 
CDU-CSU cho rằng, việc nước Đức tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình ngoài khu vực phòng vệ NATO là phù hợp với "Luật cơ bản" (Hiến pháp của Đức) Liên minh châu Âu phải được xây dựng “ phù hợp với nguyên tắc dân chủ, nhà nước pháp trị, xã hội và chế độ liên bang, quyền lợi cơ bản được bảo vệ", phải "tiếp tục đại diện cho lợi ích của các nước châu Âu, chứ không thể xóa bỏ lợi ích quốc gia", phải "bảo đảm tự do và hòa bình", chứ không "khôi phục chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa Sô-vanh" trong khu vực; phải tích cực thúc đẩy tiến trình nhất thể hóa và thực hiện chủ trương cải cách cơ cấu EU, tăng cường nội chính và năng lực quyết sách tư pháp của EU cũng như quyền lập pháp của Nghị viện châu Âu, kiên trì nguyên tắc biểu quyết đa số khi thông qua mọi quyết định, chính sách của EU...
 
CDU-CSU chủ trương cam kết duy trì quan hệ đồng minh chặt chẽ với Mỹ, nhấn mạnh rằng NATO vẫn là thiết chế quan trọng bảo đảm an ninh cho châu Âu, tăng cường sự đồng thuận giữa châu Âu và Mỹ trong việc mở rộng NATO sang phía Đông, phát triển quan hệ với các nước Đông Âu như Ba Lan, Hung-ga-ri, Cộng hòa Séc và Slô-va-ki-a và xây dựng quan hệ đặc biệt với Nga, để mở rộng không gian ngoại giao của Đức; khuyến khích Nga thực hiện "dân chủ hóa" theo mô hình Phương Tây.
 
CDU-CSU điều chỉnh chính sách viện trợ đối với các nước đang phát triển, gắn viện trợ phát triển với bảo đảm quyền con người, mở rộng dân chủ và phát triển kinh tế thị trường. Thực hiện chính sách châu á mới, thiết lập quan hệ đối tác mang tính thực chất với các nước châu Á, CDU-CSU nhấn mạnh vị trí then chốt của Trung Quốc trong chính sách của Đức ở châu Á, chủ trương mở rộng quan hệ đầu tư, thương mại với Trung Quốc, tuân thủ "chính sách một Trung Quốc" trong vấn đề Tây Tạng, Đài Loan; tránh xung đột chính diện với Trung Quốc trong giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền con người, dân chủ.../.