TCCS - Nghệ An có vị trí địa - kinh tế quan trọng trong giao lưu kinh tế Bắc - Nam, xây dựng và phát triển kinh tế đối ngoại và mở rộng hợp tác quốc tế. Nghệ An cũng là tỉnh có đầy đủ tiềm năng và thế mạnh để phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn làm giàu cho địa phương và góp phần cùng cả nước phấn đấu về cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020.
1 - Tiềm năng và nguồn lực công nghiệp
Có thể nói, Nghệ An được thiên nhiên ban tặng tiềm năng lớn. Toàn tỉnh có tổng diện tích tự nhiên 1.648.845 ha; trong đó đất chưa sử dụng 372.104 ha, đất lâm nghiệp có rừng 799.342 ha. Tài nguyên rừng phong phú về chủng loại, trữ lượng khá lớn là tiềm năng phong phú của kinh tế lâm nghiệp và phát triển công nghiệp chế biến. Bờ biển Nghệ An dài 82 km, dọc bờ biển có 6 cửa lạch (Lạch Cờn, Lạch Quèn, Lạch Thơi, Lạch Vạn, Cửa Lò, Cửa Hội).
Với diện tích vùng biển 4.230 hải lý vuông, Nghệ An có tiềm năng lớn để phát triển các ngành kinh tế biển như nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, cảng biển, vận tải biển, đóng tàu và dịch vụ hàng hải. Do địa hình dốc và có các sông suối nên Nghệ An có thể xây dựng các công trình thủy điện lớn nhỏ với tổng trữ năng thủy điện qua tính toán lên tới khoảng 950 MW - 1.000 MW. Tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú về chủng loại, một số khoáng sản như thiếc, đá vôi, đá trắng mỹ nghệ, nước khoáng có trữ lượng lớn. Ngoài ra, Nghệ An còn có nhiều khoáng sản quý hiếm như vàng, đá quý có giá trị kinh tế cao, song chưa được thăm dò đánh giá cụ thể về trữ lượng và chất lượng để đầu tư khai thác sử dụng.
Nghệ An có gần 3,1 triệu dân, trong độ tuổi lao động gần 1,8 triệu người, chiếm 58,8% dân số toàn tỉnh. Lao động được đào tạo chiếm 35% tổng số lao động làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân, dự kiến tỷ lệ lao động qua đào tạo sẽ đạt trên 40% vào năm 2010 và khoảng 65% - 70% vào năm 2020. Nguồn lao động này đủ đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những năm tới.
Kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật ở Nghệ An đã được đầu tư phát triển tương đối đồng bộ. Quốc lộ 1A, đoạn qua Nghệ An, dài 91 km, đường Hồ Chí Minh dài 132 km, quốc lộ 15 ở phía tây dài 149 km chạy xuyên suốt chiều dài của tỉnh; quốc lộ 7 dài 225 km, quốc lộ 46 dài 90 km, quốc lộ 48 dài 122 km. Đây là những tuyến đường nối liền phía đông và tây của tỉnh, với các cửa khẩu của nước bạn Lào. Với 421 km đường cấp tỉnh và 3.670 km đường cấp huyện đã tạo nên mạng lưới giao thông thuận tiện, đóng vai trò quan trọng trong giao lưu hàng hóa Bắc - Nam, vận tải quá cảnh và luân chuyển hàng hóa nội tỉnh. Cảng Cửa Lò công suất hiện tại 1,3 triệu tấn/năm, có khả năng nâng cấp đạt công suất 3,5 triệu tấn/năm vào năm 2010 và khoảng 6 triệu - 8 triệu tấn/năm vào năm 2020.
Tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 94 km với 7 ga, trong đó ga Vinh là trung tâm có khối lượng hành khách và hàng hóa thông qua lớn. Sân bay Vinh được nâng cấp kéo dài thêm đường băng bảo đảm cho máy bay A320 - A321 có thể hạ cánh và đang tiếp tục được mở rộng đường ra vào sân bay, sân chờ, khuôn viên đạt tiêu chuẩn quốc gia. Về hệ thống điện, ở Nghệ An đã xây dựng thêm 118 công trình với tổng vốn đầu tư 373 tỉ đồng, nâng công suất chống quá tải và đưa điện về nông thôn, nâng công suất các trạm biến áp đạt 450.000 KVA. 20/20 huyện, thành phố, thị xã có lưới điện quốc gia và 92,53% số xã và 94,47% số hộ gia đình được dùng diện.
Hiện nay, hàng chục dự án thủy điện đã và đang được khởi công xây dựng với tổng công suất lắp đặt hàng trăm MW. Nghệ An đã xây dựng được 14 nhà máy nước, tổng công suất trên 75 ngàn m3/ngày, cơ bản đáp ứng nhu cầu về nước ở thành phố Vinh và một số huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ... Hệ thống bưu chính - viễn thông phát triển nhanh đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.
Có thể nói rằng, kết cấu hạ tầng thiết yếu ở Nghệ An đã “đi trước một bước” để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển các ngành kinh tế công nghiệp trên địa bàn.
Giá trị sản xuất công nghiệp 2 năm 2006 - 2007 ở Nghệ An tăng với tốc độ khá: năm 2006 đạt 4.929,3 tỉ đồng, tăng 15,92% so với năm 2005; năm 2007 đạt 5.710 tỉ đồng, tăng 17,5% so với năm 2006; năm 2008 đạt 7.770 tỉ đồng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 2 năm đạt 16,96%, mục tiêu kế hoạch 5 năm 2006 – 2010 là 19,82%. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu GDP năm 2007 chiếm 33%, năm 2008 chiếm 35,5%.
Đến hết năm 2008, toàn tỉnh có gần 38.500 cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Các cơ sở sản xuất công nghiệp có quy mô lớn đều đang trong giai đoạn đầu tư, hoặc chuẩn bị đầu tư: các dự án thủy điện (Bản Vẽ, Bản Cốc, Khe Bố, Sao Va, Hủa Na,...), các dự án sản xuất xi-măng (nâng công suất xi-măng Hoàng Mai, xi-măng Đô Lương I, xi-măng 12/9, 19/5), dự án nâng công suất nhà máy đường Nghệ An Tyte và Lyte, dự án sản xuất bia 100 triệu lít/năm tại Hưng Nguyên... Dự kiến các dự án này sẽ hoàn thành đầu tư và hoạt động vào năm nay hoặc đầu 2010. Nếu bảo đảm tiến độ dự kiến thì giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2010 đạt 10.390 tỉ đồng.
Lĩnh vực khai thác chế biến đá trắng thời gian qua thu hút được nhiều nhà đầu tư, mũi công nghiệp chế biến khoáng sản quan trọng đem lại giá trị xuất khẩu đáng kể đã được hình thành. Tổng công suất chế biến đá trắng theo các dự án đăng ký đến năm 2007 đạt gần 500 nghìn tấn/năm; trong đó bột đá trắng mịn và siêu mịn đạt 160.000 tấn/năm; sản lượng hàng hóa đạt 180.000 tấn - 200.000 tấn đá trắng sơ chế, 60.000 tấn bột đá siêu mịn/năm. Lĩnh vực khai thác, tinh luyện thiếc xuất khẩu, sản lượng khai thác quặng hằng năm bảo đảm tinh luyện đạt khoảng 1.500 tấn - 2.000 tấn. Tổng công suất tinh luyện thiếc đạt 2.500 tấn/năm, tập trung ở địa bàn Quỳ Hợp.
Công nghiệp chế biến đường, sản phẩm sau đường, tổng công suất chế biến đạt gần 11.200 tấn mía/ngày ở 4 nhà máy đường, diện tích vùng nguyên liệu mía tập trung ổn định 26.000 ha. Sản lượng đường sản xuất hiện nay đạt 12 vạn - 15 vạn tấn/năm. Dự báo đến năm 2010, năng lực sản xuất đường đạt 18 vạn tấn. Chế biến hoa quả, dầu ăn, chè, cà phê, súc sản, lâm sản, thủy sản, sản xuất đồ uống, sữa, xi-măng, gạch ngói, hàng dệt may, sản xuất bao bì, giấy, bột giấy, thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, điện tử, cơ khí, hóa chất, phân bón... đều đã có những bước đầu tư. Tuy nhiên, tỷ trọng, giá trị hàng hóa chưa tương xứng với tiềm năng.
2 - Định hướng mục tiêu phát triển
Trong những năm tới, Nghệ An chủ trương khai thác tốt nhất tiềm năng của địa phương, tập trung trước hết đầu tư, phát triển những ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn, trước hết là công nghiệp năng lượng. Định hướng phát triển là tập trung phát triển thủy điện, các dạng năng lượng khác như gió, mặt trời để cung cấp điện tại chỗ và khu vực chưa có điện lưới, hoặc điện lưới không thể vươn tới, xây dựng nhà máy nhiệt điện tại Quỳnh Lưu thành trung tâm nguồn điện của cả nước.
Mục tiêu và phân kỳ thực hiện gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 2007 - 2010, khai thác có hiệu quả tiềm năng thủy điện bảo đảm đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống dân trí ở địa phương. Đến năm 2010 đạt công suất 900 MW - 950 MW, trong đó đưa vào vận hành đạt công suất 450 MW - 500 MW, đồng thời tận dụng nguồn thủy điện nhỏ, các dạng năng lượng khác để cung cấp điện tại chỗ cho dân cư và khu vực chưa có điện lưới. Dự báo đến năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp của ngành đạt 175 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 1,44%.
Giai đoạn 2010 - 2015, tập trung nguồn lực và vận động đầu tư nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lưu công suất 1.800 MW - 2.400 MW. Huy động nguồn vốn ODA, NGO và kêu gọi xây dựng phát triển các dạng năng lượng khác để phục vụ điện cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Dự báo giá trị sản xuất công nghiệp của ngành vào năm 2015 đạt 564 tỉ đồng, năm 2020 đạt trên 3.500 tỉ đồng; chiếm tỷ trọng tương ứng là 1,8% và 4,46%.
Từng bước tin học hóa mọi hoạt động xã hội, đưa Nghệ An trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, tin học của vùng Bắc Trung Bộ, giai đoạn từ nay đến năm 2015, tỉnh kêu gọi đầu tư để sản xuất các loại thiết bị điện, điện tử, tin học, viễn thông và lắp ráp máy tính cá nhân, sản xuất vật liệu mới, thiết bị tự động hóa, công nghệ sinh học... ở khu công nghiệp Nam Cấm, khu công nghiệp nhỏ Hưng Tây. Dự báo năm 2010 giá trị sản xuất công nghiệp của ngành đạt 150 tỉ đồng, năm 2015 đạt 850 tỉ đồng; chiếm tỷ trọng tương ứng là 1,23%, 1,27%. Giai đoạn 2015 - 2020, từng bước chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông.
Để đến năm 2020, công nghiệp công nghệ cao trở thành ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao, có hạ tầng hiện đại và thu hút lao động có trình độ cao. Xây dựng và phát triển khu công nghiệp công nghệ thông tin ở thành phố Vinh, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp phần cứng, công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh, vùng và hướng tới xuất khẩu. Giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2020 đạt trên 1.500 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 1,9%.
Tập trung phát triển ngành công nghiệp sợi may, góp phần tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm và xây dựng Nghệ An thành trung tâm công nghiệp dệt may của vùng Bắc Trung Bộ, đủ sức hòa nhập với công nghiệp dệt may của cả nước và khu vực.
Khai thác tiềm năng về đất đai, lao động và tạo động lực để phát triển ngành chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hàng hóa, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu GDP của tỉnh.
Xây dựng công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng thành ngành công nghiệp chủ lực, sử dụng hiệu quả tối đa nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có và nguồn lao động dồi dào của địa phương và đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ bản trên địa bàn, tạo nguồn hàng vững chắc, ổn định, cung ứng cho thị trường ngoài tỉnh và tham gia xuất khẩu, nhất là xi-măng, gạch ngói và các chất phụ gia.
Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản là thế mạnh của Nghệ An, tuy nhiên, hiện tại ngành này còn yếu và mới chỉ dừng lại ở khâu chế biến thô là chính, do vậy doanh thu xuất khẩu lớn, nhưng giá trị gia tăng thấp, trong khi nguồn tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt. Do vậy, mục tiêu phát triển sắp tới của Nghệ An là ưu tiên công nghiệp chế biến sâu khoáng sản để đem lại giá trị gia tăng lớn cho kinh tế của tỉnh.
3 - Giải pháp phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn
Trước hết, huy động vốn đầu tư.
Nhu cầu nguồn vốn phát triển ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn đến năm 2010 khoảng 23.000 tỉ đồng, giai đoạn 2010 - 2015 khoảng 49.000 tỉ đồng, giai đoạn 2015 - 2020 khoảng 67.000 tỉ đồng.
Xác định rõ nguồn vốn đầu tư phát triển ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn để thu hút đầu tư và sử dụng vốn đầu tư hợp lý, hiệu quả và có cơ chế, chính sách phù hợp.
Tập trung cao nguồn vốn từ ngân sách đầu tư để đến năm 2010 hoàn thành các công trình hạ tầng chủ yếu, bảo đảm thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư cho phát triển ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn.
Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn tích lũy, vốn tín dụng để đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ.
Tranh thủ hỗ trợ từ Trung ương và các bộ, ngành liên quan để giới thiệu cho tỉnh các dự án đầu tư trên cơ sở xây dựng chi tiết các thông tin về dự án kêu gọi đầu tư nằm trong danh mục công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn từ nguồn vốn đầu tư của các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế trong nước, nguồn vốn FDI.
Khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn đang hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn phát triển và mở rộng sản xuất theo Nghị định số 52/2006/NĐ-CP ngày 19-5-2006 của Chính phủ. Đây được xem là kênh huy động vốn quan trọng trong đầu tư phát triển công nghiệp của tỉnh nói chung và ngành ưu tiên, mũi nhọn nói riêng, đồng thời thúc đẩy thị trường vốn địa phương trở nên sôi động, tận dụng được nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân.
Hai là, phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực chất lượng cao.
Khảo sát nhu cầu lao động hằng năm đối với các ngành nghề nói chung và ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn nói riêng để có kế hoạch tổ chức đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tế; hỗ trợ các doanh nghiệp gửi cán bộ kỹ thuật, quản lý và công nhân đi đào tạo dài hạn ở các cơ sở trong nước và nước ngoài theo các chính sách liên quan đến đào tạo nghề của tỉnh đã ban hành; tiếp tục thực hiện và tăng mức hỗ trợ, đãi ngộ để thu hút nhân tài từ các trường đại học hay đang làm việc ở các địa phương khác về quê hương tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho các doanh nghiệp; thường xuyên nâng cao chất lượng đội ngũ những người lao động và quản lý, có chính sách phân phối lợi ích hợp lý, tạo động lực và trách nhiệm trong lao động; tổ chức hội chợ việc làm hằng năm, thúc đẩy việc chuẩn hóa các cơ sở đào tạo nghề, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn; tăng cường hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo trong tuyển dụng nhân lực, trích lập quỹ đào tạo tại các doanh nghiệp...
Ba là, tập trung phát triển và ổn định vùng nguyên liệu.
Đây là nhân tố mang tính bền vững, nhất là đối với ngành công nghiệp ưu tiên thuộc lĩnh vực chế biến nông - lâm - thủy sản. Tiến hành rà soát quy hoạch, vận dụng các chủ trương của Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức sản xuất. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ quá trình khai thác, phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông - lâm - thủy sản cung cấp đầy đủ thông tin đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nghiên cứu nhu cầu và mở rộng thị trường.
Bốn là, xây dựng các chính sách chung về đất đai, xúc tiến thương mại, hoạt động nghiên cứu, triển khai, hỗ trợ tư vấn về thiết bị, công nghệ mới hiện đại, thích hợp và cung cấp thông tin công nghệ cho các doanh nghiệp tham khảo và quyết định, tạo lập và phát triển thị trường công nghệ thông qua việc tổ chức các hội chợ công nghệ, thiết bị trên địa bàn tỉnh để các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận và lựa chọn.
Các dự án đầu tư thuộc ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 101/2007/QĐ-UBND ngày 06-9-2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh, trong đó tập trung hỗ trợ 100% chi phí giải phóng mặt bằng (gồm bồi thường cây, con, vật, kiến trúc thuộc sở hữu tập thể, sở hữu nhà nước); hỗ trợ 50% chi phí san lấp mặt bằng; thực hiện nhiều hỗ trợ khác để xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo lao động và hỗ trợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm miễn phí tại các hội chợ triễn lãm của tỉnh.
Năm là, phát triển thị trường trong tỉnh gắn với thị trường ngoài tỉnh; đồng thời đẩy mạnh việc xúc tiến thị trường xuất khẩu. Tổ chức các đoàn khảo sát nghiên cứu thị trường nước ngoài cho doanh nghiệp; tư vấn và phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm tháo gỡ những rào cản và góp phần giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
Sáu là, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tiếp tục thực hiện và vận hành cơ chế “một cửa” tại các cơ quan quản lý nhà nước.
Hoàn thiện tổ chức bộ máy, công tác cán bộ cho bộ phận “một cửa” ở Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, các Cục thuế, Hải quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị. Tập trung cải cách hành chính trong lĩnh vực thu nộp thuế của các doanh nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền hỗ trợ công tác nộp thuế cho doanh nghiệp thông qua các hình thức hướng dẫn (trực tiếp, bằng văn bản, điện thoại, in-tơ-nét, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp...); nghiên cứu và bổ sung phương pháp thu nộp thuế để giảm thiểu các thủ tục và thời gian cho các doanh nghiệp. Đơn giản và công khai hóa các quy định của Nhà nước trong các lĩnh vực: thẩm định, cấp giấy phép đầu tư, cấp giấy phép kinh doanh, thủ tục thuê đất, các thủ tục liên quan đến xuất- nhập khẩu hàng hóa...
Bảy là, lựa chọn công nghệ thiết bị hiện đại là ưu tiên hàng đầu.
Nghệ An chủ trương đối với các dự án đầu tư mới khi nhập công nghệ thiết bị từ nước ngoài cần cân nhắc áp dụng công nghệ phù hợp với từng giai đoạn phát triển, không nhập khẩu công nghệ và thiết bị đã lạc hậu. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, không ngừng tích lũy để tiếp tục tái sản xuất mở rộng. Tập trung đổi mới công nghệ và đưa nghiên cứu khoa học vào phục vụ sản xuất, trước hết là các ngành công nghiệp có thế mạnh của địa phương như khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông, lâm, thủy hải sản, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng... Ưu tiên cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để đổi mới công nghệ. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để đầu tư đổi mới công nghệ, khấu hao nhanh tài sản. Chú trọng các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, như: tăng cường liên kết với các ngành liên quan đến cung cấp yếu tố đầu vào (nông nghiệp, khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng...) để bảo đảm chất lượng cho sản phẩm chế biến. Đẩy mạnh công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp và các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm... Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và làm tốt công tác bảo vệ môi trường./.