Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ra Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó có nội dung quan trọng đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản. Bài viết sau đây nêu lên những công việc cấp thiết nhằm triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương trên của Đảng.

I - Khai thác lợi thế của biển để phát triển kinh tế - xã hội là một chủ trương nhất quán của Đảng

Nước ta có một vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền; có bờ biển dài 3.260 km. Từ bao đời nay, vùng biển, ven biển và hải đảo của non sông, đất nước ta đã gắn bó chặt chẽ với mọi hoạt động sản xuất và đời sống của dân tộc Việt Nam.

Trong những năm 90 của thế kỷ trước, Đảng và Nhà nước ta đã có một số nghị quyết, chính sách về biển, các lĩnh vực liên quan đến biển. Có ý nghĩa quan trọng nhất đối với các hoạt động kinh tế biển phải kể đến Nghị quyết 03-NQ/TW, ngày 6-5-1993 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt, trong đó khẳng định rằng, phải đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đi đôi với tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. Song song với nhiệm vụ đó là bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái biển, phấn đấu trở thành một nước mạnh về biển vào năm 2020.

Ngày 22-9-1997, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ những quan điểm cơ bản của Nghị quyết này, cùng với việc tiếp tục nhấn mạnh chủ trương lớn xây dựng Việt Nam trở thành một nước mạnh về biển, phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, hải đảo, ven biển phải gắn kết với yêu cầu bảo vệ đất nước, có thể thấy rõ hơn chủ trương rất quan trọng là: cần đặt kinh tế biển trong tổng thể kinh tế cả nước, trong quan hệ tương tác với các vùng và trong xu thế hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới.

Lợi ích kinh tế biển không chỉ xuất phát từ một địa phương, một ngành mà cần được liên kết một cách khoa học sự phát triển của các ngành trên toàn vùng, trên từng địa bàn cụ thể thành một chương trình phát triển thống nhất. Đặc biệt, phát triển kinh tế biển phải chú trọng ngay từ đầu sự tiến bộ xã hội của vùng biển.

Từ các quan điểm chỉ đạo trên và nâng lên tầm của một văn bản chiến lược, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X đã thông qua Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9-2-2007). Để đạt được mục tiêu tổng quát "đến năm 2020 phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển" cần thực hiện tốt các nhiệm vụ chiến lược quan trọng. Trong đó, nhiệm vụ chiến lược kinh tế "làm giàu từ biển" được chỉ đạo bởi quan điểm: kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cho một quãng thời gian gần 3 kế hoạch 5 năm (2007-2020), không gian kinh tế biển được mở rộng và nhất thể hóa trên phạm vi vùng biển, ven biển và hải đảo gắn kết chặt chẽ với các vùng quy hoạch lâu nay trong đất liền. Sự phát triển các ngành kinh tế biển được gắn kết hữu cơ với nhau trên cơ sở phát huy cao nhất lợi thế của mỗi ngành.

II - Ngành thủy sản với các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế biển.

Đối với ngành thủy sản, năm 1993 có thể gọi là một năm đặc biệt, gắn liền với các sự kiện quan trọng: Sau hơn một thập kỷ được thử nghiệm và đã thử nghiệm thành công một số cơ chế đẩy mạnh xuất khẩu cân đối cho yêu cầu phát triển ngành thủy sản; đất nước đã qua những năm đầu thực hiện quá trình đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; và đang chuẩn bị những bước đi vững chắc cho mở cửa và hội nhập đầy đủ.

Năm 1993, ngành đã triển khai các chủ trương lớn của Đảng theo tinh thần của Nghị quyết số 03/NQ/TW, (ngày 6-5-1993) của Bộ Chính trị, và Nghị quyết số 05-NQ/HNTW, (ngày 10-6-1993) của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII nhằm phấn đấu xây dựng thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tiếp đó, ngành đã đề ra các biện pháp triển khai chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới (bắt đầu từ năm 1995 và bằng kế hoạch 5 năm 1996 - 2000).

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ trong các Chỉ thị số 399/TTg (ngày 5-8-1993) và Chỉ thị 170-TTg (ngày 18-3-1995) đã chỉ đạo: "Bộ Thủy sản xây dựng kế hoạch phát triển ngành khai thác, nuôi trồng, chế biển hải sản thành một ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn"... Phát triển năng lực đánh bắt cá và các loại hải sản khác, nâng dần tỷ trọng đánh bắt xa bờ.

Chủ trương của Đảng về phát triển thủy sản như là một ngành kinh tế biển đã được nhấn mạnh trong Chỉ thị số 20 CT/TW của Trung ương (ngày 22-9-1997) "Với sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước, ngành thủy sản phải vươn lên thực hiện tự đầu tư, tự cân đối để phát triển tập trung vào chương trình đánh bắt khơi xa và hiện đại hóa nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh. Khẩn trương hiện đại hóa chế biến thủy sản đi liền với nâng cao năng lực quản lý và tiếp thị". Chủ trương về cơ cấu lại nghề cá biển cũng được nêu rõ trong Chỉ thị là "Hoán đổi nghề cá gần bờ, hạn chế việc đóng mới loại tàu nhỏ, khuyến khích đóng tàu thuyền lớn đi khơi".

Quán triệt chủ trương của Trung ương và Bộ Chính trị, kế hoạch 5 năm (1996 - 2000) vừa là những năm phát triển có bước đột phá của ngành thủy sản, vừa là thời kỳ chuẩn bị cho sự phát triển bền vững của những năm đầu thế kỷ XXI. Có thể thấy được sự đột phá của 5 năm (1996 - 2000) qua các số liệu về năng lực khai thác hải sản xa bờ và sự gia tăng nhanh chóng của giá trị xuất khẩu, cụ thể:

Xét về năng lực khai thác qua số liệu về tàu thuyền: Có thể thấy rõ sự tăng mạnh về số tàu thuyền lắp máy và công suất lắp máy trung bình. Trong giai đoạn từ năm 1991 - 2000, tốc độ tăng bình quân/năm của số tàu thuyền được lắp máy là 18%. Nếu công suất bình quân năm 1991 là 18 CV/tàu, đến năm 2000 là 44 CV/tàu, trong đó tăng mạnh về công suất trung bình là giai đoạn từ năm 1997 - 2000 (từ 31 CV/tàu lên 44 CV/tàu ), nhờ đó có sự chuyển biến rõ rệt trong cơ cấu khai thác theo hướng vươn ra các vùng biển xa bờ.

Về xuất khẩu, so với năm 1995, giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2000 tăng gấp 2,7 lần; từ 550 triệu USD (năm 1995) lên 1,478 tỉ USD (năm 2000).

Việc chuẩn bị cho quá trình cơ cấu lại trong ngành giai đoạn này kéo theo sự tăng mạnh xuất khẩu, cũng đã tạo ra mức tăng trưởng đột biến về diện tích cũng như sản lượng và đặc biệt về giá trị sản lượng nuôi trồng thủy sản vào các năm 2000 - 2002.

Tuy nhiên, với giai đoạn 1996 - 2000, mức tăng trưởng thực sự theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa chỉ mới là bước đầu. Việc chuẩn bị cho sự phát triển đầy đủ của ngành thể hiện ở những nỗ lực gắn liền chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa với việc cấu trúc lại các lĩnh vực của ngành đáp ứng yêu cầu vừa tăng nhanh trước mắt, vừa bảo đảm phát triển bền vững, đón bắt những cơ hội mới, vượt qua các khó khăn, thách thức trong tiến trình hội nhập của đất nước. Ba chương trình phát triển của ngành đã lần lượt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai, đó là:

- Chương trình khai thác hải sản xa bờ được bắt đầu từ năm 1997 với một số chính sách về tín dụng và thuế để phát huy các thành phần kinh tế vươn ra khai thác biển khơi, chương trình này gắn liền với các dự án xây dựng các cảng cá, bến cá và dịch vụ hậu cần từ các nguồn vốn nhà nước và vốn ODA.

- Chương trình chế biến và xuất khẩu thủy sản đến năm 2005 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, và bắt đầu thực hiện từ năm 1998.

- Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1999.

Phương hướng - mục tiêu chung của 3 chương trình này là: tiếp tục lấy xuất khẩu làm động lực, phát huy nội lực các thành phần kinh tế để cơ cấu lại ngành, từ một ngành nặng về thu hoạch các nguồn tài nguyên tự nhiên và các thuận lợi của thiên nhiên sẵn có để trang trải chủ yếu cho cuộc sống của các cộng đồng dân cư làm thủy sản, chuyển sang đầu tư để trở thành ngành sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh cao, khai thác, sử dụng có hiệu quả và hợp lý tiềm năng về nguồn lợi tự nhiên gắn với phát triển nuôi trồng nhằm phát triển bền vững (xét trên các khía cạnh hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường). Việc thực hiện mục tiêu tổng quát này thực sự là một quá trình chuyển dịch cơ cấu gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành dựa trên thành quả, yêu cầu của công cuộc đổi mới và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Mục tiêu và hướng đi đó, thông qua chủ trương của Đảng, Nhà nước được thực hiện nhất quán trong suốt chặng đường vừa qua. Đặc biệt các chủ trương này được nhấn mạnh trong Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng. Trong Báo cáo về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010), đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng thông qua, nêu rõ: "Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa lớn đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái; chuyển đổi cơ cấu khai thác qua việc lựa chọn ngư trường, loại hình nghề nghiệp và sản phẩm để nâng cao giá trị hàng hóa, sử dụng hợp lý nguồn lợi, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh, bảo đảm tăng trưởng bền vững".

Kết quả của việc triển khai chủ trương nhất quán của Đảng về phát triển kinh tế biển từ năm 1993 đến nay có thể khái quát bằng một số sự kiện và số liệu cơ bản sau đây:

- Thế mạnh của nghề cá nhân dân được phát huy mạnh mẽ qua nhiều mô hình kinh tế dân doanh, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển ngành.

- Từ một nghề cá thủ công quy mô nhỏ hoạt động chủ yếu ở vùng gần bờ, đã chuyển dịch theo hướng đóng tàu lớn, cơ giới hóa, tăng cường trang bị và áp dụng công nghệ mới để mở rộng khai thác ở các ngư trường xa bờ, các đối tượng có giá trị cao. Đến nay cả nước đã có khoảng 14 ngàn tàu đánh bắt xa bờ, chiếm hơn 40% tổng sản lượng hải sản khai thác. Một hệ thống trên 60 cảng cá, bến cá với hơn 10 ngàn mét cầu cảng đã được xây dựng chủ yếu trong khoảng 10 năm gần đây đang dần phát huy hiệu quả, đặc biệt là phục vụ cho các tàu đánh bắt xa bờ.

- Nuôi trồng thủy sản đang từng bước trở thành ngành sản xuất hàng hóa chủ lực, phát triển rộng khắp và có vị trí ngày càng quan trọng; sản lượng tăng với 2 con số liên tục trong nhiều năm và gần bằng sản lượng khai thác. Các đối tượng nuôi trồng cho giá trị cao, có khả năng xuất khẩu lớn đang được tập trung đầu tư và đem lại hiệu quả tốt, là thế mạnh của một số vùng kinh tế trọng điểm. Phát triển nuôi trồng thủy sản không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu trong ngành thủy sản, mà còn góp phần quan trọng trong chuyển dịch và phát triển kinh tế - xã hội các vùng nông thôn (nhất là từ khi có Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP ngày 15-6-2000 của Chính phủ). Nuôi trồng thủy sản có bước phát triển ban đầu cũng là một giải pháp quan trọng trong sử dụng các tiềm năng biển ven bờ, giảm sức ép của nhu cầu khai thác các vùng ven bờ, góp phần bảo vệ các nguồn lợi hải sản, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững. Đến nay, tính theo sản lượng nuôi thủy sản nước ta đứng thứ 5 thế giới (tính đến cả động, thực vật nuôi) và đứng thứ 3 về sản phẩm cá và động vật khác.

- Chế biến xuất khẩu là lĩnh vực phát triển nhanh và có thể coi là động lực cho tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu trong khai thác và nuôi trồng thủy sản. Chất lượng và tính cạnh tranh của các mặt hàng thủy, hải sản Việt Nam được cải thiện không ngừng, tạo được uy tín lớn trên thị trường thế giới. Đến nay, trong tổng số hơn 470 cơ sở - doanh nghiệp chế biến thủy sản đã có 248 cơ sở - doanh nghiệp (chiếm gần 53%) đã được Liên minh châu Âu (EU - gồm 25 nước thành viên) công nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh, đưa vào "Danh sách I" xuất khẩu vào EU - thị trường "khó tính" nhất hiện nay. Ngoài ra, có trên 300 cơ sở - doanh nghiệp được Hàn Quốc công nhận tiêu chuẩn chất lượng... Hàng thủy sản Việt Nam đã có mặt trên 140 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, có chỗ đứng vững chắc ở các thị trường lớn như Nhật Bản, EU và Bắc Mỹ. Về giá trị kim ngạch xuất khẩu, thủy sản Việt Nam hiện đã vươn lên vị trí thứ 7 thế giới.

Năm 2006, sản lượng thủy sản Việt Nam đạt 3,75 triệu tấn, trong đó có 1,75 triệu tấn từ nuôi trồng (chiếm gần 47%), giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 3,75 tỉ USD. Giá trị sản phẩm của nuôi trồng và khai thác thủy sản thường xuyên có tỷ lệ tăng trưởng cao hơn hoặc xấp xỉ giá trị sản phẩm trong sản xuất công nghiệp, dịch vụ chung của các ngành; và chiếm hơn 20% giá trị sản phẩm của sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

III - Về việc triển khai Nghị quyết của Trung ương Đảng

1 - Về những vấn đề chung

Quan điểm chỉ đạo được nêu trong phần định hướng Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là "nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn".

Ở đây cần nhấn mạnh hai ý quan trọng - "mạnh về biển, làm giàu từ biển" trong mục tiêu tổng quát của Chiến lược phải phấn đấu đạt được vào năm 2020. Để trở thành quốc gia mạnh về biển trong bối cảnh "Thế kỷ XXI được thế giới xem là "Thế kỷ của đại dương", theo đánh giá của các chuyên gia, phải hội đủ 3 thế mạnh: Mạnh về kinh tế biển. Mạnh về khoa học biển. Mạnh về thực lực quản lý tổng hợp biển". Với nội hàm của mình, mạnh về kinh tế biển có thể đồng nghĩa với việc phấn đấu làm giàu từ biển. Khoa học biển cần được đặt đúng chỗ, làm luận cứ cho phát triển và quản lý biển, đồng thời tạo được công nghệ để có bước đột phá nhằm làm giàu từ biển.

Nghị quyết của Đảng cũng nêu rõ "phát triển khoa học - công nghệ biển phải trở thành động lực của phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển". Phát triển khoa học - công nghệ biển gắn liền với đẩy mạnh điều tra cơ bản đã được Nghị quyết Trung ương coi là nhiệm vụ chiến lược. Chủ trương, giải pháp về khoa học - công nghệ biển phải được coi là giải pháp đi trước, mang tính đột phá.

Mạnh về thực lực quản lý biển cần phải được xây dựng dựa trên cách tiếp cận quản lý tổng hợp biển với các điều kiện tự nhiên, các điều kiện địa chính trị được điều tra nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học. Từ đó có một hệ thống thể chế biển thống nhất và hệ thống quản lý biển, kiểm soát các hoạt động trên biển đủ năng lực để bảo đảm đạt được những mục tiêu Chiến lược đề ra.

Giàu lên từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển có quan hệ mật thiết với thế mạnh về năng lực quản lý biển. Việt Nam là một quốc gia ven biển, vị trí Biển Đông cùng với vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế; cứ 100 km2 diện tích đất liền thì có 1 km bờ biển, trong khi mức trung bình trên thế giới là 600 km2 diện tích đất liền mới có 1 km bờ biển.

Rõ ràng điều kiện sống ở nước ta chịu ảnh hưởng rất đáng kể từ biển. Nghị quyết đặt ra mục tiêu cụ thể là "phấn đấu thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước". Cả nước ta có khoảng 1/3 dân số sinh sống ven biển, trong đó 40% có các hoạt động kinh tế liên quan đến biển. Các cộng đồng dân cư ven biển là một tiềm năng lao động dồi dào của đất nước, nhưng đồng thời cũng luôn đặt ra nguy cơ - sức ép lớn đối với vấn đề dân số và lao động nếu không có một cơ cấu lao động hợp lý và chất lượng chuyên môn, tay nghề cao phù hợp với yêu cầu phát triển.

Quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội biển phải dựa trên cơ sở khoa học của tiếp cận quản lý tổng hợp, mà xuất phát điểm là quản lý tổng hợp vùng ven bờ, vươn dần ra quản lý tổng hợp các vùng trọng điểm xa bờ. Quản lý tổng hợp không có nghĩa là phép cộng đơn thuần những ngành kinh tế biển và ven biển hiện có. Vấn đề là phải xác định rõ giữa chính sách trọng điểm (ưu tiên) và chính sách dàn đều để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Căn cứ để xác định thứ tự ưu tiên không chỉ dựa vào tỷ lệ đóng góp trong GDP (mặc dù chúng ta đang đi lên từ xuất phát điểm thấp, đòi hỏi tốc độ phát triển kinh tế nhanh hơn, nên chính sách ưu tiên thường hay được hiểu là đồng nghĩa với tầm quan trọng của việc phát triển các ngành có tỷ trọng lớn trong GDP và có tiềm năng tăng trưởng cao - đó là điều kiện cần nhưng không thể là đủ cho phát triển bền vững).

Xét trên khía cạnh tài nguyên, nguồn tài nguyên biển của thế giới cũng như của Việt Nam rất phong phú và đa dạng, nhưng có thể gộp lại thành 3 nhóm: Nguồn tài nguyên tái tạo, chủ yếu là các nguồn lợi sinh học. Nguồn tài nguyên khoáng sản (kể cả dầu khí). Các nguồn tài nguyên khác do vị trí địa lý và thiên nhiên ban tặng, các công trình văn hóa được ông cha xây đắp qua nhiều thế hệ.

Nguồn tài nguyên khoáng sản là loại không tái tạo, bởi vậy quy hoạch để có tiến độ khai thác đúng sẽ cho hiệu quả tối ưu trong phát triển kinh tế đất nước theo hướng bền vững.

Hai nguồn tài nguyên còn lại là trường tồn. Nếu ta biết giữ gìn và có các biện pháp quản lý bảo đảm cho các quy luật tái tạo sẽ là lâu dài và làm cơ sở cho phát triển bền vững các ngành liên quan. Yêu cầu quản lý của các ngành, như vậy, đòi hỏi phải biết cân đối giữa bảo đảm tốc độ tăng trưởng với duy trì khả năng tái tạo cần thiết, bảo đảm phát triển bền vững, không làm xấu đi môi trường sinh thái cũng như các điều kiện tự nhiên khác, ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai.

2 - Ngành thủy sản phấn đấu tiếp tục là một ngành mũi nhọn, góp phần đưa đất nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển.

Trong những năm vừa qua, bám sát chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế biển, ngành thủy sản đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, ngành càng phát triển thì năng lực quản lý, cũng như sự tương tác trong quản lý của ngành với quản lý các ngành kinh tế biển, đảo và ven biển khác, có thể nói, đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Với Nghị quyết lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển đến 2020, ngành có được tầm nhìn và cách tiếp cận đầy đủ hơn để nâng cao năng lực quản lý và khắc phục những bất cập này.

Có một thực tế là, nếu so với các nước Đông - Nam Á, chúng ta đi sau trong công nghiệp hóa ngành cá biển. Từ thập niên 60 của thế kỷ trước, nghề cá biển trong khu vực đã mở mang nhanh chóng nhờ hàng loạt các yếu tố của thời kỳ mà sự khai thác tài nguyên theo phương thức quảng canh còn được khuyến khích mạnh, các ngư trường mới ở lân cận được phát hiện, chi phí đi biển vẫn còn thấp. Trong thời gian đó, đất nước chúng ta còn bị chia cắt, trải qua hơn 20 năm chiến tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Khoảng cách đó đã được rút ngắn phần nào nhờ những cố gắng suốt hơn 20 năm đổi mới vừa qua, nhưng đuổi kịp và vượt qua vẫn còn là nhiệm vụ lớn trong thời gian tới. Thực sự chúng ta mới nói đến công nghiệp hóa nghề cá biển trong quy mô toàn quốc vào giữa những năm 90 của thế kỷ XX. Nhưng thời kỳ này, những điều kiện như những năm 60 không còn nữa, và được thay bằng sự nhấn mạnh về bảo tồn và phát triển bền vững. Nguồn lợi từ biển bị suy giảm là vấn đề không những ở Việt Nam, mà của khu vực, đồng thời là vấn đề toàn cầu. Thiên tai là mối đe dọa ngày một lớn hơn cho ngư dân sản xuất trên biển. Chi phí hoạt động khai thác, đặc biệt là giá nhiên liệu tăng liên tục trong nhiều năm gần đây. Rõ ràng trong điều kiện chi phí sản xuất tăng, rủi ro lớn, thì công nghiệp hóa nghề cá của Việt Nam phải thực sự đồng nghĩa, hay nói cách khác phải gắn với quá trình chuyển đổi cơ cấu và bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Do vậy, chúng ta không thể rập khuôn như các nước khác đã làm.

Tuy nhiên, nguồn tài nguyên cho phát triển thủy sản với tinh thần "phát huy mọi tiềm năng từ biển" ở nước ta vẫn có thể bảo đảm cho sự phát triển mạnh. Ngành thủy sản không chỉ dựa vào các đối tượng biển có giá trị kinh tế đang khai thác trước mắt, mà phải biết dựa vào tiềm năng lâu dài. Điều đó có thể thực hiện được nếu toàn bộ hệ sinh thái biển được bảo vệ tốt, kết hợp giữa khai thác với phát triển các nguồn lợi của biển, gắn kết khai thác với nuôi trồng trên biển, nâng cao giá trị sản phẩm làm ra và giảm thất thoát sau thu hoạch. Sự thành công của việc nắm lấy tiềm năng phát triển này phụ thuộc phần lớn vào những đột phá của ngành trong quản lý và trong tổ chức sản xuất. Đó chính là quy hoạch phát triển phải bảo đảm tính hợp lý giữa khai thác với nuôi trồng, dịch vụ - hậu cần trên biển gắn với một đề án bảo tồn biển đồng bộ và có tính khả thi cao.

Vận dụng các quan điểm chỉ đạo của Đảng, biết triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chiến lược trong phạm vi toàn quốc cũng như từng vùng quy hoạch, khai thác tối đa các tiềm năng thị trường những thập niên đầu thế kỷ XXI, ngành thủy sản chắc chắn sẽ bước vào thời kỳ phát triển mới, có đóng góp nhiều hơn cho kinh tế - xã hội vùng biển và ven biển, góp phần củng cố quốc phòng - an ninh của Tổ quốc, sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển và giàu lên từ biển.