Sự thích nghi của chủ nghĩa tư bản hiện đại và thời cơ, thách thức đối với cách mạng Việt Nam
Trong thời đại ngày nay, chủ nghĩa tư bản nói chung, chủ nghĩa đế quốc nói riêng luôn tìm cách thích nghi trước sự biến đổi nhanh chóng, phức tạp của các mối quan hệ kinh tế, chính trị quốc tế, nhưng bản chất của chúng vẫn không thay đổi. Bởi vậy, trong quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta phải đề cao cảnh giác, chủ động chống lại âm mưu "diễn biến hòa bình", ra sức phát huy nội lực và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.
I - Chủ nghĩa tư bản ra đời cách đây hơn 500 năm và có bốn lần thay đổi lớn. Vào giữa thế kỷ thứ XVIII, cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật lần thứ nhất nổ ra, chủ nghĩa tư bản nông nghiệp và thương nghiệp chuyển thành chủ nghĩa tư bản công nghiệp và tự do cạnh tranh. Cuối thế kỷ thứ XIX, cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật lần thứ hai xuất hiện, chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh chuyển thành chủ nghĩa tư bản độc quyền. Từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vào những năm 30 của thế kỷ XX và rõ nhất là sau chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa tư bản độc quyền chuyển thành chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước. Bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ XX, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đã dẫn đến toàn cầu hóa kinh tế và chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước chuyển thành chủ nghĩa tư bản độc quyền xuyên quốc gia.
Cùng với sự phát triển của các công ty độc quyền xuyên quốc gia và toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới, chủ nghĩa tư bản tổ chức ra Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới và các thỏa thuận về thuế quan. Do nhu cầu điều chỉnh quan hệ thương mại nên ngay từ năm 1948, các nước tư bản đã tổ chức ra Hiệp định chung về thuế quan (GATT). Sau đó, do tiến trình khu vực hóa được xúc tiến mạnh mẽ nên đã dẫn đến sự ra đời của Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC), Khu vực tự do Bắc Mỹ và Diễn đàn kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Tiếp đó, nền kinh tế toàn cầu ngày càng phát triển nhanh và sự ra đời của kinh tế tri thức đã làm nảy sinh nhiều mối quan hệ kinh tế thế giới, buộc chủ nghĩa tư bản độc quyền xuyên quốc gia phải mở rộng GATT. Bởi thế, năm 1994, WTO ra đời.
Trong nền kinh tế toàn cầu hóa, các công ty độc quyền xuyên quốc gia là lực lượng thao túng thị trường thế giới. Hiện nay, khoảng 200 công ty xuyên quốc gia đang chiếm 1/3 GDP của thế giới, thâu tóm 70% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 2/3 mậu dịch quốc tế và trên 70% chuyển nhượng kỹ thuật của thế giới.
Thực tế trên đây chỉ ra hai thuộc tính cơ bản của toàn cầu hóa kinh tế. Một mặt, nó thể hiện tính tiên tiến của lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa: thúc đẩy sự phân công lao động và hợp tác quốc tế để phát triển nền sản xuất xã hội, thúc đẩy sự phụ thuộc lẫn nhau giữa nền kinh tế các nước. Mặt khác, nó thể hiện bản chất của chủ nghĩa tư bản độc quyền xuyên quốc gia: luôn luôn tìm cách mở rộng tư bản ra bên ngoài để tăng cường bóc lột và truyền bá các quan điểm, giá trị của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Rõ ràng, sự phát triển của khoa học, công nghệ đã dẫn đến toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới. Nói một cách cụ thể, nó đã buộc chủ nghĩa tư bản độc quyền xuyên quốc gia phải thích nghi bằng cách tổ chức ra các thị trường khu vực, thị trường thế giới, các quỹ tiền tệ quốc tế, ngân hàng thế giới để giải quyết các mối quan hệ kinh tế và nhất là để thao túng thị trường thế giới. Sự ra đời của những tổ chức này có đưa lại thời cơ phát triển kinh tế cho các nước kém phát triển, nhưng mục đích chính của nó là để tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, hay nói cách khác, để chủ nghĩa tư bản chi phối nền kinh tế thế giới. Đó cũng chính là bản chất của thị trường thế giới.
Chủ nghĩa tư bản độc quyền tìm cách thích nghi để vừa thao túng thị trường thế giới, vừa thực hiện âm mưu gây ảnh hưởng về chính trị đối với các nước. Nếu trước đây, hình thức xâm lược của chủ nghĩa đế quốc là chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, thì sau chiến tranh thế giới thứ hai, do tương quan lực lượng thay đổi và mất thế chủ động lịch sử, nên hình thức xâm lược của nó là chủ nghĩa thực dân kiểu mới, thực hiện xâm lược, thôn tính thông qua bàn tay người bản xứ, dưới chiêu bài "độc lập", "quốc gia" giả hiệu.
Trước đây, hình thức xâm lược của chủ nghĩa đế quốc là chiến tranh. Sau này, do phong trào chống chiến tranh phát triển mạnh mẽ, hơn nữa, nếu tiến hành chiến tranh thì sẽ tốn kém, dễ bị các nước tư bản khác vượt qua, nên chủ nghĩa đế quốc chuyển sang dùng sức mạnh về tiền vốn, công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lý và thị trường làm công cụ, cùng với các thủ đoạn chính trị, ngoại giao, văn hóa, tư tưởng để thực hiện "diễn biến hòa bình", "giành thắng lợi không cần chiến tranh" hay còn được gọi là "một thứ chiến tranh không có khói súng". Nếu trong thời kỳ "chiến tranh lạnh", chiến lược của chủ nghĩa đế quốc là "ngăn chặn", dẫn đến sự xuất hiện của chủ nghĩa cơ hội trong giới lãnh đạo Đảng Cộng sản ở một số nước xã hội chủ nghĩa, thì ngày nay chúng tiến hành chiến lược "vượt trên ngăn chặn", tấn công thẳng vào hệ thống chính trị của các nước xã hội chủ nghĩa bằng âm mưu "diễn biến hòa bình".
Trong mấy chục năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã phải đối phó với các âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Cái cốt lõi của "diễn biến hòa bình" là tạo ra lực lượng tại chỗ để tiến hành cuộc thay đổi chế độ. Để làm được điều đó, chúng tìm cách thay đổi ý thức xã hội của quần chúng nhân dân, trước hết là ý thức chính trị. Chúng tiến công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và xuyên tạc con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
Các phương tiện thông tin đại chúng như sách báo, đài phát thanh, đài truyền hình, mạng In-tơ-nét được chúng sử dụng một cách tối đa vào cuộc tiến công xuyên tạc đó. Đồng thời, chúng sử dụng các vấn đề "tự do", "dân chủ", "nhân quyền" và tôn giáo, dân tộc để kích động ly khai chế độ mà chúng ta xây dựng. Chúng vu cáo "Cộng sản cấm đạo" và tìm cách phát triển tôn giáo ở các vùng dân tộc ít người, làm hậu thuẫn cho những phần tử xấu trong tôn giáo tập hợp lực lượng để chống lại Đảng và Nhà nước ta. Chúng phái một số phần tử là Việt kiều trở về các vùng dân tộc ít người lôi kéo đồng bào chạy ra nước ngoài để gây tình hình bất ổn định về chính trị. Luận điểm "Nhà nước Đề-ga" do chúng tung ra là một âm mưu cực kỳ nguy hiểm.
Bên cạnh đó, chúng lợi dụng chính sách mở cửa, giao lưu văn hóa của chúng ta để gieo rắc những quan điểm, giá trị phương Tây, phát triển văn hóa xa rời chuẩn mực thẩm mỹ, lối sống, đạo đức truyền thống, hồi phục đồi phong, hủ tục, mê tín dị đoan, làm băng hoại bản sắc văn hóa của dân tộc. Chúng ca ngợi các giá trị "tự do, "dân chủ" tư sản, đề cao chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân cực đoan chạy theo đồng tiền bằng mọi giá, lối sống sa đọa, ăn chơi hưởng lạc, hoàn toàn xa lạ với đạo đức của con người xã hội chủ nghĩa. Chúng tìm cách tha hóa thế hệ trẻ bằng văn hóa Mỹ và văn hóa phương Tây, tạo ra một thế hệ mất gốc, phủ nhận các giá trị truyền thống của dân tộc để phục vụ cho mưu đồ của chúng.
Ngoài ra, các thế lực thù địch còn sử dụng sức mạnh kinh tế như tiền vốn, công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lý và thị trường để phục vụ cho mưu đồ "diễn biến hòa bình". Trong số các nhà tư bản nước ngoài đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ở nước ta, hầu hết là vì lợi nhuận, nhưng cũng có kẻ ngoài lợi nhuận còn có mưu đồ xóa bỏ con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa của chúng ta.
Kẻ thù của chủ nghĩa xã hội rất triệt để trong âm mưu chống phá chủ nghĩa xã hội. Nhìn lại những năm tháng vừa qua, chúng ta thấy, sau khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chúng đã sử dụng các cuộc cách mạng "màu sắc" để lôi kéo các nước Đông Âu vào vòng tay của chúng và tìm cách làm tan rã khối SNG.
Thực tiễn nói trên cho thấy, ngày nay sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi chúng ta phải kiên quyết chống lại âm mưu "diễn biến hòa bình", chống lại mưu đồ xóa bỏ con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Đồng thời, chúng ta phải biết ngăn ngừa và sẵn sàng đánh bại mọi cuộc chiến tranh mà các thế lực thù địch có thể gây ra. Đảng và nhân dân ta rất yêu chuộng hòa bình và quyết tâm đấu tranh cho một nền hòa bình bền vững để xây dựng đất nước, nhưng hòa bình hay chiến tranh, điều đó không chỉ phụ thuộc vào ý muốn của Đảng và nhân dân ta mà còn phụ thuộc vào âm mưu của các thế lực thù địch.
Nhìn lại thế giới trong mấy thập kỷ qua, chúng ta thấy nổi lên các sự kiện sau: Chiến tranh Gờ-rê-na-đa (năm 1983), sử dụng không quân oanh tạc Li-bi (năm 1986), chiến tranh xâm lược Pa-na-ma (năm 1989), chiến tranh chống I-rắc ở vùng Vịnh (năm 1991), chiến tranh áp-ga-ni-xtan và chiến tranh xâm lược I-rắc... Các sự kiện đó đã chứng minh bản chất xâm lược, thôn tính của chủ nghĩa đế quốc hiện đại. Nói cách khác, trong thời đại ngày nay, bản chất của chủ nghĩa đế quốc không hề thay đổi mà chỉ có sự thích nghi của chúng trước những biến đổi của tình hình.
Trước xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển, chủ nghĩa đế quốc cũng "hưởng ứng" hòa bình, ký kết "hợp tác", nhưng mục đích cuối cùng của chúng là để tiếp tục tồn tại, phát triển và thống trị thế giới. Mối quan tâm sống còn của chúng nằm trong lợi ích của chủ nghĩa tư bản độc quyền. Chúng chỉ muốn tiếp tục sống với tư cách là giai cấp thống trị và bóc lột. Chỉ có điều, do tình thế ngày nay đã khác trước nên chúng chọn hình thức, biện pháp thôn tính, nô dịch cho phù hợp hơn.
Trong thời đại ngày nay, chiến tranh vẫn là sự kế tục của chính trị bằng con đường bạo lực; xu hướng phát triển của chủ nghĩa đế quốc vẫn là xu hướng bạo lực và sức mạnh quân sự vẫn là chỗ dựa để nó đạt tới vị trí siêu cường trên thế giới. Việc răn đe, gây sức ép quân sự và tính chất phiêu lưu quân sự trong giải quyết vấn đề khu vực của chủ nghĩa đế quốc vẫn tiếp tục tăng lên. Đó cũng là bản chất của chúng trong tình hình mới mà những người cách mạng phải thấy rõ để không lơ là cảnh giác khi mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, phải thấy rằng, âm mưu của chủ nghĩa đế quốc xuất phát từ bản chất của chúng, nhưng âm mưu đó có thực hiện được hay không, điều đó không chỉ phụ thuộc vào chúng mà còn phụ thuộc vào đường lối, sách lược của Đảng ta, sự đối phó của nhân dân ta và phong trào đấu tranh của loài người tiến bộ. Chúng ta tin tưởng rằng, với đường lối, sách lược đúng đắn của Đảng và sự nỗ lực phấn đấu của toàn dân, chúng ta nhất định đối phó có hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
II- Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ phát triển như vũ bão đã dẫn đến toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới và đưa lại xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển. Ngày nay, không một nước nào đứng ngoài xu thế đó lại có thể nhanh chóng xây dựng được nền kinh tế vững mạnh. Nhận rõ điều đó, trong công cuộc đổi mới, Đảng ta đã đề ra chủ trương mở cửa, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, nhằm tranh thủ vốn, công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lý, thị trường để phát triển lực lượng sản xuất cũng như nền sản xuất xã hội, phục vụ đời sống của nhân dân và công cuộc xây dựng đất nước. Chủ trương đúng đắn đó đã đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, có sự thay đổi toàn diện và đã làm cho vị thế của nước ta trên trường quốc tế không ngừng nâng cao. Đặc biệt, vừa qua nước ta đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Cùng với sự kiện này, Chính phủ Mỹ cũng đã thông qua Quy chế thương mại bình thường và vĩnh viễn với Việt Nam.
Việc gia nhập WTO đang đưa lại cho nước ta nhiều cơ hội lớn:
- Tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế để hình thành hệ thống sản xuất, kinh doanh phù hợp với sự phát triển của sản xuất, kinh doanh trong thời đại mới - thời đại kinh tế tri thức.
- Có điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường thế giới, thu hút đầu tư, tiếp thu kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý của các nước tư bản phát triển, nhằm phát triển lực lượng sản xuất cũng như nền sản xuất xã hội.
- Đối diện với các cuộc cạnh tranh quyết liệt và điều đó sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp ở nước ta đổi mới, năng động hơn để tồn tại, phát triển và thúc đẩy người lao động phấn đấu nâng cao kỹ năng lao động để đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động.
- Cho phép nước ta cải thiện vị trí của mình khi tham gia vào việc xác định các quy chế thương mại toàn cầu và có điều kiện để đấu tranh bảo vệ lợi ích của mình trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại, tránh mọi sự phân biệt đối xử.
- Chúng ta phải cải cách hệ thống ngoại thương để bảo đảm tính thống nhất, minh bạch của các chính sách thương mại; bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật cho phù hợp với luật pháp quốc tế và những điều đã cam kết với WTO. Những việc làm này sẽ có tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
Tuy nhiên, cần nhận thức sâu sắc rằng, những cơ hội trên đây chỉ là những điều kiện, khả năng, chứ không tự động trở thành hiện thực. Việc có tận dụng và biến chúng thành hiện thực hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức thực hiện của Nhà nước và sự phấn đấu của toàn dân ta.
Gia nhập WTO, chúng ta không chỉ có những cơ hội mà còn có cả những thách thức, đó là:
1- Nền kinh tế nước ta còn là một nền kinh tế kém phát triển. Đất nước đang ở bước đầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; 95% doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sức cạnh tranh yếu; hệ thống thị trường chưa thật hoàn chỉnh, có cái còn sơ khai; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; hệ thống thể chế kinh tế và luật pháp chưa được hoàn thiện... Nếu chúng ta không phấn đấu quyết liệt để cải thiện các mặt thì sẽ dễ dàng thua các đối tác ngay trên "sân" nhà, vì các doanh nghiệp của các nước tư bản phát triển có sức cạnh tranh cao, còn các doanh nghiệp của nước ta sức cạnh tranh kém và do đó, sẽ bị phá sản.
2 - Đến nay, WTO đã có 150 thành viên và đang có nhiều nước đàm phán gia nhập trong thời gian tới. Đây là một "sân chơi" toàn cầu, đang kiểm soát 85% thương mại hàng hóa, 90% thương mại dịch vụ toàn cầu và kiểm soát hầu như toàn bộ các hoạt động kinh tế thương mại và đầu tư của thế giới. Cơ chế hoạt động của WTO dựa trên nền tảng lý thuyết "tự do mới" - một lý thuyết tư sản hiện đại coi thị trường và kinh tế tư nhân là tất cả. Các thành viên của WTO chủ yếu là các nước tư bản phát triển, nhưng cũng có một số nước đang phát triển, và mới đây lại có cả những nước có con đường phát triển không giống các nước thành viên khác, như Trung Quốc, Việt Nam. Vì vậy, tuy WTO có nguyên tắc "bình đẳng và tự do thương mại" nhưng trên thực tế, các nước tư bản phát triển luôn luôn tính toán đến lợi ích của họ, đồng thời tìm cách chi phối các nước nhỏ yếu và các nước có con đường phát triển khác; chẳng hạn như sử dụng hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật, hàng rào môi trường để ngăn cản việc chuyển dịch hàng hóa từ các nước này đến "sân chơi" thương mại chung.
3 - Gia nhập WTO, một mặt, chúng ta phải đối diện với hàng hóa nhập khẩu được trợ giá của các nước đang phát triển; mặt khác, phần trợ cấp, trợ giá cho hàng hóa của chúng ta thì phải thu hẹp hoặc cắt hẳn.
Để việc hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập WTO mang lại hiệu quả cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta cần nhận thức sâu sắc và giải quyết tốt một số vấn đề sau:
Một là, khi xem xét thời cơ và thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập WTO, chúng ta không chỉ xem xét ở khía cạnh kinh tế mà còn xem xét ở cả các khía cạnh chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng. Vì thế, trên tất cả các lĩnh vực đó, chúng ta phải có mục tiêu, lộ trình tận dụng thời cơ và đối phó với thách thức, đồng thời kết hợp chặt chẽ mục tiêu, lộ trình đó với chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, mục tiêu của cách mạng nước ta là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, còn việc thực hiện chủ trương mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế thế giới, gia nhập WTO chỉ là một trong các phương tiện để đi đến mục tiêu đó. Cái thiếu nhất của nền kinh tế nước ta là thiếu một lực lượng sản xuất phát triển. Nhận thấy quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa không thể được thiết lập trên một lực lượng sản xuất thấp kém nên Đảng ta đã đề ra chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập WTO để phát triển lực lượng sản xuất và trên cơ sở đó, từng bước xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, làm cho quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
Ba là, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập WTO, chúng ta phải ra sức phát huy nội lực, vì chỉ trên cơ sở nội lực được phát huy, mới thu hút mạnh đầu tư nước ngoài và mới có điều kiện để kết hợp nội lực với ngoại lực trong công cuộc xây dựng đất nước.
Bốn là, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập WTO, chúng ta phải nỗ lực vượt bậc để tranh thủ tối đa ngoại lực, nhưng phải giữ vững độc lập, tự chủ, đồng thời giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong công cuộc xây dựng đất nước, vì đây là vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam.
Năm là, chúng ta thực hiện chủ trương mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, hợp tác, liên minh với các nước, nhưng hội nhập mà không hòa nhập, hợp tác chân thành nhưng không từ bỏ đấu tranh chống lại các âm mưu đen tối của các thế lực thù địch, vì chỉ có đấu tranh thì mới thực hiện được mục tiêu của hợp tác.
Để nền kinh tế nước ta hội nhập thành công và phát triển bền vững  (17/07/2007)
Đẩy mạnh triển khai thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách đối ngoại Đại hội X của Đảng  (17/07/2007)
“Liên Xô” - một từ không bao giờ quên!  (16/07/2007)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại – một số nội dung cơ bản  (16/07/2007)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên