Nội dung cuốn sách phản ánh một cách khái quát, có hệ thống những quan điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đối ngoại, qua đó rút ra một số nhận xét ban đầu về tư tưởng đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuốn sách gồm 3 chương.

Chương I. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại từ cách nhìn tổng quát.

Trong chương này, bằng phương pháp sử học, tác giả tiếp cận phân tích hệ thống và đưa ra một số nhận xét bước đầu về những quan điểm cơ bản trong tư tưởng đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Hệ thống các quan điểm về đấu tranh ngoại giao, hoạt động đối ngoại và hợp tác phát triển bao gồm cả đường lối chiến lược, sách lược, phương pháp, nghệ thuật và phong cách Hồ Chí Minh.

Chương II. Cơ sở lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một khoa học, hình thành và phát triển do đòi hỏi của lịch sử và điều kiện lịch sử cụ thể quy định. Ở một góc độ cụ thể, tư tưởng Hồ Chí Minh phản ánh một tất yếu của lịch sử, một sự vận động đi lên của xã hội và nhân loại vào thời điểm cuối thế kỷ XIX nửa đầu thế kỷ XX.

Theo tác giả, truyền thống Việt Nam (chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và tinh thần độc lập tự chủ; truyền thống hòa hiếu và khoan dung của dân tộc Việt Nam); các giá trị nhân văn và các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin; thời đại mới và thực tiễn cách mạng cùng với phẩm chất, bản lĩnh Hồ Chí Minh là bốn cơ sở chính để hình thành và phát triển tư tưởng đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chương III. Một số quan điểm cơ bản trong tư tưởng đối ngoại của Hồ Chí Minh.

Tác giả đã tập trung nghiên cứu, phân tích và hệ thống những sự kiện, những vấn đề, những hoạt động, và có cả những kết luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người bàn về lĩnh vực đối ngoại, ngoại giao hay hợp tác phát triển. Tất cả những nội dung đó được trình bày qua ba quan điểm chính trong tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh đó là: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là quan điểm xuyên suốt, hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển là quan điểm nền tảng, độc lập, tự chủ, dựa vào sức mình là chính, coi trọng hòa bình đối thoại là quan điểm cơ sở. Ba quan điểm này được đặt trên nền tảng chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Từ ba quan điểm này có thể đi sâu vào từng vấn đề, từng hoạt động cụ thể, trong mỗi giai đoạn cách mạng khác nhau.