Từ Đại hội VI của Đảng - Đại hội đổi mới - đến nay, tổ chức bộ máy các ban đảng ở trung ương và địa phương đã qua ba lần sắp xếp. Cách đây hơn 11 năm, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa VIII, chúng ta tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Trước tình hình mới, với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa X, công tác đổi mới, kiện toàn các ban Đảng có bước phát triển về cả chất và lượng, thể hiện sự nhạy bén, sáng tạo và cầu thị của Đảng ta trong tiến trình đổi mới đất nước, nhằm thực hiện tốt hơn nữa vai trò người lãnh đạo của dân tộc Việt Nam.

Từ 11 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa VIII: Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và hiệu quả công việc là yêu cầu quan trọng hàng đầu

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, các cơ quan đảng từ trung ương đến địa phương đã xây dựng đề án về rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của cơ quan mình. Đề án của các cơ quan đều được thẩm định, tổng hợp kết quả để báo cáo cấp ủy có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ở cấp trung ương, do tình hình cụ thể tại thời điểm đó, các ban đảng tiếp tục ổn định cơ cấu tổ chức, tiến hành rà soát chức năng nhiệm vụ, sắp xếp lại tổ chức bộ máy cho phù hợp. Trên cơ sở này, Bộ Chính trị ban hành các quyết định về tổ chức của 11 ban đảng trung ương, riêng cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện theo Quy chế làm việc của ủy ban Kiểm tra Trung ương. Số lượng đầu mối những đơn vị trực thuộc các ban đảng trung ương được quy định cụ thể trong quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và được sắp xếp lại tương đối ổn định với hơn 100 đơn vị cấp vụ, cục, viện và tương đương. Tuy nhiên, do yêu cầu thực tiễn, số đầu mối bên trong được bổ sung, nhiều ban đã được lập thêm các vụ, đơn vị mới, và trong các vụ, đơn vị trực thuộc các ban cũng lập thêm nhiều đầu mối cấp phòng và tương đương; biên chế tăng lên so với trước.

Ở địa phương, bộ máy các ban tham mưu và đơn vị sự nghiệp của Đảng cấp tỉnh đã được quy định rõ trong Nghị quyết Trung ương 7, khóa VIII, có 5 ban là: Ủy ban Kiểm tra, Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận và Văn phòng; sau đó, các tỉnh, thành ủy lập thêm Ban Bảo vệ - Chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố. Các ban ngoài khuôn khổ quy định của Nghị quyết Trung ương 7 được Bộ Chính trị đồng ý cho thành lập là: Ban Tài chính - Quản trị, Ban Cán sự đảng các trường đại học, cao đẳng (ở Hà Nội); Ban An ninh nội chính, Ban Tài chính - Quản trị, Ban Bảo vệ chính trị nội bộ (thành phố Hồ Chí Minh); Ban Kinh tế (Thanh Hóa, Hải Phòng); Ban Nội chính (Đồng Nai),... ở cấp huyện, có 5 ban đảng như cấp tỉnh. Nhìn chung, bộ máy các ban đảng cấp tỉnh, cấp huyện của 61 tỉnh, thành phố trong cả nước được sắp xếp theo đúng quy định của Trung ương, giảm gần 200 ban so với trước.

Các ban đảng của trung ương cũng phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các ban tham mưu và đơn vị sự nghiệp của đảng bộ các cấp, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện. Biên chế các cơ quan đảng ở địa phương được tăng cường, sắp xếp hợp lý hơn, góp phần giúp các ban hoạt động ổn định.

Trong quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy, các ban đặc biệt chú trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của ban mình, bởi đây chính là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định hiệu quả công việc. Tiêu chuẩn tuyển chọn cán bộ về công tác ở các ban được lựa chọn chặt chẽ, nghiêm túc hơn: khi tổ chức thi tuyển, có chính sách ưu tiên chọn sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi ở các trường, hoặc các đối tượng là thạc sĩ, tiến sĩ, nhằm mục đích trẻ hóa đội ngũ, nâng cao trình độ học vấn, trình độ chính trị trong đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan đảng, đoàn thể. Phần lớn số công chức này đã từng bước trưởng thành. Các ban cũng đồng thời quan tâm đến công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ: đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ tại chỗ thông qua thực tiễn công tác, gửi cán bộ đi học lớp bồi dưỡng ngắn hạn hoặc dài hạn tại các trường để nâng cao trình độ. Việc sử dụng công nghệ thông tin trong công tác văn phòng và quản lý nghiệp vụ được ứng dụng nhiều hơn, bước đầu đạt kết quả tốt.

Nhờ đó, chất lượng cán bộ, công chức các ban đảng được nâng lên đáng kể. Theo báo cáo của các ban đảng trung ương và địa phương, tỷ lệ cán bộ ở cấp trung ương có trình độ học vấn từ cấp đại học, cao đẳng trở lên là 59,7%, ở địa phương: 47,74%; tỷ lệ cán bộ có trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân tương ứng ở hai cấp là 35,05% và 28,11%; tỷ lệ chuyên viên chính: 26,25% và 8,01%; tỷ lệ chuyên viên cao cấp: 12,07% và 0,40%.

Tóm lại, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa VIII) đã giúp tổ chức của các ban đảng kiện toàn hơn; chức năng, quy định về chức năng, nhiệm vụ rõ ràng hơn, quy chế hoạt động bước đầu được xây dựng, ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan hoạt động theo quy chế. Hoạt động của từng cơ quan và sự phối hợp giữa các cơ quan đã cơ bản bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu, phục vụ sự lãnh đạo của Đảng. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhìn chung được nâng cao hơn về trình độ chính trị, học vấn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn và dần trẻ hóa. Phương tiện và điều kiện làm việc từng bước được đổi mới, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban đảng.

Tuy nhiên, ở cấp trung ương, nhìn chung số lượng các ban vẫn nhiều. Một số tổ chức trực thuộc trong các ban có cấu trúc như các cơ quan hành chính; số lượng đầu mối trực thuộc nhiều, lập nhiều đơn vị sự nghiệp trực thuộc nên việc phân định chức năng, nhiệm vụ không rõ. Cơ cấu và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm tham mưu chưa hợp lý, thiếu những chuyên gia có khả năng nghiên cứu thẩm định, xây dựng đề án và hướng dẫn triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ tham mưu mất khá nhiều thời gian do các thủ tục hành chính cồng kềnh. Tỷ lệ cán bộ làm việc hiệu quả trong từng cơ quan chưa cao, chưa tương xứng với trình độ được đào tạo và ngạch bậc cán bộ, công chức theo chức danh đảm nhiệm. Tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ vẫn xảy ra, nên một số đơn vị đã lấy việc tăng số lượng biên chế thay chất lượng đội ngũ.

Hạn chế trên do nhiều nguyên nhân: Về khách quan: Trước tình hình mới, tổ chức và nhiệm vụ của các ban được giao chuyên sâu hơn, nhiều hơn, nên hình thành thêm một số ban và tổ chức trực thuộc mới, dẫn đến sự chồng chéo hoặc khó phân định chức năng, nhiệm vụ. Về chủ quan: Việc chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa VIII, ở một số nơi có biểu hiện chưa kiên quyết, hoặc do nể nang, né tránh, hoặc do tâm lý "dễ làm, khó bỏ", ngại thay đổi còn phổ biến. Dù cán bộ nhận thức được rõ việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là cần thiết, nhưng khi tiến hành ở đơn vị mình thì thực hiện chưa nghiêm; vì lợi ích cục bộ nên chưa quan tâm đến hệ thống tổ chức chung; trong quá trình thực hiện, có thiếu sót song chưa nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Tới Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa X: Tinh gọn cơ cấu và đội ngũ cán bộ phù hợp yêu cầu thực tế mới, nhằm bảo đảm tính thống nhất và hệ thống của bộ máy

Hội nghị Trung ương 4, khóa X, đã ra Nghị quyết về "Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội", khẳng định quan điểm chỉ đạo là phải nhằm giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Về chủ trương, giải pháp đổi mới, kiện toàn các ban tham mưu của Đảng, Nghị quyết chỉ rõ:

- Đối với các cơ quan tham mưu và các tổ chức đảng ở trung ương: "Kiện toàn các cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tinh gọn, bảo đảm tính thống nhất, hệ thống, đủ sức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng với cơ cấu hợp lý, có chất lượng cao...

Kiện toàn, nâng cao chất lượng toàn diện các cơ quan tham mưu và các tổ chức đảng ở trung ương nhằm tăng cường và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng. Các cơ quan đảng tham mưu của Trung ương Đảng được tổ chức lại thành 6 cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng".

- Đối với các cơ quan đảng ở địa phương: "Cơ bản giữ ổn định về tổ chức các cơ quan tham mưu của Đảng ở địa phương như hiện nay. Một số tỉnh, thành phố còn giữ lại một số ban ngoài định hướng của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa VIII) và Nghị quyết này thì sắp xếp lại... Đổi mới, kiện toàn bộ máy và cơ cấu của đội ngũ cán bộ; xác định rõ hơn quy chế làm việc, thẩm quyền, trách nhiệm của từng tổ chức và người đứng đầu mỗi tổ chức".

Đồng thời, nghị quyết cũng nêu lên các giải pháp về đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan và xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan và vai trò của cán bộ, đảng viên trong tổ chức thực hiện đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cấp.

Qua kinh nghiệm thực tế trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa VIII, những năm qua, và để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa X, về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy trong các ban tham mưu của Đảng ở trung ương và địa phương, tiếp tục triển khai thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tăng cường công tác chính trị tư tưởng, triển khai việc phổ biến, quán triệt Nghị quyết đến các tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức. Từng cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu mỗi tổ chức, đưa ra giải pháp đồng bộ triển khai mạnh mẽ, thực chất, phù hợp với tình hình của cơ quan, đơn vị mình và động viên đảng viên, cán bộ, công chức thực hiện tốt các yêu cầu Nghị quyết Trung ương đề ra; kiên quyết vì lợi ích chung, không vì lợi ích cục bộ mà nể nang, né tránh, ngại va chạm trong quá trình thực hiện.

Hai là, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết ở mỗi cơ quan, đơn vị. Cụ thể, nên tiến hành theo các bước:

Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nói chung, của các ban đảng nói riêng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm bố trí cán bộ hợp lý, hiệu quả hơn về mặt tổ chức, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ đề ra, phù hợp với yêu cầu và điều kiện Đảng ta là đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

- Bước 1: Tổ chức hình thành các ban mới theo các quyết định của cấp có thẩm quyền; triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho cấp ủy, bảo đảm tính liên tục, không bị gián đoạn công việc và tổ chức quản lý con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị tiếp thu từ các cơ quan được sắp xếp về.

- Bước 2: Các ban mới xây dựng đề án và tiến hành sắp xếp tổ chức, bố trí cán bộ trong đơn vị mình, trong đó đề ra lộ trình sắp xếp bộ máy và biên chế cán bộ, công chức. Phối hợp với cơ quan chức năng trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của ban mình.

- Bước 3: Triển khai hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế mới. Đồng thời, tiếp tục thực hiện lộ trình sắp xếp đội ngũ cán bộ, thực hiện các chính sách về cán bộ, công chức được sắp xếp do thay đổi tổ chức... nhằm giúp tổ chức bộ máy được sắp xếp theo yêu cầu (lộ trình này có thể phải thực hiện trong khoảng một vài năm, tùy theo tình hình thực tế của mỗi tổ chức).

Đối với các ban không trong diện sắp xếp tổ chức: Cần xác định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ; tiếp tục hoàn chỉnh bộ máy bên trong và cơ cấu đội ngũ cán bộ hiện có đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Có kế hoạch tiếp nhận và bố trí công tác cho cán bộ, công chức được điều chỉnh từ các ban được sắp xếp chuyển sang (nếu có).

Ba là, song song với việc đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức, cần tiến hành rà soát, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ trong mỗi ban. Tiến hành xây dựng cơ cấu đội ngũ hợp lý, xác định chức danh tiêu chuẩn cán bộ cho mỗi tổ chức để trên cơ sở đó xác định định mức biên chế và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn cán bộ phù hợp, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ tác nghiệp làm tham mưu trực tiếp bảo đảm cho sự lãnh đạo của cấp ủy và sự chỉ đạo trực tiếp của ngành. Đồng thời có quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi cán bộ, công chức trong từng vị trí công tác cụ thể. Có cơ chế khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh để thúc đẩy tính tự giác ở mỗi cán bộ, công chức, tạo động lực phấn đấu và phát huy sáng kiến hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bốn là, nghiên cứu ban hành hệ thống chính sách phù hợp, có thể bao gồm ba loại chính sách như sau:

- Chính sách bảo đảm để có thể sắp xếp, điều chuyển cán bộ; trong đó chú trọng đến đối tượng cán bộ thay đổi vị trí công tác, thay đổi ngành nghề và chuyển sang các cơ quan, đơn vị khác, nghỉ hưu trước tuổi...

- Chính sách bảo đảm cho cán bộ trong diện ở lại sau sắp xếp tiếp tục ổn định công tác tại các ban đảng không bị ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và công tác do quá trình chuyển đổi, sắp xếp.

- Về lâu dài, cần nghiên cứu đưa ra chính sách thu hút cán bộ giỏi về làm tham mưu cho Đảng; có quỹ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu vững vàng về chính trị, tinh thông về nghề nghiệp.