Để thực hiện tốt việc thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy
Xuân về - Ảnh: TTXVN
TCCS - Đại hội đảng bộ trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy là một đổi mới có tính đột phá trong công tác bầu cử của Đảng. Mặc dù mới ở giai đoạn thực hiện thí điểm, song chủ trương này bước đầu đã tạo một luồng gió mới trong đời sống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường sự vững mạnh của hệ thống chính trị cơ sở.
Phát huy tính dân chủ trực tiếp trong bầu cử
Việc thực hiện dân chủ trong các hoạt động của Đảng nói chung, bầu ra cơ quan lãnh đạo các cấp nói riêng đã được thực hiện trong suốt quá trình xây dựng, phát triển của Đảng. Nó không chỉ là một mục tiêu, mà còn trở thành nội dung quan trọng của nguyên tắc tổ chức và hoạt động chủ yếu của Đảng - nguyên tắc tập trung dân chủ.
Cấp ủy là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng ở mỗi cấp giữa hai nhiệm kỳ đại hội, do đại hội cùng cấp bầu ra, đại diện cho trí tuệ, năng lực, phẩm chất đạo đức và là hạt nhân lãnh đạo chính trị của đảng bộ. Bí thư là người đứng đầu cấp ủy, trực tiếp chủ trì các công việc của cấp ủy theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Do vai trò quan trọng của tập thể cấp ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện sự nghiệp đổi mới ở mỗi địa phương, đơn vị, nên việc bầu cử để có được một người bí thư tiêu biểu, thực sự là “linh hồn” của cơ quan lãnh đạo Đảng ở mỗi cấp phải được coi trọng.
Từ khi ra đời và trong suốt quá trình xây dựng, phát triển, Đảng ta đã có nhiều kinh nghiệm quý trong chỉ đạo công tác bầu cử các cơ quan và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, vẫn còn những trường hợp chưa bầu cử được tập thể cấp ủy, bí thư, phó bí thư thực sự tiêu biểu cho trí tuệ, phẩm chất, năng lực của Đảng bộ. Phương pháp bầu cử chậm được cải tiến. Tình trạng một số nơi, cấp dưới ỷ lại vào cấp trên, cấp trên thì bao biện, làm thay cấp dưới. Thậm chí, xuất hiện những quan điểm cho rằng, đã vào được cấp ủy, là cấp ủy viên rồi thì bố trí việc gì cũng được, từ đó làm cho “làn sóng ngầm” chạy chức, chạy quyền ngày càng tăng, nhất là qua mỗi lần bầu cử. Cũng từ những hạn chế đó, một số cá nhân lãnh đạo cấp trên trực tiếp thiếu trách nhiệm, định hướng cấp dưới bầu những người không đủ tiêu chuẩn, tín nhiệm vào ban thường vụ, bí thư, phó bí thư. Bởi vậy, có trường hợp, người được ban chấp hành bầu làm bí thư lại là người có uy tín thấp nhất trong số cấp ủy viên do đại hội bầu.
Trong điều kiện hiện nay, khi trình độ nhận thức và ý thức của đại biểu dự đại hội ngày càng nâng cao, nhu cầu dân chủ trực tiếp đang trở thành một xu thế tất yếu, thì cách thức tiến hành bầu cử trong Đảng đã bộc lộ những nhược điểm.
Thực hiện chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nhằm khắc phục những bất cập trong công tác cán bộ, bầu cử, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã chỉ rõ: “Tiếp tục đổi mới, đồng bộ các khâu của công tác cán bộ..., đổi mới và hoàn thiện chế độ bầu cử, thực hiện bầu cử có số dư, mở rộng quyền tiến cử và tự ứng cử, giới thiệu nhiều phương án nhân sự trong bầu cử và bổ nhiệm cán bộ”(1). Tiếp đó, Nghị quyết số 22, ngày 02-02-2008, của Ban Chấp hành Trung ương khóa X: “Về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên” cũng đề ra chủ trương thực hiện thí điểm một số khâu trong công tác cán bộ, nhưng phải làm từng bước, thận trọng. Bộ Chính trị đã có Thông báo số 210, ngày 22-12-2008, về “Thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở bầu cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư”.
Đây là những quyết sách mạnh dạn, đúng lúc, đúng đắn và đáp ứng mong đợi của toàn Đảng, toàn dân.
Kỳ vọng tạo đột phá trong lựa chọn, sử dụng cán bộ
Đổi mới việc bầu cử trong Đảng là một đòi hỏi khách quan. Song, việc đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư; đảng bộ cấp trên cơ sở trực tiếp bầu bí thư cấp ủy chưa được quy định trong Điều lệ Đảng, nên phải thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm, trước khi có thể nhân rộng.
Thực tiễn triển khai bầu thí điểm tại một số tổ chức cơ sở Đảng cho thấy, chủ trương này đã phát huy nhiều mặt tích cực, nhất là có thể trở thành khâu đột phá trong quá trình đổi mới công tác cán bộ. Để thực hiện hiệu quả việc thí điểm bầu cử trên, cần tập trung một số nội dung:
Một là, làm tốt công tác tư tưởng, thống nhất nhận thức và hành động trong toàn Đảng về mục đích và phương thức thực hiện thí điểm chủ trương trên.
Những đại biểu tham dự đại hội cần có nhận thức đúng và ý thức cao trong bầu cử. Nhận thức đúng là có đủ trình độ, kiến thức đánh giá cán bộ, trên cơ sở tiêu chuẩn về cấp ủy, bí thư, phó bí thư để bầu cho trúng. ý thức cao là công tâm, trong sáng trước lá phiếu mình bầu, không thiên vị, cục bộ. Người tham dự đại hội phát huy tinh thần tự giác, độc lập trong quyết định “bầu cho ai”. Tránh tình trạng đại biểu thiếu trách nhiệm, không có chính kiến, theo đuôi người khác, thậm chí bầu theo gợi ý của trưởng đoàn hoặc theo cảm tính.
Đối với người tự ứng cử, đánh giá đúng về mình, xác định trách nhiệm lớn trước Đảng, trước nhân dân và có ý chí phấn đấu vươn lên; có chương trình, mục tiêu hành động đúng đắn, khả thi, sẵn sàng trình trước đại hội để nhận được sự ủng hộ. Người được cấp ủy khóa trước giới thiệu ứng cử cần khiêm tốn, tôn trọng những người tự ứng cử, đề cử, tránh tình trạng thiếu thiện chí, rồi trù dập, gây mất đoàn kết sau này...
Nếu đại hội thực sự phát huy dân chủ, thì giả sử, việc chuẩn bị nhân sự của cấp ủy khóa trước có không khách quan, thiếu công tâm đi nữa, vẫn có thể có những ứng cử viên tiềm năng tài năng thực sự “bất ngờ” xuất hiện ngay trong quá trình chuẩn bị đại hội và ngay tại đại hội. Đó là chuyện bình thường và hết sức cần thiết.
Hai là, cung cấp đầy đủ, kịp thời cho các đại biểu dự đại hội về tiêu chuẩn cần có của một cấp ủy viên, bí thư cấp ủy và những thông tin cá nhân cán bộ trong quy hoạch các chức danh sẽ bầu cử, để mọi người thảo luận, nhận xét, đánh giá, so sánh, lựa chọn đúng.
Ngoại trừ động cơ cá nhân “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, thì việc đánh giá cán bộ là một khâu khó, hiểu thế nào là cán bộ tốt trong nền kinh tế thị trường hiện nay không phải là dễ. Không ít trường hợp, cán bộ làm được việc, liêm khiết, đứng đắn, kiên quyết chống tham nhũng, thực hiên đúng pháp luật... chưa chắc đã được số phiếu tín nhiệm bằng cán bộ “tròn trĩnh”, không có chính kiến, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải.
Như vậy, ngay từ bây giờ, rất cần có sự chỉ đạo, định hướng chung về tiêu chuẩn cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy trên cơ sở nắm chắc các quan điểm của Đảng. Chẳng hạn, bí thư cấp ủy là người cần có kiến thức nhiều mặt, nhất là công tác xây dựng Đảng; phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, nói đi đôi với làm, dám đổi mới, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, sâu sát thực tiễn, gắn bó với nhân dân...
Cũng cần khắc phục nhận thức lệch lạc của một số người trong đánh giá cán bộ hiện nay, nhất là cách hiểu máy móc, đồng nhất điều kiện với tiêu chuẩn cán bộ. Điều kiện chỉ là yếu tố cần có, chưa phải duy nhất và đủ như: quy định về bằng cấp, học vị, tuổi, cơ cấu nam, nữ, dân tộc, khóa cũ, khóa mới, sức khỏe... Việc chọn người vào cấp ủy ngoài điều kiện trên, cần đáp ứng thêm tiêu chuẩn, thể hiện ở phẩm chất đạo đức, uy tín trước quần chúng, đặc biệt là kiến thức, năng lực thực tiễn, hiệu quả công việc, theo tinh thần: “đánh giá cán bộ phải công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện và công tâm, lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị làm thước đo phẩm chất và năng lực của cán bộ”(2).
Ba là, làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự, dự kiến các tình huống xảy ra trong đại hội, có phương án giải quyết theo đúng nguyên tắc của Đảng và hướng dẫn của cấp trên.
Việc thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư là vấn đề mới, nhạy cảm, nên rất cần được chuẩn bị kỹ và tổ chức thực hiện chu đáo, thận trọng. Trong quá trình diễn ra đại hội, so với trước, chắc chắn sẽ sôi động, hấp dẫn hơn và thời gian sẽ kéo dài thêm vì khâu nhân sự có thể diễn biến phức tạp, khó lường.
Chuẩn bị kỹ nhân sự trong quy hoạch, dự kiến tất cả các tình huống xảy ra và từng phương án giải quyết cụ thể, đúng quy định của Đảng, sẽ tránh bị động, lúng túng và làm sai nguyên tắc, quy trình.
Bốn là, tiến hành tổng kết nghiêm túc, khẩn trương việc thực hiện thí điểm chủ trương đại hội bầu trực tiếp.
Bộ Chính trị đã quyết định thực hiện thí điểm chủ trương đại hội bầu trực tiếp bí thư ở 15% - 20% đảng bộ cấp huyện, 15% - 20% ở Đảng bộ cấp tỉnh; bầu trực tiếp ban thường vụ, bí thư, phó bí thư ở 5% - 7% Đảng bộ cơ sở. Việc chọn và quyết định nơi nào sẽ thí điểm do cấp ủy cấp trên trực tiếp quyết định, trên cơ sở lựa chọn những đảng bộ đại diện cho các loại hình và tính chất nhiệm vụ, các đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nội bộ đoàn kết, không có những tiêu cực phức tạp.
Việc chọn hàng ngàn đại hội cấp ủy cơ sở bầu trực tiếp ban thường vụ, bí thư, phó bí thư; hàng trăm cấp ủy trực thuộc cấp tỉnh và nhiều cấp ủy cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thí điểm bầu trực tiếp bí thư là đủ để tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm, từ đó có thể nhân rộng thành quy định chung trong Điều lệ Đảng, thông qua tại Đại hội lần thứ XI của Đảng.
Chủ động rút kinh nghiệm ngay sau mỗi đại hội nơi thực hiện thí điểm, tiến tới tổng kết trong phạm vi toàn đảng bộ, nội dung tổng kết không chỉ tập trung vào vấn đề nhân sự mà toàn diện trên tất cả các nội dung, chương trình đại hội. Coi trọng điều tra xã hội học, khảo sát nắm dư luận xã hội. Tránh tình trạng tổng kết theo kiểu báo cáo thành tích hoặc làm qua loa, hình thức, né tránh, nể nang, không thấy hết những tác động tiêu cực, để rồi dẫn đến thực hiện đại trà, gây hậu quả khó lường.
Năm là, xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định, tạo điều kiện thuận lợi để cấp ủy và bí thư cấp ủy thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ; chuẩn bị các tình huống phức tạp xảy ra sau đại hội.
Theo quy định của Đảng, ngay sau đại hội, các cấp ủy đều phải xây dựng quy chế làm việc. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng quy chế làm việc khóa mới “kế thừa” chủ yếu quy chế khóa trước, ít dành thời gian thỏa đáng để bàn bạc, bổ sung, hoàn thiện trước những yêu cầu mới vẫn khá phổ biến.
Dó đó, cần thể chế hóa, cụ thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy. Việc cụ thể hóa, quy chế hóa quyền và nghĩa vụ cụ thể này là để biết rõ ranh giới giải quyết các công việc, tránh chồng chéo, bỏ sót việc, né tránh hoặc bao biện, làm thay. Bí thư có trách nhiệm chính trị và thực quyền rất lớn, do đó phải quy định cụ thể, rõ ràng về những việc gì tập thể quyết định - ban chấp hành, ban thường vụ hay thường trực; việc gì do cá nhân quyết định - bí thư hay phó bí thư thường trực? Chế độ “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” lâu nay vẫn thực hiện chưa thật cụ thể.
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 280, 294
(2) Văn kiện đd, tr 295
Đổi mới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng với công tác thanh niên ở đơn vị cơ sở trong quân đội  (23/03/2010)
Nỗ lực ở đơn vị quyết thắng  (23/03/2010)
Vai trò động lực phát triển của thể chế, chính sách trong mô hình “Thành phố văn minh” của Pôn Rô-mơ  (23/03/2010)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 15 đến 21-3-2010)  (22/03/2010)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay