Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 8-6-2009 đến 14-6-2009)
1. Kết thúc cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu
Ngày 7-6-2009, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) kết thúc sau khi được tiến hành ở tất cả 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong 4 ngày. Tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử EP lần này ở mức thấp kỷ lục là 43% trong số 388 triệu cử tri đủ tư cách của EU, giảm so với trên 45% lần bầu cử trước (năm 2004) và giảm mạnh so với gần 62% của cuộc bầu cử EP đầu tiên năm 1979. Theo kết quả sơ bộ được EP công bố vào sáng 8-6, trong số 736 ghế được bầu, đảng Nhân dân châu Âu trung hữu và dân chủ châu Âu (EPP-ED) giành được 267-271 ghế và trở thành lực lượng lớn nhất trong EP. Đứng thứ hai là nhóm Đảng Xã hội với số ghế từ 157-161; tiếp đến là Liên minh Tự do và Dân chủ vì châu Âu (ALDE) được 80-82 ghế; nhóm đảng Xanh và Liên minh Tự do châu Âu được 53 ghế. Số ghế còn lại thuộc nhiều đảng nhỏ khác.
2. Đối thoại kinh tế cấp cao Nhật Bản - Trung Quốc lần thứ hai
Ngày 7-6-2009, cuộc đối thoại kinh tế cấp cao Nhật Bản - Trung Quốc lần thứ hai đã diễn ra tại thủ đô Tô-ki-ô, Nhật Bản, nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, biện pháp tăng cường quan hệ đầu tư, thương mại, năng lượng và bảo vệ môi trường giữa hai nước, đã đạt được những kết quả nhất định với việc hai nước cam kết thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới, đồng thời, kêu gọi sớm hoàn tất các cuộc đàm phán thương mại tự do toàn cầu. Hai bên còn bàn thảo vấn đề bản quyền, thông tin liên lạc, ngăn chặn thảm họa và nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác chặt chẽ để ổn định tài chính cũng như phát triển kinh tế châu Á và thế giới. Bắc Kinh và Tô-ki-ô cũng trao đổi quan điểm về các vấn đề như biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Hai bên nhất trí tổ chức hội nghị đối thoại kinh tế cấp cao Trung - Nhật lần thứ ba vào năm tới ở Trung Quốc.
3. Bốn thành viên tổ chức các quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ ký thoả thuận thành lập một liên minh tiền tệ
Ngày 7-6-2009, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) 4 thành viên tổ chức các quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ gồm Ba-ranh, Cô-oét, Ca-ta và Ả-rập Xê-út đã ký thoả thuận thành lập một liên minh tiền tệ. Ngoại trưởng 4/6 nước GCC đã nhất trí thành lập một liên minh tiền tệ trong năm 2009 như một tiền đề cho mục tiêu cuối cùng là có một đồng tiền chung. Hiệp ước thành lập liên minh tiền tệ vùng Vịnh được thông qua vào cuối tháng 12-2008, nhằm tạo ra một hội đồng tiền tệ trước khi thành lập một ngân hàng trung ương GCC, nơi chịu trách nhiệm phát hành đồng tiền duy nhất trong tương lai cho GCC. Năm 2007, Ô-man thông báo không tham gia liên minh tiền tệ, trong khi Các Tiểu Vương quốc Ả-Rập thống nhất (UAE), một trung tâm tài chính và thương mại chủ chốt của khu vực, tháng 5 vừa qua cũng rút khỏi kế hoạch trên, sau khi GCC quyết định đặt trụ sở ngân hàng trung ương trong tương lai của khối tại Ri-át.
4. Mỹ thừa nhận sai lầm ở Ap-ga-ni-xtan
Ngày 8-6-2009, Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận quân đội nước này đã không tuân thủ các nguyên tắc khi thực hiện đợt không kích ở miền Tây Áp-ga-ni-xtan hồi đầu tháng 5 khiến hàng chục dân thường thiệt mạng. Thiếu tướng Ray-môn Thô-mát (Raymond Thomas) phụ trách điều tra đã phát hiện quân đội Mỹ có sai sót về chiến thuật, kỹ thuật và thủ tục khi tiến hành cuộc không kích ngày 4-5 nhằm vào tàn quân Ta-li-ban ở Áp-ga-ni-xtan. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Mỹ thừa nhận trực tiếp những sai phạm quân sự trong cuộc chiến chống tàn quân Ta-li-ban vốn đã làm gia tăng sự bất mãn từ phía người dân Áp-ga-ni-xtan. Trong khi Chính phủ Áp-ga-ni-xtan cho biết, cuộc không kích của Mỹ đã làm 140 thường dân của nước này thiệt mạng, báo cáo của lực lượng Mỹ tại Ca-bun xác nhận có khoảng 20-30 dân thường cùng 60-65 phiến quân thiệt mạng trong vụ không kích này. Đây là vụ không kích gây thương vong nhiều nhất kể từ khi Mỹ tiến hành cuộc chiến chống khủng bố tại Áp-ga-ni-xtan năm 2001.
5. Khai mạc cuộc diễn tập phối hợp sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện trên biển thường niên lần thứ 15
Ngày 8-6-2009, tại căn cứ Hải quân Chan-gi (Xin-ga-po) khai mạc cuộc diễn tập phối hợp sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện trên biển (CARAT) thường niên lần thứ 15. CARAT là một loạt các cuộc diễn tập tác chiến hải quân thường niên giữa Hải quân Mỹ và Hải quân các nước trong khu vực Đông Nam Á theo sáng kiến của Mỹ từ năm 1995 như một lý do nhằm duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Cuối tháng 5-2009, Mỹ và Phi-líp-pin cũng đã tổ chức cuộc tập trận trong khuôn khổ diễn tập CARAT 2009 tại thành phố Xê-bu của Phi-líp-pin với sự tham gia của 4 tàu chiến Mỹ. Bộ Quốc phòng Xin-ga-po cho biết, các tàu ngầm của Hải quân Mỹ (USN) và Hải quân Xin-ga-po (RSN) sẽ phối hợp cùng nhau trong cuộc diễn tập. Đây là lần đầu tiên hai nước triển khai tàu ngầm tham gia cuộc diễn tập thường niên mang tên CARAT này.
6. Đại hội lần thứ 17 Hội luật gia Dân chủ quốc tế thành công tốt đẹp
Ngày 10-6-2009, tại Hà Nội, sau 5 ngày làm việc khẩn trương, Đại hội lần thứ 17 Hội luật gia Dân chủ quốc tế (IADL) đã thành công tốt đẹp. Trong diễn văn Bế mạc, Chủ tịch IADL khóa 16 gửi lời cám ơn sâu sắc đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ngành chức năng của nước chủ nhà Việt Nam đã quan tâm, giúp đỡ, tổ chức thành công Đại hội. Với chủ đề: “Pháp luật và Luật gia trong bối cảnh toàn cầu hóa; vì Hòa bình, Phát triển và Độc lập của Tư pháp” đã thu hút và tạo điều kiện để giới luật gia trên toàn thế giới trao đổi quan điểm, nhận thức nhằm nâng cao sự hiểu biết và thiện chí giữa các thành viên, cùng phấn đấu hướng tới thực hiện đầy đủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. Đại hội đã thông qua Tuyên bố Hà Nội, trong đó nhấn mạnh các ưu tiên là hòa bình và an ninh thế giới; Luật chống khủng bố; trách nhiệm đối với tội ác quốc tế; toàn cầu hóa và các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; phát triển và các quyền môi trường; sự độc lập của hoạt động tư pháp. Bà Giên-ni Mi-rơ (Jeanne Mirer), được bầu làm Chủ tịch IADL khóa 17.
7. Hội nghị lần thứ 12 đoàn chuyên gia cao cấp về luật pháp các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Ngày 11-6-2009, ở thủ đô Viêng Chăn, Lào, bế mạc Hội nghị lần thứ 12 đoàn chuyên gia cao cấp về luật pháp các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Tham dự hội nghị có 10 đoàn đại biểu các nước và đại diện Ban Thư ký ASEAN. Chủ tịch hội nghị được giao cho đoàn Thái Lan - nước đang là Chủ tịch luân phiên ASEAN. Hội nghị lần này thảo luận về những đặc quyền dành cho các nước trong khối ASEAN, hiệp định khung về giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng trong khối.... Những vấn đề này sẽ được trình lên Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 42, dự kiến được tổ chức tại Thái Lan vào tháng 7-2009 để xin ý kiến. Lãnh đạo ASEAN đã cam kết sử dụng các quy chế, pháp quy của khối được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 13 tại Xin-ga-po (ngày 20-11-2007), làm cơ sở kiểm tra việc tổ chức thực hiện Hiến chương ASEAN, có hiệu lực từ ngày 15-12-2008.
8. EU và Mỹ nhất trí về những điều kiện để chuyển các tù nhân từng bị giam giữ tại nhà tù của Mỹ ở Vịnh Goan-ta-na-mô
Ngày 11-6-2009, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã nhất trí về những điều kiện để chuyển các tù nhân từng bị giam giữ tại nhà tù của Mỹ ở Vịnh Goan-ta-na-mô, tới châu Âu. Theo thỏa thuận trên, quyết định tiếp nhận bất kỳ cựu tù nhân Goan-ta-na-mô nào đều tùy thuộc vào các chính phủ châu Âu. Tuy nhiên, do nhiều nước EU nằm trong khu vực đi lại tự do Sen-ghen (Schengen), nên cả Mỹ lẫn quốc gia tiếp nhận sẽ phải chia sẻ thông tin bí mật cũng như thông tin tình báo liên quan cho các nước châu Âu khác. Một số nước EU đã nghi ngờ chính sách của Mỹ trong vấn đề tìm địa điểm giam giữ mới cho các tù nhân ở Goan-ta-na-mô, vốn không thể trở về quê hương do Oa-sinh-tơn không cam kết nhận bất cứ tù nhân nào. Tuy nhiên, sáu nước EU là Anh, Pháp, I-ta-li-a, Bồ Đào Nha và Bỉ đã tuyên bố sẵn sàng chấp nhận những người này.
9. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên
Ngày 12-6-2009, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã nhất trí thông qua Nghị quyết tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên. Ngay sau Nghị quyết này được thông qua, dư luận thế giới đã đưa ra phản ứng. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-mun cho rằng, Nghị quyết đã gửi một "thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ" tới CHDCND Triều Tiên, và bày tỏ hy vọng CHDCND Triều Tiên cũng như tất cả các thành viên khác của LHQ sẽ tuân thủ đầy đủ các biện pháp trong Nghị quyết 1874 của HĐBA, đồng thời tin tưởng mọi bất đồng sẽ được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại. Ông cũng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế mọi hành động có thể khiến căng thẳng trong khu vực leo thang. Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice đánh giá Nghị quyết 1874 "rất mạnh mẽ, cứng rắn", tuy nhiên, bà Rice cảnh báo Nghị quyết này có thể khiến CHDCND Triều Tiên phản ứng "khiêu khích hơn". Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố hoan nghênh Nghị quyết 1874 và cho rằng Nghị quyết này là "cân bằng và thích hợp trong tình hình hiện nay". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói, Trung Quốc ủng hộ Nghị quyết 1874 và cho rằng đây là một Nghị quyết "phù hợp và cân bằng". Chính phủ Hàn Quốc đã hoan nghênh Nghị quyết của HĐBA, và coi hành động lần này của HĐBA là sự thể hiện ý chí kiên quyết và thống nhất nhằm ngăn chặn hoạt động phát triển và phổ biến hạt nhân của CHDCND Triều Tiên". Thủ tướng Nhật Bản Ta-rô A-xô kêu gọi CHDCND Triều Tiên nhìn nhận "một cách nghiêm túc" Nghị quyết 1874 và tuân thủ Nghị quyết này.
10. Tổng thống I-ran Mác-mut Ác-ma-di-nê-dat tái đắc cử
Ngày 14-6-2009, Uỷ ban Bầu cử trung ương và Bộ Nội vụ I-ran đã công bố kết quả bầu cử Tổng thống lần thứ 10 diễn ra ngày 12-6 với phần thắng thuộc về ứng cử viên đương kim Tổng thống Mác-mut Ác-ma-di-nê-dat (Mahmoud Ahmadinejad). Ông Ác-ma-đi-nê-dát 52 tuổi, người theo đường lối bảo thủ đã nhận được 24,3 triệu phiếu ủng hộ tức 62,63 % tổng số phiếu. Trong khi đó, đối thủ chính của ông là cựu Thủ tướng Hô-xê-in Mu-xa-vi 67 tuổi, người được cho là theo đường lối cải cách ôn hoà hơn chỉ đạt 33,75 % cử tri ủng hộ. Hai ứng cử viên còn lại là cựu Chủ tịch Quốc hội I-ran – Mê-đi Ca-ru-bi và cựu Tư lệnh Vệ binh cách mạng - Mô-xen Rê-dai chỉ dành được hơn % số phiếu còn lại. Theo Hiến pháp I-ran, lãnh đạo tối cao là Thủ lĩnh tinh thần - Đại giáo chủ A-li Ha-me-nây. Tổng thống chỉ là nhân vật số hai trong hệ thống cầm quyền ở I-ran./.
Cả nước hướng về Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội  (14/06/2009)
Thông cáo số 20, Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XII  (14/06/2009)
An Ninh - ngày ấy, bây giờ...  (14/06/2009)
Ông Mahmoud Ahmadinejad tái đắc cử Tổng thống I-ran  (13/06/2009)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên