Bài học về cơ chế tài chính - tiền tệ: Nhìn từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu
TCCSĐT - Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã trải qua cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ được hơn 2 năm. Tuy nhiên, hiện khu vực này vẫn đang đối mặt với những khó khăn và đứng trước nguy cơ tan rã. Vì thế, bài học về cơ chế tài chính - tiền tệ đang được các nhà hoạch định chính sách và dư luận khu vực cũng như quốc tế quan tâm.
Chung đồng tiền, riêng tài chính
Năm 1992, Hiệp ước Maastricht đã quy định chung về chính sách tiền tệ cho các nước thành viên EU, đặc biệt là các nước trong Eurozone, theo đó tỉ lệ lãi suất phải được ấn định chung. Các thành viên EU có quyền lập chương trình tài khóa riêng nhưng không được quyền in tiền và các quyền liên quan đến điều hành tiền tệ, vì đó là đồng tiền “chung”. Các thành viên EU phải tuân thủ quy định không được để thâm hụt ngân sách vượt quá 3% GDP quốc gia; nợ công không vượt quá 60%; và lạm phát không được phép vượt quá 1,5%/năm. ECB cũng không có quyền cho vay trực tiếp đến chính phủ quốc gia thành viên mà chỉ được phép cho vay gián tiếp qua hệ thống ngân hàng nước sở tại.
Đồng tiền chung châu Âu (euro) đúng với nghĩa đen là đồng tiền đã được 17 nước trong EU thừa nhận là đồng tiền quốc gia của mình. Tuy nhiên, về góc độ tài chính các nước thành viên Eurozone vẫn độc lập tương đối, bao gồm thu chi ngân sách và điều hành kinh tế vĩ mô, nhưng không có quyền thu hồi hoặc phát hành tiền tệ. Như vậy, trong các giải pháp truyền thống mà các nước thường làm khi khó khăn về tài chính là: nâng thuế, giảm chi và in tiền. Trong đó in tiền vốn là sự lựa chọn tốt nhất, trong cuộc khủng hoảng năm 2008 Mỹ cũng đã áp dụng giải pháp này. Qua thực tế cho thấy, đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho khủng khoảng nợ công châu Âu kéo dài và cũng là bài học về cơ chế tài chính – tiền tệ trong quá trình hội nhập.
Còn nhớ tháng 11-2009, khi Hy Lạp tuyên bố thâm hụt tài chính 12,7% GDP, cao hơn 4 lần so với mức cho phép của Eurozone (3%). Hy Lạp đã không thể in thêm hoặc phá giá đồng tiền của mình (quyền này thuộc về ECB) và buộc phải xin cứu trợ trước tháng 5-2010, để thanh toán khoản nợ đáo hạn 20 tỉ euro. Tiếp theo là các nước Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy… cũng đứng trước nguy cơ khủng hoảng tín dụng, buộc ECB và IMF phải lần lượt đưa ra hai gói cứu trợ trị giá 110 tỉ euro (lần 1) và 158,6 tỉ euro (lần 2) đối với Hy Lạp; 85 tỉ euro với Ireland và 78 tỉ euro đối với Bồ Đào Nha (Tây Ban Nhà và Italy chưa nhận cứu trợ) nhằm giúp các nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ. Để ngăn chặn giá trái phiếu chính phủ tụt giảm và sự leo thang của lãi suất trái phiếu chính phủ, ECB còn phải mua nợ của Hy Lạp và buộc phải gia tăng các khoản vay tín dụng ngắn hạn cho ngân hàng và nới lỏng điều kiện cho vay để tăng tính lưu động trên thị trường tiền tệ, vốn đang bị thiếu hụt. Tuy nhiên, với chính sách hỗ trợ tín dụng (bao gồm cả xóa 50% nợ cho Hy Lạp) gắn với “thắt lưng buộc bụng” vẫn không mấy hiệu quả.
Nhận rõ lỗ hổng về cơ chế tài chính, Hội nghị Thượng đỉnh EU hồi tháng 12-2011 đã đưa ra “nguyên tắc vàng” nhằm thắt chặt kỷ luật về ngân sách, ngăn chặn tái diễn một cuộc khủng hoảng nợ công mới. Trong tương lai, khi “công ước tài chính mới” có hiệu lực thì thuế và kế hoạch chi tiêu của các nước thành viên EU sẽ phải đệ trình các cơ quan chức năng EU trước khi gửi các chính phủ. Vì thế, có thể nói, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu lan rộng và kéo dài từ Hy Lạp đến Tây ban Nha… đã bộc lộ mặt yếu nhất của Eurozone đó là cơ chế: chung đồng tiền nhưng lại độc lập về chính sách tài chính.
Chuẩn mực chung cho năng lực riêng
Tuy các nước khủng hoảng nợ công đều có điểm chung là “bong bóng” bất động sản, chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ, quản lý tài chính yếu kém... nhưng mỗi nước lại có sự khác nhau về quy mô kinh tế, mức độ, tỉ lệ nợ công và khả năng chi trả...
Theo thống kê (2008) cho thấy, GDP 4 nước trong tốp đầu của Eurozone là Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, lần lượt là 3,414; 2,656; 2,174 và 1,524 ngàn tỉ USD, nhưng các nước đang có nguy cơ vỡ nợ lại có GDP thấp hơn nhiều là Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, lần lượt là 0,388; 0,271 và 0,232 nghìn tỉ USD. Năm 2011, Hy Lạp có mức nợ là 350 tỉ euro (150% GDP) và thâm hụt ngân sách là 19,7 tỉ euro (9% GDP); Ireland có mức nợ là 130% GDP và thâm hụt ngân sách là 13% GDP; Trong khi Bồ Đào Nha thâm hụt ngân sách 8,6%/GDP, nhưng mức nợ lại tương đương 170% GDP (bao gồm cả nợ tư nhân), cao hơn cả Hy Lạp, gây áp lực lớn lên hệ thống ngân hàng. Để trả nợ, Bồ Đào Nha phải huy động tiền nhưng cũng như Hy Lạp, Bồ Đào Nha lại gặp phải khó khăn rất lớn do tiết kiệm thấp. Trong khi ở một số nước phát triển khác như Italy, tỷ lệ tiết kiệm là 17,5% GDP, Pháp 19% và Đức 23%, với Hy Lạp, tỉ lệ tiết kiệm là 6% GDP và con số này với Bồ Đào Nha chỉ là 7,5% GDP. Tây Ban Nha, là nền kinh tế lớn thứ 4 châu Âu, thâm hụt ngân sách còn cao hơn cả mục tiêu tăng trưởng GDP 6% trong năm 2011. Tây Ban Nha không nhận gói cứu trợ nhưng cũng đang khiến dư luận lo ngại.
Theo nhiều dự báo, tỷ lệ nợ công so với GDP bình quân của khu vực Eurozone năm 2013 sẽ vẫn ở mức 93,4% và con số này có thể sẽ tăng lên ở mức 95% vào năm 2015. Như vậy, cuộc chạy đua kinh tế giữa các thành viên không cùng trình độ đã tạo ra sự bất cập trong giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công và nguy cơ kéo dài là khó tránh. Chuyên gia kinh tế Hồ Kim Lập của Trung Quốc đã ví cuộc chạy đua này “không khác gì việc bắt ông già và trẻ em chạy ma-ra-tông cùng tốc độ với thanh niên. Khi ông già và trẻ em không bắt kịp bước chạy của thanh niên, vấn đề lập tức xuất hiện”.
Khó rời khỏi Eurozone
Trong khi Hy Lạp rơi vào tình thế khó khăn, có nhiều chuyên gia đã có lời khuyên nước này nên tạm rút khỏi Eurozone, tái sử dụng đồng tiền riêng của mình. Đây là điều “phạm húy” vì Hiệp ước Maastricht năm 1992 đã quy định các thành viên EU không được phép thoát khỏi liên minh tiền tệ để tự giải quyết những khó khăn tài chính theo cách riêng của mình.
Tuy nhiên, các chuyên gia giả định rằng: Hy Lạp ra đi, kế đó sẽ là Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và có thể cả Italy, Bỉ… cũng muốn theo con đường này thì Eurozone sẽ có nguy cơ tan rã. Và việc rút ra khỏi Eurozone dù chỉ là tạm thời đối với bất cứ nước nào cũng sẽ gây ra sự đổ vỡ trước tiên cho ngành ngân hàng. Cánh cửa huy động vốn của ngân hàng vốn đang bị thu hẹp, lại thêm thông tin một số nước rút khỏi Eurozone thì làn sóng rút tiền khỏi ngân hàng sẽ diễn ra, khiến ngân hàng sụp đổ và nền kinh tế khu vực sẽ nhanh chóng rơi vào thảm kịch.
Ông Klaus Regling, người đứng đầu EFSF hoàn toàn có cơ sở khi khẳng định: “Không một nước nào muốn từ bỏ đồng euro. Đối với các nước yếu thì đó sẽ là tự sát về kinh tế, cũng giống như các thành viên mạnh hơn. Còn về mặt chính trị, châu Âu chỉ còn giữ được một nửa giá trị của mình nếu không có đồng euro”. Và như vậy việc một nhà kinh tế nào đó nói rằng Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… đang bị đồng euro “cầm tù” cũng không phải là không có căn cứ.
Chính sách tiền tệ linh hoạt vẫn là bài học quý
Thông qua quá trình giải cứu nợ công ở Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… người ta đã nhận ra tầm quan trọng của chính sách tiền tệ linh hoạt. Khi rơi vào thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại, các nước nói trên đáng ra có thể giảm giá đồng nội tệ để giảm nợ, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, nhưng đã là thành viên Eurozone thì họ không còn được nắm “công cụ tiền tệ” này nữa.
Mặt khác, sau khi xin cứu trợ, các nước này lại nảy sinh mâu thuẫn khó giải quyết. Khi cần kích cầu để phát triển kinh tế thì đồng thời phải cắt giảm chi tiêu và tăng thuế. Vậy là cái vòng luẩn quẩn xuất hiện. Đó là để trả nợ, các nước phải thắt chặt chi tiêu - thắt chặt chi tiêu khiến nền kinh tế suy giảm - nền kinh tế suy giảm dẫn đến nợ nần tăng cao - nợ nần tăng cao lại phải vay thêm - muốn vay thêm lại phải thắt lưng buộc bụng” v.v.. Hệ quả là trong khuôn khổ Eurozone, các nước còn phải chịu thêm các áp lực như tỉ lệ thất nghiệp cao, kinh tế tăng trưởng thấp, nợ nần ngày thêm chồng chất và phá sản là nguy cơ khó tránh.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ireland của Trung Quốc, ông Vương Lê Minh cho rằng, dù nguyên nhân gây ra tình trạng khó khăn hiện nay của các nước khủng hoảng nợ công tuy khác nhau nhưng đều bộc lộ hai mâu thuẫn lớn mang tính kết cấu của nền kinh tế EU đó là: (1) Sự mất cân bằng về phát triển giữa các thành viên EU. (2) Sự tách rời giữa chính sách tiền tệ thống nhất của Eurozone và chính sách tài chính riêng rẽ của các nước thành viên. Trong khi đó, việc giải quyết hai mâu thuẫn này không hề đơn giản. Vì thế, Thủ tướng Pháp Francois Fillon đã cảnh báo: “Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu chưa kết thúc. Nó đang tiếp tục phát triển”.
Vì thế, những bài học về cơ chế tài chính - tiền tệ của Eurozone đang được các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách của các nước trên thế giới và khu vực đặc biệt quan tâm, nhất là các nhóm nước như ASEAN, Nam Mỹ… đang tìm kiếm cơ chế hội nhập tài chính và đồng tiền chung khu vực./.
Hoạt động đón Xuân Nhâm Thìn của cộng đồng người Việt ở nước ngoài  (23/01/2012)
Tưng bừng đón chào năm mới Nhâm Thìn 2012  (23/01/2012)
Hà Nội vững bước tiến vào Năm Mới Nhâm Thìn  (23/01/2012)
Đón Xuân mới Nhâm Thìn 2012 bên dòng sông Hương  (23/01/2012)
Dâng hương tri ân công đức các Vua Hùng  (23/01/2012)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên