Giám sát chuyên đề là hình thức giám sát bổ ích, có hiệu quả và hiệu lực
- Giám sát chuyên đề do được nghiên cứu tương đối sâu sát, toàn diện từ tình hình chung ở các bộ, ngành trung ương đến những vấn đề cụ thể ở các địa phương (từ tỉnh, thành đến các đơn vị cơ sở) nên có thể đánh giá rõ ràng, xác đáng hiện trạng của các vấn đề trong chuyên đề được giám sát. Từ đó mà bổ khuyết cho việc chỉ đạo của Chính phủ và việc tổ chức thực hiện của các bộ ngành và chính quyền các cấp.
Ví dụ, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XI đã giám sát chuyên đề xây dựng cơ bản, với kết quả đã giám sát, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ chỉ đạo kiên quyết, áp dụng các biện pháp hữu hiệu để lập lại trật tự, kỷ cương trong xây dựng cơ bản với 6 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó có vấn đề "... xử lý trách nhiệm cá nhân trong từng khâu đầu tư, nhất là trách nhiệm của những người quyết định dự án quy hoạch, dự án đầu tư, quy rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh, triệt để bằng biện pháp hành chính, hình sự và bồi hoàn thiệt hại vật chất; khắc phục tình trạng chỉ quy kết trách nhiệm, nhận thiếu sót, yếu kém tập thể chung chung như thời gian qua...", và, "Thực hiện tổng rà soát, đánh giá các văn bản pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, hình thành hệ thống pháp luật mới đồng bộ hơn, có tính pháp lý cao hơn".
Như vậy kết quả giám sát chuyên đề không chỉ giúp ích cho Chính phủ, chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo, điều hành mà còn là căn cứ xác đáng, trực tiếp phục vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong từng lĩnh vực cho sát với thực tiễn hơn.
- Giám sát chuyên đề cho phép (có điều kiện) đi sâu xem xét tương đối kỹ một số vấn đề cấp bách nhưng có tác động làm chuyển biến nhiều vấn đề khác, bởi vậy đây là một hình thức giám sát có hiệu lực, hiệu quả (đồng thời cũng là một phương pháp thiết thực nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội).
Quốc hội giám sát một số chuyên đề có liên quan đến đất đai thì không phải chỉ dừng lại ở việc phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Luật đất đai, Luật xây dựng mà còn liên quan đến việc xác định lại giá đền bù đất đai khi thu hồi, liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật ngân sách, liên quan đến phương pháp giải phóng mặt bằng, cách thức di dân tái định cư sao cho ổn định, giải quyết công ăn việc làm nói chung, việc làm cho người bị thu hồi đất nói riêng, liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sao cho phù hợp với thực tiễn ở mọi miền đất nước.
- Cũng như hoạt động chất vấn, giám sát theo chuyên đề tại kỳ họp được tường thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình và phát thanh trực tiếp) để cử tri cả nước theo dõi nên nhận được sự ủng hộ, đồng tình khá cao của nhân dân, yêu cầu các cơ quan nhà nước phải có biện pháp sớm khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, thậm chí là tiêu cực, phát huy cho được mặt tích cực để thực thi tốt hơn công việc mà Nhà nước đã giao phó (như một yêu cầu bức xúc có tính áp lực đối với các đối tượng bị giám sát)...
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của hình thức giám sát, cần khắc phục một số hạn chế như:
Thứ nhất, dành thời lượng thỏa đáng cho đại biểu phát biểu (giám sát): Mỗi chuyên đề thường chỉ có thời lượng giám sát là 1 ngày tại kỳ họp, trong đó 1/3 thời gian cho việc trình bày các báo cáo, Chủ tọa nói thêm mục đích, yêu cầu giám sát, cách thức tiến hành giám sát và kết luận sau giám sát. Thời lượng để đại biểu phát biểu không còn nhiều.
Thống kê cho thấy, mỗi chuyên đề giám sát chỉ được trên dưới 40 ý kiến phát biểu, hầu như tất cả các chuyên đề đã giám sát, khi kết thúc thảo luận vẫn còn hàng chục, thậm chí vài chục đại biểu đã đăng ký nhưng không được phát biểu. Có thể cải tiến bằng cách các báo cáo chỉ nên trình bày vắn tắt một số nội dung cơ bản, một số đề mục lớn, vì trong quá trình chuẩn bị (hàng trăm ngày) trong nhiều cuộc họp, đại biểu đã nắm được thông tin cơ bản và đã đọc tài liệu trước khi giám sát. Mặt khác, cũng có thể tăng thêm thời lượng giám sát tại phiên họp cho tương xứng với thời gian chuẩn bị trước kỳ họp. Cả hai phương án đều nhằm để các đại biểu cơ bản phát biểu hết các ý kiến xác đáng, quan trọng.
Thứ hai, phát huy cao độ mọi năng lực, trí tuệ và bản lĩnh của đại biểu phục vụ hoạt động giám sát: Qua các tài liệu còn lưu giữ và thực tiễn các cuộc giám sát cho thấy các đại biểu được xác định là một trong 4 vị trí chủ chốt của các địa phương, là trưởng các Đoàn đại biểu Quốc hội là những người nắm khá vững sự chỉ đạo của Chính phủ, nắm rất rõ cách thức điều hành của các bộ, ngành và hiểu biết khá sâu sắc (cả mặt được và mặt chưa được) của các vấn đề đang được giám sát, nhưng trong 5 năm, 9 chuyên đề đã được giám sát chỉ có một số ít đại biểu tham gia phát biểu giám sát.
Như vậy có nghĩa là chưa huy động được tận lực mọi khả năng, năng lực cho hoạt động giám sát, vì thế đã hạn chế đến kết quả. Bởi vậy, tiếp tục phát huy dân chủ trong sinh hoạt Quốc hội nói chung, trong hoạt động giám sát nói riêng và nâng cao bản lĩnh của mỗi đại biểu Quốc hội (người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân) vẫn luôn luôn là vấn đề vừa là cấp bách, vừa là lâu dài để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Thứ ba, theo dõi, đôn đốc để thực thi các kết luận sau giám sát. Nhiều chuyên đề sau khi được giám sát, Quốc hội đã ra nghị quyết (hoặc là nghị quyết độc lập, hoặc là một mục lớn trong nghị quyết chung của kỳ họp), trong các nghị quyết đó, Quốc hội đã thảo luận và cân nhắc rất kỹ các nhiệm vụ và giải pháp giao Chính phủ chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, các cơ quan hữu trách của Quốc hội lại không theo dõi, đôn đốc thường xuyên, liên tục theo quy định của nghị quyết và theo luật định. Do đó đã có tình trạng "bệnh tình tái phát", khi phải giám sát lại thì tình hình trầm trọng hơn lần giám sát trước. Ví dụ chuyên đề xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước được giám sát tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XI cho thấy hiện trạng đã rất phức tạp; đến kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII được giám sát lại thì hiện trạng không mấy sáng sủa hơn, có việc, có phần nghiêm trọng hơn vì các nhiệm vụ, các giải pháp trong Nghị quyết số 36/2004/QH11 Quốc hội khóa XI chưa được tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.
Biểu hiện tổng hợp nhất của sự yếu kém trong xây dựng cơ bản là tình trạng lãng phí, thất thoát ngày một tăng, hệ số ICOR tăng cao liên tục (năm 2004 là 3,50; năm 2006 là 5,04; năm 2007 là 5,38). Bởi vậy, giám sát đã rất công phu thì việc theo dõi đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị, các giải pháp hậu giám sát đối với các bộ, ngành, địa phương càng phải rốt ráo, quyết liệt và công phu hơn. Mặt khác, người đứng đầu các cơ quan nhà nước chịu sự giám sát cũng cần đề cao trách nhiệm trước Quốc hội, trước nhân dân, chấp hành nghiêm chỉnh hơn nữa trong việc thực thi các kiến nghị đã được Quốc hội quyết nghị.
Hy vọng với việc khắc phục các hạn chế nói trên, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII (tháng 5 năm 2009), Quốc hội giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm" - một vấn đề vô cùng cấp bách, liên quan không trừ một ai trong xã hội, sẽ có hiệu lực và hiệu quả tốt đẹp hơn các chuyên đề trước./.