Chính sách tín dụng cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
TCCS - Qua hơn 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp nước ta có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả to lớn, qua đó góp phần nâng cao đời sống nông dân và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Để phát triển bền vững ngành nông nghiệp, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải thực hiện cơ cấu lại ngành toàn diện, đẩy mạnh sản xuất theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Vai trò của chính sách tín dụng trong phát triển nông nghiệp, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới
Để khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách quan trọng, như Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05-8-2008, của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 899/QĐ-TTg, ngày 10-6-2013, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững”... Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn, từ đó, ban hành, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này, cụ thể: (i) Áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có cho vay nông nghiệp nông thôn (hiện nay là 7%/năm, thấp hơn từ 1% - 2% so với mặt bằng lãi suất chung); (ii) Tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định riêng về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (trước đây là Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, ngày 12-4-2010, hiện nay là Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 09-6-2015) với nhiều cơ chế đặc thù về tài sản thế chấp, lãi suất cho vay, xử lý nợ...; (iii) Tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách đặc thù đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực mà Việt Nam có lợi thế hoặc có kim ngạch xuất khẩu lớn, như các chính sách về tạm trữ lúa gạo, tái canh cà-phê; cho vay khai thác hải sản xa bờ...
Những chính sách kịp thời của Chính phủ và NHNN đã góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc (chưa bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đến hết năm 2016 ước đạt 925.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và tăng 13,43% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng khoảng 18% dư nợ cho vay nền kinh tế (tương ứng với đóng góp của ngành nông nghiệp trong GDP) với hàng triệu khách hàng (hộ nông dân và doanh nghiệp) được tiếp cận. Bình quân trong 5 năm 2010 - 2016, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn là 17,4%/năm (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của cả hệ thống ngân hàng là 13,39%). Lãi suất cho vay cũng đã giảm mạnh, từ trên 20%/năm vào năm 2011 xuống còn 12%/năm vào năm 2013 và hiện lãi suất cho vay đối với khu vực này phổ biến ở mức 6,5% - 8%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay thông thường. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thì tốc độ tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2010 - 2016 đã phản ánh nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng trong việc đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên này.
Nếu như trước đây cho vay nông nghiệp, nông thôn được coi là lĩnh vực riêng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thì đến nay, hầu hết các tổ chức tín dụng đều quan tâm và triển khai cho vay đối với lĩnh vực này. Một số ngân hàng thương mại xây dựng chiến lược hướng về cho vay nông nghiệp, nông thôn và tích cực triển khai cho vay trong thời gian vừa qua, như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Bắc Á (có tỷ trọng chiếm trên 70% dư nợ); Ngân hàng Hợp tác xã, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (có tỷ trọng chiếm trên 40%); Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt...
Bên cạnh nguồn vốn tín dụng thương mại, vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn. Đến hết năm 2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 153.306 tỷ đồng, tăng 7,56% so với năm 2015 với gần 2 triệu hộ nghèo còn dư nợ, tập trung ở một số chương trình tín dụng lớn, như cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn... Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới qua 5 năm triển khai trên toàn quốc đã đạt được những kết quả đáng khích lệ có vai trò không nhỏ của nguồn vốn tín dụng (chiếm khoảng 50% tổng nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015). Dư nợ cho vay tại tất cả các xã phục vụ xây dựng nông thôn mới đến hết tháng 6-2016 đạt 660.667 tỷ đồng, tăng 15,22% so với thời điểm cuối năm 2015. Rất nhiều hộ dân và các đối tượng khách hàng ở nông thôn đã được tiếp cận vốn tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.
Chính sách tín dụng hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
Từ vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tiêu biểu như Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, ngày 19-12-2013, về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, với một hệ thống các chính sách hỗ trợ đồng bộ để thu hút các doanh nghiệp, như về đất đai, hỗ trợ về tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ, phát triển thị trường... Trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp lớn cũng đã tiên phong đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất theo quy mô lớn, làm đầu mối trong việc hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào và cam kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho hàng ngàn hộ nông dân sản xuất riêng lẻ, như Vinamilk, Vincom, TH True milk, Công ty Lộc Trời...
Về lĩnh vực tín dụng, NHNN đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 09-6-2015, về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có một số quy định quan trọng phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp: (i) Các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, được ngân hàng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 70% - 80% giá trị của dự án liên kết theo chuỗi giá trị; (ii) Trường hợp các doanh nghiệp đầu mối liên kết hoặc ứng dụng công nghệ cao gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan được xem xét khoanh nợ, xóa nợ.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 14/NQ-CP, ngày 05-3-2014, NHNN đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn 28 doanh nghiệp tại 22 tỉnh, thành phố thực hiện 31 dự án tham gia chương trình cho vay thí điểm nhằm phát triển các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Các doanh nghiệp khi tham gia chương trình được hưởng nhiều cơ chế cho vay đặc thù, như (i) Lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1% - 1,5%/năm; (ii) Mức cho vay lên đến 90% giá trị của phương án, dự án vay vốn; (iii) Những mô hình liên kết theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ có thời gian vay trên 12 tháng (nhưng không quá 18 tháng), mỗi khâu (sản xuất, chế biến, tiêu thụ) đều dưới 12 tháng và khách hàng cam kết trả một phần nợ sau mỗi khâu của chuỗi thì ngân hàng thương mại xem xét áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng; (iv) Ngân hàng có thể xem xét cho vay không tài sản bảo đảm trên cơ sở kiểm soát dòng tiền.
Chương trình cho vay thí điểm kết thúc ngày 28-5-2016 và NHNN đã có Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện của chương trình, đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cho các doanh nghiệp tham gia chương trình vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, của Chính phủ. Sau 2 năm triển khai, chương trình thí điểm đã đạt được những kết quả tích cực. Các ngân hàng thương mại đã giải ngân cho vay 22/28 doanh nghiệp để thực hiện 22/31 dự án sản xuất nông nghiệp theo chương trình, với số tiền đạt 7.333,73 tỷ đồng. Qua đó, các doanh nghiệp đầu mối tham gia liên kết, ứng dụng công nghệ cao phát triển ổn định về nguồn nguyên liệu, thị trường và lợi nhuận; được xem xét vay vốn không cần tài sản bảo đảm với lãi suất ưu đãi hơn lãi suất cho vay thông thường. Các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân được đầu tư khoa học - công nghệ để hình thành những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, giảm giá thành để nâng cao khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Vốn tín dụng đã góp phần hoàn thiện một số mô hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, như mô hình đầu tư chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu Antesco của Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang; mô hình liên kết dọc cá tra Tafishco của Công ty TNHH Sản xuất - thương mại - dịch vụ Thuận An (tỉnh An Giang); mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất và xuất khẩu cá tra của nhóm Công ty Hùng Cá (tỉnh Đồng Tháp); mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong đầu tư dây chuyền sản xuất nước chanh dây cô đặc và đầu tư nhà kính trồng hoa lan hồ điệp của Công ty TNHH Thương Mại - dịch vụ Trường Hoàng (tỉnh Lâm Đồng); mô hình liên kết sản xuất lúa của Công ty TNHH Cường Tân (tỉnh Nam Định),...
Định hướng chính sách tín dụng nhằm phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong thời gian tới
Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng trong quá trình triển khai chính sách tín dụng xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc sau đây ảnh hưởng đến việc đầu tư tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn:
Một là, sản xuất nông nghiệp nước ta chủ yếu vẫn manh mún, quy mô sản xuất nhỏ; việc tích tụ ruộng đất còn nhiều hạn chế. Điều này cản trở đến việc hình thành các mô hình liên kết, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Hai là, vấn đề quy hoạch, kế hoạch và dự báo cung cầu đối với sản phẩm nông nghiệp trên thị trường còn nhiều khó khăn; tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Ba là, đầu tư vốn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường sản phẩm không ổn định trong khi vẫn thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro. Hoạt động bảo hiểm nông nghiệp tuy đã được triển khai thí điểm nhưng đến nay vẫn chưa được nhân rộng.
Bốn là, năng lực sản xuất, khả năng tài chính hạn chế cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Khu vực kinh tế hợp tác, mà nòng cốt là các hợp tác xã, hầu hết có quy mô hoạt động nhỏ, vốn điều lệ thấp, trình độ nhân lực, tài chính, quản trị, điều hành còn hạn chế và thiếu phương án sản xuất, kinh doanh khả thi.
Năm là, vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp tại địa phương trong việc phát triển kinh tế còn hạn chế, tính liên kết trong sản xuất nông nghiệp còn thiếu chặt chẽ, chưa có nhiều mô hình sản xuất liên kết, ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả, dẫn đến các tổ chức tín dụng rất khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền của khách hàng gây ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đầu tư của các tổ chức tín dụng.
Sáu là, việc cho vay các dự án sản xuất ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế do chưa có nhiều mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả; chưa hình thành hệ thống dịch vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận còn ít (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôi mới cấp giấy chứng nhận cho hơn 20 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên toàn quốc).
Bảy là, tài sản hình thành từ các dự án trên đất nông nghiệp phục vụ cho chính hoạt động sản xuất nông nghiệp (nhà kính, ao nuôi,...) có giá trị đầu tư lớn nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất, gây khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng trong việc định giá và nhận thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản vay.
Nhằm khắc phục thực trạng này, trên cơ sở kế thừa chính sách đang phát huy hiệu quả về cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và bám sát đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg, ngày 10-6-2013, trong thời gian tới, cần định hướng chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp như sau:
Thứ nhất, tiếp tục xác định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên và chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất các giải pháp hỗ trợ vốn đầu tư phục vụ cho phát triển của khu vực này. Đầu tư cho vay cần hướng tới sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tăng khả năng liên kết trong chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm và tăng cường xuất khẩu các sản phẩm đã qua chế biến để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, góp phần nâng cao thu nhập của người nông dân và xây dựng nông thôn mới.
Thứ hai, đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 09-6-2015, của Chính phủ nhằm góp phần triển khai Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp và tăng cường nguồn vốn tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất trong thời gian tới; Xác định doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là đối tượng khách hàng quan trọng trong chính sách tín dụng của các ngân hàng.
Thứ ba, tích cực triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong đó kết hợp giữa chính sách tín dụng thương mại để phát triển nâng cao đời sống của người dân với cho vay các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước nhằm đảm bảo an sinh xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ tư, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục vay vốn của khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp, phù hợp với từng đối tượng khách hàng và sản phẩm nông nghiệp được đầu tư tín dụng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các khoản cho vay nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm đúng mục đích, an toàn và hiệu quả.
Thứ năm, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để mọi người dân, doanh nghiệp ở nông thôn đều nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Nhà nước và các quy định của tổ chức tín dụng về cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; lợi ích của cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới./.
Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới  (07/02/2018)
Bình Phước: Tăng cường mối quan hệ “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” với các tỉnh nước bạn Campuchia  (07/02/2018)
Bảo đảm cho gia đình chính sách, công nhân lao động đều có Tết  (07/02/2018)
Hội nghị Tham tán thương mại năm 2018  (07/02/2018)
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định trong năm 2018  (07/02/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên