TCCS - Thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tuy từng bước được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, điều chỉnh hợp lý hơn, song vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Vì vậy, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức của hệ thống chính trị phải đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển.

Thực trạng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị hiện nay

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là trong mấy nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa VIII) “Một số vấn đề về tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách nhà nước”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) về “Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, định hướng đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”; Kết luận số 64-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”, và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”. Qua thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từng bước được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới đất nước.

Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của Đảng chưa thật sự tinh gọn. Một số cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng có chức năng, nhiệm vụ tương đồng với một số cơ quan của Nhà nước; một số tổ chức đảng không có chính quyền cùng cấp, không lãnh đạo nhiệm vụ chính trị và công tác cán bộ nên vai trò lãnh đạo bị hạn chế. Một số ban chỉ đạo còn có một số nhiệm vụ chồng chéo, trùng lắp với một số ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương, nên hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Công tác xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên ở một số địa bàn trọng yếu và trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài khu vực nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu. Tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước chưa thực sự hợp lý; số bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ tuy đã giảm, nhưng vẫn còn nhiều và có một số nhiệm vụ chồng chéo, trùng lắp nhau. Sự phối hợp giữa các ngành và các địa phương có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ; hoạt động của bộ máy nhà nước chưa thực sự hiệu lực, hiệu quả.

Tổ chức bộ máy và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đổi mới chậm; một số nhiệm vụ còn trùng lặp và có biểu hiện nhà nước hóa về tổ chức, hành chính hóa trong hoạt động và công chức hóa đội ngũ cán bộ chuyên trách. Cơ cấu cán bộ, công chức còn bất cập giữa các cấp và trong từng cơ quan; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên trách cấp cơ sở hạn chế. Nội dung và phương thức hoạt động chưa theo kịp tình hình; có lúc, có nơi chưa sâu sát đoàn viên, hội viên ở cơ sở.

Các quan điểm chỉ đạo và nhiệm vụ chủ yếu

Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm nêu trên, các cấp ủy, tổ chức đảng cần quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Đảng. Việc kiện toàn tổ chức của hệ thống chính trị phải đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Sắp xếp, thu gọn đầu mối các tổ chức trong hệ thống chính trị và các đơn vị hành chính phải gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời, có cơ chế, chính sách phù hợp đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong quá trình sắp xếp. Bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; thực hiện kiên trì, thường xuyên, liên tục, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài. Không nhất thiết các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có mô hình và quy mô tổ chức bộ máy giống nhau. Những việc đã rõ, cần thực hiện và có thể thực hiện được thì thực hiện ngay; những việc mới, chưa có tiền lệ nhưng thực tiễn đòi hỏi, thì phải mạnh dạn chỉ đạo thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần tập trung lãnh đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ chung sau:

Một là, thực hiện Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của cả hệ thống chính trị. Quy định và thực hiện chặt chẽ về biên chế, số lượng lãnh đạo cấp phó của một tổ chức; có chính sách hợp lý để cơ bản không bổ nhiệm cấp “hàm”; xây dựng cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch, dân chủ trong bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và thu hút người có đức, có tài. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong của các tổ chức trong hệ thống chính trị, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Hai là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý giữa cấp trên và cấp dưới, giữa Trung ương và địa phương, gắn quyền hạn với trách nhiệm; đồng thời, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng bằng các quy định của pháp luật. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ - thông tin phục vụ lãnh đạo, quản lý, điều hành, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Ba là, thực hiện giao và quản lý chặt chẽ biên chế đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị trên cơ sở phân loại tổ chức, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị; xây dựng chế tài và xử lý nghiêm những cơ quan, tổ chức, người đứng đầu không thực hiện đúng các quy định.

Bốn là, nghiên cứu, xây dựng đề án để sắp xếp các cơ quan, đơn vị, tổ chức ở Trung ương và địa phương theo hướng giảm đầu mối, xác định rõ trách nhiệm, khắc phục sự trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, biên chế cho những đơn vị đủ điều kiện.

Một số nhiệm vụ cụ thể

Ngoài những nhiệm vụ trên, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ cụ thể sau:

+ Đối với hệ thống tổ chức của Đảng:

Thứ nhất, Trung ương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của cấp ủy cấp tỉnh, cấp ủy cấp huyện và ban hành quy định khung quy chế làm việc của cấp ủy; các cấp ủy căn cứ đặc điểm, tình hình cụ thể để xây dựng quy chế làm việc của cấp mình và hướng dẫn cấp ủy cấp dưới trực tiếp. Quy định cơ cấu phù hợp, giảm số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp để tạo động lực phấn đấu và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp ủy.

Thứ hai, kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ cơ quan Bộ Ngoại giao thành Đảng bộ Bộ Ngoại giao. Chuyển Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về Ban Nội chính Trung ương và tổ chức lại cho phù hợp.

Thứ ba, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các đảng ủy khối và tinh gọn tổ chức bộ máy theo hướng tập trung vào công tác xây dựng Đảng.

Thứ tư, đẩy mạnh xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, nhất là ở các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; khắc phục tình trạng nhiều trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không phải là đảng viên.

Thứ năm, cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân các cấp; thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã những nơi có điều kiện.

+ Đối với hệ thống tổ chức của Nhà nước:

- Chính phủ, các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính theo hướng dân chủ, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân thông qua việc thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

- Tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực và kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Rà soát, sắp xếp giảm các ban chỉ đạo, ban quản lý dự án và các cơ quan phối hợp liên ngành cho phù hợp.

- Các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát, chuyển một số dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân đảm nhiệm. Rà soát, hoàn thiện tổ chức bộ máy phù hợp giữa tòa án, viện kiểm sát và cơ quan điều tra. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội, tránh oan sai và không bỏ lọt tội phạm.

- Rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của Kiểm toán Nhà nước để không chồng chéo nhiệm vụ với các cơ quan thanh tra, kiểm tra ở các cấp.

- Quy định khung các cơ quan chuyên môn giúp việc cho hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Căn cứ điều kiện cụ thể và quy định khung của Trung ương, địa phương sắp xếp, bố trí cho phù hợp. Tiến hành sơ kết, đánh giá, sắp xếp lại văn phòng hội đồng nhân dân và văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội cấp tỉnh cho phù hợp.

- Trung ương quy định tổng số cấp phó của các cơ quan trực thuộc hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; địa phương quy định cụ thể số cấp phó của từng tổ chức cho phù hợp. Sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cấp xã; quy định số lượng, chức danh cán bộ, công chức cấp xã và thực hiện khoán phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, tổ dân phố.

- Thực hiện thí điểm việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan của Đảng và Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có điều kiện. Thí điểm hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp huyện những nơi có điều kiện. Xây dựng đề án và từng bước sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định.

+ Đối với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và hội quần chúng:

Một là, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng tập trung cho cơ sở, sâu sát cơ sở và gắn bó với đoàn viên, hội viên; từng bước nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội.

Hai là, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ chuyên trách của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cho phù hợp giữa các cấp và trong từng cơ quan.

Ba là, thực hiện thí điểm Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc ở cấp tỉnh, cấp huyện những nơi có điều kiện. Sơ kết, tổng kết mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện.

Bốn là, đổi mới cơ chế phân bổ tài chính đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng giao nhiệm vụ gắn với sản phẩm đầu ra và khoán kinh phí để tăng tính tự chủ trong hoạt động và sử dụng biên chế.

Năm là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tổ chức, hoạt động của hệ thống tổ chức công đoàn và điều chỉnh đối tượng kết nạp đoàn viên công đoàn phù hợp với tình hình mới theo quy định của Hiến pháp.

Sáu là, quy định chặt chẽ việc thành lập tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng; thực hiện nghiêm nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động và tuân thủ pháp luật; nhà nước chỉ cấp kinh phí để thực hiện những nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao./.