Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã đạt được tăng trưởng kinh tế vững chắc với tốc độ tăng trưởng trung bình bằng hoặc cao hơn so với các nước trong khu vực. Đạt được kết quả như vậy là nhờ có sự đóng góp tích cực của đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có sự đầu tư, đóng góp của người Việt Nam sống ở nước ngoài đối với quê hương.

Năm 2005, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư áp dụng chung cho các thành phần kinh tế hoạt động đầu tư, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, các doanh nhân Việt kiều khi đầu tư về nước được đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, có quyền lựa chọn hình thức đầu tư, quy mô đầu tư và đối tác của dự án để đầu tư và được hưởng những ưu đãi theo quy định của luật.

Kể từ khi thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tới nay đã có hơn 9000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp giấy phép hoạt động. Người Việt Nam định cư tại nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam 177 dự án, với tổng vốn đăng kí đạt 796 triệu USD, trong đó hiện có 132 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 603,9 triệu USD. Quy mô đầu tư bình quân của một dự án đạt 4,5 triệu USD, quy mô vốn đầu tư của các dự án FDI của Việt kiều tại Việt Nam nhỏ, phù hợp với khả năng quản lý cũng như năng lực tài chính của Việt kiều. Có thể nói, đầu tư về nước đang trở thành xu hướng kinh doanh mới của người Việt Nam ở nước ngoài.

Việt kiều từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau đã có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó đầu tư nhiều nhất là Việt kiều tại các nước Hoa Kỳ: với 45 dự án, tổng vốn đầu tư là 205,3 triệu USD; Australia với 21 dự án, tổng vốn đầu tư là 74,4 triệu USD; Thụy Sỹ có 3 dự án, tổng vốn đầu tư 69,2 triệu USD; Việt kiều từ Ba Lan và Liên bang Nga đã đầu tư 6 dự án với tổng vốn đầu tư triệu 123,2 triệu USD. Các dự án do Việt kiều đầu tư đã có mặt trên 28 địa phương trong cả nước, nhưng chủ yếu vốn tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh: 210,7 triệu USD (chiếm 34,9% tổng vốn đăng ký), thành phố Hà Nội: 61 triệu USD (chiếm 10,1% tổng vốn đăng ký), còn lại là các địa phương khác.

Các dự án của Việt kiều đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển đất nước, đồng thời thắt chặt sợi dây tình cảm của đồng bào xa xứ với quê hương. Mới đây có thể kể đến dự án Làng Việt kiều châu Âu ở Hà Đông. Chủ đầu tư dự án Làng Việt kiều châu Âu là Công ty TSQ Việt Nam - một thành viên của Tập đoàn tài chính TSQ, do người Việt định cư ở Ba Lan sáng lập ra, có trụ sở chính tại Warszawa (Cộng hòa Ba Lan). Dự án xây dựng Làng Việt kiều châu Âu nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của bà con kiều bào đang sinh sống làm việc tại nước ngoài và kêu gọi Việt kiều đang sinh sống làm việc tại châu Âu đặc biệt là Việt kiều quê Hà Tây về nước sinh sống và làm việc để tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển kinh tế của nước nhà. Làng Việt kiều châu Âu được thiết kế theo phong cách thuần Pháp với ba hướng chủ đạo chính: truyền thống - cổ điển - hiện đại. Với vốn đầu tư 59 triệu USD, làng Việt kiều châu Âu có tổng diện tích 12,85 ha, trong đó tổng diện tích nhà biệt thự 55.719 m2, tổng diện tích nhà liền kề 20.985 m2, tổng vườn hoa công cộng 16.940 m2, đường giao thông chiếm diện tích 34.853 m2. Tại đây gồm quần thể 257 biệt thự đơn lập, biệt thự song lập với 45 mẫu khác nhau. Ông Đỗ Quân - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TSQ cho biết: “Việc khởi công Làng Việt kiều có ý nghĩa rất là quan trọng đối với bà con Việt kiều ở châu Âu, đặc biệt là ở Ba Lan. Số lượng bà con Việt kiều tham gia vào dự án này là rất là lớn, khoảng gần 300 gia đình”. Đây thực sự là một công trình kiến trúc có ý nghĩa thiết thực và giàu giá trị thẩm mỹ.

Với khoảng 2,7 triệu người đang sinh sống ở nước ngoài, trong đó khoảng gần 300.000 trí thức, thu nhập hàng năm khoảng 30 tỉ USD, chúng ta đang có một nguồn lực rất lớn. Song với số dự án và lượng vốn đầu tư về Việt Nam đã nêu trên thì còn nhỏ bé so với tiềm lực. Hiện tại, chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư về nước. Ngoài việc tăng cường các biện pháp nhằm thu hút Việt kiều đầu tư về nước, các cơ quan chức năng của Chính phủ cũng đang thực hiện các giải pháp nhằm phát huy vai trò cầu nối của người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong việc thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam.

Rõ ràng, trong những năm gần đây, tư tưởng hướng về cội nguồn của cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có những bước phát triển tích cực. Qua các dự án đầu tư của Việt kiều tại Việt Nam, nhiều nguồn lực trong nước như lao động, đất đai, tài nguyên được sử dụng và phát huy có hiệu quả. Sự đóng góp của Việt kiều đã góp phần mở rộng thị trường, thúc đẩy các hoạt động dịch vụ, tạo cầu nối cho các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu tại chỗ hoặc tiếp cận với thị trường thế giới; góp phần tiến đến chuyển giao phương pháp quản lý và phương thức kinh doanh hiện đại ở trong nước. Đây cũng là một nhân tố thúc đẩy doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh; lao động trong nước có thêm cơ hội được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, tiếp thu công nghệ tiên tiến, rèn luyện tác phong công nghiệp.

Những đầu tư của Việt kiều tại Việt Nam đã góp phần bổ sung nguồn vốn, tạo thế và lực phát triển mới cho nền kinh tế quốc dân khi đất nước đã gia nhập WTO.