Các đại biểu quốc tế dự một hội thảo về đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN (Thế Anh)

Báo cáo Môi trường kinh doanh 2008 do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) vừa công bố cho thấy, Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ trong bảng xếp hạng các nền kinh tế về mức độ thuận lợi trong kinh doanh. Với nhiều cải thiện về môi trường pháp lý, từ vị trí 104/175 năm ngoái, Việt Nam đã vọt lên vị trí 91/178. Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực, Việt Nam cũng còn rất nhiều việc phải làm.

Thu hẹp đáng kể khoảng cách với các nước trong khu vực

Tại buổi công bố Báo cáo Môi trường kinh doanh 2008 sáng 26-9 qua cầu truyền hình Hà Nội – Oa-sinh-tơn, ông J.Áp, đồng tác giả của Báo cáo nhận xét, Việt Nam đang cải thiện môi trường kinh doanh rất nhanh và đúng hướng. Không những đã gia nhập tốp giữa trong bảng xếp hạng mà Việt Nam còn có xu hướng vươn lên cao hơn nữa. Ông Sin Phong Ong, Giám đốc Quốc gia của IFC thì cho rằng, điều quan trọng là Việt Nam đã thu hẹp đáng kể khoảng cách với các nước trong khu vực.

Báo cáo Môi trường kinh doanh 2008 nêu khá chi tiết về những tiến bộ của Việt Nam. Báo cáo cho thấy, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có cải thiện nhiều nhất trong lĩnh vực tín dụng. Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghịêp trong lĩnh vực tiếp cận tín dụng bằng việc mở rộng phạm vi tài sản có thể sử dụng để thế chấp. Việt Nam cũng ban hành Luật Chứng khoán quy định rõ hoạt động của thị trường chứng khoán và trung tâm giao dịch chứng khoán. Ngoài ra, Việt Nam còn tăng cường bảo vệ nhà đầu tư thông qua việc ban hành Luật Doanh nghiệp mới, trong đó quy định trách nhiệm của giám đốc và thành viên hội đồng quản trị công ty trong việc bảo toàn lợi ích của cổ đông và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, báo cáo cho biết, chi phí thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam đã giảm xuống còn 20% mức thu nhập trên đầu người (thu nhập bình quân trên đầu người của Việt Nam hiện nay khoảng 720 USD). Doanh nghiệp cũng có thể tiến hành việc kiểm tra tên trên mạng.

Theo Báo cáo, việc thành lập một doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn cần hoàn thành 11 thủ tục, mất khoảng 50 ngày. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung, chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cải cách trong giảm thời gian thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam chưa được cập nhật trong Báo cáo. Từ khi Luật Doanh nghiệp mới có hiệu lực hồi tháng 7-2006, để thành lập một doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ còn cần giải quyết 6 thủ tục trong khoảng 15 ngày. “Theo tôi, nếu điều tra chính xác hơn, thì Việt Nam phải xếp hạng 80 chứ không phải 91”, ông Cung nói.

Khó cạnh tranh khi chi phí xuất nhập khẩu còn cao

Mặc dù được đánh giá có nhiều tiến bộ, song Việt Nam còn cần phải cải thiện rất nhiều để có môi trường kinh doanh thực sự tốt. Theo Báo cáo, tuy môi trường kinh doanh đã có nhiều cải thiện, song Việt Nam vẫn thuộc nhóm bảo vệ nhà đầu tư kém nhất (hạng 165/178 về bảo vệ nhà đầu tư) trước sự lạm dụng tài sản doanh nghịêp của giám đốc hay thành viên hội đồng quản trị. Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp mới đã quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của giám đốc và thành viên hội đồng quản trị, nhưng chưa đưa ra cơ chế thực thi các nghĩa vụ này. Vì vậy, Việt Nam cần phải tiến hành nhiều cải cách trên nhiều khía cạnh liên quan để bảo vệ nhà đầu tư để họ yên tâm bỏ vốn làm ăn.

Việc giải thể doanh nghiệp ở Việt Nam hiện vẫn còn nhiều bất cập. Giải quyết các vụ phá sản thường gặp khó khăn và tốn nhiều thời gian. Có trường hợp phá sản tại Việt Nam mất tới 5 năm mới giải quyết xong mà doanh nghiệp chỉ thu hồi được 18% nợ. Việc sa thải lao động ở Việt Nam cũng rất khó khăn

Báo cáo cho biết, chi phí cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa tại Việt Nam còn rất cao và thủ tục mất nhiều thời gian. Trước thực tế này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tỏ ra lo lắng: “Thương mại quốc tế đặc biệt quan trọng sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Thế nhưng, chi phí xuất, nhập khẩu của Việt Nam cứ còn cao gấp đôi so với Trung Quốc như hiện tại mà thủ tục lại rườm rà thì thử hỏi hàng hóa Việt Nam cạnh tranh làm sao được?”.

Có hai điểm chưa thuận lợi trong kinh doanh ở Việt Nam được ông J.Áp, đồng tác giả của Báo cáo, rất quan tâm là việc cấp giấy phép và đóng thuế. Theo Báo cáo, doanh nghiệp Việt Nam phải mất 194 ngày với chi phí 373% thu nhập trên đầu người để xin được giấy phép xây dựng, cao hơn gấp đôi mức trung bình của khu vực, là 185% (trong khi tại Thái Lan chỉ tốn 10% thu nhập trên đầu người). Các doanh nghiệp Việt Nam cũng thuộc nhóm tiêu tốn nhiều thời gian nhất để đáp ứng các yêu cầu về thuế. Hằng năm, trung bình mỗi doanh nghiệp Việt Nam phải mất 1.050 giờ đồng hồ để hoàn tất các thủ tục trả thuế, trong khi ở In-đô-nê-xi-a con số này chỉ là 266 giờ. “Chỉ cần vài thay đổi về thủ tục hành chính thì môi trường kinh doanh sẽ tốt hơn nhiều. Ví dụ, doanh nghiệp Việt Nam chỉ mất thời gian đóng thuế như ở In-đô-nê-xi-a và chi phí cho giấy phép bằng ở Thái Lan thì Việt Nam đã đứng thứ 66 trong bảng xếp hạng rồi”, ông J.Áp nói.
 

Được IFC và WB phát hành hằng năm, Báo cáo Môi trường kinh doanh đánh giá mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh của một nền kinh tế dựa trên 10 yếu tố: Thành lập doanh nghiệp, Cấp giấy phép, Tuyển dụng và sa thải lao động, Đăng ký tài sản, Vay vốn tín dụng, Bảo vệ nhà đầu tư, Đóng thuế, Thương mại quốc tế, Thực thi hợp đồng và Giải thể doanh nghiệp. Kể từ năm 2003, Báo cáo Môi trường kinh doanh đã góp phần khơi mào và thông tin về hơn 113 biện pháp cải cách trên toàn cầu. Theo ông Ni-cô-la Ô-đi-ê thuộc hãng luật Gide Loyrette Nouel, Báo cáo Môi trường kinh doanh rất quan trọng bởi hầu như tất cả các công ty lớn đều có Báo cáo này để tham khảo trước khi quyết định đầu tư vào đâu. Trong bảng xếp hạng năm 2008, Việt Nam xếp trên In-đô-nê-xi-a (hạng 123), Phi-líp-pin (hạng 133) nhưng xếp sau Trung Quốc (hạng 83), Ma-lai-xi-a (hạng 24), Thái Lan (hạng 15) và Xin-ga-po (hạng 1).