Ngày 24-9, trong chuyến đi tham dự khóa họp lần thứ 62 Ðại hội đồng Liên Hợp quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời phỏng vấn của Nhật báo Phố Wall (Mỹ). Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Câu hỏi: Xin Thủ tướng cho biết, phải chăng thành tích ngoạn mục của Việt Nam là do Chính phủ Trung ương lên kế hoạch cẩn thận hay tăng trưởng của Việt Nam là do Việt Nam đã tự do hóa nền kinh tế để cho phép những nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và tận dụng những lợi thế tự nhiên của Việt Nam?

Trả lời: Sau 20 năm quyết tâm, nỗ lực cải cách và hội nhập kinh tế sâu rộng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội rất ấn tượng và trở thành một trong những nền kinh tế năng động hàng đầu trong khu vực. Như các bạn đã biết, GDP của chúng tôi trong hơn 20 năm qua đã tăng hơn bốn lần và riêng năm 2006 tăng 8,2%, đứng thứ hai ở châu Á và chỉ sau Trung Quốc.

Bây giờ nhắc đến những con số này thật dễ dàng, nhưng trên thực tế để có những thành công đó là cả một sự thay đổi to lớn về tư duy phát triển ở Việt Nam từ hơn 20 năm trước. Ðứng trước yêu cầu phải tạo một bước ngoặt trong tiến trình phát triển đất nước, Việt Nam đã quyết tâm cao trong đổi mới tư duy phát triển mà nội dung cốt lõi dựa trên hai trụ cột. Thứ nhất, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế. Thứ hai, chuyển từ phát triển khép kín sang đẩy mạnh mở cửa và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để tận dụng các cơ hội phát triển to lớn mà thời đại dành cho các nước đi sau. Ðến nay, không chỉ thống nhất về nhận thức, chủ trương xây dựng kinh tế thị trường, mà trên thực tế nền kinh tế Việt Nam đã và đang thật sự vận hành theo cơ chế thị trường với các thành phần kinh tế được đối xử bình đẳng và khuyến khích phát triển. Nhờ đó, chúng tôi đã khơi dậy và phát huy được hết tiềm năng, lợi thế và sức mạnh của toàn dân kết hợp với tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước.

Bên cạnh quyết tâm đổi mới, Chính phủ của chúng tôi đã duy trì môi trường chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định, sẵn sàng đối thoại, lắng nghe ý kiến nhà đầu tư, qua đó điều chỉnh chính sách, pháp luật cho phù hợp nhằm tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sau khi gia nhập WTO, môi trường pháp lý của chúng tôi ngày càng trở nên minh bạch, bình đẳng và thân thiện hơn với nhà đầu tư. Ngoài ra, cũng phải kể đến chúng tôi có nguồn nhân lực trẻ, năng động, tràn đầy nhiệt huyết và có khả năng tiếp cận nhanh khoa học - công nghệ. Việc nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như Intel, Microsoft, Nike, Canon... lựa chọn Việt Nam để đầu tư đã minh chứng cho những lợi thế đó.

Câu hỏi: Xin Thủ tướng cho biết liệu Việt Nam đã thiết lập được một khuôn khổ pháp lý đủ mạnh để giúp cho Chính phủ Trung ương có thể rút lui thôi không đi đầu trong việc quản lý nền kinh tế và để việc này cho các doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước và tư nhân hay chưa?

Trả lời: Có một nhà kinh tế học đã nêu "không thể vỗ tay chỉ với một bàn tay". Tại các nước phát triển, Chính phủ cũng vẫn phải có vai trò điều tiết và quản lý nền kinh tế ở các mức độ khác nhau.

Với định hướng việc quản lý kinh tế cần phải tăng cường tính công khai, minh bạch thông qua các biện pháp phù hợp với cơ chế thị trường, giảm sự can thiệp hành chính trực tiếp của Nhà nước, thực hiện pháp quyền Nhà nước trong quản lý kinh tế, Việt Nam đã ban hành nhiều đạo luật quan trọng nhằm tạo khung pháp luật bảo đảm quyền tự do kinh doanh của công dân, hình thành và vận hành các thị trường hàng hóa, dịch vụ và yếu tố sản xuất như Luật Doanh nghiệp, Luật Ðầu tư, Bộ Luật Lao động, Luật Ðất đai, Bộ Luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ... Chúng tôi đẩy mạnh đổi mới chức năng kinh tế của Nhà nước theo hướng giảm và xóa bỏ việc kiểm soát trực tiếp các hoạt động kinh doanh thông qua mệnh lệnh hành chính, chuyển từ can thiệp trực tiếp sang định hướng phát triển kinh tế-xã hội, tạo lập môi trường và điều tiết bằng chính sách, pháp luật và công cụ kinh tế vĩ mô. Với việc gia nhập WTO, khuôn khổ pháp lý của Việt Nam tiếp tục được hoàn thiện hơn theo đúng những cam kết của chúng tôi trong WTO.

Kinh tế tư nhân là bộ phận quan trọng trong nền kinh tế được Chính phủ Việt Nam quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện phát triển rất mạnh mẽ và năng động, tạo ra nhiều công ăn việc làm và của cải cho xã hội. Sau khi Luật Doanh nghiệp được ban hành năm 2000, đến nay đã có khoảng 240.000 doanh nghiệp tư nhân được thành lập và hoạt động, chiếm khoảng 45% GDP; một số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã trở thành những doanh nghiệp mạnh có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Nếu có dịp đến Việt Nam vào thời điểm này, tôi tin chắc các bạn sẽ cảm nhận được sức sống và tinh thần kinh doanh sôi nổi đang diễn ra ở đất nước chúng tôi.