Nói về kinh tế biển không thể không nhắc đến vai trò, vị trí của ngành chế biến thủy sản. Những bước thăng trầm của ngành này luôn gắn liền với nhịp sống chung của nền kinh tế đất nước, nhất là công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Bởi vậy, quá trình phát triển của ngành chế biến thủy sản có thể được hình dung qua các giai đoạn sau:

Giai đoạn 1975 - 1980

Nằm trong tình trạng trì trệ chung của kinh tế đất nước, ngành thủy sản cũng lâm vào tình trạng sa sút kéo dài. Sản lượng khai thác tụt dần từ 607.000 tấn (năm 1975) xuống 398.000 tấn (năm 1980). Sản phẩm xuất khẩu giảm mạnh, năm 1980 kim ngạch chỉ còn bằng 1/2 của năm 1976. Phương tiện khai thác thủy sản bằng cơ giới giảm từ 34789 chiếc (năm 1976) còn 28522 chiếc (năm 1980). Trang bị bảo quản nguyên vật liệu rất thô sơ, lạc hậu. Cá đánh bắt được chỉ bảo quản bằng ướp muối trong hầm tàu. Các cơ sở chế biến có được chủ yếu bằng nguồn viện trợ không hoàn lại của quốc tế. Năm 1980 cả nước mới chỉ có 40 cơ sở chế biến đông lạnh với tổng công suất cấp đông là 172 tấn/ngày. Trong khi đó nhiều nhà máy xây dựng xong nhưng không phát huy được công suất, nguyên liệu khai thác chỉ được huy động cho chế biến từ 20 - 30%. Công nghệ chế biến lạc hậu nên có sự thất thoát lớn trong quá trình chế biến và bảo quản. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hải sản năm 1992, nguyên liệu qua chế biến so với tổng nguyên liệu năm 1976 chỉ đạt 22%, trong số đó tổng lượng hao phí là 21%; nguyên liệu không qua chế biến là 72%, hao phí là 20%.

Giai đoạn 1981 - 1994

Cuối năm 1979, Nhà nước cho phép Bộ Thủy sản quản lý thống nhất và khép kín toàn bộ quá trình từ đánh bắt đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm cuối cùng, thay cho trước đây ngành chỉ đảm nhận khâu khai thác và chế biến, còn việc thu mua và tiêu thụ do ngành nội thương và ngoại thương đảm nhận. Chủ trương này không những khắc phục được tình trạng manh mún, rời rạc, mà còn giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, hoạt động sản xuất gắn bó chặt chẽ với tiêu dùng. Trong 15 năm liên tục, ngành thủy sản luôn hoàn thành vượt mức toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao với tốc độ tăng trưởng bình quân 5 - 7%/năm về sản lượng khai thác; 12 - 13% về giá trị kim ngạch xuất khẩu. Năm 1990 giá trị sản lượng đạt 1.020.000 tấn và 205 triệu USD hàng hóa xuất khẩu. Năm 1994 đạt sản lượng 1.211.000 tấn và 458 triệu USD kim ngạch xuất khẩu.

Nổi bật nhất trong giai đoạn này là lĩnh vực chế biến phát triển rộng khắp với tốc độ tăng bình quân 9 nhà máy mỗi năm. Đến cuối năm 1994, số nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh lên đến 178 nhà máy, với tổng công suất cấp đông 780 tấn/ngày. Thêm vào đó còn có hệ thống các nhà máy sản xuất nước đá với tổng công suất 2.000 tấn/ngày... đã tạo ra bước phát triển nhảy vọt về chất trong quá trình giữ gìn độ tươi của nguyên liệu, giảm tiêu hao, thất thoát sau thu hoạch, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm. Kết quả là tỷ lệ sản phẩm chế biến đông lạnh so với tổng nguyên liệu tăng nhanh và đạt 51%/năm vào năm 1994 so với 11,4%/năm vào năm 1980.

Về chế biến thủy sản nội địa, thời kỳ này cả nước có 104 cơ sở chế biến nước mắm quốc doanh và hàng chục cơ sở chế biến tư nhân với tổng công suất khoảng 180 triệu lít/năm, ngoài ra còn có trên 10 cơ sở sản xuất bột cá, chế biến mỗi năm khoảng 10.000 tấn cá bột các loại. Điều đáng lưu ý là, tỷ lệ sản phẩm được bảo quản đông lạnh phục vụ tiêu dùng nội địa ngày càng tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng.

Giai đoạn 1994 đến năm 2000

Nghị quyết 03/NQ/TW ngày 6 - 5 - 1993 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 05-NQ/HNTW ngày 10 - 6 - 1993, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII đều khẳng định xây dựng thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bởi vậy, ngành chế biến thủy sản cũng nhận được sự chú trọng đặc biệt của các cấp, các ngành và các địa phương. Nhiều chương trình, dự án táo bạo như đánh bắt xa bờ đã được hình thành. Xuất khẩu tăng mạnh, từ 550 triệu USD (năm 1995) lên 1,478 tỉ USD (năm 2000). Tuy nhiên, với giai đoạn 1996-2000, theo đánh giá của các chuyên gia, mức tăng trưởng thực sự theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá chỉ mới là bước đầu.

Giai đoạn từ năm 2001 đến nay

Chương trình chế biến và xuất khẩu thủy sản đến năm 2005 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, và bắt đầu thực hiện từ năm 1998 là một chương trình tạo bước ngoặt trong thế kỷ XXI cho ngành chế biến thủy sản nước ta. Có thể nói, chế biến xuất khẩu thủy sản là động lực cho tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu trong khai thác và nuôi trồng thủy sản. Đến nay, cả nước đã có tổng số hơn 470 cơ sở - doanh nghiệp chế biến thủy sản. Trong đó, 248 cơ sở - doanh nghiệp (chiếm gần 53%) đã đạt tiêu chuẩn của thị trường EU - một thị trường khó tính vào bậc nhất thế giới; trên 300 cơ sở - doanh nghiệp được Hàn Quốc công nhận tiêu chuẩn chất lượng… Theo Bộ Thủy sản, hiện nay hàng thủy sản Việt Nam đã có mặt trên 140 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, có chỗ đứng vững chắc ở các thị trường lớn như Nhật Bản, EU và Bắc Mỹ. Về giá trị kim ngạch xuất khẩu, thủy sản Việt Nam hiện đã vươn lên đứng hàng thứ 7 trên thế giới. Năm 2006, sản lượng thuỷ sản Việt Nam đạt 3,75 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 3,75 tỉ USD.

Chiến lược biển đến năm 2020 đã đặt ra mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn. Ngành chế biến thủy sản cũng sẽ phát huy đầy đủ vị trí, vai trò của mình, tạo động lực thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển.