“Việt Nam sẽ luôn là thành viên tích cực, xây dựng, hợp tác và có trách nhiệm trong đời sống quốc tế...”
Vào lúc 17 giờ 45' ngày 27-9 theo giờ New York, (05 giờ 45' ngày 28-9 theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng ở phiên thảo luận chung tại khóa họp lần thứ 62 Đại hội đồng Liên hợp quốc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam sẽ luôn là thành viên tích cực, xây dựng, hợp tác, có trách nhiệm trong đời sống quốc tế, xứng đáng với sự tin cậy của các nước thành viên Liên hợp quốc. Tạp chí Cộng sản Điện tử trân trọng giới thiệu với bạn đọc toàn văn bài phát biểu.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨ VIỆT NAM
TẠI PHIÊN THẢO LUẬN CHUNG CẤP CAO KHOÁ 62
ĐẠI HỘI ĐỒNG LIÊN HỢP QUỐC
( Niu-Oóc, ngày 27 tháng 9 năm 2007)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 27-9 (giờ Niu-Óoc), tức sáng sớm ngày 28-9 (giờ Việt Nam). Ảnh Reuters |
Thưa Ngài Tổng Thư ký Liên hợp quốc,
Thưa quý vị đại biểu,
Tôi nhiệt liệt chúc mừng Ngài Xơ-gian Ke-rim được bầu làm Chủ tịch Khoá 62 Đại hội đồng Liên hợp quốc và tin tưởng rằng, với tài năng của mình, Ngài sẽ điều hành Khoá họp thành công. Tôi bày tỏ sự đánh giá cao về những đóng góp quan trọng của Ngài Ban Ki-mun trên cương vị Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Tôi xin trân trọng chuyển đến quý vị và nhân dân các nước lời chào hữu nghị của nhân dân Việt Nam.
Thưa quý vị
Khi nhân loại bước sang Thiên niên kỷ mới, các dân tộc đều kỳ vọng về một thế giới yên bình hơn, một mối quan hệ quốc tế hữu nghị và một cuộc sống tốt đẹp hơn. Gần một thập kỷ qua, niềm hy vọng ấy chưa trở thành hiện thực; chúng ta vẫn phải sống trong một thế giới tuy có nhiều cơ hội, thuận lợi nhưng cũng đầy nghịch cảnh, thách thức.
Điều may mắn nhất là từ khi Liên hợp quốc ra đời đến nay, loài người không phải gánh chịu một cuộc chiến tranh thế giới mới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải chứng kiến không ít cuộc chiến tranh, xung đột cục bộ, nạn khủng bố quốc tế và sự tiếp diễn chạy đua vũ trang, kể cả về vũ khí hạt nhân.
Nhờ những thành tựu kỳ diệu về khoa học và công nghệ, cuộc sống của con người ngày càng được cải thiện. Song, vẫn còn thực trạng đau lòng là khoảng cách về mức sống giữa các quốc gia và các tầng lớp dân cư càng sâu rộng thêm; trên hành tinh vẫn còn gần 1 tỉ người sống ở mức nghèo khổ cùng cực. Đồng thời đã nảy sinh nhiều vấn đề bức bách mang tính toàn cầu, trong đó dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và sự thay đổi khí hậu đang là những mối đe doạ nghiêm trọng đối với cuộc sống con người.
Chúng ta hài lòng ghi nhận sự phát triển nhanh chóng của các thể chế hợp tác khu vực và toàn cầu. Nhưng mặt khác vẫn còn không ít biểu hiện của tình trạng đối đầu căng thẳng, đơn phương áp đặt, xâm phạm độc lập, chủ quyền quốc gia, sự bất bình đẳng và đối xử không công bằng trong quan hệ quốc tế.
Thực trạng trên đây đòi hỏi tất cả chúng ta phải cùng nhau nỗ lực nhiều hơn nữa để giữ vững hoà bình và ổn định ở mọi nơi, tạo lập quan hệ hợp tác bình đẳng giữa các quốc gia và bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển của mọi dân tộc.
Thưa quý vị
Trước những thách thức to lớn trong Thiên niên kỷ mới, nhân dân các nước ngày càng đặt nhiều hy vọng vào Liên hợp quốc và Việt Nam hoàn toàn chia sẻ những định hướng hoạt động của Liên hợp quốc về hoà bình, an ninh, hợp tác, phát triển được đề ra trong các Hội nghị Thượng đỉnh năm 2000 và 2005.
Chúng tôi trông đợi Liên hợp quốc sẽ cùng các quốc gia tăng cường nỗ lực nhằm tạo dựng một nền hoà bình bền vững ở khu vực Trung Đông, trong đó có việc tìm kiếm giải pháp thích hợp cho cuộc xung đột Ít-xra-en – Pa-lex-tin; chấm dứt xung đột và bạo lực ở một số nước châu Phi; tạo lập sự ổn định ở I-rắc, Áp-ga-ni-xtan; kiểm soát và ngăn chặn phát triển vũ khí hạt nhân... Việt Nam ủng hộ việc giải quyết các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên, thông qua đối thoại, phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ nguyện vọng hoà bình thống nhất của nhân dân hai miền Triều Tiên.
Tuyên bố Thiên niên kỷ năm 2000 của Liên hợp quốc và chủ trương phát triển bền vững, kết hợp hài hoà tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và gìn giữ môi trường do Liên hợp quốc đề xướng đã và đang được sự hưởng ứng thiết thực của tất cả các nước thành viên. Việt Nam mong muốn Liên hợp quốc đóng góp tích cực hơn nữa vào tiến trình này, tạo cơ hội nhiều hơn cho các nước kém phát triển thoát khỏi đói nghèo, có điều kiện tiến cùng trào lưu phát triển chung. Với tinh thần đó, Việt Nam mong muốn sớm kết thúc vòng đàm phán Đô-ha nhằm mở rộng hơn nữa thương mại quốc tế công bằng.
Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ sự hợp tác phát triển giữa các quốc gia và việc xây dựng quan hệ quốc tế bình đẳng về kinh tế, tài chính, thương mại, trong đó dành sự quan tâm đặc biệt cho các nước đang phát triển và kém phát triển, kể cả việc dỡ bỏ những biện pháp áp đặt, bao vây, cấm vận kinh tế. Chúng tôi mong rằng Liên hợp quốc có thêm nguồn lực dành cho mục tiêu phát triển, ưu tiên thực hiện các chương trình hành động về xoá đói giảm nghèo, sự tiến bộ của phụ nữ, chăm sóc trẻ em, kế hoạch dân số, phòng chống HIV/AIDS. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực chung, đặc biệt là của Liên hợp quốc để bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với những thay đổi khí hậu toàn cầu.
Để Liên hợp quốc có thể hoàn thành sứ mạng cao cả của mình trong một thế giới đã có nhiều thay đổi, từ nhiều năm qua vấn đề cải tổ Liên hợp quốc đã được quan tâm thảo luận. Việt Nam cho rằng, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình này và nhất trí với nhận thức chung là cải tổ Liên hợp quốc cần bảo đảm sự tham gia rộng rãi của tất cả các nước thành viên, tiến hành một cách minh bạch trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm đã qua, đồng thời cần có tầm nhìn bao quát cho tương lai.
Thưa quý vị
Năm 1945, khi Liên hợp quốc ra đời thì nhân dân Việt Nam cũng vừa giành được độc lập. Tin tưởng vào tôn chỉ, mục đích cao quý của Liên hợp quốc và mong muốn góp sức vào công việc chung của tổ chức quốc tế này, ngay từ tháng 1 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra nước Việt Nam mới đã gửi thư tới Khóa họp đầu tiên của Đại hội đồng, trong thư đã nêu rõ “Quốc dân chúng tôi đã giành được quyền độc lập, thiết tha yêu cầu các ngài công nhận quyền độc lập ấy và nhận chúng tôi vào Liên hợp quốc.”
Tiếc rằng cho tới năm 1977, Việt Nam mới trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc.
Trong 30 năm qua, với tư cách thành viên Liên hợp quốc, Việt Nam luôn hoạt động tích cực cho sự nghiệp hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới. Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào việc đưa Đông Nam Á từ một khu vực bị chia rẽ, đối đầu bởi chiến tranh trở thành một khu vực hòa bình, hữu nghị, hợp tác và đang hướng tới hình thành Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội.
Việt Nam luôn ủng hộ những nỗ lực giải quyết hoà bình các cuộc xung đột, bảo đảm chủ quyền, độc lập của các quốc gia; thúc đẩy các chương trình phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội toàn cầu; thiết lập mối quan hệ chính trị, kinh tế quốc tế bình đẳng và cùng có lợi giữa các quốc gia.
Việt Nam kiên trì thực hiện chủ trương là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia, phấn đấu vì hoà bình, độc lập, hợp tác và phát triển. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 174 nước và đã có quan hệ kinh tế thương mại với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ; đồng thời là thành viên tích cực của nhiều tổ chức và diễn đàn quốc tế và khu vực; gần đây nhất, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Việt Nam từng được tín nhiệm bầu vào các vị trí lãnh đạo của nhiều cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc và hiện đang cùng các tổ chức của Liên hợp quốc thực hiện thí điểm tại Việt Nam Sáng kiến “Một Liên hợp quốc”.
Chúng tôi đánh giá cao sự trợ giúp của các tổ chức Liên hợp quốc dành cho Việt Nam. Những thành tựu quan trọng đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua đã giúp Việt Nam hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ, nhất là về xoá đói giảm nghèo, trong đó có sự giúp đỡ rất có ý nghĩa của cộng đồng quốc tế.
Chúng tôi luôn quan tâm thúc đẩy sự hợp tác Nam - Nam; tuy còn là một nước nghèo, nhưng Việt Nam đã nỗ lực tham gia chương trình hợp tác ba bên giữa Việt Nam với một tổ chức của Liên hợp quốc và một số nước châu Phi trong phát triển nông nghiệp và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Thưa quý vị
Xuất phát từ mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa vào những hoạt động của cộng đồng quốc tế, từ năm 1997 Việt Nam đã chính thức ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009.
Chúng tôi chân thành cảm ơn Nhóm các nước châu Á đã đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của châu lục và cảm ơn sự ủng hộ rộng rãi của các nước thành viên khác của Liên hợp quốc.
Việt Nam ý thức sâu sắc về vinh dự to lớn và trách nhiệm nặng nề của cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, một cơ quan được trao trách nhiệm hàng đầu trong việc gìn giữ hoà bình và an ninh quốc tế. Được bầu vào cương vị này Việt Nam sẽ quán triệt tôn chỉ, mục đích và các nguyên tắc đề ra trong Hiến chương Liên hợp quốc, hợp tác chặt chẽ với các Uỷ viên khác và sẽ làm hết sức mình để đóng góp vào việc thực hiện sứ mạng cao cả của Hội đồng Bảo an.
Việt Nam sẽ nỗ lực cùng các nước góp phần làm giảm căng thẳng, ngăn ngừa và giải quyết hoà bình các cuộc xung đột trên thế giới. Việt Nam sẽ thể hiện đầy đủ trách nhiệm của một quốc gia tham gia tất cả các điều ước quốc tế quan trọng về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Việt Nam lên án và chủ trương loại trừ chủ nghĩa khủng bố quốc tế dưới mọi hình thức, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tham gia các cơ chế cả trong và ngoài Hội đồng Bảo an về việc tăng cường hỗ trợ tái thiết và phát triển cho những nước vừa trải qua xung đột; đồng thời sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của một quốc gia đã trải qua quá trình tái thiết và phát triển với nhiều vấn đề phải xử lý sau các cuộc chiến tranh ác liệt và đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Nhận rõ vai trò tích cực của các hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc (Hội đồng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc), Việt Nam đã đóng góp tài chính và đã tham gia một số hoạt động của Liên hợp quốc trong việc thiết lập hoà bình tại một số nước. Việt Nam đang hoàn tất quá trình chuẩn bị liên quan đến việc tham gia một cách có hiệu quả vào Hội đồng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, phù hợp với điều kiện và khả năng của Việt Nam.
Để Hội đồng Bảo an hoạt động hiệu quả hơn, chúng tôi chia sẻ quan điểm là cơ quan này cần đổi mới hơn nữa trên cơ sở tăngtính đại diện rộng rãi và dân chủ hơn trong phương thức hoạt động. Chúng tôi cũng ủng hộ việc Hội đồng Bảo an tăng cường quan hệ với các tổ chức khu vực. Chúng tôi vui mừng trước việc ASEAN và Liên hợp quốc vừa chính thức ký Thỏa thuận về sự hợp tác tại Khóa họp Đại hội đồng lần này.
Tôi tin tưởng rằng, với chính sách đối ngoại rộng mở mang tính xây dựng và những đóng góp tích cực cho hoà bình, an ninh và hợp tác phát triển trên thế giới, Việt Nam sẽ được các nước thành viên bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Chúng tôi sẽ nỗ lực cao nhất để thực hiện tốt trọng trách nầy.
Việt Nam sẽ luôn là thành viên tích cực, xây dựng, hợp tác và có trách nhiệm trong đời sống quốc tế, xứng đáng với sự tin cậy của quý vị.
Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi chân thành chúc Khoá họp của Đại hội đồng thành công tốt đẹp, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân thế giới vì hoà bình, an ninh, hợp tác và phát triển.
Xin cám ơn các quý vị.
Quản lý và sử dụng đất trên quan điểm phát triển bền vững  (28/09/2007)
Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng ổn định  (28/09/2007)
Quản lý và sử dụng đất trên quan điểm phát triển bền vững  (28/09/2007)
Đầu tư về nước - xu hướng kinh doanh mới của người Việt Nam ở nước ngoài  (28/09/2007)
Ngành chế biến thủy sản trong bức tranh kinh tế biển Việt Nam  (27/09/2007)
Môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Cải cách rất nhanh và đúng hướng  (27/09/2007)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên