TCCSĐT - 7 tháng đầu năm 2009, GDP, sản xuất công nghiệp, thương mại nội địa... đều tăng, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2009 ước chỉ đạt 32,3 tỉ USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đó chính là vấn đề trọng tâm mà Hội nghị giao ban xuất khẩu do Bộ Công Thương tổ chức ngày 27-7 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra bàn bạc, tìm giải pháp cho kế hoạch nước rút của 5 tháng cuối năm. Nhiều khả năng xuất khẩu năm 2009 chỉ đạt 61 tỉ USD thay vì 64,6 tỉ USD như kế hoạch đã đề ra.

Nhận diện rõ những khó khăn

Theo ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng ước đạt 32,3 tỉ USD,giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng sụt giảm kim ngạch là nông – thủy sản: đạt 7,13 tỉ USD giảm 8,2%; nhiên liệu khoáng sản xấp xỉ 5 tỉ USD giảm 40,1%; công nghiệp chế biến đạt 20,2 tỉ USD giảm 4,7%...

Trong số các ngành có kim ngạch xuất khẩu tăng, ngoài dệt may và da giày có dấu hiệu phục hồi, còn lại một số ngành tăng trưởng không bền vững như xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn tăng gấp 3 lần về lượng và 2 lần về giá với kim ngạch 400 triệu USD nhưng lại phụ thuộc duy nhất vào thị trường Trung Quốc.
Gạo xuất khẩu cũng phải cạnh tranh với Thái Lan khi nước này còn tồn kho khoảng 5 triệu tấn và chuẩn bị đấu thầu cung cấp cho Phi-lip-pin với giá rẻ.

Đây là hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm cho thị trường xuất khẩu bị co lại. Sản phẩm của Việt Nam bị cạnh tranh rất dữ dội về giá cũng như các rào cản thương mại từ các nước nhằm bảo hộ thương mại nội địa.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho hay: xuất khẩu thủy sản trong những tháng đầu năm rất khó khăn; trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch mới chỉ đạt 2,1 tỉ USD, còn quá xa so với chỉ tiêu đã điều chỉnh xuất khẩu cả năm là 4,6 tỉ USD (chỉ tiêu ban đầu đặt ra năm 2009 là 5,3 tỉ USD).

Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, mức tăng trưởng của ngành này chỉ có thể bằng năm ngoái, hoặc tăng 2% - 3% là tối đa. Từ thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, những chuyển biến này vẫn chưa thể đảm bảo để xuất khẩu Việt Nam trong năm 2009 có thể chạm đến con số 64,6 tỉ USD, tăng 3% so với năm 2008. Nhiều khả năng kim ngạch sẽ chỉ bằng năm ngoái là 62,9 tỉ USD, thậm chí chỉ đạt khoảng 61 tỉ USD.

Ông Văn Thanh Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xuất nhập khẩu Đắk Lắk nêu ý kiến, Việt Nam có chỗ đứng ở sàn giao dịch cà phê Luân-đôn (Anh) và chiếm 50% sản lượng xuất khẩu của thế giới, đứng đầu về cà phê Robica nhưng vẫn chưa thể gửi được hàng vào kho ngoại quan của sàn giao dịch này vì chưa có sự can thiệp của Chính phủ.

Vẫn còn hy vọng vào những tháng cuối năm

Theo nhận định của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, xuất khẩu trong 5 tháng tới sẽ tốt hơn so với 7 tháng đầu năm. Thông thường, vào những tháng cuối năm, xuất khẩu tăng cao hơn các tháng đầu năm. Tuy nhiên, đạt mức tăng trưởng 3% so với năm 2008 để cán đích ở con số 64 tỉ USD là rất khó, cần phải có những giải pháp quyết liệt.

Ông Nguyễn Thành Biên nhận định, xuất khẩu đã và đang vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, bằng chứng là kim ngạch xuất khẩu của tháng sau luôn cao hơn tháng trước, sức mua và đơn hàng có dấu hiệu tăng dần.

Ông Văn Thành Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đắk Lắk cho rằng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào giá thế giới, trong khi đến thời điểm này, chưa ai có thể dự kiến chính xác giá hàng hóa sẽ diễn biến ra sao và khi nào kinh tế thế giới sẽ phục hồi. Ngành dệt may đang được đánh giá là ngành hàng có triển vọng nhất trong các mặt hàng xuất khẩu hiện nay. Trong 2 tháng 5 và 6 có khá nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu đến hết năm 2009 và đầu năm 2010.

Tại Hội nghị, có nhiều ý kiến đề xuất khôi phục thị trường cũ, vì nhiều thị trường xuất khẩu cũ đã mất hoặc còn bế tắc, trong khi đó thị trường mới vẫn chưa thông. Cũng theo ông Trương Đình Hòe, thị trường của con cá tra tại Nga được mở từ tháng 5-2009 nhưng trong 2 tháng qua mới chỉ xuất khẩu được 10 tấn, vì thế chưa thể kỳ vọng nhiều vào thị trường được xem là mới này, do khả năng tiêu thụ còn hạn chế.

Một số thị trường mới như châu Phi, Trung Đông... cũng chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Trong tình hình đó, bên cạnh thúc đẩy thị trường nội địa, các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự hỗ trợ của Ủy ban nhân dân Thành phố đã nhanh chóng tiết cận thị trường gần là Cam-pu-chia. Trong những tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này tăng tới gần 44%. Tuy nhiên, vào được thị trường Cam-pu-chia không phải dễ dàng, vì thuế nhập khẩu ở đây rất cao.

Đòi hỏi những giải pháp mạnh

Tỷ trọng xuất khẩu hiện nay vẫn chiếm hơn 60% GDP cả nước, vì thế, phải triển khai thật mạnh mẽ và đồng bộ các giải pháp mới có thể tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Trần Quốc Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sadaco đề nghị công tác xúc tiến thương mại phải được cải tiến hơn nữa, trước hết phải xác định lại cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu, hướng vào các mặt hàng chế tạo và chế biến để gia tăng giá trị. Bên cạnh đó, phải xây dựng các chợ nguyên phụ liệu và lập các kho ngoại quan tại các quốc gia, để sản phẩm của Việt Nam thâm nhập trực tiếp vào các kênh phân phối, giảm thiểu các khâu trung gian, tiến tới giảm giá thành ở mức thấp nhất.

Vấn đề giải quyết “đầu ra”, yếu tố quan trọng nhất thời điểm này là công tác xúc tiến thương mại. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, ngân sách xúc tiến thương mại của năm 2009 được Chính phủ cấp cao gấp đôi so năm 2008, với 172 tỉ đồng so với 80 tỉ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn bị động và gặp trở ngại khi tiếp cận nguồn ngân sách này.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm hiện là vấn đề nhức nhối của ngành thủy sản, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam. Ngày 29-7 tới đây, VASEP sẽ tổ chức hội nghị “Nói không với tôm tạp chất” nhằm từng bước đi tới chấm dứt nạn bơm tạp chất vào con tôm. Khi tình hình được cải thiện thì xuất khẩu tôm vào Nhật Bản sẽ tăng trưởng và Mỹ sẽ nhập khẩu con tôm trở lại.

Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp đang rất cần vốn, vì vậy, thủ tục cho vay phải thông thoáng hơn. Nên ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng đã đề nghị, Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành cần rà soát lại các doanh nghiệp đang chịu lãi suất ở mức rất cao để điều chỉnh sớm, tiếp tục tạo điều kiện cho họ vượt qua khó khăn.

Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, Hội có đề án xây dựng chợ sản phẩm đồ gỗ và nguyên phụ liệu tại huyện Củ Chi, Hội rất mong được Chính phủ hỗ trợ thành lập kho ngoại quan ở nước ngoài để doanh nghiệp gửi hàng.

Kiến nghị của ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh được nhiều đại biểu đồng tình là, nên thay đổi nội dung chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Không nên hỗ trợ kinh phí tham dự hội chợ quốc tế kết hợp du lịch mà nên khuyến khích các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm mới tại hội chợ. Quan trọng nhất là cách tổ chức mang lại hiệu quả, cơ chế thông thoáng./.