Lá chắn tên lửa NMD chắn ai?
Tổng thống Nga V. Pu-tin và Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ
Đầu tháng 7 vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ G. Bu-sơ mời Tổng thống Nga V. Pu-tin sang thăm Mỹ.
Cuộc hội đàm không chính thức giữa hai vị diễn ra ngay tại tư dinh của Tổng thống Hoa kỳ, nói đúng hơn là tại trang trại của cựu Tổng thống Mỹ Bu-sơ (cha) khác ở Maine. Bên ngoài, thật thân tình và cởi mở. Còn bên trong, khó mà nói rằng không có chuyện bão táp mưa sa. Gay cấn nhất vẫn là vấn đề NMD.
NMD là hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia, hay còn được gọi là hệ thống lá chắn tên lửa. Đây là sáng kiến chiến lược của Tổng thống Bu-sơ khi ông mới bước chân vào Nhà Trắng, đầu tháng 5 năm 2001. Lúc này Mỹ đã là siêu cường số 1. Là cường quốc kinh tế cũng là một sức mạnh quân sự đứng đầu thế giới. Không nước nào sánh nổi với Mỹ về cái kho vũ khí chiến lược khổng lồ và một ngân sách quốc phòng cũng lớn nhất thế giới. Ngoại giao Mỹ là thứ ngoại giao “thở ra khói, nói ra lửa”. Vậy mà đứng trên nấc thang chót vót của cuộc chạy đua vũ trang ấy, ông Tổng thống Hoa Kỳ bỗng cảm thấy đất trời mù mịt. Ông cho rằng thế giới này đang “đầy rẫy nguy hiểm”, “kém chắc chắn” và “khó đoán biết”. Bởi theo ông, thế giới hiện có nhiều quốc gia có vũ khí hạt nhân và nhiều nước đang ôm mộng hạt nhân! Lại có một số quốc gia đã chế tạo được công nghệ tên lửa đạn đạo có thể đưa vũ khí hạt nhân tới bất cứ nơi nào, với khoảng cách cực xa và tốc độ cực nhanh, v.v… Đó là lý do khiến cho nền an ninh của Mỹ bị đe dọa (!) Cho nên ông chủ trương xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia để bảo vệ Mỹ khỏi mọi cuộc tiến công của đối phương. Nghe mới ngọt ngào và tội nghiệp làm sao! Phòng thủ có nghĩa là tự vệ chứ không phải tiến công. Nước Mỹ hùng mạnh là vậy mà lại nơm nớp sợ người khác tiến công. Cứ theo lời Mỹ nói thì quân đội của Mỹ là quân đội ông bụt. Vũ khí của Mỹ cũng là vũ khí ông bụt. Quân đội và vũ khí của Mỹ chỉ là quân đội và vũ khí dùng để bảo vệ nền an ninh của nước Mỹ! Chao ôi! Lời nói và việc làm khác xa làm sao! Chẳng phải là dưới chiêu bài bảo vệ nền an ninh của nước Mỹ chống lại cái kho vũ khí hạt nhân và vũ khí hóa học tiềm ẩn của I-rắc, cũng là để chống lại cái ổ chứa lực lượng khủng bố An Kê-đa – những điều được coi là sản phẩm của trí tưởng tượng và sự bịa đặt - mà Mỹ đã phát động một cuộc chiến tranh tổng lực tiêu diệt cả nhà nước độc lập I-rắc hay sao?
Mâu thuẫn giữa những lời Mỹ nói và những việc Mỹ làm ấy khiến người ta phát sợ. Liệu cái hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia do Mỹ dựng lên, có chĩa tên lửa vào nước khác không? Liệu mạng ra-đa đặc hiệu của Mỹ có làm cái việc do thám đến tận chân tơ kẽ tóc của đối phương không? Liệu đến một lúc nào đó, khi cái hệ thống này đặt xong thì nó có được lệnh phóng tên lửa vào các nơi được coi là có tên lửa chĩa vào Mỹ không? Rõ ràng, cái sự “đầy rẫy nguy hiểm” và “khó đoán biết” chính là ở đó!
Phải chăng vì vậy mà NMD ngay từ đầu đã bị khắp nơi phản đối. Cho đến gần đây, khi nó được vận động triển khai ở châu Âu thì dư luận phản đối càng mạnh. Hai nước đầu tiên được chọn để đặt cơ sở cho hệ thống này là Ba Lan và Séc. Đó là hai nước đồng minh của Nga thời Liên Xô trước đây. Thế là dù nói hay không nói ra, ai cũng hiểu tên lửa của hệ thống lá chắn này sẽ hướng về đâu.
Nước Nga phản ứng quyết liệt với một thông điệp được đưa ra: nơi nào là điểm đặt tên lửa đánh chặn nhằm vào nước Nga thì nơi đó sẽ là mục tiêu của tên lửa Nga!
“Chú Sam” chối rằng, lá chắn tên lửa không nhằm vào Nga mà nhằm vào những nước bé hạt tiêu nhưng có tham vọng hạt nhân như I-ran và Triều Tiên. Câu chuyện thật hoang đường – Đó là hai nước không hề có tên lửa chĩa vào châu Âu!
Điện Crem-li trả lời: Nếu hệ thống lá chắn tên lửa không nhằm vào Nga thì hãy để Nga cùng tham gia. Và Nga đưa ra ba đề nghị: (1) Thay cho việc triển khai hệ thống ra-đa ở Séc và tên lửa đánh chặn ở Ba Lan, Mỹ sẽ sử dụng trạng ra-đa Ga-ba-la của Nga ở A-déc-bai-gian và một trạng ra-đa khác đang được xây dựng tại miền Nam nước Nga. (2) Mở rộng kế hoạch NMD của Mỹ ở châu Âu bằng cách đưa cả tổ chức Hội đồng Nga – NATO vào dự án này. (3) Lập một trung tâm trao đổi thông tin trực tuyến tại Mát-xcơ-va và một trung tâm tương tự ở một thành phố châu Âu.
Người ta bảo: ông chủ điện Crem-li đã tương kế tựu kế. Trong đó, cái khôn ngoan lớn nhất là đòi biến NMD từ của Mỹ thành của chung của Mỹ, Nga và NATO, đồng thời cũng lái cả mục tiêu của hệ thống này. Với ông chủ Nhà Trắng, đề nghị đó thật khó nuốt. Mà vứt bỏ thì lộ chân tướng. Cho nên ông cứ lúng búng như ngậm hạt thị. Rằng ông “thích ý tưởng” của Nga. Nhưng lại bảo: hãy để đấy nghiên cứu. Còn bây giờ Mỹ phải triển khai kế hoạch NMD đã.
Ngày 4-7, chỉ hai ngày sau cuộc hội đàm Pu-tin – Bu-sơ, Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga dọa sẽ đưa hệ thống tên lửa của Nga tới Ka-li-nin-grát nếu Mỹ xây dựng hệ thống NMD tại châu Âu. Ông cũng cho biết Nga sẽ hủy bỏ kế hoạch của mình nếu Mỹ chấp nhận các đề nghị của Mát-xcơ-va. Những cuộc trao đổi ý kiến sau đó giữa hai bên đã đi đến thỏa thuận: các bộ trưởng quốc phòng và ngoại gia hai nước Nga và Mỹ sẽ gặp nhau vào tháng 9 hay tháng 10 tới để xem xét vấn đề này. Trong khi đó, ngày 16-7, với 90 phiếu thuận (5 phiếu chống và 5 phiếu trắng), Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật bổ sung Luật Chi tiêu quốc phòng 2008, theo đó việc xây dựng hệ thống NMD được xác định là chính sách nhà nước.
Xem ra, cuộc đối thoại mang tính đối đầu giữa Nga và Mỹ về vấn đề tên lửa và chống tên lửa sẽ còn là vấn đề gay cấn và dai dẳng.
Mít tinh trọng thể Kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ  (28/07/2007)
Tư tưởng pháp trị của Pháp gia với sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam  (26/07/2007)
Dịch vụ công - đổi mới quản lý và tổ chức cung ứng ở Việt Nam hiện nay  (26/07/2007)
Tư tưởng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh những năm 20 của thế kỷ XX  (26/07/2007)
Quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam  (26/07/2007)
Thành viên WTO thứ 150 - Bài học từ các nước đi trước  (26/07/2007)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên