Sự kiện 7 ngày qua

18:26, ngày 28-06-2007

1. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 18-6 đến ngày 23-6-2007.

Đây là chuyến thăm có nghĩa quan trọng, góp phần nâng mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên một tầm cao mới. Với mục đích: tăng cường quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Hoa Kỳ; mong muốn Quốc hội Hoa Kỳ ủng hộ việc đẩy mạnh quan hệ kinh tế - thương mại đem lại lợi ích cho cả hai nước, nhất là ủng hộ xuất khẩu kỹ thuật cao sang Việt Nam; kêu gọi sự chú ý của các doanh nghiệp Mỹ dành cho Việt Nam; thúc đẩy tiến trình giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại và thu hẹp các bất đồng về các vấn đề liên quan đến dân chủ và nhân quyền; gặp gỡ đồng bào đang sinh sống tại Hoa Kỳ; lắng nghe nguyện vọng ý kiến của bà con, đồng thời thông tin cho bà con về tình hình đất nước, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã thăm sở giao dịch thị trường chứng khoán Niu-Oóc; thăm bà con Việt Kiều; dự Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập ASEAN và 30 năm Quan hệ đối thoại ASEAN - Hoa Kỳ; chứng kiến lễ ký Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư; gặp Chủ tịch Hạ viện, lãnh đạo hai đảng tại Hạ viện và Thượng viện và thăm trang trại của một nông dân Hoa Kỳ.

Cuộc hội đàm cấp cao giữa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ tại nhà trắng hôm 22-6-2007 đã diễn ra rất cởi mở và thẳng thắn xung quanh nhiều vấn đề hai bên cùng quan tâm, trong đó đặc biệt là phát triển quan hệ kinh tế thương mại vốn có một tiềm năng giữa hai nước. Giới doanh nghiệp Mỹ cũng đã rất phấn khởi chào đón chuyến thăm của Chủ tịch và cho rằng chuyến đi này cũng làm tăng thêm mối quan hệ đang được bình thường hóa giữa hai nước và mở ra những cơ hội kinh doanh rất lớn cho các doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam. Quyết tâm chung về mối quan hệ song phương Việt – Mỹ này cũng đã được thể hiện qua việc hai nước ký hiệp định chung về thương mại và đầu tư cùng nhiều hợp tác đầu tư với tổng trị giá hơn 11 tỉ đô-la. Các phương tiện thông tin thế giới đều đã đưa tin đậm nét và bình luận về sự kiện này.

Hãng tin Tân Hoa xã (Trung Quốc) nhìn nhận chuyến đi của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đến Mỹ sẽ mang lại những lợi ích kinh tế - xã hội đáng kể cho Việt Nam. Với sự tháp tùng của một đoàn quan chức và doanh nhân đông đảo, “chuyến thăm lịch sử” này là cơ hội để Việt Nam xúc tiến và thu hút đầu tư, đặc biệt là ở những lĩnh vực mà doanh nghiệp Mỹ có thế mạnh vượt trội. Tân Hoa xã còn nhìn nhận chuyến đi cũng giúp kêu gọi cộng đồng người Việt ở Mỹ hiểu rõ hơn về tình hình tại Việt Nam và đóng góp mạnh mẽ hơn vào sự phát triển của quê hương. Ngoài ra, chuyến thăm này còn có tác dụng thúc đẩy quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước. Báo “Sanke” của Nhật Bản bình luận chuyến thăm mang tính lịch sử, đánh dấu sự phát triển của mối quan hệ giữa hai nước kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Hãng Yonhap (Hàn Quốc) bình luận chuyến thăm đánh dấu quan hệ Việt-Mỹ hoàn toàn bình thường hóa. Báo chí Thái Lan nhận xét, mặc dù giữa hai nước đôi khi vẫn có những bất đồng về chính trị và tự do tôn giáo nhưng chuyến thăm của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết là bằng chứng cho thấy Việt Nam và Mỹ đang đẩy mạnh mối quan hiệ ngoại giao và kinh tế. Các báo Thái Lan cho rằng chuyến thăm sẽ thức đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước khi nhiều hiệp định khung về đầu tư và thương mại được ký kết, đồng thời cho thấy Việt Nam đang nỗ lực phát triển mối quan hệ hợp tác với các nước. Đài Ốt-xtrây-li-a và mạng trực tuyến Đức nhấn mạnh đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một nguyên thủ Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, đồng thời dẫn lời của một quan chức Việt Nam khẳng định chuyến thăm sẽ góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.

2. Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và những tín hiệu mới

Hôm 21-6-2007, trưởng đoàn đàm phán Mỹ C.R.Hill đã có chuyến thăm bất ngờ đến Bình Nhưỡng. Đây là quan chức cao cấp nhất của Mỹ tới Triều Tiên trong 5 năm qua, cho thấy Oa-sinh-tơn sẵn sàng thay đổi chính sách đối đầu nếu Bình Nhưỡng giải trừ vũ khí hạt nhân. Những tín hiệu tích cực đã được nhà đàm phán C.R.Hill đưa ra trước khi rời Bình Nhưỡng rằng ông rất hài lòng với cuộc hội đàm với các quan chức Triều Tiên. Ông cũng cho biết, Triều Tiên đã sẵn sàng đóng cửa ngay lò phản ứng hạt nhân Dung Tiên. Đây là thông điệp có ý nghĩa quan trọng mở lại khả năng sớm nối lại vòng đàm phán 6 bên vào thời điểm Triều Tiên vừa mời các quan sát viên của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA tới Bình Nhưỡng để thảo luận những quy định về đóng cửa lò phản ứng vũ khí hạt nhân Dung Tiên cũng như những bất đồng liên quan đến khoản tiền 25 triệu đô-la của Triều Tiên bị đóng băng tại ngân hàng Bangko Denta Asian đã được giải quyết.

3. Pa-lét-xtin – Sự phân cách giữa Bờ Tây và dải Gaza

Tình hình Trung Đông trong tuần qua vẫn phức tạp với hàng loạt những diễn biến liên tiếp cho thấy vùng đất Pa-lét-xtin đã bị chia cắt với những phân cách quá rõ ràng. Hôm thứ tư, 20-6-2007, Tổng thống Pa-lét-xtin Ab-bas đã lên án phái Ha-mát (Hamas) là nhóm khủng bố sát nhân, là những kẻ âm mưu đảo chính. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Ab-bas dùng những lời lẽ gay gắt nhất để công kích phái Ha-mát, nhằm tạo thêm một động thái để loại bỏ hoàn toàn mối lo ngại Ha-mát trở lại chính trường. Trước đó, hôm thứ hai 18-6-2007, trong cuộc họp đầu tiên của chính phủ khẩn cấp, Tổng thống Ab-bas cũng đã quyết định giải tán Hội đồng an ninh quốc gia - một tổ chức được thành lập khi còn chính phủ đoàn kết dân tộc giữa Fa-ta (Fatah) và Ha-mát. Đồng thời ông cũng tuyên bố đưa Ha-mát ra khỏi vòng pháp luật. Trong khi đó ở Gaza, Ha-mat đã tố cáo Tổng thống Pa-lét-xtin Ab-bas can dự vào âm mưu chia cắt Gaza và Bờ Tây, đồng thời khẳng định tính hợp pháp của phái này bằng việc tiếp tục triển khai 6 ngàn cảnh sát ở dải Gaza. Tuy nhiên sự chia rẽ này đang được Mỹ, phương tây và I-xra-en đón nhận như một diễn biến tích cực để thúc đẩy hòa bình ở Trung Đông. Hôm thứ ba, 19-6-2007, từ Oa-sinh-tơn, Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ và thủ tướng I-xra-en Ê-hút Ôn-Mớt (Ehud Olmert) đã cam kết sẽ ủng hộ tổng thống Ab-bas. Trong động thái đầu tiên, người đứng đầu chính phủ Do Thái đã cam kết trả lại toàn bộ khoản thuế của người Pa-lét-xtin mà Te-ga-mít nắm kể từ khi Ha-mát lên nắm quyền. Tuy nhiên bên Gaza do Ha-mát kiểm soát thì sẽ vẫn không nhận được một đồng nào số tiền thuế của Pa-lét-xtin và I-xra-en sắp trả lại này. Ngoài ra, các hoạt động chuyển tiền cho bất cứ cá nhân người nào ở Gaza cũng sẽ bị cấm. Trong khi Ha-mát và Gaza bị cô lập hoàn toàn cả về kinh tế, quân sự và ngoại giao thì Tổng thống Ab-bas ở Bờ Tây lại đang nắm chắc những cam kết về các khoản viện trợ tài chính khi hôm đầu tuần Mỹ và EU cam kết sẽ gỡ bỏ cấm vận kinh tế và ngoại giao đã được áp đặt từ chính quyền Pa-lét-xtin từ tháng 3 năm ngoái. Mỹ còn quyết định phục hồi những cuộc tiếp xúc ngoại giao với Pa-lét-xtin. I-xra-en cũng chấm dứt 15 tháng tẩy chay Pa-lét-xtin bằng việc nối lại các cuộc chính thức cấp cao chính phủ khẩn cấp của Pa-lét-xtin.

4. Chiến dịch “bóng ma sấm sét” ở I-rắc

Đó là một chiến dịch có quy mô lớn nhất kể từ khi Mỹ tấn công I-rắc 4 năm trước. Hôm thứ hai, 18-6-2007, khoảng 10 nghìn lính Mỹ được trang bị các loại xe thiết giáp hạng nặng phối hợp với các lực lượng I-rắc bắt đầu chiến dịch mang tên “Bóng ma sấm sét” nhằm truy kích các phần tử Al-quê-đa và các phần tử vũ trang khác. Chiến dịch này nằm trong loạt tấn công mới của các lực lượng Mỹ và I-rắc ở hai đầu Bắc, Nam thủ đô Bát-đa. Các quan chức Mỹ cho rằng, mạng lưới khủng bố Al-quê-đa đang âm mưu đẩy quốc vụ tấn công. Hơn 120 người đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong một tuần đầy bạo lực vừa qua ở I-rắc. Trong đó, hôm thứ ba, 19-06-2007, được xem như ngày đẫm máu nhất, khi một xe tải gài bom phát nổ bên ngoài nhà thờ ở Bát-đa làm 87 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương.

5. Hội nghị thượng đỉnh EU - dỡ bỏ rào cản vào phút chót

Ngày 21-6-2007, các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã cùng nhóm họp ở Brúc-xen (Bỉ). Hội nghị thượng đỉnh lần này của EU diễn ra trong lúc đang có những bất đồng gay gắt giữa các nước thành viên xung quanh Bản dự thảo Hiến pháp mới của Khối. Sau nhiều cuộc tranh luận kéo dài hơn dự kiến, cuối cùng ngày thứ bảy, 23-6-2007, các nhà lãnh đạo EU cũng đã đạt được thỏa thuận về Hiệp ước mới thay thế bản Hiến pháp đã bị hai nước thành viên là Pháp và Hà Lan bác bỏ năm 2005. Thỏa thuận này chỉ đạt được sau khi Ba Lan chấp nhận thôi không phản đối dự thảo hiệp ước. Theo giải pháp thỏa hiệp, từ nay đến năm 2014, Ba Lan sẽ được nhận một tỷ lệ phiếu bầu trong Hội đồng Bộ trưởng EU gần tương đương với Đức. Ba Lan cũng sẽ nhận được sự ủng hộ của Khối trong trường hợp xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng. Thỏa thuận mà 27 nước EU đạt được mới ở dạng sơ thảo chưa định hình một cách chi tiết. Dự kiến, tại Hội nghị cấp cao EU vào tháng 10 tới, những thỏa thuận trên có thể được phê chuẩn vào năm 2009.

6. Trung Quốc trở thành nước thải ra khí CO2 nhiều nhất thế giới

Theo bản báo cáo của cơ quan nghiên cứu môi trường Hà Lan công bố hôm 21-6-2007, Trung Quốc đã thải ra 6,2 tỉ tấn khí CO2, trong khi Mỹ thải ra 5,8 tỉ tấn. Như vậy, việc Trung Quốc vượt Mỹ về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã xảy ra sớm hơn so với những dự báo trước đó. Tuy nhiên thông tin này được đánh giá là không quá bất ngờ khi mà kinh tế Trung Quốc đã phát triển với tốc độ hơn 9% trong 25 năm liên tiếp. Phía Trung Quốc phản đối và cho rằng điều này là không công bằng vì lượng khí thải của Trung Quốc tính theo đầu người mới bằng ¼ so với Mỹ và hàng hóa của hầu hết các nước phát triển chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc.

SỰ KIỆN 7 NGÀY TỚI

1. Ngày 25-6-2007, tại Thanh Hóa, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Công An, Ủy Ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa ký cam kết và phát động toàn ngành ra quân phòng chống ma túy trong trường học.

2. Ngày 26-6-2007, Hội Nghị công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Capuchia 2007

3. Ngày 27-6-2007, tại Luân Đôn (Anh), Thủ tướng Toni Blair đệ trình đơn xin từ chức lên Nữ hoàng Anh

4. Từ ngày 27 đến 30-6-2007, tại Quảng Nam diễn ra lễ hội “Quảng Nam hành trình di sản văn hóa Đông Dương 2007”

5. Ngày 1-7-2007, tại Hồng Kông (Trung Quốc) tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày Hồng Kông trở về Trung Quốc, với sự tham gia của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

6. Ngày 1-7-2007, tại Bắc Kinh (Trung Quốc) kỷ niệm 86 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc