“Các anh ơi, xin đón các anh về!” (Kỳ IV)
Cũng như các thế hệ trước, cán bộ, chiến sĩ Đội 584 hôm nay đã gạt bỏ bao nhiêu vướng bận, riêng tư, tạm quên đi khó khăn, vất vả, những đau thương mất mát của gia đình mình để lên đường làm nhiệm vụ. Cùng đồng đội bươn bả trong rừng Lào, sau lưng họ, phía bên kia Trường Sơn là vợ, con, cha, mẹ mòn mỏi ngóng trông, đợi chờ… Có thể nói, hơn 40 cán bộ, chiến sĩ Đội quy tập 584 là hơn 40 cuộc đời, số phận mà mỗi người là một câu chuyện bình dị nhưng đầy xúc động.
Kỳ IV: Mùa mưa đến, ba sẽ về con ạ!
Cô Nguyễn Thị X, vợ chưa cưới của hạ sĩ Trương Quang Thanh tưởng chừng không thể nào vượt qua được nỗi đau này, khi chỉ còn mấy ngày nữa là Thanh, chồng chưa cưới của cô xuất ngũ về nước, hai người sẽ tổ chức đám cưới. Thanh sẽ làm thợ mộc, còn X. buôn bán lặt vặt, cùng vun đắp một cuộc sống êm đềm. Nhưng, trong cơn mưa giông bất ngờ vào ngày 14-4-2004, hạ sĩ Trương Quang Thanh trên đường đi tìm đồng đội tại bản Khăm Mạy, huyện Mường Phìn, tỉnh Sa-vẳn-na-khệt đã bị cành cổ thụ to gãy, quật vào người. Nghe tiếng cây đổ, thượng tá Lưu vội lao đến, thấy hai dòng máu rỉ ra ngoài tai… Đồng đội đưa anh đến viện, nhưng, chỉ cách viện hai cây cuối cùng nữa thì Thanh ra đi! Thanh vốn là lính công binh, là một tiểu đội trưởng đầy trách nhiệm, nhiệt tình, gương mẫu. Vừa biền biệt xây dựng công trình phòng thủ ngoài đảo Cồn Cỏ xong, anh lại xung phong vào Đội 584 sang nước bạn Lào tìm đồng đội… Nhà nghèo, cha mẹ già yếu, nên anh dự định khi hoàn thành nhiệm vụ trong mùa khô này, sẽ xuất ngũ về quê huyện Gio Linh - Quảng Trị. Với số tiền phụ cấp, trợ cấp nhận được sau thời gian làm nghĩa vụ quân sự, anh sẽ mua sắm đồ nghề làm thợ mộc, cưới vợ… Vậy mà, ước mơ giản dị đó của anh đã không thành. Đồng đội tổ chức lễ truy điệu, đưa Thanh về quê nhà. Tháng tư, hoa Đoọc-mạy-pi nở vàng rực những cánh rừng. Sông Hiếu cạn khô. Cánh đồng Gio Linh cháy nắng và gió…
“Bao năm ngủ dưới đất sâu
Giờ xin ngủ tiếp dưới bầu trời xanh
Đường xa ru giấc gập ghềnh
Sườn non dằng dặc bồng bềnh mây trôi
Ước gì mây đỡ làm nôi
Gió đưa làm quạt sông trôi lặng thầm
Để bạn yên giấc ngàn năm
Lời ru xin tặng khúc nằm trên lưng
Lại đi qua lại cánh rừng
Một thời binh lửa đã từng địu nhau
Suối sâu ru giấc qua cầu
Nửa mây nửa nước nửa sầu phong rêu
Sườn non giấc ngủ cheo leo
Giấc qua chợ huyện eo xèo cá cua.
Qua rồi vất vả ngày xưa.
Bom rung đạn giật nắng mưa một thời.
Chiến tranh cũng đã qua rồi
Con đường bên lở bên bồi còn đây
Bạn ơi, xin giấc ngủ say
Xương gầy trên tấm lưng gầy có đau?
Ngày mai bạn tới đất sâu,
Chẳng còn đưa bạn dưới bầu trời xanh”.
Hình như chưa có bài thơ nào viết về sự hy sinh, mất mát của người lính đi tìm đồng đội, chỉ có bài thơ “Lời ru hài cốt ngủ trên lưng” của cựu chiến binh Bùi Nguyên Ngọc, một lời ru ân tình, trọn nghĩa, xin được đọc tiễn biệt Thanh, Hòa và bao nhiêu người lính đã hy sinh trên đường đi tìm đồng đội.
Thiếu úy Nguyễn Văn Quang, lái xe Zin ba cầu, vợ mất mới hai tháng, con trai chưa đầy 3 tuổi, thì nhận được lệnh lên đường... Anh xin phép nghỉ 2 ngày đưa con vào gửi người chị gái trong Phú Bài, Thừa Thiên Huế. Thằng bé còn quá bé bỏng, yếu đuối. Mẹ mất, nó chỉ còn biết trông ngóng vào bố. Vào Huế, thằng bé cứ rụt rè, nem nép. Các bác, các dì, anh chị dỗ dành, cho quà nó không nhận. Hình như nó linh cảm được ba nó sẽ đi đâu đó rất lâu, nên cứ ôm mãi chân Quang không rời… Quang phải gỡ đôi bàn tay bấu chặt của con, chạy vụt đi. Sau lưng còn nghe tiếng con khóc, nói chưa rõ lời: “Ba ơi đừng đi! Ba ơi, về nhà với con!”. Chạy một mạch cho đến chỗ ngõ khuất, Quang dừng lại, vịn vào tường rào, khóc. Sau này, khi con trai anh đã ở quen với người chị gái, mỗi lần anh từ Lào về, thằng bé cứ mân mê, sờ nắn cái ba lô bạc phếch của anh, câu đầu tiên nó hỏi là: “Khi mô thì ba lại đi?”. Rồi trước khi anh đi, nó lại hỏi líu lo:
-“Khi mô thì ba về?”.
-“Đến mùa mưa, con trai ạ!”.
-“Mùa mưa là chi, ba?”.
-“Khi nào con thấy ngoài trời mưa thật to, thì ba sẽ về với con!”.
Hành trang lên đường của một người lính quy tập hài cốt liệt sĩ 584 chỉ đơn giản thế này: áo quần bảo hộ lao động: 4 bộ; quân phục: 1 bộ; giày vải: 4 đôi; dép nhựa: 1 đôi; ba lô, tăng võng: 1 bộ; túi xách: 1 chiếc, găng tay: 3 đôi; mũ tai bèo: 2 cái; cuốc, xẻng: mỗi thứ 2 cái; mỗi xe trang bị thêm một bộ dao, kéo cắt tóc… Nhưng trong hành trang của họ còn mang nặng thêm bao nhiêu tình cảm với người thân, gia đình. Không quên được hình ảnh của đứa con trai bé bỏng, tội nghiệp mất mẹ, xa bố, vậy mà mỗi khi ngồi trước vô lăng, sau thùng xe là đồng đội - cả người sống lẫn hài cốt liệt sĩ, thì trước mặt Quang chỉ còn con đường rừng cheo leo hiểm trở. Gạt hết mọi vướng bận, đau buồn, tất cả tinh lực trong con người anh đều tập trung vào tay lái, sao cho chiếc Zin ba cầu “đi đến nơi về đến chốn” an toàn.
Ở Mường Nòn, nhóm của anh vừa đi vừa mở đường. Phải dọn cắt cây đổ, bẫy đá, san ngầm, chống lầy, kê kích cho xe tiến dần từng mét. Một đêm dừng xe bên chùa Tà Khống, huyện Sê-pôn, Quang lơ mơ ngủ thì cảm giác như nghe tiếng ai gọi khẽ: “Quang ơi, sao lại để chúng tôi bị ướt thế này?”. Quang tỉnh giấc, thấy trời bắt đầu mưa nặng hạt, xung quanh đồng đội đã ngủ yên. Anh ra kiểm tra xe, quả nhiên thấy nước mưa chảy dột trên mái lều làm tạm bằng ni lon che cho số hài cốt liệt sĩ vừa mới tìm kiếm, cất bốc được trong ngày. Anh lụi hụi một mình chuyển hết hài cốt liệt sĩ vào trong chùa tránh mưa… Và đêm mưa ấy, dậy lên trong tim anh nỗi nhớ thương người vợ đã mất. Chuỗi ngày đầm ấm, êm đềm hạnh phúc không được bao nhiêu. Cưới nhau xong chưa kịp quen hơi bén tiếng thì chồng cứ biền biệt trong những cánh rừng Lào, cô ấy phải sinh con, nuôi con một mình. Thằng bé sinh thiếu tháng, đau ốm thường xuyên, cô ấy phải tất tả ngược xuôi lo cho gia đình mình, lo cho hai bên nội, ngoại…
Giữa rừng Lào, theo lời kể của thượng tá Trần Hữu Lưu, anh em cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị sợ nhất là điện khẩn “TK”! Cứ cuối mỗi buổi chiều, bộ đội ngồi chờ đồng chí cơ yếu dịch xong bức điện từ “nhà” chuyển sang. Anh em liếc nhìn vẻ mặt đội trưởng Lưu, chờ anh tuyên bố: “Điện thường, không phải điện TK!”, thì mới bắt đầu ăn cơm. Bởi vì điện “TK” thường là những thông tin về hoạn nạn của gia đình một đồng chí nào đó trong Đội, được thủ trưởng Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị trực tiếp ký điện, lệnh gọi đồng chí đó “ngày… giờ… phải có mặt tại cơ quan Bộ Chỉ huy quân sự nhận nhiệm vụ”. Ai cũng mong đừng bao giờ có loại điện này. Chính vì thế, thượng tá Lưu đã dặn các anh ở nhà, có gì cứ gửi điện thường thôi, đừng gửi điện “TK”, làm anh em lo lắng.
Giữa rừng Lào, bộ đội 584 thèm nhất rau xanh. Hôm cả đội vào bản A Lang giúp nhân dân làm nhà, dân bản tặng bộ đội một ít rau, ngon không kể xiết! Những ngày vào bản làm công tác dân vận thực là những ngày vui vẻ, thoải mái nhất đối với cán bộ, chiến sĩ 584. Bà con dân bản kéo đến rất đông, cùng làm với bộ đội, chuyện trò vui vẻ. Mỗi chuyến đi quy tập hài cốt liệt sĩ, anh em luôn mang theo dự phòng 30% cơ số thuốc chữa bệnh, và lần nào về, túi thuốc quân y cũng rỗng không, bởi vì đã cấp, phát, sử dụng chữa bệnh cho nhân dân.
Trong khi đi làm nhiệm vụ, người lính 584 ít khi ốm đau lặt vặt. Chỉ khi về nước rồi, mới bắt đầu đổ bệnh hàng loạt, chủ yếu là sốt rét. Anh em nói, đó là vì khi về đơn vị mới bị “ngã nước”. Nhưng chuyện ốm, cũng phải một thời gian nữa mới “được ốm” – anh em nói đùa vậy. Còn bây giờ, cán bộ, chiến sĩ dù đã ở trong doanh trại rồi, nhưng vẫn bận “tối mắt, tối mũi” bởi vô vàn công việc, từ hoàn tất mọi thủ tục bàn giao hài cốt liệt sĩ, làm công tác chuẩn bị cho mùa khô tới, rồi ổn định đơn vị, tu sửa nhà cửa, doanh trại…
Cái nhà bếp, nhà ăn của đơn vị trống hoác, gió lùa bốn phía. Hai chiếc Zin ba cầu vốn được coi như những “đồng đội thân yêu” còn đang phải tiếp tục dầm mưa dãi nắng ngoài trời, bởi chưa có nhà xe… Rất nhiều đồng chí, vợ ở nhà gọi điện lên: “Em và con nhìn thấy anh trên truyền hình Quảng Trị rồi, em thấy anh đang đào mộ, đang hành quân trong rừng Lào. Nhưng em biết anh đã về nước rồi. Bao giờ thì anh được về nhà?”. Đó là phóng sự truyền hình của phóng viên Xuân Trọng, Ban Tuyên huấn, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị thực hiện, đã vô tình “tiết lộ thông tin” cho những người vợ lính. Còn thiếu úy Nguyễn Văn Quang - chính người bạn cùng học thời phổ thông của chúng tôi, cho đến lúc ấy, dù mùa mưa đã đến rồi mà vẫn chưa thực hiện được lời hứa với con trai!
Phút giây chan hòa của cán bộ,
chiến sĩ Đội 584
(Ảnh Trần Hoài) |
Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị với Triều Tiên  (27/07/2008)
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 41 (AMM-41)  (27/07/2008)
Việt Nam chủ trì thảo luận dự thảo báo cáo của Hội đồng Bảo an  (27/07/2008)
“Các anh ơi, xin đón các anh về!” (Kỳ III)  (26/07/2008)
“Các anh ơi, xin đón các anh về!” (Kỳ III)  (26/07/2008)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên