Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 41 (AMM-41)
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 41 (AMM-41), với chủ đề “Một ASEAN ở trái tim của châu Á năng động” đã diễn ra tại Xin-ga-po trong hai ngày 20 và 21-7-2008. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Ngoại giao của các nước thành viên ASEAN và Tổng thư ký ASEAN Xu-rin Pít-xu-oan.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã thảo luận và thông qua Thông cáo chung, kiểm điểm các hoạt động của ASEAN từ AMM-40 đến nay và phương hướng, biện pháp đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực đồng bộ xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột: An ninh - chính trị, Kinh tế và Văn hoá - xã hội, bảo đảm hoàn thành mục tiêu theo đúng lộ trình đề ra. Các Bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc thu hẹp khoảng cách phát triển trong quá trình liên kết khu vực và xây dựng Cộng đồng ASEAN; theo đó, nhất trí kết hợp ba Kế hoạch tổng thể xây dựng ba trụ cột và Kế hoạch công tác Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) về thu hẹp khoảng cách phát triển giai đoạn II thành một chương trình hành động chung cho giai đoạn 2009-2015, là chương trình kế tiếp của Chương trình Hành động Viêng-chăn (VAP), và sẽ trình lên Hội nghị cấp cao ASEAN-14.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố về triển khai Hiến chương ASEAN, khẳng định lại cam kết của tất cả các nước thành viên hoàn thành việc phê chuẩn Hiến chương trước Hội nghị cấp cao ASEAN-14 tại Băng-cốc, Thái Lan; đồng thời khẩn trương tiến hành các bước chuẩn bị cần thiết cho Hiến chương chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2009.
Hội nghị cũng bàn bạc về vấn đề chính trị tại Mi-an-ma. Từ trước đến nay, ASEAN vẫn duy trì nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các thành viên, mọi quyết định vẫn cần phải có sự đồng thuận chung. Trong vấn đề nhạy cảm này, phương Tây đánh giá các ngoại trưởng ASEAN có tiếng nói mạnh mẽ hơn về vấn đề đó tại Hội nghị.
Hội nghị diễn ra đúng thời điểm căng thẳng giữa Thái Lan và Cam-pu-chia xung quanh vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền quanh ngôi đền Prét Vi-hia giữa hai nước. Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN kêu gọi hai bên liên quan tự kiềm chế, giải quyết vấn đề thông qua các đối thoại hoà bình, phù hợp luật pháp quốc tế, trên tinh thần đoàn kết và láng giềng thân thiện truyền thống của ASEAN. Các nước ASEAN đã đề nghị đứng ra làm trung gian. Ngoại trưởng Cam-pu-chia đề nghị thành lập một “Nhóm liên bộ trưởng ASEAN” bao gồm các ngoại trưởng của Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Việt Nam và Lào với nhiệm vụ “tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện tại và tránh sự đối đầu quân sự giữa hai nước thành viên ASEAN”.
Hội nghị khẳng định ASEAN sẽ tích cực đẩy mạnh hơn nữa hợp tác khu vực và quốc tế nhằm tìm ra các giải pháp lâu dài và bền vững về an ninh lương thực, năng lượng, tài chính trước những diễn biến phức tạp trong thời gian qua. ASEAN cũng nhất trí trên nguyên tắc tổ chức vào cuối năm nay một “Hội nghị thượng đỉnh lương thực” theo đề xuất của In-đô-nê-xi-a. Các ngoại trưởng thảo luận về “thách thức ngày càng tăng mà tình trạng leo thang giá dầu và lương thực... gây ra đối với phúc lợi của nhân dân cũng như sự phát triển kinh tế liên tục của các quốc gia”. Các nước ASEAN cũng lo ngại rằng, sự rối loạn tài chính toàn cầu có thể dẫn đến kiểu phản ứng dây chuyền, gần giống thời kỳ khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á năm 1997 - 1998.
Trên cơ sở đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hành động triển khai Hiệp ước về khu vực Đông - Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), được thông qua tại Hội nghị AMM-40, các Bộ trưởng đã nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác để triển khai hiệu quả Hiệp ước SEANWFZ vì một khu vực Đông - Nam Á hoà bình, ổn định và không có vũ khí hạt nhân.
Hội nghị AMM-41 cũng bàn biện pháp đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác với các bên đối thoại, cũng như định hướng phát triển và bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình hợp tác khu vực do ASEAN khởi xướng. Các Bộ trưởng hài lòng nhận thấy quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các bên đối thoại ngày càng được củng cố và phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, đánh giá cao sự ủng hộ mạnh mẽ và hỗ trợ tích cực của các nước đối tác trong và ngoài khu vực đối với nỗ lực xây dựng Cộng đồng của ASEAN.
Các nước ASEAN khẳng định mục tiêu ký kết Hiến chương ASEAN mang tính bước ngoặt sẽ được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN 14 dự kiến diễn ra tại Băng-cốc vào tháng 12 tới; theo đó, sẽ lập ra một cộng đồng kiểu Liên minh châu Âu (EU) với khoảng 560 triệu dân. Hội nghị đã ra Tuyên bố Xin-ga-po kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), cam kết tiếp tục thúc đẩy ARF phát triển hiệu quả hơn trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Cũng tại Hội nghị lần này, Ngài Gióc-giơ Yeo (George Yeo), Ngoại trưởng Xin-ga-po đã chuyển giao cương vị Chủ tịch ASC cho Thái Lan. Theo quy định mới, Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch ASC kế nhiệm sau Thái Lan, đã được bầu là Phó Chủ tịch ASEAN và Phó Chủ tịch ARF nhiệm kỳ tới.
Việt Nam chủ trì thảo luận dự thảo báo cáo của Hội đồng Bảo an  (27/07/2008)
“Các anh ơi, xin đón các anh về!” (Kỳ III)  (26/07/2008)
“Các anh ơi, xin đón các anh về!” (Kỳ III)  (26/07/2008)
Một số vấn đề đặt ra trong việc phát triển lý tưởng xã hội chủ nghĩa cho thanh niên hiện nay  (25/07/2008)
Thông báo tại cuộc họp báo thường kỳ của Người Phát ngôn ngày 24-7-2008  (25/07/2008)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên