Ngày 7-8 vừa qua, tại Niu Đê-li, Ấn Độ và Trung Quốc đã tiến hành vòng đàm phán thứ 13 nhằm giải quyết tranh chấp giữa hai nước về đường biên giới. Hai bên đã trao đổi quan điểm nhằm tìm giải pháp chính trị cho cuộc tranh chấp, bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực dọc biên giới Trung - Ấn. Ngoài ra, hai bên còn thảo luận về các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương, cũng như các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Tuy nhiên, với những vấn đề do lịch sử để lại cùng với sự cạnh tranh trên trường quốc tế hiện nay, con đường mà hai nước Trung - Ấn phải trải qua còn rất nhiều gập ghềnh phía trước.

Nửa thế kỷ quan hệ thăng trầm

Hơn nửa thế kỷ qua, hai quốc gia khổng lồ ở châu Á, đồng tác giả của “Năm nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình” đã trải qua một mối quan hệ không mấy bằng phẳng. Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, Trung Quốc đã coi Ấn Độ là trọng điểm ngoại giao láng giềng của mình. Thời kỳ này, hai nước đã cùng phối hợp trong mục tiêu chống đế quốc, chống chiến tranh, đoàn kết với các nước Á - Phi, bảo vệ hoà bình thế giới.

Tuy nhiên, thời kỳ tốt đẹp này của hai nước kéo dài không lâu. Sau sự biến Tây Tạng (tháng 3-1959), tiếp đó là tranh chấp biên giới giữa hai nước dẫn đến xung đột quân sự năm 1962, quan hệ hai nước trở nên căng thẳng và bước vào thời kỳ băng giá kéo dài. Phải đến năm 1988, Thủ tướng R.Gan-đi mới tiến hành chuyến thăm Trung Quốc sau 34 năm kể từ chuyến thăm của Thủ tướng Nê-ru. Hai bên nhất trí cho rằng, 5 nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình cần được coi là cơ sở trong quan hệ quốc tế, trên cơ sở đó khôi phục, cải thiện và phát triển quan hệ láng giềng Trung - Ấn. Hai bên còn quyết định thành lập nhóm công tác liên hợp về biên giới để từng bước giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại.

Tiếp sau đó, hai nước tiến hành trao đổi nhiều đoàn cấp cao, tạo động lực mới cho mối quan hệ tin cậy lẫn nhau giữa hai nước. Hiện nay, quan hệ hai nước đang được hai bên xây dựng theo hướng ổn định và hợp tác. Thương mại song phương đã tăng từ 117 triệu USD vào năm 1978 lên 25 tỉ USD vào năm 2006. Năm 2006 được chọn là năm Hữu nghị Trung - Ấn, và cũng là năm Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm chính thức Ấn Độ. Tháng 7-2006, hai nước đã mở cửa lại con đường qua đèo Na-thu La lịch sử, vốn bị đóng cửa kể từ cuộc chiến tranh năm 1962, một biểu hiện cho sự thông thương Trung - Ấn.

Sự tương đồng và hợp tác

Nhìn lại lịch sử phát triển của mỗi nước cũng như cục diện thế giới hiện nay, có thể thấy Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước có nhiều điểm khá tương đồng. Thứ nhất là quy mô dân số. Trung Quốc với 1,3 tỉ người và Ấn Độ với 1,1 tỉ là hai nước đông dân nhất thế giới, chiếm hơn một phần ba dân số toàn cầu. Thứ hai là đà phát triển vượt bậc của hai nước trong những thập niên gần đây. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, trong giai đoạn 1995-2004, khi mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm của thế giới là 3%thì Trung Quốc tăng gấp ba lần (9,1%) và Ấn Độ gấp hai lần (6,1%).

Hiện nay, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đây cũng là hai điểm sáng hiếm hoi. Kinh tế Ấn Độ được dự đoán sẽ tăng trưởng khoảng 6%, còn Trung Quốc sẽ đạt mức 8% trong năm 2009. Song, điều làm thế giới quan tâm là tiềm năng to lớn cho phép hai nước tiếp tục tiến tới mục tiêu trở thành những cường quốc toàn cầu. Với tầm vóc “ngang ngửa” về tiềm năng kinh tế, cả hai đều có tham vọng trở thành siêu cường hay đúng hơn, theo họ, giành lại vị trí ngày trước mà lịch sử cận đại đã "lấy" mất của họ.

Con đường gập ghềnh phía trước

Tuy quan hệ Trung - Ấn những năm qua có nhiều tiến triển, nhưng vẫn còn những trở lực lớn cho sự phát triển trong tương lai.

Thách thức lớn nhất, dễ nhận thấy nhất là việc hai nước vẫn còn bất đồng lớn liên quan đến vấn đề tranh chấp biên giới. Trung Quốc và Ấn Độ có đường biên giới dài 4.056 km, được phân cách bởi dãy núi Hi-ma-lay-a hiểm trở và vùng cao nguyên Tây Tạng. Lịch sử của vấn đề này khá phức tạp. Tại hội nghị ba bên ở Sim-la giữa Ấn Độ (hồi đó do Anh thống trị), Trung Quốc và Tây Tạng năm 1914, một hiệp định đã được ký kết giữa đại diện của Đạt-lai Lạt-ma (Dalai Lama) và Hen-ri Mắc Ma-hôn nhằm xác định biên giới giữa Tây Tạng và Ấn Độ, do vậy đã cho ra đời đường biên giới lấy tên là Mắc Ma-hôn. Sau khi Ấn Độ giành được độc lập và Trung Quốc kiểm soát được Tây Tạng, phía Trung Quốc đã cố gắng thuyết phục Ấn Độ rằng, nước Anh là một nước đế quốc, do vậy tất cả các hiệp định hoặc hiệp ước đã được ký kết với Anh đều là những "hiệp ước theo chủ nghĩa đế quốc".

Trong những năm sau đó, hai nước đã trao đổi nhiều tài liệu khẳng định lập trường của mình. Năm 1993, trong thời gian Thủ tướng V.Na-ra-sim-ha Rao cầm quyền, hai nước đã ký một Hiệp định về duy trì hòa bình dọc đường ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) và thực thi các cơ chế nhằm tránh khả năng leo thang các vụ vi phạm biên giới. Đến nay, hai nước đã tiến hành được 13 vòng đàm phán về vấn đề tranh chấp biên giới, tuy nhiên vấn đề này khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều và có thể sẽ là một trở ngại lớn cho việc thúc đẩy quan hệ song phương.

Cùng với tranh chấp biên giới, quan hệ Trung - Ấn còn gặp phải một loạt vấn đề nhạy cảm khác, như mối quan hệ giữa Đạt-lai Lạt-ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng với Ấn Độ. Trong những năm 1950, khi Trung Quốc đưa quân vào Tây Tạng, Đạt-lai Lạt-ma đã chạy sang Ấn Độ và được phía Ấn Độ giúp đỡ; từ đó, vấn đề Tây Tạng trở thành một trong những nguyên nhân gây bất đồng giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Bên cạnh đó, hiện nay hai nước cũng tỏ ý nghi ngờ về mục tiêu chiến lược của nhau. Trung Quốc hiện đang rất chú ý phân tích những động thái của mối quan hệ Mỹ - Ấn liên quan đến vấn đề hợp tác hạt nhân dân sự. Mối quan hệ ngày càng thắt chặt giữa Mỹ - Ấn cho thấy rõ vai trò ngày càng tăng của Ấn Độ trong bàn cờ chiến lược của Mỹ. Ngược lại, phía Ấn Độ cũng hết sức dè chừng với Trung Quốc vì mối quan hệ thân thiết của nước này đối với Pa-ki-xtan, một quốc gia thù địch với Ấn Độ.

Bên cạnh mâu thuẫn trong các vấn đề trên, hai nước Trung - Ấn còn cạnh tranh quyết liệt trong việc gây ảnh hưởng đối với các nước và khu vực khác như Đông Nam Á, châu Phi... Hiện cả Trung Quốc và Ấn Độ đang ra sức tăng cường ảnh hưởng của mình ở Đông Nam Á, thúc đẩy nhiều dự án hợp tác tiểu vùng với các nước ASEAN. Như vậy, có thể nói, trong triển khai chính sách đối ngoại của mình, hai nước Trung - Ấn khó tránh khỏi những va chạm và cạnh tranh để giành lợi thế.

Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước lớn, có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, là hai cái nôi của nền văn minh nhân loại. Hai thí dụ thường được nêu lên cho mối bang giao của họ từ những thế kỷ xa xưa là sự lan truyền của đạo Phật từ Ấn Độ sang Trung Hoa và con đường tơ lụa. Đây cũng là những điểm hay được nhắc đến trong các tuyên bố cổ vũ cho sự hợp tác giữa hai nước. Trongchuyến thăm chính thức Ấn Độ tháng 11-2006, cao điểm của "Năm hữu nghị Ấn - Trung 2006", Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tuyên bố: "Nếu Ấn Độ và Trung Quốc cùng hợp tác với nhau, thế kỷ XXI sẽ thực sự là thế kỷ của châu Á".

Mong muốn là vậy, song thực tế có như vậy hay không, một khi giữa hai nước còn khá nhiều bất đồng và cạnh tranh? Câu chuyện về hai người khổng lồ châu Á, vì thế chắc sẽ cần thêm thời gian để có câu trả lời./.