TCCSĐT - Trong hai ngày 20 và 21-8, tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Một số lý thuyết kinh tế chính trên thế giới hiện nay qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam” trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9.

Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Kỳ họp. Các đồng chí thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương cùng 35 đồng chí là lãnh đạo, quản lý, chuyên gia am hiểu sâu sắc lĩnh vực liên quan về chủ đề của Hội thảo đã tham gia thảo luận.

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích, qua thực tế cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, phân tích và khẳng định giá trị khoa học, vai trò nền tảng của học thuyết mác-xít; phân tích những mặt được, chưa được của một số lý thuyết kinh tế hiện đại; đúc rút những kinh nghiệm và luận cứ khoa học góp phần phục vụ cho việc tiếp tục xây dựng mô hình kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo nêu rõ: Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lần này xảy ra trong điều kiện nền kinh tế thế giới đang được toàn cầu hóa một cách mạnh mẽ, khi trí tuệ loài người đã vươn tới trình độ “kinh tế tri thức” được trang bị và dẫn dắt bởi hàng chục, hàng trăm học thuyết, lý thuyết kinh tế vốn là sản phẩm của những bộ óc siêu việt. Trong tình huống lịch sử đó, cần phải xem xét trên tinh thần phê phán khoa học các mô hình thực tiễn và các lý thuyết kinh tế đã từng được hay đang được sử dụng để dẫn dắt và định hướng các quá trình thực tiễn. Cuộc khủng hoảng buộc phải định vị lại giá trị của các lý thuyết phát triển, một đòi hỏi khách quan, gắn với sứ mệnh của lý luận chính trị. Cuộc khủng hoảng với tất cả sức mạnh “phá hủy và sáng tạo” của nó buộc chúng ta cần phải có những cách tiếp cận phát triển mới, những khai phá và đột phá trên phương diện thực tiễn và tư duy lý luận. Điều quan trọng đặt ra là phải làm sáng tỏ hàng loạt vấn đề gắn với giai đoạn hậu khủng hoảng và sự thay đổi của tư duy lý luận và các lý thuyết phát triển của thế giới bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng; phải đánh giá và dự báo tác động của khủng hoảng và hậu khủng hoảng với tư cách là biến số toàn cầu - thời đại đến triển vọng phát triển của đất nước ta, bao gồm trong đó sự phát triển của tư duy lý luận; góp phần bổ sung và phát triển Cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và Báo cáo chính trị Đại hội XI, góp phần xây dựng hệ thống lý thuyết phát triển cho Việt Nam và của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.


Tại Hội thảo, nhiều tham luận đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu và thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương như: “Một số lý thuyết kinh tế và bài học đối với Việt Nam” của GS,TS Nguyễn Thị Doan; “Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay và các lý thuyết kinh tế” của GS.TSKH Võ Đại Lược (Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương); “Lý thuyết Cầu hiệu quả của J.M.Keynes với cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay” của PGS,TS Nguyễn Xuân Thắng (Viện Khoa học xã hội Việt Nam); “Khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế - Những thách thức về lý thuyết kinh tế” của TS Lê Đăng Doanh (Viện Nghiên cứu phát triển); “Khủng hoảng kinh tế thế giới và bài học cho Việt Nam” của TS Lê Hồng Nhật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); “Đổi mới nhận thức về thể chế kinh tế thị trường hiện đại trong giai đoạn “hậu khủng hoảng” của TS Trần Du Lịch... TS Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đề cập đến những “Thách thức và cơ hội đối với Việt Nam dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu". GS,TS Nguyễn Văn Nam (Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) đã trao đổi về các mô hình lý thuyết về khủng hoảng tài chính và yêu cầu bổ sung khung lý thuyết mới cho hệ thống ngân hàng - tài chính Việt Nam qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008...

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Tô Huy Rứa đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo với kinh nghiệm phong phú, kiến thức sâu rộng và lòng nhiệt tình, tâm huyết. Các đại biểu đã thảo luận, trao đổi, tranh luận hết sức sôi nổi, cởi mở, dân chủ về chủ đề của Hội thảo với ý thức trách nhiệm cao, gắn kết nghiên cứu lý luận với những vấn đề thực tiễn nóng bỏng đang đặt ra trong đời sống của đất nước. Đồng chí đồng tình với các ý kiến phát biểu cho rằng, việc lựa chọn chủ đề Hội thảo là đúng và trúng, bám sát nhu cầu thực tiễn của đất nước ta, phù hợp chức năng nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận Trung ương, thu hút được sự quan tâm, chú ý của các nhà khoa học, các nhà quản lý.

Đồng chí nhấn mạnh: Hội thảo làm rõ hơn thực chất và nguyên nhân của cuộc khủng hoảng; làm sáng tỏ hơn một bước quan trọng nhiều vấn đề rất cơ bản và bức thiết về các lý thuyết kinh tế qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuân thủ nguyên tắc thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý”, các ý kiến phát biểu, với các cách tiếp cận cụ thể khác nhau, nhưng đều có những điều mới, đã phân tích sâu sắc, đánh giá lại giá trị của các học thuyết kinh tế chính trên thế giới, đặt trong mối quan hệ hết sức quan trọng - đó là mối quan hệ giữa hệ thống lý thuyết kinh tế chính với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra. Mối quan hệ ấy đã được nhìn nhận, phân tích trong trạng thái động. Các ý kiến phát biểu đã đưa ra nhiều kiến nghị xác định những vấn đề đang đặt ra đối với nước ta cả về phương diện lý luận và thực tiễn ứng phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và định hướng giải quyết chúng với nhiệm vụ luận giải cơ sở lý luận và thực tiễn cho mô hình phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam trong thế giới toàn cầu hóa "hậu khủng hoảng".

Đồng chí Tô Huy Rứa nêu rõ: Những báo cáo tham luận, ý kiến trao đổi tại Hội thảo sẽ được Hội đồng Lý luận Trung ương biên tập, chắt lọc, khai thác triệt để, tổng hợp thành các luận cứ khoa học và sẽ sớm được báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các tiểu ban chuẩn bị Văn kiện Đại hội XI của Đảng. Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ tiếp tục theo hướng này để tổ chức hội thảo góp phần tìm ra một mô hình kinh tế thích hợp hơn và cơ cấu lại nền kinh tế của nước ta; mong các nhà khoa học, các chuyên gia quan tâm nghiên cứu nhiều hơn học thuyết của Mác- Lênin về kinh tế và những vấn đề đặt ra trực tiếp đối với Việt Nam./.