TCCSĐT - Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là vấn đề chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, là gốc rễ của mọi thành công. Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Người để lại bản Di chúc thiêng liêng với lời căn dặn phải giữ gìn đoàn kết như giữ gìn “con ngươi của mắt mình”. Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc là dịp để chúng ta cùng ôn lại, ghi nhớ và thực hiện tốt hơn tư tưởng chiến lược đại đoàn kết theo mong muốn của Người.

Tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hình thành trên cơ sở vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, đồng thời, kế thừa, phát triển truyền thống đoàn kết hàng nghìn năm của dân tộc. Đại đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh có nội hàm và phạm vi rất rộng nhưng trong Di chúc, Người tập trung vào ba nội dung cốt lõi là: đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế.

Thứ nhất, đoàn kết trong Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến xây dựng, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, coi đó là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh để chiến thắng kẻ thù. Ngay khi Đảng ta ra đời, điểm đầu tiên trong “Năm điểm lớn” do Nguyễn Ái Quốc đề ra trong Hội nghị thành lập Đảng ghi rõ: “Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương”. Trong lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam ngày 3-3-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng tuyên bố trước toàn thể dân tộc: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là: Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”(1).

Trong Di chúc, điều trước tiên của phần “Trước hết nói về Đảng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến đoàn kết và ý nghĩa quyết định của đoàn kết trong Đảng đối với đoàn kết toàn dân: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Từ đó, Người căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Sự đoàn kết này phải thể hiện cả trong tư tưởng, hành động và phải đi đến sự thống nhất, đồng thuận cao. Đảng tuy nhiều người, song khi tiến hành thì chỉ như một người; trong Đảng không thể có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, không thể bằng mặt, không bằng lòng.

Sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng trước hết phải dựa trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác – Lê-nin và đường lối, quan điểm, mục tiêu, lý tưởng của Đảng, trên tình đồng chí chân thành. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “Đồng chí ta, tuy có khi khác nhau về chủng tộc hay khác nhau về nguồn gốc giai cấp, nhưng là những người cùng chủ nghĩa, cùng mục đích, cùng sống, cùng chết, chung sướng, chung khổ, cho nên phải thật thà đoàn kết”(2). Theo Người, “Hiểu chủ nghĩa Mác – Lê-nin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin được”(3). Đây là cách diễn đạt độc đáo, vừa giản dị, vừa sâu sắc, thấm đậm tính nhân văn, quan điểm mác-xít về đoàn kết theo phong cách Hồ Chí Minh.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết, thống nhất trong Đảng là chiến lược, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối cách mạng Việt Nam. Không chỉ khẳng định vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết phải gìn giữ và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, coi đó là “điều trước tiên” khi nói về Đảng, trong Di chúc Người còn chỉ rõ cách làm thế nào để giữ được đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Theo Người, “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Tự phê bình và phê bình được coi là vũ khí sắc bén, là động lực tự thân bên trong giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên đoàn kết, tiến bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đây là “cách tốt nhất”, là “thang thuốc” hay nhất, hữu hiệu nhất để phát huy ưu điểm, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Tuy nhiên, Người cũng lưu ý rằng, tự phê bình và phê bình cần được tiến hành từ trên xuống và từ dưới lên, phê bình việc chứ không phải phê bình người, phải xuất phát từ tình thương yêu đồng chí và phải tiến hành thường xuyên như “rửa mặt hàng ngày”.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Theo Người, đây là một nội dung cơ bản làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, được dân tin yêu, ủng hộ, tạo nền tảng vững chắc cho sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và trong xã hội.

Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng phải dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, trên cơ sở điều lệ Đảng và nguyên tắc, nhiệm vụ của người đảng viên, gắn dân chủ với tập trung, mở rộng dân chủ đi đôi với đề cao kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Người nói: “Để làm cho Đảng mạnh, thì phải mở rộng dân chủ, thực hành lãnh đạo tập trung, nâng cao tính tổ chức và kỷ luật”(4). Muốn vậy, phải tạo ra cơ chế, môi trường thuận lợi để mọi đảng viên được tự do tư tưởng, bày tỏ nhu cầu, nguyện vọng, đóng góp ý kiến cho Đảng, không sợ bị trù dập, bị phân biệt đối xử khi trình bày những ý kiến khác biệt. Mặt khác, cần thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hiện tượng và nguyên nhân dẫn đến mất đoàn kết trong Đảng.

Thứ hai, đoàn kết toàn dân

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân thì nhân dân là nền tảng, là chủ thể, là nguồn gốc sức mạnh của đại đoàn kết, là lực lượng quyết định thắng lợi của cách mạng. Người chỉ rõ: “Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” và “Gốc có vững, cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Tin dân, trọng dân, dựa vào dân, phấn đấu hy sinh vì quyền lợi của nhân dân là hạt nhân cơ bản trong chiến lược đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để đoàn kết, quy tụ, tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân và các thành phần, lực lượng trong xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy phải luôn quan tâm, chăm lo, đáp ứng những lợi ích thiết thực của nhân dân.

Sau khi nước ta giành được độc lập, phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Người chỉ rõ: “Chúng ta giành được độc lập, tự do rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Vì vậy, trong Di chúc Người căn dặn: “Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Cùng với việc phải quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, theo Người, phải chú trọng nêu gương để thực hành đoàn kết, trước hết là đoàn kết trong Đảng. Mọi cán bộ, đảng viên, bộ đội, thanh niên phải đoàn kết chặt chẽ để làm gương cho quần chúng nhân dân; cấp trên phải đoàn kết để làm gương cho cấp dưới; các bậc phụ huynh, các cụ phụ lão cũng phải giữ gìn đoàn kết để noi gương cho con cháu.

Tư tưởng chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện ra điểm tương đồng để gắn bó mọi người là có cùng nguồn gốc con Lạc, cháu Hồng, đều có lòng yêu nước, thương nòi. Người đã lấy hình tượng năm ngón tay trong một bàn tay để nói lên sự cần thiết phải đoàn kết. Trong thư gửi đồng bào Nam Bộ ngày 1-6-1946 Bác viết: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”(5).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng phải là người lãnh đạo, là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân. Để đoàn kết thật sự, bền vững, lâu dài, phải khắc phục tình trạng đoàn kết một cách hình thức, xuôi chiều, nể nang, không dám đấu tranh với những mặt chưa tốt. Người viết: “Đoàn kết thật sự nghĩa là vừa đoàn kết vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau và phê bình trên lập trường thân ái, vì nước, vì dân”. Muốn lãnh đạo xây dựng khối đoàn kết toàn dân thì trước hết Đảng phải có chính sách đúng đắn, bởi chỉ khi quần chúng thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo.

Thứ ba, đoàn kết quốc tế

Trong chiến lược đại đoàn kết thể hiện trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề đoàn kết trong Đảng và đoàn kết dân tộc gắn liền với đoàn kết quốc tế. Đoàn kết trong Đảng phải dựa trên cơ sở thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tuyệt đối trung thành với lợi ích giai cấp và dân tộc thì mới đoàn kết được toàn dân và đoàn kết quốc tế vững chắc, lâu bền. Từ đoàn kết toàn dân tộc phải đi đến đoàn kết quốc tế và đoàn kết dân tộc đúng đắn là cơ sở để thực hiện đoàn kết quốc tế trong sáng.

Từ rất sớm, nhờ đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tìm được con đường cứu nước đúng đắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của đoàn kết quốc tế với một tư duy và tầm nhìn mới, khác với những người Việt Nam yêu nước đương thời. Người đã thấy được cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới. Muốn giành thắng lợi, cách mạng Việt Nam phải dựa vào sức mạnh bên trong của chính mình, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, đồng thời phải tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế, thực hiện đoàn kết quốc tế, nhằm kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp góp phần cùng nhân dân thế giới thực hiện thắng lợi các mục tiêu của cách mạng. Với tinh thần “bốn phương vô sản đều là anh em”, quan niệm về đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất phong phú, rộng lớn, toàn diện, song luôn tập trung vào ba lực lượng chủ yếu là: phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và phong trào hòa bình, dân chủ thế giới.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn thực hiện được đoàn kết quốc tế vững chắc, hiệu quả, phải tìm ra được những điểm tương đồng về mục tiêu và lợi ích giữa các dân tộc, các lực lượng tiến bộ và phong trào cách mạng thế giới. Đây là vấn đề cốt tử trong đoàn kết, tập hợp lực lượng của cách mạng. Trên thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy mục tiêu hoà bình, độc lập dân tộc, tự do, bình đẳng, bác ái, ấm no, hạnh phúc cho tất cả những người lao động và tiến bộ thuộc mọi giống nòi, không phân biệt màu da, chủng tộc… làm điểm tương đồng để thực hiện liên minh thống nhất, đoàn kết quốc tế.

Mặt khác, đoàn kết quốc tế phải trên cơ sở có lý, có tình. Đây vừa là bài học lớn, vừa là nguyên tắc được Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết và đề cập một cách cô đọng, sâu sắc, đầy tính nhân văn trong Di Chúc. Người viết: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các Đảng anh em”. Từ đó, Người căn dặn Đảng ta phải “ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”. Có lý, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết là phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, phải xuất phát từ lợi ích chung của sự nghiệp cách mạng thế giới trong mối quan hệ thống nhất với lợi ích cơ bản của dân tộc. Tuy nhiên, việc tuân thủ, trung thành với chủ nghĩa Mác – Lê-nin không có nghĩa là giáo điều, rập khuôn, máy móc theo câu chữ, mà là sự vận dụng sáng tạo, có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và điều kiện lịch sử của mỗi nước, mỗi đảng. Có tình là đòi hỏi phải tôn trọng, thông cảm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trên tình đồng chí của những người cộng sản cùng chung lý tưởng, mục tiêu đấu tranh với kẻ thù chung, khắc phục tư tưởng nước lớn, cậy sức mạnh và vị thế của mình gây sức ép về kinh tế, chính trị, ngoại giao… để can thiệp, áp đặt ý kiến, hoặc công khai nói xấu, công kích. Có tình cũng đòi hỏi phải biết lắng nghe, chờ đợi, thuyết phục; trong khi bảo vệ lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc, của đảng, phải tính đến lợi ích chung, không được làm phương hại đến lợi ích của đảng khác, của dân tộc khác.

Trên cơ sở những nguyên tắc trên, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm hết sức mình để góp phần bảo vệ và khôi phục sự đoàn kết quốc tế, đồng thời làm cho những người bạn lớn trong các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, dù còn bất đồng, mâu thuẫn với nhau, nhưng vẫn luôn nhất trí và nhiệt tình ủng hộ sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta.

*
* *

Tròn 40 năm Bác Hồ đi xa, nhưng những tư tưởng và tình cảm sâu sắc, những lời dặn dò thiêng liêng trong Di chúc, đặc biệt là về giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế vẫn thấm sâu vào trái tim, khối óc mỗi người Việt Nam. Hiện nay, các thế lực thù địch đang thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, tìm cách lợi dụng khó khăn, yếu kém, khuyết điểm để bôi nhọ, nói xấu Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Tình hình đó càng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân phải tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Theo tinh thần đó, cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

1. Thấu suốt quan điểm của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được xác định trong Đại hội X: Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Xóa bỏ mọi mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp. Tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích dân tộc.

3. Bảo đảm công bằng và bình đẳng xã hội, chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của các giai cấp, tầng lớp nhân dân; kết hợp hài hoà các lợi ích cá nhân, tập thể, toàn xã hội; thực hiện dân chủ gắn với giữ gìn kỷ cương, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, coi đó là những yếu tố quan trọng để củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

4. Đảng ta là đảng cầm quyền, là hạt nhân lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo thông qua đường lối, chính sách, thông qua mối liên hệ mật thiết với nhân dân và vai trò gương mẫu, đi đầu của đảng viên. Đoàn kết trong Đảng là điểm tựa, là nòng cốt cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, trong tình hình hiện nay, phải đặc biệt chú trọng thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ là: không ngừng chăm lo củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên tự phê bình và phê bình, coi việc giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như “giữ gìn con ngươi của mắt mình”, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhất là tấm gương về thực hiện đại đoàn kết của Bác, một cách thiết thực, đi vào chiều sâu./.

-----------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội, 1996, t 6, tr 183

(2) Hồ Chí Minh: Sdd t 5, tr 552

(3) Hồ Chí Minh: Sdd t 12, tr 554

(4) Hồ Chí Minh: Sdd t 7, tr .241

(5) Hồ Chí Minh: Sdd t 4, tr .246 - 247