TCCSĐT - Ngày 14-8-2009, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn kết thúc chuyến công du khá dài ngày và được dư luận Mỹ đánh giá là khá ấn tượng tới các nước châu Phi gồm Kê-ni-a, Nam Phi, Ăng-gô-la, Công-gô, Ni-gê-ri-a và Li-bê-ri-a. Chuyến công du này diễn ra chỉ sau hơn ba tuần kể từ chuyến thăm châu Phi của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma tới Cộng hoà Ga-na, trong bối cảnh nguyên thủ các cường quốc là Trung Quốc và Nga cũng vừa thăm lục địa này, lại một lần nữa đưa “lục địa đen” vào tâm điểm các cuộc tranh luận về địa - chính trị trong thế kỷ XXI.

Điều gì thu hút bước chân của Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn tới châu Phi?

Đầu tháng 8-2009, trong khi chuẩn bị cho chuyến thăm “lục địa đen”, bà Hi-la-ri Clin-tơn tuyên bố với giới báo chí, mục đích của chuyến công du này là để “thể hiện quyết tâm của Mỹ tăng cường và củng cố mối quan hệ với các nước châu Phi và giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn nhất”. Tuyên bố đó của Ngoại trưởng Hi-la-ri Clin-tơn gần như lặp lại ý tứ trong tuyên bố của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma vào đầu tháng 1-2009, rằng Mỹ sẽ theo đuổi bốn mục tiêu ở châu Phi. Đó là, “bảo đảm gìn giữ hoà bình”, “phát triển dân chủ”, “ủng hộ kinh tế thị trường” và “giúp đỡ chống lại dịch bệnh”. Giới phân tích chính trị quốc tế từ lâu đã hiểu được những gì thường ẩn dấu đằng sau những cụm từ quen thuộc đó, cái mà đã từng nhiều lần được phát ngôn từ các chính khách cao cấp nhất ở Mỹ. Theo nhiều nhà quan sát, chỉ cần lướt qua danh sách 7 nước trên đây trong chương trình chuyến thăm của Ngoại trưởng Hi-la-ri Clin-tơn, có thể thấy Mỹ đang theo đuổi những lợi ích gì.

Theo báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ, nếu năm 2000, tỷ trọng dầu mỏ của châu Phi trong toàn bộ khối lượng dầu mỏ nhập khẩu trên thế giới chiếm chưa đến 9,5%, thì vào năm 2010, con số đó sẽ là 28-30%. Sự gia tăng đó chủ yếu là nhờ dầu mỏ ở các nước nằm ven bờ vùng vịnh Ghi-nê như Ni-gê-ni-a, Gi-nê Xích Đạo và Ăng-gô-la. Cũng vào năm 2010, những quốc gia này sẽ chiếm tới 80% dầu mỏ khai thác ở khu vực cận Xa-ha-ra. Những công trình nghiên cứu mới đây nhất chứng tỏ, nhiều khu vực khác của châu Phi như vùng thềm lục địa của các nước An-giê-ri, Tuy-ni-di, Sát, Ni-gê-ri-a và Mô-ri-ta-ni còn tiềm ẩn khối lượng dầu mỏ khổng lồ.

Hiện tại, Mỹ đang là khách hàng chủ yếu nhập khẩu dầu mỏ của châu Phi, trong đó Ni-gê-ri-a và Ăng-gô-la là hai quốc gia xuất khẩu “vàng đen” hàng đầu thế giới. Còn Công-gô là quốc gia có trữ lượng rất lớn quặng tatal - một nguyên liệu cốt yếu trong công nghệ điện tử mà các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ rất cần đến. Nếu duy trì mức độ tiêu thụ dầu mỏ như hiện nay, trong tương lai không xa, dầu mỏ của châu Phi sẽ chiếm tỷ phần rất lớn trong nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Mỹ. Chính vì thế, một trong những ưu tiên trong chính sách của Mỹ đối với châu Phi là chiến lược tranh giành quyền kiểm soát tài nguyên thiên nhiên ở châu lục này.

Mỹ sẽ kiểm soát châu Phi như thế nào?

Có lẽ chẳng ai không biết, Mỹ là nước có ưu thế quân sự hàng đầu thế giới và dĩ nhiên, họ sẽ phát huy tối đa sức mạnh của “chiếc gậy” này. Trong khi đó, châu Phi lại là môi trường lý tưởng để Mỹ phát huy ưu thế quân sự. Theo tổng kết của các chuyên gia lịch sử quân sự, trong vài thập niên gần đây, châu Phi là lục địa vô địch về con số các cuộc xung đột so với tất cả các khu vực khác trên thế giới, với số người thiệt mạng đã lên tới 10 triệu người. Nguyên nhân là do hậu quả của chủ nghĩa thực dân để lại ở châu lục này từ thế kỷ XIX, đặc biệt là sự phát triển chính trị không ổn định của các nước châu Phi sau khi họ giành được quyền độc lập.

Lấy cớ tình hình chính trị nội bộ ngày càng căng thẳng ở nhiều nước châu Phi và nguy cơ ngày càng tăng của các tổ chức tội phạm, một số thế lực chính trị và quân sự ở Mỹ ngày càng can thiệp sâu vào hoạt động bảo đảm an ninh ở các quốc gia này. Mỹ đã đề nghị các quốc gia châu Phi xây dựng hệ thống bảo vệ các khu khai thác dầu; các tuyến vận chuyển dầu mỏ và khí đốt; huấn luyện và trang bị cho các lực lượng an ninh địa phương với sự giúp đỡ của các tổ chức an ninh được quân sự hoá của tư nhân hoặc của chính phủ. Ở cấp độ khu vực, Mỹ tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm xây dựng một cơ chế quân sự thống nhất để bảo vệ vùng vịnh Ghi-nê với vai trò điều phối và tổ chức của các chuyên gia quân sự Mỹ. Đổi lại, Mỹ yêu cầu mở rộng chế độ thuận lợi nhất cho các hãng dầu mỏ và khí đốt của Mỹ hoạt động trên thị trường châu Phi.

Ngoài ra, Mỹ áp dụng phổ biến các hình thức hợp tác quân sự với các nước châu Phi như các chương trình viện trợ quân sự, chương trình tăng cường khả năng gìn giữ hoà bình và chống khủng bố cho các lực lượng vũ trang châu Phi nhằm đối phó với “các mối đe doạ và thách thức mới”, “can thiệp trả đũa” như ở Áp-ga-ni-xtan hoặc "can thiệp phòng ngừa" như tại I-rắc cho khu vực châu Phi. Mỹ còn áp dụng "Sáng kiến hoạt động gìn giữ hoà bình toàn cầu"(“Global Peace Operations Initiative-GPOI”), được Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ chính thức phê chuẩn năm 2004, nhằm xây dựng một lực lượng gìn giữ hoà bình ngoài khuôn khổ Liên hợp quốc dựa trên cơ sở 75 nghìn nhân viên quân sự các nước châu Phi do các chuyên gia quân sự Mỹ tổ chức và huấn luyện.

Ngoài “chiếc gậy”, Mỹ còn không quên sử dụng sức thu hút của “củ cà rốt”. Chỉ tính riêng chuyện thực hiện "Sáng kiến hoạt động gìn giữ hoà bình toàn cầu", Mỹ đã chi cho các nước châu Phi gần 1 tỉ USD. Thông qua Diễn đàn G8 và các tổ chức phi chính phủ, Mỹ đã viện trợ cho các nước châu Phi hàng chục tỉ USD nhằm mục đích khắc phục khó khăn kinh tế, chống dịch bệnh và nghèo đói. Về mặt ngoại giao, Mỹ đánh giá cao vai trò của các nước châu Phi và tranh thủ sự ủng hộ của các nước đó đối với các chủ trương của Mỹ. Trong chuyến thăm Ga-na, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma tuyên bố, thế giới ngày nay không chỉ được định đoạt ở Mát-xcơ-va, Oa-sinh-tơn, Pa-ri mà cả ở Ga-na. Bài phát biểu của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma ở Ga-na đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của các nước châu Phi.

Ai sẽ “so găng” với Mỹ trên “đấu trường” châu Phi?

Hiện có nhiều “võ sĩ” đang chuẩn bị “so găng” với Mỹ trên “đấu trường” châu Phi, như Nga, Ấn Độ, Pháp và Anh, nhưng “võ sĩ” đáng gờm hơn cả là Trung Quốc. Vì sao vậy? Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu mỏ nhiều thứ hai của châu Phi, sau Mỹ. Chiến lược của Trung Quốc ở châu Phi là vừa bảo đảm duy trì nguồn nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên, vừa cạnh tranh thị trường tiêu thụ hàng hoá do “công xưởng của thế giới” ở Trung Quốc làm ra.

Chỉ tính năm 2008, khối lượng thương mại giữa Trung Quốc với các nước châu Phi đã lên tới 100 tỉ USD. Sau chuyến thăm châu Phi của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, quan hệ thương lại giữa Trung Quốc với “lục địa đen” sẽ còn tăng nhanh hơn nữa. Về kinh tế, Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn so với Mỹ. Trước hết, Trung Quốc chưa bao giờ bị các nước châu Phi gọi là những kẻ có tham vọng thực dân hoặc bóc lột. Trung Quốc có một thứ vũ khí kinh tế rất mạnh mà Mỹ không thể có được. Đó là hàng hoá tiêu dùng giá rẻ, chất lượng cao, mà đa số các quốc gia đang nghèo đói ở châu Phi đều rất cần. Sự phát triển mạnh mẽ quan hệ giữa hai bên trong những năm gần đây thể hiện ở một thực tế đáng kinh ngạc: từ những năm 1990, khối lượng thương mại giữa Trung Quốc với các nước châu Phi tăng 700%! Trung Quốc đã thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực kinh tế của châu Phi. Theo báo “The Financial Times” (Anh), Trung Quốc đang chuẩn bị triển khai các hoạt động ở châu Phi với quy mô vượt xa mọi nỗ lực mà họ đã từng đầu tư vào đây từ trước tới nay. Các ngân hàng Trung Quốc đang chuẩn bị mọi điều kiện và tận dụng mọi khả năng để chiếm lĩnh các vị trí then chốt trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế chủ yếu ở châu Phi như dầu mỏ và khí đốt, viễn thông, luyện kim các nguyên tố hiếm và năng lượng. Trong các kế hoạch dài hạn của Trung Quốc, có việc tăng khối lượng đầu tư vào châu Phi lên tới khoảng 100 tỉ USD đến năm 2020. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ đầu tư vào Nga khoảng 20 tỉ USD.

Theo dự báo của tờ "Economist Intelligence Unit" (Anh), đến năm 2010, Trung Quốc sẽ trở thành lực lượng kinh tế thương mại chiếm ưu thế ở châu Phi và sẽ là đối tác thương mại chủ yếu của các nền kinh tế lớn nhất ở khu vực này như Ai Cập, Xu-đăng, Ni-gê-ri-a, Ăng-gô-la và đẩy lùi các đối tác truyền thống như Mỹ, Anh và Pháp ra khỏi "lục địa đen". Công ty "China Civil Engenering Constrruction" đã ký với Ni-gê-ri-a một hợp đồng trị giá 8,3 tỉ USD để xây dựng tuyến đường sắt kéo dài 1200 km đến bờ Đại Tây Dương. Đây là đề án đầu tư ở nước ngoài lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn giúp phục hồi hoạt động của các xí nghiệp khai thác mỏ ở Ga-bông, Dăm-bi-a và Công-gô. Tổng cộng đã có trên 600 hãng và công ty của Trung Quốc hợp tác với châu Phi.

Điều đáng chú ý là trong khi mở rộng ảnh hưởng sang châu Phi, Trung Quốc sẽ không lặp lại sai lầm của các chế độ thực dân trước đây tại châu lục này mà là chinh phục thế giới theo triết lý của Khổng Tử, buộc các đối tác phải "tâm phục khẩu phục". Các nước Châu Phi đặc biệt hài lòng khi Trung Quốc thực hiện các đề án kinh tế quy mô lớn tại đây mà không hề gây bất kỳ một áp lực chính trị nào đối với họ, kiểu như "dân chủ hoá" hoặc "bảo đảm quyền con người" như Mỹ vẫn làm. Vì thế, trong số những đối tác của Trung Quốc có cả ông Ô-ma An-Ba-xia, Tổng thống Xu-đăng - một người bị buộc tội tổ chức các hoạt động diệt chủng ở Đa-phua; hoặc ông Rô-bec Mu-ra-bê, Tổng thống Dim-ba-bu-ê - một nhân vật bị Mỹ lên án.

Hoạt động của Trung Quốc ở châu Phi khiến Mỹ lo ngại

Tháng 7-2008, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị, ông E-ric Ê-đen-man, tuyên bố trước các thành viên của Ủy ban đối ngoại của Thượng viện Mỹ rằng, hoạt động ráo riết và mạnh mẽ của Trung Quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng và thắt chặt các mối quan hệ với các nước châu Phi có thể có tạo ra những hậu quả “có tính bùng nổ” đối với Mỹ. Lầu Năm Góc đặc biệt quan tâm tới ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi. Mặc dù, Chính phủ Mỹ phủ nhận lý do thành lập Bộ chỉ huy quân sự đặc trách châu Phi “AFRICOM” là nhằm đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng thực chất là nhằm thực hiện chiến lược kiềm chế Trung Quốc ở châu lục này.

Giới phân tích chính trị - quân sự ở Mỹ cho rằng, hoạt động của Trung Quốc trong các quá trình kinh tế và ngoại giao ở châu Phi có thể sẽ gây ra nhiều phiền toái đối với Mỹ. Xét từ quan điểm quân sự, hoạt động của Trung Quốc gây khó khăn cho Mỹ tiến hành các chiến dịch khủng bố vì các nước trung thành với Trung Quốc sẽ ngăn cản Mỹ bố trí lực lượng quân sự trên lãnh thổ châu lục này. Xét từ quan điểm chính trị, một khi thắt chặt quan hệ với các nước châu Phi, Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng ngày càng lớn trong các tổ chức quốc tế như Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, trong đó châu Phi có tới 10 thành viên không thường trực.

Xem ra, Mỹ và Trung Quốc, trong cuộc chạy đua tranh giành lợi ích chiến lược ở châu Phi, mỗi bên có một phương sách khác nhau, nhưng cuối cùng họ sẽ phải “so găng” trong một cuộc đấu không khoan nhượng. Đó là điều khó tránh trong thời đại mới - thời đại cạnh tranh địa - chính trị./.