NAFTA 2009: Lợi ích không trùng hợp

Lang Trung
15:53, ngày 21-08-2009

TCCSĐT - Hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ (NAFTA) diễn ra trong 2 ngày 9 và 10-8-2009 tại Gua-da-la-gia-ra (Mê-hi-cô) với sự tham dự của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma, Thủ tướng Ca-na-đa X. Ha-pơ và Tổng thống nước chủ nhà F. Can-đê-rôn đã không có bất kỳ một thỏa thuận nào đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế đang quét qua lục địa Bắc Mỹ, mà chỉ phản ánh mối bất hòa giữa 3 nước khi họ quay trở lại với chủ nghĩa bảo hộ và và các chính sách chống lại người nhập cư.

Bốn vấn đề chủ yếu tại Hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ chỉ kéo dài 20 giờ là cuộc khủng hoảng ở Hon-đu-rát, sự quân phiệt hóa, sự nhập cư và chủ nghĩa bảo hộ. Cuộc họp báo ngắn của các nhà lãnh đạo NAFTA ngày 10-8 cho thấy chỉ có 3 vấn đề được thảo luận. Mặc dù đã nỗ lực để có một sự đồng thuận, nhưng sự bất hòa sâu sắc vẫn nổi lên, khởi đầu là ngôn ngữ ngoại giao.

Tại cuộc họp báo, Thủ tướng Ca-na-đa nói: “Chúng tôi thống nhất, trong thời đại toàn cầu hóa, thách thức chỉ có thể được giải quyết bằng nỗ lực chung. Mỹ, Ca-na-đa và Mê-hi-cô khẳng định các giá trị dân chủ, tự do, công lý và tôn trọng quyền con người”. Tuy nhiên, theo các nhà bình luận, giá trị bao trùm hội nghị thượng đỉnh này là chủ nghĩa đơn phương và sự coi thường nhân quyền và dân chủ.

Ngoài vấn đề Hon-đu-rát, một chủ đề bao trùm Hội nghị thượng đỉnh là cuộc chiến chống các các-ten ma túy hiện do Chính phủ Mê-hi-cô thực hiện. Quốc hội Mỹ đã chi 400 triệu USD cho kế hoạch Mê-ri-đa để chiến đấu chống lại ma túy trong lúc chờ đợi giải pháp về các vấn đề nhân quyền. Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma cam kết chi 1,4 tỉ USD cho Chính phủ và quân đội Mê-hi-cô, còn Thủ tướng Ca-na-đa thông báo sẽ huấn luyện cho lực lượng cảnh sát của nước này.

Về vấn đề hợp tác kinh tế, các nhà bình luận cho rằng, không ngạc nhiên khi không có bất kỳ sự bất đồng nào chia rẽ 3 nước được giải quyết. Thực tế, văn kiện của Hội nghị thượng đỉnh cho thấy, không có các quyết định quan trọng nhất ảnh hưởng đến các nền kinh tế Bắc Mỹ được đưa ra trong cuộc họp giữa 3 đối tác. Sau vẻ hợp tác bề ngoài và một tập hợp chung các lợi ích, sự tăng lên các vấn đề tự do thương mại, an ninh biên giới và nhập cư được thúc đẩy bởi lợi ích quốc gia của giới cầm quyền ở Ca-na-đa và Mỹ, được giới thiệu với Mê-hi-cô như một thực tế hiển nhiên, sau đó đã được chấp nhận miễn cưỡng.

Vấn đề nhập cư minh họa rõ nhất cho vấn đề này. Cả Ô-ba-ma và Ha-pơ đều bảo vệ cho các chính sách nhập cư - bản chất là chủ nghĩa bảo hộ - của Mỹ và Ca-na-đa, ngăn cấm nhiều hơn các phong trào nhân quyền quốc tế. Hơn nữa, các chính sách nhập cư hiện được áp đặt mà không có bất kỳ sự tham vấn nào của các nước thành viên NAFTA. Mỹ và Ca-na-đa đã tuyên bố trước Hội nghị thượng đỉnh rằng, họ sẽ không bàn đến các vấn đề nhập cư. Ví dụ, Mỹ vẫn cấm xe tải của Mê-hi-cô được hoạt động tự do trong lãnh thổ Mỹ. Lệnh cấm này là sự vi phạm trực tiếp đối với Hiệp định NAFTA.

Theo Tổ chức Công đoàn Bắc Mỹ, thành tựu lớn nhất mà NAFTA đạt được là đã định ra được mối quan hệ giữa Mỹ, Ca-na-đa, Mê-hi-cô trong 15 năm qua. NAFTA được thành lập với hy vọng nó sẽ tạo ra thêm nhiều công việc, mang đến sự tăng trưởng nhanh hơn cho khu vực và giảm dòng người nhập cư từ Mê-hi-cô vào Ca-na-đa và Mỹ. Nhưng trong khi thương mại và dòng vốn đầu tư tăng lên, NAFTA không mang đến được nhiều công việc liên quan đến thương mại. Trái lại, nó chỉ tạo ra được những việc làm với lương, phúc lợi thấp, không ổn định. Bên cạnh đó, bất bình đẳng thu nhập trong khu vực cũng đã tăng lên. Tất cả những điều này là do chính sách tự do hóa thương mại và đầu tư.

Những điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn này càng trở nên trầm trọng hơn do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng hiện nay, cuộc khủng hoảng xảy ra sớm do các chính sách tự do hóa thương mại và tài chính quốc tế. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hiện nay không cung cấp một cơ hội cho việc đánh giá lại học thuyết kinh tế hiện hành, sắp xếp, cơ cấu lại và hợp tác vì sự thịnh vượng chung thông qua việc thực hiện một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu. Những khó khăn này phải được giải quyết thông qua một quá trình tham dự và mở, bao gồm cả các tổ chức công đoàn và người lao động.

Ngày 9-8-2009, hơn 1.000 người đã biểu tình tại trung tâm Gua-da-la-gia-ra để phản đối sự bành trướng của NAFTA thông qua Hiệp định Đối tác thịnh vượng và an ninh Bắc Mỹ, đòi hỏi có sự đàm phán lại trực tiếp với sự tham dự đầy đủ của Mê-hi-cô, Ca-na-đa và Mỹ.

Ngày 10-8-2009, các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh đã ra tuyên bố, trong đó có đoạn “Chúng tôi nhận thức sâu sắc sự tham dự của công dân như một phần hội nhập của công việc của chúng tôi tại NAFTA. Chúng tôi hoan nghênh sự đóng góp của các doanh nghiệp và các nhóm xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ... Chúng tôi yêu cầu các bộ trưởng phải tham vấn khi họ làm việc theo mục tiêu được đề ra ở Gua-da-la-gia-ra”.

Bình luận về tuyên bố này, công đoàn, các tổ chức xã hội dân sự Bắc Mỹ... cho rằng: Chính phủ 3 nước Mỹ, Ca-na-đa và Mê-hi-cô cần thực hiện các biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế, chẳng hạn như định hướng khuyến khích tài chính để đáp ứng những ưu tiên quốc gia, bao gồm cả tái xây dựng hạ tầng cơ sở, sử dụng năng lượng sạch, quản lý lại thành phần tài chính, thông qua sự đổi mới luật lao động, củng cố các dịch vụ công. Bên cạnh đó, giảm bất bình đẳng và giải quyết cuộc khủng hoảng nhà đất kéo dài. Chính phủ Mỹ, Ca-na-đa và Mê-hi-cô cũng cần xem lại sự phối hợp chính sách kinh tế quốc tế để 3 nước có thể đóng một vai trò quan trọng ở quy mô khu vực và toàn cầu.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, danh mục mà công đoàn và các tổ chức xã hội dân sự đề ra không phải là các vấn đề ưu tiên tại Hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ. Bởi vì, hội nghị này thêm một lần nữa cho thấy, như thập kỷ 30 (thế kỷ XX), khủng hoảng tài chính toàn cầu đang thúc đẩy các chính phủ tư bản theo hướng bảo hộ, quân phiệt, chống lại quyền nhập cư, và làm hại các chính sách của nước láng giềng./.