Một hoạt động của Đoàn Thanh niên
khối các cơ quan TW tại Thái Bình - Ảnh PV
Sau hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế và xã hội, đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng và vươn lên phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng cao, đời sống của đại bộ phận dân cư được cải thiện. Tuy vậy, vẫn có một bộ phận dân cư chưa được hưởng những thành quả của sự phát triển ấy một cách bình đẳng, đó là người nghèo và các đối tượng xã hội.

1 - Thành tựu về bảo trợ xã hội trong những năm qua

Xu thế hội nhập và toàn cầu hóa đòi hỏi các chính sách bảo trợ xã hội cũng phải từng bước hội nhập. Đó là vấn đề có tính tất yếu và cũng là một trong những điều kiện cho quá trình hội nhập. Từ khi đổi mới đến nay, một số chính sách xã hội của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội bao gồm chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách ưu đãi xã hội, chính sách trợ giúp xã hội và người nghèo (sau đây viết tắt là BHXH - UĐXH - TGXH) gọi chung là chính sách về bảo trợ xã hội; đã được hình thành và từng bước hoàn thiện, góp phần quan trọng vào việc ổn định cuộc sống của các đối tượng xã hội và trợ giúp người nghèo có cơ hội vươn lên và hòa nhập cộng đồng.

Tính đến cuối năm 2007, đối tượng BHXH, UĐXH, TGXH được mở rộng, chất lượng cuộc sống được duy trì và có bước cải thiện: Khoảng 6,7 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm tỷ lệ 14,9% so với lực lượng lao động (45 triệu người) và 56,2% so với số lao động có quan hệ lao động (12 triệu người), trong đó có 1,5 triệu người hưởng chế độ hưu trí. Trên 8 triệu người thuộc diện được hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công (1996 - 2006) chiếm tỷ lệ 10% so với dân số của cả nước. Trong số đó, có 4,1 triệu người hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi kháng chiến, trên 2 triệu người hưởng chế độ thân nhân của người có công mất trước năm 1995, xấp xỉ 1,5 triệu người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, trên 60.000 người hưởng chế độ thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, gần 200 nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ hưởng chế độ bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Khoảng 578 nghìn người được trợ cấp xã hội (chiếm 0,6% dân số và khoảng 48,1% đối tượng thuộc diện Nghị định số 67/2007/NĐ-CP) bao gồm: trẻ em mồ côi; người già cô đơn; người từ 85 tuổi trở lên; người tàn tật; người tâm thần; người nhiễm HIV/AIDs; người nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, tàn tật; người đơn thân nuôi con nhỏ; gia đình có hai người tàn tật nặng trở lên; và hàng triệu đối tượng khác được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau; trên 3 triệu hộ nghèo đã được trợ giúp tiếp cận các dịch vụ sản xuất (tín dụng, đất sản xuất, học nghề, khuyến nông, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất) và dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nước sạch, nhà ở) góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tỷ lệ giảm nghèo hằng năm đạt gần 3%.

2 - Thách thức đối với bảo trợ xã hội

Mặc dù đạt được những thành tựu đáng khích lệ về thực hiện các chính sách, chương trình bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội, nhưng bên cạnh những thành tựu đó, chúng ta cũng dễ nhận thấy những bất cập sau đây:

Một là, thể chế chính sách còn nhiều bất cập. Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi xã hội và trợ cấp xã hội thấp (450 nghìn và 120 nghìn đồng) so với mức sống trung bình của dân cư và mức sống cơ bản tối thiểu; độ bao phủ các đối tượng tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội chưa cao (14,9% lực lượng lao động và 0,6% dân số); chưa có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa mức chuẩn trợ cấp người có công với mức bảo hiểm xã hội thấp nhất, mức chuẩn trợ cấp xã hội và tiền lương tối thiểu (sau đây gọi tắt là các mức chuẩn trợ cấp và tiền lương); các mức chuẩn trợ cấp và các chế độ trợ cấp trong từng hệ thống chính sách cũng chưa hài hòa với quá trình tăng trưởng kinh tế và cũng chưa thể hiện được tính công bằng, đồng bộ và khoa học.

Hai là, thể chế tài chính để thực hiện chính sách BHXH, UĐXH, TGXH cũng chưa đồng bộ. Đối với BHXH, mối quan hệ giữa thu và chi ngày càng có nguy cơ mất cân đối và thiếu tính bền vững. đối với UĐXH, TGXH, nguồn cấp từ ngân sách của Nhà nước nhìn chung chưa đáp ứng được tình hình thực tế, nhu cầu lớn nhưng nguồn lực tài chính lại có hạn. Tính đến năm 2007, tỷ lệ ngân sách nhà nước chi cho UĐXH chiếm khoảng 3%, chi cho TGXH chiếm khoảng 0,3% (trong đó chi trợ cấp xã hội khoảng 0,2%), chi trực tiếp cho chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo mới đáp ứng 16% nhu cầu tài chính của Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ba là, thể chế tổ chức và đội ngũ cán bộ có tính chuyên nghiệp cũng bộc lộ nhiều hạn chế, nhận thức chưa đầy đủ về chức năng cung cấp dịch vụ công; đội ngũ cán bộ vừa không đủ, vừa hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp vì chưa được đào tạo cơ bản chuyên ngành về công tác xã hội; bảo hiểm xã hội, phần đông hoạt động là dựa vào trực giác và cảm tính; cấp xã, phường, thị trấn chỉ có một nửa định xuất cán bộ làm công tác lao động - thương binh và xã hội. ở cấp huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội ghép với Phòng Nội vụ, với biên chế bình quân từ 7 - 9 người, trong đó chỉ có khoảng 4 - 5 người làm về công tác lao động - thương binh và xã hội, dẫn đến quá tải về công việc; thiếu khung khổ pháp lý cho việc phát triển hệ thống tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc, bảo vệ các đối tượng xã hội phù hợp với nền kinh tế thị trường, vẫn nặng tư duy chăm sóc, bảo vệ với mức độ hạn hẹp theo kiểu bao cấp.

Bốn là, kết quả giảm nghèo tuy nhanh nhưng thiếu bền vững, nguy cơ tái nghèo cao, chính sách giảm nghèo vẫn nặng về bao cấp, chưa khuyến khích tạo lập tính tự chủ và sự năng động theo thể chế kinh tế thị trường; bất bình đẳng giữa nhóm giàu và nhóm nghèo vẫn có xu hướng gia tăng.

3 - Một số giải pháp trong thời gian tới

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sẽ có nhiều cơ hội và thách thức. Những cơ hội dành cho kinh tế nhiều hơn cho xã hội, còn thách thức đối với vấn đề xã hội lại nhiều hơn kinh tế, vì vậy cần phải có những nghiên cứu nghiêm túc mang tính tổng thể nhằm phát triển các chính sách BHXH, UĐXH, TGXH, bảo đảm sự hài hòa với tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới, trước mắt là giai đoạn 2008 - 2015.

3.1 - Về bảo hiểm xã hội

- Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi mở rộng đối tượng tham gia BHXH và hướng tới bao phủ toàn dân theo cơ chế bắt buộc và tự nguyện, sự tham gia đông đảo của người dân cũng là vấn đề công bằng xã hội. Mặt khác, việc tạo cơ hội tích lũy từ trẻ để bảo đảm tuổi già là một nhu cầu tất yếu khách quan để giảm thiểu rủi ro.

- Giải quyết dứt điểm những bất hợp lý về chính sách lương hưu qua các thời kỳ và tiền đóng góp cho BHXH của những người tham gia BHXH trước 1995.

- Thực hiện cơ chế đóng và hưởng tương ứng bao gồm cả việc loại trừ yếu tố lạm phát, Nhà nước và tư nhân đều có thể tham gia cung cấp dịch vụ BHXH. Nhà nước chỉ bảo trợ chứ không bao cấp cho người tham gia BHXH khi thay đổi chính sách tiền lương, sự bao cấp của Nhà nước sẽ làm cho tính công bằng xã hội giảm đi giữa người tham gia BHXH và người không tham gia BHXH.

- Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cuộc sống cho những người tham gia BHXH, Nhà nước có thể áp dụng chính sách trợ cấp cho các gia đình có thu nhập thấp, nhất là các gia đình có người già, người khuyết tật, và trẻ em, nhưng người tham gia hệ thống BHXH mà thu nhập thấp vẫn được hưởng chính sách trợ cấp xã hội cho người thu nhập thấp. Sự gắn kết chính sách BHXH và chính sách TGXH thể hiện tính minh bạch giữa đóng góp và thụ hưởng BHXH và sự trợ giúp của Nhà nước.

- Tách bảo hiểm y tế ra khỏi BHXH. Như vậy, BHXH chỉ còn các chế độ là hưu trí, tử tuất, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, vì khả năng bảo hiểm y tế hướng tới bao phủ toàn dân nhanh hơn BHXH nếu có cơ chế khuyến khích của Nhà nước và thực hiện theo cơ chế thị trường có sự cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ y tế giữa khu vực Nhà nước và tư nhân. Vì hiện tại ở các đô thị lớn, thu nhập của các bác sỹ làm trong các bệnh viện của Nhà nước không phải chủ yếu từ tiền lương.

3.2 - Về ưu đãi xã hội

- Bảo đảm cho đối tượng là người có công có mức sống hoặc thu nhập ngang bằng mức sống trung bình dân cư. Vì trên thực tế, rất nhiều đối tượng hưởng chế độ tuất, nhưng lại sống với con, cháu, trong các gia đình đông người, đa thế hệ, nếu gia đình này thu nhập thấp thì khó có thể bảo đảm cho họ có mức sống ngang bằng với mức sống trung bình của dân cư.

- Thiết kế lại hệ thống chế độ trợ cấp ưu đãi theo hướng gọn nhẹ hơn, đơn giản hơn, đỡ tốn chi phí quản lý khi có sự thay đổi chế độ trợ cấp. Trước mắt, có thể áp dụng 2 hệ thống: một là, chế độ trợ cấp cho thương binh và người chính sách như thương binh giống như hiện nay; hai là, chế độ trợ cấp cho các đối tượng có công khác, dựa trên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi xã hội nhân với một hệ số tương ứng. Khoảng cách giữa các mức trợ cấp không nên quá gần có thể từ 0,2 - 0,5 chỉ nên sử dụng chế độ trợ cấp, không nên sử dụng cả chế độ trợ cấp và phụ cấp cho một đối tượng. Điều này phức tạp và thiếu tính khoa học.

- Điều chỉnh lại khái niệm người có công trước lúc xây dựng Luật Người có công, trên cơ sở đó rà soát lại đối tượng ưu đãi xã hội và chuyển bộ phận không thuộc nhóm người có công (ưu đãi xã hội), chuyển sang hưởng chính sách TGXH để bảo đảm tính công bằng và cũng phù hợp với xu hướng hội nhập và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

3.3 - Về trợ giúp xã hội

- Tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp xã hội cho phù hợp với quá trình tăng trưởng kinh tế, loại trừ yếu tố lạm phát và điều chỉnh tiền lương tối thiểu, mức chuẩn ưu đãi xã hội và chế độ BHXH, để bảo đảm cho các đối tượng có được mức sống cơ bản tối thiểu, khắc phục sự cách biệt giữa mức sống trung bình của dân cư với thu nhập và mức sống của các đối tượng bảo trợ xã hội.

- Nghiên cứu bổ sung chính sách trợ cấp cho gia đình thu nhập thấp có người già, người khuyết tật, trẻ em (nhất là các gia đình thu nhập thấp có người già đơn thân, trẻ em hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật nặng).

- Nghiên cứu hình thành cơ chế chi trả trực tiếp các khoản trợ cấp xã hội, trợ giúp giáo dục cho đối tượng xã hội mà các nước gọi là chương trình "Cash transfer", hay nói cách khác Nhà nước trực tiếp mua dịch vụ của các tổ chức công để giúp đối tượng thông qua việc trực tiếp chuyển tiền cho họ để họ tự thực hiện. Cơ chế này sẽ giúp các đối tượng xã hội tiếp cận các dịch vụ xã hội công bằng hơn, bình đẳng hơn, chất lượng hơn, khắc phục tình trạng phân biệt người nộp tiền thì được ưu ái hơn, người miễn giảm thì phân biệt đối xử.

- Phát triển công tác xã hội như một nghề chuyên nghiệp, hình thành mạng lưới tổ chức sử dụng nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp như trung tâm công tác xã hội cấp quận, huyện; hình thành đội ngũ nhân viên làm công tác xã hội chuyên nghiệp có kiến thức, có kỹ năng và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, để tư vấn, tham vấn cho các đối tượng xã hội tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội và các nguồn lực ở cộng đồng để tự mưu kế sinh nhai. Mặt khác, đội ngũ nhân viên làm công tác xã hội còn có đủ kỹ năng chăm chóc các đối tượng xã hội như người già, người khuyết tật khi họ có nhu cầu.

- Xúc tiến việc nghiên cứu hình thành Luật Người khuyết tật, Luật Người cao tuổi để nâng cao tính pháp lý trong việc trợ giúp, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, người khuyết tậttrong cuộc sống cộng đồng./.