Để nâng cao chất lượng công tác thi hành án
Thi hành án là giai đoạn tiếp nối cuối cùng của quá trình tố tụng. Nếu những phán quyết của Toà án không được đưa ra thi hành thì các giai đoạn trước của quá trình tố tụng không có ý nghĩa trên thực tế.
Trong những năm qua, mặc dù chúng ta đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả nhất định, nhưng hiệu quả của công tác thi hành án vẫn còn là vấn đề phải bàn luận nhiều. Về hình sự, phạm nhân bị án phạt tù nhưng vẫn sống ngoài xã hội còn một số lượng đáng kể. Về dân sự, số án tồn đọng chưa thi hành gia tăng qua các năm mà chưa tìm ra phương án giải quyết hữu hiệu nhất.
Xét về mặt nhận thức, nhiều tổ chức cá nhân trong xã hội và ngay cả các cấp chính quyền cũng thường coi tổ chức thi hành án là việc riêng của cơ quan công an và hệ thống cơ quan thi hành án thuộc Bộ Tư pháp; thậm chí, một số Ủy ban nhân dân là đối tượng bị thi hành án còn không tự giác thi hành hoặc cố tình trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Xét về mặt tổ chức, các quy định hiện hành đã làm cho bộ máy thi hành án bị phân tán. Vị trí pháp lý của cơ quan thi hành án trong bộ máy nhà nước chưa được xác định rõ ràng. Một số vấn đề về mặt lý luận cũng chưa được khẳng định. Nhìn chung trong công tác thi hành án, bộ máy tổ chức chưa được hoàn thiện và cán bộ hoạt động còn nhiều lúng túng, do đó hiệu quả chưa cao.
Chúng tôi cho rằng, việc xác định rõ đặc điểm và bản chất của hoạt động thi hành án, quy định rõ trách nhiệm đối với công tác thi hành án của các chủ thể trong bộ máy nhà nước, từ đó xác định một mô hình tổ chức bộ máy thi hành án phù hợp là những vấn đề mấu chốt để nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác thi hành án trong giai đoạn hiện nay.
1- Đặc điểm của hoạt động thi hành án và trách nhiệm thi hành án:
Thi hành án là một hoạt động mang tính chất tư pháp đặt dưới sự chỉ đạo, tổ chức và quản lý của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Đây là hoạt động hành chính - tư pháp.
Tính chất tư pháp của thi hành án thể hiện ở chỗ: Thứ nhất, đây là giai đoạn cuối cùng của quá trình tố tụng hình sự (điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án) và được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, những hành vi xâm phạm hoạt động thi hành án đến mức là tội phạm bị trừng trị theo các tội danh quy định tại chương 12 Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Thứ hai, khoản 6 Điều 3 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân quy định một trong những nội dung để thực hiện chức năng giám sát hoạt động tư pháp đó là kiểm sát hoạt động thi hành án. Thứ ba, chấp hành viên là một loại chức danh được đào tạo từ Trường đào tạo các chức danh tư pháp.
Tính chất hành chính của hoạt động thi hành án được thể hiện ở chỗ, pháp luật hiện hành quy định trách nhiệm tổ chức, quản lý, chỉ đạo công tác thi hành án thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các địa phương (khoản 4 Điều 18 Luật tổ chức Chính phủ và khoản 6 Điều 43 Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân).
Tính chất hành chính - tư pháp là một đặc điểm rất quan trọng cần lưu ý trong khi quy định về tổ chức và hoạt động của thi hành án. Là hoạt động thuộc trách nhiệm của hệ thống cơ quan hành pháp nên trong các quy định của pháp luật thi hành án phải xác định rõ trách nhiệm chính trong tổ chức, quản lý, chỉ đạo công tác thi hành án phải thuộc về Chính phủ và Ủy ban nhân dân các địa phương. Việc tổ chức thi hành án phải huy động được sức mạnh tổng thể cùng các điều kiện cơ sở vật chất của bộ máy hành pháp. Điều này có ý nghĩa hết sức lớn đối với việc tổ chức cưỡng chế thi hành án bởi nếu không huy động được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng công an, quân đội, các cơ quan chuyên môn của hệ thống cơ quan hành pháp… thì một mình cơ quan thi hành án sẽ không thể làm nổi. Với đặc điểm là hoạt động mang tính chất tư pháp thì những tổ chức và cá nhân có thẩm quyền trực tiếp thi hành án (thủ trưởng cơ quan thi hành án, chấp hành viên) phải có tính độc lập tương đối, hoạt động theo luật và chịu trách nhiệm trước Nhà nước.
2- Những yêu cầu cần phải quán triệt khi xây dựng pháp luật về thi hành án:
Luật thi hành án cần phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
- Xác định việc tổ chức, chỉ đạo, quản lý công tác thi hành án thuộc trách nhiệm của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các địa phương theo đúng quy định của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
- Thu gọn đầu mối các cơ quan thi hành án bằng cách thành lập cơ quan này chuyên trách theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội IX của Đảng về “tổ chức thi hành án theo nguyên tắc gọn đầu mối. Thành lập cảnh sát tư pháp”.
- Phân biệt rõ và quy định cụ thể trách nhiệm tổ chức, quản lý, chỉ đạo của cơ quan hành chính các cấp với trách nhiệm trực tiếp thi hành án của cơ quan thi hành án và chấp hành viên; vừa phải đảm bảo nâng cao trách nhiệm của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, vừa phải đảm bảo tính độc lập, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thi hành án và chấp hành viên.
- Thi hành án là hoạt động hành chính - tư pháp có liên quan đến tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác của công dân do đó cùng với những quy định về nội dung, pháp luật về thi hành án cũng cần phải chú trọng các quy định cụ thể và chặt chẽ hơn về trình tự, thủ tục thi hành án, trình tự thủ tục khiếu nại về thi hành án. Cần quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại thi hành án theo hướng phân biệt rõ những vấn đề gì giải quyết theo trình tự giải quyết khiếu nại hành chính, những vấn đề gì giải quyết theo trình tự giải quyết khiếu nại tư pháp.
3- Về mô hình cơ quan thi hành án chuyên trách:
Việc nghiên cứu để xây dựng Luật Thi hành án và cơ quan thi hành án chuyên trách là vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách.
Ở trên đã nói, tổ chức bộ máy cơ quan thi hành án hiện nay còn nhiều bất cập, đầu mối thi hành án thiếu tập trung. Mô hình tổ chức hiện hành đang tạo nên tình trạng chồng chéo trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Vị trí pháp lý, tên gọi của các phòng và đội thi hành án dân sự chưa tạo nên được một vị thế tương xứng với nhiệm vụ của cơ quan thi hành án. Bộ máy tổ chức hiện hành vừa không phát huy được trách nhiệm và sức mạnh của các cấp chính quyền trong công tác thi hành án, vừa không tạo được sự độc lập cần thiết của thủ trưởng cơ quan thi hành án và chấp hành viên đối với chính quyền, nhất là trong những trường hợp đối tượng thi hành án chính là Uỷ ban nhân dân.
Mô hình tổ chức cơ quan thi hành án mới phải khắc phục được những bất cập của mô hình tổ chức hiện hành và tạo nên hiệu quả cao cho hoạt động thi hành án. Từ đặc điểm hoạt động thi hành án là hoạt động hành chính - tư pháp thì tổ chức cơ quan thi hành án phải theo nguyên tắc song trùng trực thuộc, chấp hành viên và thủ trưởng cơ quan thi hành án hoạt động theo luật. Có thể phác thảo hệ thống tổ chức thi hành án như sau:
- Tổ chức và quản lý thi hành án thuộc trách nhiệm Chính phủ mà người đứng đầu là Thủ tướng. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thi hành án. Trong Bộ Tư pháp có một bộ phận giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ này (có thể là Tổng cục thi hành án); không nên quy định chức năng trực tiếp thi hành án ở cấp trung ương. Đối với những vụ án lớn, phức tạp có liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương thì Thủ tướng chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, tổ chức việc thi hành.
- Ở cấp tỉnh, tổ chức và chỉ đạo công tác thi hành án là trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Ở cấp tỉnh có cơ quan thi hành án tương đương cấp sở. Đây vừa là đầu mối giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức và chỉ đạo công tác thi hành án, vừa là nơi trực tiếp thi hành án. Cơ quan thi hành án cấp tỉnh chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Tổng cục thi hành án (Bộ Tư pháp).
- Ở cấp huyện, tổ chức và chỉ đạo công tác thi hành án thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện. Cơ quan thi hành án cấp huyện vừa là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân huyện trong việc tổ chức và chỉ đạo thi hành án, vừa là cơ quan có trách nhiệm trực tiếp thi hành án. Cơ quan thi hành án cấp huyện chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan thi hành án cấp tỉnh.
- Chấp hành viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm và hoạt động theo luật. Thủ trưởng cơ quan thi hành án do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cùng cấp./.
10 sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 19 đến 25-05-2008)  (26/05/2008)
10 sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (Từ 19 đến 25-05-2008)  (26/05/2008)
145 tác phẩm vào chung khảo giải báo chí quốc gia  (26/05/2008)
Bác Hồ đi làm ruộng với nông dân*  (26/05/2008)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên