TCCS - Ngày 28-8-2023, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc về công tác chuẩn bị Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. 

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi họp_Ảnh: TTXVN

Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các thành viên trong Ban Tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9; đại diện các ban, bộ, ngành hữu quan và đại diện các tiểu ban giúp việc Ban Tổ chức hội nghị.

Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 14-9 đến ngày 18-9-2023 với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”.  Theo báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, đến ngày 28-8-2023, đã có 64 đoàn đăng ký tham dự hội nghị với 244 người, trong đó có 172 nghị sĩ, 72 trợ lý, thư ký.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 là hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng, duy nhất do Quốc hội nước ta đăng cai tổ chức trong năm nay. Đây là dịp rất quý để quảng bá về đất nước, con người Việt Nam và những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được với bạn bè quốc tế. Phạm vi là hội nghị nghị sĩ trẻ, nhưng tính chất là toàn cầu, nên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành rất quan tâm.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn sự quan tâm, tham gia nhiệt tình, trách nhiệm, hiệu quả của các ban, bộ, ngành ở Trung ương và một số địa phương liên quan trực tiếp, như Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh; sự giúp đỡ của các doanh nghiệp; sự chủ động của Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam. Ban Tổ chức hội nghị đã hoạt động hết công suất, trách nhiệm cao.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các tiểu ban, Ban Tổ chức nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại cuộc họp để hoàn tất khâu chuẩn bị; trong đó tiểu ban nội dung tiếp tục hoàn thiện các kịch bản chi tiết của từng sự kiện, từng phiên họp, thời lượng, nội dung các bài phát biểu; rà soát thật kỹ từng nội dung; cần có phương án dự phòng cho từng tình huống để tránh bị động.

Tiếp sau đăng cai thành công Đại hội đồng IPU-132 (năm 2015), Hội nghị APPF lần thứ 26 (năm 2016) và Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 (năm 2020), việc đăng cai hội nghị lần này góp phần khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm và chủ động của Việt Nam trong IPU - tổ chức liên nghị viện lớn nhất thế giới; đồng thời cho thấy sự chú trọng, quan tâm của Việt Nam đối với thanh niên và các vấn đề chung toàn cầu của giới trẻ hiện nay./.

Nguyễn Thùy (tổng hợp)